Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Mỗi người chỉ có hai quả thận, đừng vì thói quen xấu này mà mất nó

thận

Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu cảnh báo, mỗi người chỉ có hai quả thận nhưng chỉ vì một vài thói quen xấu có thể khiến bạn “mất” thận mà không biết.

Vô niệu, suy thận vì sỏi thận

Ông Nguyễn Thái Khuê – Yên Phong, Bắc Ninh được gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai khám vì mấy ngày liền không đi tiểu được. Bác sĩ siêu âm phát hiện ông bị suy một bên thận do sỏi thận chèn.

Cách đây 8 năm, ông Khuê đã phẫu thuật lấy sỏi thận ở một bệnh viện tại Hà Nội và sau đó ông cũng không đi kiểm tra lại sức khoẻ nữa vì nghĩ đã phẫu thuật rồi. Tuy nhiên, đến tháng 3 vừa qua, ông bị đau quặn vùng lưng, nhất là khi đi tiểu, tiểu kèm máu. Ông Khuê đi kiểm tra bác sĩ cho biết ông bị thận ứ mủ do sỏi thận và đặt ống dẫn lưu và để chờ mổ.

Về nhà, ông Khuê đã tìm hiểu và mua thuốc lá uống trị sỏi thận thay vì điều trị theo bác sĩ hướng dẫn. Đến khi không chịu được nữa có hiện tượng vô tiểu, ông mới đến bệnh viện thì 1 bên thận đã bị teo nhỏ lại.

thận

Sỏi thận có nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Cừ – chuyên khoa tiết niệu, nam học, Bệnh viện Đa khoa An Việt sỏi thận là một trong các loại sỏi đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo).

Sỏi hình thành do các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Kích thước của sỏi phụ thuộc vào thời gian, nồng độ chất khoáng có trong nước tiểu và vị trí lắng đọng của viên sỏi.

Xem thêm  4.300 trẻ em Mỹ nhập viện mỗi năm vì mỹ phẩm

Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận. Khi sỏi càng lớn gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm thì dễ gây ra suy thận.

Bác sĩ Cừ cho biết nhiều bệnh nhân sau khi phát hiện sỏi thận không điều trị tây y mà chuyển qua uống thuốc nam, thuốc lá không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng suy thận nặng.

BS Cừ nhấn mạnh thuốc nam bài sỏi chỉ đẩy được những viên sỏi nhỏ qua đường nước tiểu còn sỏi lớn thì không thể và bác sĩ sẽ phải tuỳ vào từng bệnh nhân để lấy sỏi ra tránh các biến chứng vào thận, niệu đạo…

Bác sĩ Cừ cho biết khi có các dấu hiệu đau lưng, bụng hoặc đau một bên, đau rát khi tiểu tiện, tiểu ra máu, nước tiểu nặng mùi, người ớn lạnh, sốt cần đi kiểm tra vì có thể phát hiện ra sỏi thận

Ăn mặn, uống ít nước gây sỏi thận

Sỏi thận là sự lắng đọng và kết tinh những chất cặn rắn hình thành trong thận. Quá trình hình thành sỏi thường không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người không biết mình mắc bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận và bác sĩ Cừ cho biết ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng là nguyên nhân thúc đẩy hình thành sỏi. Trong đó thói quen ăn mặn của người Việt.

Một số nghiên cứu do Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, thói quen ăn mặn chiếm tới 61,3%.

Bác sĩ Cừ cho biết khi lượng muối cao của cơ thể khi thoát ra ngoài qua nước tiểu, cũng sẽ làm tăng lượng bài tiết canxi, làm tăng canxi trong nước tiểu, và dễ dàng kết hợp với axit oxalic trong nước tiểu hình thành sỏi thận.

Xem thêm  100% mẫu ớt bột chứa chất gây ung thư gan: Có thể do bảo quản

Khi nấu ăn có thể luộc hoặc hấp thay vì chiên hay xào, khi gắp rau ra khỏi nồi hãy cho muối vào, hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều muối như dưa muối, các loại tương…

thận

Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ

Ngoài ra, thói quen ăn uống giàu chất béo cũng gia tăng nguy cơ mắc sỏi, chất béo sẽ cản trở sự trao đổi chất axit uric, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, khi lượng nước hấp thụ không đủ sẽ dễ kết thành sỏi. Ăn nhiều dầu mỡ thì nên uống nhiều nước hơn để tránh kết sỏi.

Tuy nhiên, cùng chế độ ăn trong 1 gia đình nhưng có người bị sỏi có người không, bác sĩ Cừ cho rằng cách tốt nhất để tránh bị sỏi thận, đó là uống nhiều nước. Nếu uống ít nước sẽ khiến lượng nước tiểu lưu cữu, trở nên đậm đặc, chất đọng lại tăng lên nên dễ hình thành nên sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.

Khi uống đủ nước, lượng bài tiết nước tiểu sẽ tăng lên, làm loãng nước tiểu, giảm thấp nồng độ tinh thể trong nước tiểu, rửa đường niệu đạo, có lợi cho phòng chống sỏi thận và giúp sỏi bài tiết ra ngoài. Vì vậy, uống nước lọc là giải phát tốt cho việc phòng tránh sỏi thận.

Đặc biệt, khi ăn các loại thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật nên uống nhiều nước để tăng chuyển hóa purine, thải ra ngoài tránh đóng cặn giảm nguy cơ mắc sỏi.

Ngọc Anh – Trí thức trẻ

Link gốc