Chủ Nhật, Tháng mười hai 8
Shadow

Mỗi năm có ba ngày tết sao đành bỏ nhà đi du lịch

Mỗi người có một cách tận hưởng tết, nhưng theo bạn đọc Trần Quang Hưng, được ăn tết ở nhà là sướng nhất. Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc này cho chuyên mục Tết của tôi.

ba ngày tết, tết, du lịch

Mỗi người có một cách riêng để tận hưởng tết. Với tôi những ngày tết là những ngày được trở về có ý nghĩa nhất trong một năm của mình.

Tôi rất thích đi du lịch đến những miền đất xa nhưng chưa bao giờ tôi làm điều đó vào những ngày tết. Tết là để trở về nhà nạp năng lượng. Chẳng đâu ấm ấp đối với tôi hơn góc bếp của mẹ vào những ngày tết.”

Tôi cũng như bao đứa con từ những làng quê còn nhiều khó khổ lên thành phố học tập rồi ở lại làm việc tạo lập cuộc sống riêng. Guồng quay của công việc, những lo toan của cuộc sống cứ chiếm hết thời gian để tôi được về nhà.

Nhưng trong sâu thẳm tâm trí của một đứa con xa quê, xa gia đình, cái thèm được về nhà lúc nào cũng âm ỉ. Cứ sắp đến tết, cái thèm ấy lại bùng lên mạnh mẽ làm lòng tôi rạo rực mãi không thôi.

Tết của tôi thực sự là niềm hạnh phúc trong một chuyến trở về sau nhiều ngày mong nhớ. Hạnh phúc tôi tìm thấy trong ánh mắt và nụ cười quen thuộc của mẹ khi chờ đón tôi từ ngõ.

Hạnh phúc ấy ấm áp tỏa ra từ cái ôm siết mạnh của ba mà tôi thèm cả năm trời mới được gặp lại. Ai bảo thời đại công nghệ có thể xóa bỏ hết khoảng cách. Ngay lúc này tôi thấy không phải.

Tết của tôi là niềm vui giản dị khi được cùng tham gia sửa soạn từ những chậu hoa chưng tết hay rửa lại những bát đĩa cho sạch sẽ tinh tươm.

Tôi thích được ngồi quan sát việc mẹ tôi chọn những cây hoa vạn thọ đẹp nhất trong luống hoa bà trồng để đặt vào chậu để lên bàn thờ tổ tiên. Tôi thích được chở bà đi chợ những ngày giáp tết. Tôi thích tiếng cười rôm rả cả nhà trong bữa cơm chiều cuối năm…

Bằng đôi tay khéo léo của mình mẹ đãi anh em chúng tôi bao nhiêu loại mứt ngon: Mứt xoài, mứt mãng cầu, mứt hạt sen… Những thứ ấy, ngày tết, người ta bán rất nhiều.

Nhưng tôi vẫn thích của nhà do chính tay mẹ tôi làm. Tình yêu với căn bếp của mẹ trong tôi đã được ba vun vén từ khi tôi còn bé. Khi đó, những sáng đầu năm ba thường khuyến khích chúng tôi dậy sớm hơn ngày thường.

Xem thêm  Khoác ba lô đến những vùng đất đẹp nhất khi trời đông vào độ tháng 12

Ba dành hai phong bao lì xì cho đứa nào dậy sớm nhất và vào bếp giúp mẹ một tay. Ba nói, sau khi cúng gia tiên xong, cả nhà ăn bữa cơm đầu năm, ba sẽ cho phép anh tôi được đi chơi.

Vì đứa nào cũng háo hức đi chơi tết với bao điều thú vị đang chờ nên khi vào bếp với mẹ, chúng tôi rất hăng hái. Tôi giúp mẹ chặt thịt, em gái xé măng, gọt khoai.

Thằng út vừa phụ mẹ nhặt rau vừa hỏi thăm mẹ về đặc điểm của chúng. Có lẽ nhờ việc siêng tìm hiểu kiến thức về các loại rau mà đến giờ em tôi rất mê môn sinh học. Ngày tết tài bếp núc của mẹ càng làm anh em chúng tôi thấy yêu mẹ nhiều hơn.

Góc bếp xuân nhà chúng tôi luôn rộn ràng những câu chuyện vui vẻ trong ngày đầu năm mới. Tôi nhận ra tết thật thiêng liêng từ mỗi lần vào bếp với mẹ. Anh em chúng tôi đã học được lòng thành kính biết ơn tổ tiên trong những việc tưởng chừng rất nhỏ từ nơi góc bếp này.

