Những trò nghịch ngợm như nghịch đồ ăn, bày đồ chơi khắp nhà của trẻ sẽ khiến mẹ nổi giận, nhưng mẹ hãy bình tĩnh vì chúng khá hữu ích cho sự phát triển toàn diện của con.
Chăm sóc trẻ nhỏ là công việc không hề dễ dàng và đơn giản mà bất cứ ông bố bà mẹ nào trên thế giới cũng phải gật gù công nhận.
Chỉ cần rời mắt bọn trẻ vài giây thôi là chúng cũng có thể “biến mất” không dấu vết, hay những câu nói “ngây thơ vô số tội” của con khi bình luận về vóc dáng của ai đó trẻ bắt gặp trên đường, hoặc đơn giản chỉ là những trò nghịch không giới hạn của con khi ở nhà, tất cả đều khiến mẹ như muốn phát điên.
Nghịch ngợm chính là cách mà trẻ tìm hiểu và khám phá về thế giới xung quanh. (Ảnh minh họa)
Khi còn nhỏ, nghịch ngợm chính là cách mà trẻ tìm hiểu và khám phá về thế giới xung quanh.
Mẹ hãy tìm hiểu bản chất khi con bày bừa đồ ăn, con nổi giận với bố mẹ là gì thì mẹ cũng sẽ nhận ra rằng đó thực sự là một phần của chu kỳ phát triển lành mạnh của mỗi đứa trẻ.
Để giúp mẹ nhận diện đâu là những trò nghịch, hành vi khó chịu của bé nhưng lại hữu ích cho quá trình phát triển của con, các chuyên gia đã liệt kê 8 hoạt động nổi bật như sau:
1. Nghịch đồ ăn
Có thể mẹ sẽ rất bực bội khi bày ra một mâm thức ăn nhưng thay vì ăn ngon thì con lại bày bừa và nghịch ngợm.
Tuy nhiên, đó là một quá trình học tập của con. Khi trẻ nhét các hạt đậu vào giữa các kẽ ngón tay mũm mĩm, bôi nước sốt lên mặt hoặc lè lưỡi liếm bát, tức là con đang thử nghiệm kết cấu, mùi hương và cả mùi vị của từng món ăn.
Khi con làm rơi hoặc ném thức ăn là con đang học thêm về trọng lực. Trên thực tế, một nghiên cứu thậm chí còn kết luận rằng trẻ nhỏ biết nghịch, chơi với đồ ăn học được những từ liên quan đến những thực phẩm đó nhanh hơn.
2. Nghịch ngợm các trò, bày bừa
Nếu có thể thì chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ thích được nghịch ngợm và bày bừa ra khắp nhà. Chẳng hạn như trò té nước khi tắm, nhảy vào vũng nước, vẽ bút màu lên tường, lên các ngón tay…
Nhưng mẹ hãy nhớ đây đều những trò chơi tuyệt vời giúp “đánh thức” tất cả các giác quan của trẻ, khuyến khích con suy nghĩ và có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.
Việc con sử dụng tay trong các trò chơi cũng làm tăng kỹ năng vận động của trẻ.
3. Chỉ đọc 1 cuốn sách và đọc đi đọc lại nhiều lần
Đọc sách là kĩ năng quan trọng giúp nâng cao vốn từ vựng cho trẻ. Trẻ càng đọc nhiều lần cùng một cuốn truyện hoặc sách ấy thì càng quen với các từ ngữ đó.
Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là lời nói, nó còn là sự hiểu biết và thông thạo. vậy nên mẹ đừng vội nản nếu bé chỉ thích đọc đi đọc lại chỉ một hoặc vài cuốn truyện, sách yêu thích nhé.
4. Thích lặp lại đi lặp lại một trò chơi hoặc hành động
Không ít bé chỉ thích và lặp lại duy nhất một trò chơi hoặc hoạt động nào đó khiến bố mẹ cảm thấy thật nhàm chán và không còn năng lượng để theo con.
Nhưng mẹ phải hiểu rằng trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thói quen và sự lặp lại. Nó mang lại cho trẻ cảm giác an toàn khi biết những gì sắp xảy ra.
Việc lặp lại các hoạt động hoặc trò chơi cũng giúp rèn luyện kĩ năng ghi nhớ thông tin cho trẻ.
5. Liên tục nói “Không”
Mỗi khi bố mẹ yêu cầu làm gì thì trẻ hay nói “Không”, dường như trẻ cảm thấy rất vui mỗi khi nói câu này.
Con không đánh răng, con không bơi mặc dù bé rất thích bơi, con không ăn dâu mặc dù mẹ đã cắt sẵn…
Đây đều là những tình huống khiến mẹ dở khóc dở cười.
Khi trẻ lớn dần, trẻ nhận ra rằng mẹ là một cá thể tách biệt và trẻ đang cố gắng lấy lại sự độc lập, bằng cách nói “Không” để phản đối yêu cầu của mẹ như một cách thể hiện sự độc lập của mình.
6. Không tập trung, dễ phân tâm
Mẹ thấy rất bực bội khi con mất hàng giờ đồng hồ mà vẫn không hoàn thành xong một nhiệm vụ đơn giản nào đó.
Điều này là do các bé có khoảng thời gian chú ý khá ngắn, bé rất dễ bị phân tâm.
Đơn cử như chỉ cần đi bộ 10 phút là đến nhà ông bà, nhưng bé có thể mất gần một giờ vì dừng lại để nhặt một hòn đá, nghịch vài chiếc lá và xem đàn kiến đang bò trên đường.
Tất cả là do bộ não của trẻ đang hoạt động để khám phá thế giới xung quanh. Trẻ cũng đang tiếp nhận thông tin và lưu vào bộ nhớ để sử dụng về sau.
7. Giận dữ, hờn dỗi
Chỉ cần phật ý một chút thôi là bé có thể hờn giận mẹ ngay được khiến mẹ cũng bực bội không kém.
Nhưng con cũng có những cảm xúc riêng và con chưa biết cách kiểm soát cảm xúc ấy. Vì vậy, tốt hơn hết là để trẻ giải phóng những cảm xúc này rồi bình tĩnh hơn, thay vì để chúng bị dồn nén.
Mẹ hãy ôm con, ở bên cạnh con, hoặc tìm cách đưa con ra khỏi tình huống ăn vạ ở công cộng để mọi người không nhìn chằm chằm vào con và làm cho mọi việc trỏe nên tệ hơn.
8. Không theo nguyên tắc
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có xu hướng phá vỡ mọi nguyên tắc mà mẹ đặt ra.
Mặc dù mẹ đã gào khản cổ rằng con không được đổ nước ra sàn nhà nhưng có vẻ như mỗi ngày đều là một cuộc chiến không có hồi kết và bé thì cứ làm ngược lại những quy tắc ấy.
Tuy vậy trẻ hoàn toàn không cố ý làm mẹ cáu giận, đơn giản là việc phá vỡ mọi quy tắc, đẩy lùi ranh giới là một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
Lúc này trẻ đang khám phá những gì mà bản thân có thể và không thể làm được, hay nói cách khác là những việc làm nào được xã hội chấp nhận và việc nào thì không.
Một khi trẻ hoàn toàn hiểu những quy tắc này thì trẻ sẽ áp dụng chúng tốt hơn trong cuộc sống sau này.
Nguồn: Parent
Phương Phương – Helino