Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Mặt khuất của kinh tế chia sẻ

Kết nối mạnh mẽ, chia sẻ rộng rãi, mang đến cơ hội kiếm tiền cho nhiều người là một số trong nhiều ưu điểm được những người tham gia nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) liệt kê.

mặt khuất, kinh tế chia sẻ

Đúng là mô hình kinh doanh bằng ứng dụng công nghệ này đã và đang làm thay đổi bộ mặt của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, mặt khuất của kinh tế chia sẻ – thứ được xem là sự tiến bộ mang tính đột phá đang ẩn chứa nhiều nguy cơ và rủi ro cần thiết phải được nghiên cứu kỹ càng.

Tin tưởng một cách thiếu cơ sở

Đầu tháng 7 vừa qua, tại Trung Quốc, tờ South China Morning Post ghi nhận trường hợp startup mang tên Sharing E Umbrella mất hơn 300.000 chiếc dù cho thuê trong chưa đầy một tháng ra mắt dịch vụ. Trước đó, Wukong Bicycle – một công ty khởi nghiệp cho thuê xe đạp, cũng đã phải tuyên bố đóng cửa chỉ sau 6 tháng hoạt động vì những chiếc xe đã “không cánh mà bay”.

Hai công ty này dường như đã quá ảo tưởng và chủ quan về sự trung thực của khách hàng. Dù cho hiện Sharing E Umbrella đã tuyên bố sẽ trở lại thị trường vào cuối năm nay với hơn 30 triệu chiếc dù mới, vụ việc của công ty này vẫn trở thành một ví dụ điển hình để nghiên cứu về sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ và cả những nguy cơ phát sinh từ nó.

Tháng trước, cũng tại Trung Quốc, giới chức địa phương đã yêu cầu ngưng hoạt động dịch vụ cho thuê phòng ngủ mini tại Bắc Kinh và Thượng Hải của một công ty chia sẻ. Lý do là chính quyền nghi ngờ nó sẽ trở thành nơi chứa chấp các băng nhóm tội phạm cũng như startup đằng sau nó chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến giấy phép cộng với chứng nhận an toàn sản phẩm.

Cánh truyền thông phương Tây mới đây cũng được một phen ồn ào trước scandal quấy rối tình dục đến từ dịch vụ đặt phòng “hot” nhất hiện nay là AirBnB. Một người phụ nữ đệ đơn kiện AirBnB do doanh nghiệp này đã không kiểm tra lý lịch của chủ nhà dẫn đến việc cô bị người đàn ông cho thuê nhà tấn công.

Xem thêm  Ông Trịnh Văn Quyết và ROS bị phạt 195 triệu đồng do bán 'chui' cổ phiếu FLC và AMD

Gây ồn ào nhất trong “giới kinh tế chia sẻ” có lẽ là Uber. Doanh nghiệp này đã bị nhiều người buộc tội cẩu thả và tắc trách trong khâu kiểm tra lý lịch nhân viên, dẫn đến sự gia tăng các vụ tấn công tình dục phát sinh trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê từ trang Whos Driving You, tính từ năm 2014 cho đến nay, đã có hơn 300 vụ tấn công tình dục của tài xế Uber và Lyft được cảnh sát ghi nhận. Có cả các trường hợp bắt cóc, cố ý gây thương tích và cả giết người.

Nguy cơ tội phạm ẩn nấp dưới bóng chia sẻ, cho thuê là khá cao: Nếu một vị khách nọ quyết định thuê căn hộ trên AirBnB và biến nó thành nơi chứa chấp mại dâm thì sẽ thế nào đây? Ấy là chưa kể đến các vụ tấn công và thậm chí giết người đến từ những kẻ mạo danh khách hàng. Vì chỉ mang tính chất chia sẻ, sử dụng “hợp đồng bất thành văn” nên chắc hẳn người lao động sẽ khó có cơ hội nhận tiền bảo hiểm từ công ty chia sẻ.

Nền kinh tế chia sẻ đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi xung quanh quyền lợi của người lao động cũng như sự lạm dụng đến từ người sử dụng lao động và quy chế, chuẩn mực dành cho họ. Mô hình kinh doanh chia sẻ được thiết lập đơn thuần trên nền tảng sự tin tưởng giữa người với người, vốn dĩ là mắt xích lỏng lẻo nhất khi không có bất kỳ điều gì để ràng buộc nhau. Ấn tượng về sự tăng trưởng dường như đã khiến chính quyền quên mất điều này.

Quyền lợi không song hành nghĩa vụ?

Tính đến thời điểm hiện tại, một vấn đề nổi cộm nữa trong mô hình kinh doanh của các công ty chia sẻ chính là trốn thuế. Bằng việc triệt để loại bỏ sự xuất hiện của bên thứ ba trung gian và thay thế bởi ứng dụng công nghệ, các công ty chia sẻ đã thu lợi nhuận ngoài vòng kiểm soát của luật pháp nước sở tại một cách trơn tru.

Xem thêm  Bán tháo ồ ạt, vốn hóa thị trường 'bốc hơi' thêm 220.000 tỷ đồng

Ở phương Tây, 5 năm hiện tượng kinh tế chia sẻ nổi lên cũng chính là thời gian chính quyền nỗ lực không ngừng trong việc duy trì và áp dụng thông lệ thu thuế. Theo ý kiến chuyên gia, đây là cuộc chiến mang tầm quốc gia với chiến trường là hàng tỷ đô la Mỹ thuế doanh nghiệp hằng năm.

Được biết, trong năm 2016, AirBnB đã thu về lợi nhuận khoảng 6,5 tỷ euro tại Pháp nhưng chỉ đóng 92.944 euro tiền thuế. Con số có phần “khiêm tốn” này đã khiến các cơ quan có thẩm quyền tại thị trường lớn thứ hai của AirBnB không mấy hài lòng và ra cáo buộc doanh nghiệp này vi phạm nguyên tắc kinh doanh. Trong khi AirBnB không sở hữu những tài sản đăng trên website thì những khách sạn truyền thống như Wyndham, Hilton và Marriott với lợi nhuận trung bình mỗi năm là 2,3 tỷ USD phải trả hàng trăm triệu đô la Mỹ tiền thuế cho chính phủ. Đây rõ ràng là một bất cập.

Một vấn đề khác là mô hình kinh tế này lúc ban đầu được thiết lập với mục đích giúp sử dụng tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả tài sản không thấy được như kỹ năng và thời gian rảnh) của người khác thông qua nền tảng công nghệ. Thế nhưng, theo thời gian, các bên dần dần xem việc chia sẻ như một hoạt động kinh doanh và bắt đầu làm biến đổi mô hình chia sẻ. Ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào mô hình thị trường này với mục đích “kinh doanh” chứ không phải “chia sẻ”. Bản chất một khi đã thay đổi thì việc quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, khi số lượng người tham gia càng tăng, đến mức vượt cả lượng cầu, thì cơ hội có việc của người lao động cũng đương nhiên ít đi, kéo theo thu nhập sụt giảm. Và điều quan trọng chỉ đến lúc này mới được nhận ra: người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không sở hữu bất kỳ quyền lợi lao động nào.

Theo Cafebiz