Ngày tết khi còn bé, tôi luôn háo hức khi được rời ba mẹ đi chơi xa cùng bạn bè. Bây giờ lại khác, sắp đến tết lại nóng lòng muốn được về nhà. Những điểm vui xuân hấp dẫn nơi phố thị chẳng đủ sức quyến rũ tôi bằng góc bếp giản dị của mẹ.

Tết là phải về nhà để được nạp năng lượng. Tôi ăn những món ngon của mẹ để bù lại những bữa ăn thiếu vị quê nhà trong suốt cả một năm xa cách.

Tôi ăn tết quê trong niềm hạnh phúc được sống lại những kỉ niệm thời thơ trẻ. Một sợi dây thiêng liêng nào đó đã nối thực tại này với những kí ức đẹp ngày xưa mà tôi chỉ có thể tìm thấy được khi trở về trong mấy ngày tết như thế này.

Tết với tôi là những ngày hạnh phúc nhưng cũng thật ngắn ngủi. Không khí rộn ràng vui vẻ bên gia đình được mấy ngày rồi tôi lại vội vã ra đi khi sắc hoa xuân vẫn còn tươi rói. Một chút vấn vương, nuối tiếc, một chút buồn khó tả sau mỗi chuyến trở về rồi lại ra đi.

Mấy ngày tết, rồi cùng hết. – Mẹ đừng khóc, đến tết con lại về mà! Có khi năm sau con còn dẫn thêm về cho mẹ một người nữa ấy chứ! Tôi an ủi mẹ khi bước lên xe trở về thành phố, về với công việc đang chờ.

Xem thêm  Đừng yêu 10 kiểu người này nếu muốn có tình yêu hạnh phúc

Mấy ngày tết qua nhanh quá nhưng cũng  nạp đủ năng lượng rồi. Tôi sẽ dùng nó cho một năm với nhiều dự định tốt đẹp ở phía trước. Tôi cố nén cái gì rưng rưng khó chịu trong người mình khi bóng mẹ khuất dần phía sau.

Tôi vừa kịp thấy qua cửa kính xe, trong gió bay bay, tóc mẹ đã có sợi bạc. Còn bao nhiêu chuyến trở về trong hạnh phúc trọn vẹn như thế này tôi sẽ không bao giờ bỏ lỡ. Tết của tôi chỉ đơn giản là được trở về. Về với hạnh phúc giản dị mà tôi tin không có gì có thể đem đổi được.

Hơn 600 bài viết tham gia Tết của tôi

Các tác giả đủ lứa tuổi khắp các vùng quê đất nước, từ cụ ông 83 tuổi đến người trẻ tuổi, từ người ở trời Tây thương nhớ quê nhà hay người nhập cư không thể trở về bên mâm cơm gia đình… mỗi người đều có một hoặc nhiều câu chuyện về tết. Có tác giả gửi bài nhiều lần, nhiều bài.

Trong đó không chỉ là câu chuyện hồi tưởng về quá khứ như “Tôi vẫn nhớ tết tuổi thơ” (Hồng Như) mà còn là những suy ngẫm về tình đất, tình người, như “Một lần “bị” ăn tết ở Sài Gòn, tôi đã thấy gì?” (Chung Thanh Huy) đã nhận 48 ý kiến bình luận của bạn đọc.

Các bài viết còn thể hiện khát vọng của tuổi trẻ về lập thân lập nghiệp, về Việt Nam trong tương lai như “Thư gửi ba mẹ của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn” (Lê Thị Hồng Vân, Pháp)…

Như bạn đọc Diễm Hà tâm sự: “Tết của tôi là món quà xuân để mọi người chia sẻ, tìm đến sự đồng cảm. Cảm ơn quý báo đã đăng bài. Ba tôi vui lắm”.

Gửi đến bài thơ của ba mình, Diễm Hà viết kèm: “Đây là bài thơ của ba tôi viết tặng mẹ tôi. Mẹ tôi ra đi vào tết cách đây 4 năm. Nên tết trong ba tôi là những ngày nhớ. Tôi mong bài thơ được đăng như là món quà xuân với ba tôi tết này”…

Một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc. Hi vọng tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ trong các chuyên mục tiếp theo để Tuổi Trẻ Online ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Theo Tuổi trẻ