Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

‘Muốn con thành công, hãy để bé thất bại’ – bài học của một tổng biên tập

‘Càng có thành tích nổi trội về lý thuyết, trẻ càng khó đối mặt với những thử thách dù nhỏ bé trong đời thực’, nhà báo Anh viết.

Bài viết dưới đây trích từ cuốn sách The Discomfort Zone vừa xuất bản của nhà báo 39 tuổi Farrah Storr – chủ trang Cosmopolitan tại Vương quốc Anh. Chị kể về nỗi suy sụp khi bị từ chối vào Đại học Oxford và chia sẻ sức mạnh của việc trải qua thất bại sẽ khiến người ta can đảm hơn trước các thử thách:

Ngày 16/12/1996, tôi 18 tuổi và nhận được lá thư trả lời từ Đại học Oxford. Tôi muốn vào bằng được trường danh giá này vì biết bố mong như vậy. Từ 13 tuổi, tôi chỉ tập trung vào học và dần đứng đầu lớp. Nhưng lá thư từ Oxford không chứa điều tôi mong đợi. Tôi suy sụp hoàn toàn và thấy mình thất bại. 

Sau năm đó, tôi như nổi loạn. Tôi bắt đầu đi chơi và hẹn hò với đám con trai. Tôi quyết định sẽ vào bất cứ trường nào chấp nhận mình. Thời điểm đó, việc này đối với tôi thật tệ nhưng giờ, sau 20 năm, tôi tin rằng đó là khoảnh khắc thay đổi đời mình, theo hướng tốt lên. 

Bắt bản thân đối diện với cảm xúc chẳng dễ chịu chút nào của sự thất bại, tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi vào trường King’s College London và ngoài việc học, tôi xin làm ở một tờ tạp chí nổi danh để lấy kinh nghiệm. Tôi chẳng sợ bị từ chối bởi điều tệ nhất tôi từng trải qua rồi, nên chẳng còn gì để mất.

Dần dần tôi xây dựng lại sự tự tin và bắt đầu viết cho vài chỗ. Trải nghiệm này giúp tôi nổi bật hẳn trong số hàng trăm ứng viên khác khi xin vào các tạp chí sau tốt nghiệp.

Thời nay, không ai đón chào thất bại. Tuy nhiên đều đó đã dẫn tới một thế hệ ngại thử những điều mới, các thách thức vì sợ gặp trở ngại. 

Ở các trường đại học Mỹ, các học giả nhắc tới khái niệm những sinh viên “bị tước đoạt sự thất bại” – những đứa trẻ luôn cố hoàn hảo và không mắc lỗi. Được vây quanh bởi những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ, trẻ dễ dàng đạt được những tấm huy chương, các danh hiệu khi đi học. Chúng ta đã nâng niu, bao bọc con quá nhiều, thất bại không chạm được vào cuộc sống của trẻ.

Xem thêm  Khi dạy con cha mẹ ngàn lần không nên cấm trẻ làm 9 điều này, bằng không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của bé

Và đó là một vấn đề. Những đứa trẻ này sẽ dễ bị đánh gục bởi những chướng ngại nhỏ nhất sau này. Không vào được trường đại học mình muốn, không được chọn làm trưởng đội bóng, nhóm kịch… đều khiến trẻ trầm cảm, lo âu, khóc lóc. Càng có thành tích nổi trội trên giấy tờ, trẻ càng khó đối mặt với những thử thách dù nhỏ bé trong đời thực.

dạy con

Farrah Storr tin rằng, sự can đảm, dám chấp nhận thử thách thường có được nhờ sự va vấp với những khó khăn trong đời chứ không phải nhờ những thành công đã có được. Ảnh: Gorkana.

Tôi nhìn thấy hệ quả của điều này tại Cosmopolitan. Tôi thấy những sinh viên thực tập có thành tích cao rất sợ làm sai, và vậy là họ chọn chẳng làm gì hết. Tôi biết những cây viết trẻ tài năng nhưng ngại khó khăn nên họ sản xuất ra các câu chuyện nhạt nhẽo thay vì những tác phẩm táo bạo. Tôi muốn những người trẻ can đảm hơn và sự can đảm đó đến từ việc đã trải qua khó khăn và thất bại. 

Vậy làm thế nào để “làm quen” với sự thất bại? Hãy nói về nó một cách bình thản, nhìn vào vấn đề sai thay vì cố tìm người làm sai. 

Ở Nhật, các giáo viên yêu cầu học sinh giải quyết nhiều bài khó, dù biết nhiều em không làm được. Trong khi ở các trường phương Tây, trẻ trả lời đúng sẽ được khen còn người nói sai phải xấu hổ, ở Nhật, học sinh em loay hoay tìm câu trả lời sẽ được khích lệ. Những trẻ khác trong lớp được khuyến khích giúp bạn tìm ra đáp án. Các em cùng nhau tìm hiểu vấn đề và trẻ không trả lời được sẽ không bị chê trách.

Xem thêm  Bài học dạy con trứ danh của cố Thủ tướng Đài Loan

Bằng cách trò chuyện cởi mở về thất bại, trẻ sẽ vượt qua được cảm giác khó chịu khi gặp cảnh này. Tôi từng gặp thất bại ở mọi mặt, trong tình yêu, tình bạn, và cả ở vai trò lãnh đạo. Và điều tôi học được từ đó là, không bao giờ nên bước vội qua một sai lầm, dù nó tệ thế nào. Bạn có thể luôn học hỏi từ đó. 

Tôi sẽ không bao giờ quên thất bại trong lần đầu làm quản lý của mình, khi 31 tuổi. Đó là ở một tạp chí thời trang tại Australia, nơi tôi và chồng chuyển tới trước khi ổn định cuộc sống tại Anh. Các ý tưởng của tôi không được hoan nghênh tại các buổi họp. Những bản tôi biên tập không đạt. Tổng biên tập không hài lòng về thái độ trầm lặng của tôi.

Tôi được giao quản lý một nhóm nhỏ nhưng vì sự tự tin đã dần cạn kiệt – càng ngày, tôi càng nghi ngờ mọi thứ. Vào giờ mọi người ăn trưa, tôi ra bến cảng ngồi khóc. Cuối cùng, tôi từ chức.

Suốt nhiều năm, tôi rất sợ nhìn lại trải nghiệm đó. Tôi cất nó vào một ngăn và trách móc tờ tạp chí, tổng biên tập, các đồng nghiệp – bất cứ ai, trừ chính mình. Nhưng khi tôi trở thành một chủ mục và học hỏi cách quản lý, tôi nhìn lại và nhận ra, thất bại đã dạy tôi các bài học giá trị về bản thân. Tôi chỉ là một người co mình lại ở một tờ tạp chí cần sự giao tiếp liên tục. Tôi đã quá phòng vệ.

Nếu bây giờ có thể đến với cô gái tuổi 18 ngồi trên giường khóc nức nở, tôi sẽ nắm tay và bảo cô ấy lau nước mắt đi. Tôi sẽ nói rằng “Đôi khi, mất thứ gì đó lại tốt. Cuộc đời không phải là chấm hết, thực tế, đó chỉ là sự khởi đầu – với một bài học giúp bạn thêm sức mạnh”.

Bảo Ngọc – Vnexpress

Link