Thứ bảy, Tháng Một 18
Shadow

Mưu kém Ngô Dụng, võ thua Lâm Xung, Tống Giang có bản lĩnh gì để đứng đầu Lương Sơn?

Ngô Dụng, Lư Tuấn Nghĩa hay Lâm Xung đều là những anh hùng nổi bật về sự mưu trí hoặc khả năng võ thuật. Song tất cả đều quy phục Tống Giang, chỉ vì ông sở hữu 4 chữ quý giá này.

Trong tác phẩm “Thủy Hử truyện”, Tống Giang dù sở hữu năng lực bị nhiều người xem là bình thường nhưng lại trở thành lãnh tụ của Lương Sơn Bạc, ngồi ghế thứ nhất trong 108 đầu lĩnh, cũng đứng đầu trong 36 thiên cương tinh.

Có ý kiến cho rằng luận về mưu trí, Tống Giang không bằng Ngô Dụng, xét về lai lịch cũng thua Sài Tiến, bàn về võ thuật lại càng không thể bì nổi với Lâm Xung, Lư Tuấn Nghĩa.

Vậy Tống Công Minh năm xưa đã dựa vào thứ gì để có thể đường đường chính chính bước lên ghế trại chủ Lương Sơn?

Sau cái chết của Thiên vương Tiều Cái, Tống Giang đã được các huynh đệ tôn làm đầu lĩnh Lương Sơn Bạc. (Ảnh minh họa).

Về câu hỏi gây nhiều tranh cãi này, có không ít ý kiến cho rằng Tống Giang là kiểu người có dã tâm, lại giỏi mị dân nên nhờ vào nhiều âm mưu quỷ kế mới có thể lung lạc lòng người và trở thành “lão đại” trên Lương Sơn Bạc.

Tuy nhiên theo nhận định của tờ báo nổi tiếng Trung Quốc Sina, Tống Công Minh thực chất mới là người xứng đáng trở thành đầu lĩnh Lương Sơn hơn ai hết.

Tuy không có thiên phú về võ thuật, mưu trí hay có bệ đỡ xuất thân tốt, thế nhưng điểm cao minh của vị trại chủ họ Tống này chỉ gói gọn trong 4 chữ. Đó là “biết cách làm người”.

Và cũng nhờ vào đặc điểm tính cách ấy nên Tống Giang chẳng những có thể đường hoàng trở thành thủ lĩnh Lương Sơn mà còn là người huynh trưởng khiến cho các đầu lĩnh tình nguyện dấn thân vào nước sôi lửa bỏng.

Tiền tài đều thua kém thiên hạ, Tống Giang dựa vào thứ “vốn liếng” gì để gây dựng thanh thế?

Sinh thời, Tống Giang nổi tiếng là người tốt hay giúp đỡ nhiều người nên vang danh thơm khắp nơi. (Ảnh minh họa).

Tống Giang là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, sống vào thế kỷ thứ 12 dưới thời nhà Tống. Trong tác phẩm “Thủy Hử” của Thi Nại Am, ông là một trong những nhân vật chính và sau này đã trở thành trại chủ Lương Sơn.

Tống Giang trong tiểu thuyết có tên hiệu là Hô Bảo Nghĩa, còn gọi là Tống Áp Ty, Tống Công Minh hay Cập Thời Vũ. Ở hồi thứ 17 của “Thủy Hử truyện”, khi miêu tả về ngoại hình của nhân vật này, tác giả Thi Nại Am đã viết:

“Người ấy họ Tống tên Giang, biểu tự là Công Minh, con thứ ba, nguyên quán ở Vận Thành, mặt đen, người thấp, thường gọi là Hắc Tam Lang Tống Giang, lại có tiếng là người hiếu để, bình sinh trọng nghĩa khinh tài, ai cũng gọi là Hiếu Nghĩa Hắc Tam Lang”.

Như vậy dưới ngòi bút của Thi Nại Am, hình tượng của Tống Giang tuy không có lợi thế về ngoại hình, nhưng từ sớm đã nổi danh nhân nghĩa.

Mặc dù xuất thân trong một gia đình bình dân nhưng Tống Công Minh từ sớm đã “văn án tinh thông, sành nghề nha lại, tính thích chơi quyền chơi gậy, học được nhiều ngón võ”.

Do đó Tống Giang cũng có thể xem là người văn võ song toàn, chỉ tiếc rằng xét về phương diện mưu trí hay võ thuật, ông quả thực chưa thể “vượt mặt” những kỳ tài hiếm có như Ngô Dụng, Lâm Xung hay Lư Tuấn Nghĩa…

Xem thêm  15 câu hỏi luyện tư duy cho con cha mẹ nên bỏ túi
Thực tế, Tống Giang từng có ơn với không ít hảo hán Lương Sơn và cũng chính ông là người đã từng chiêu nạp được nhiều nhân tài cho tập đoàn chính trị này. (Ảnh minh họa).

Từ trước khi lên Lương Sơn tụ nghĩa, Tống Giang dù từng làm quan dưới quyền giai cấp thống trị đã có nhiều mục nát, nhưng ông vẫn luôn giương cao ngọn cờ nhân nghĩa và dùng hết khả năng của mình để hành hiệp trượng nghĩa.

Cũng bởi vậy mà khi nói về tính cách của ông, Thi Nại Am đã không tiếc lời ca ngợi:

“Xưa nay hay kết nạp với các hảo hán giang hồ, hễ ai đến đó, bất luận thế nào cũng đều dung túng, chiều chuộng hết cả, đến khi ra đi lại giúp đỡ tiền nong tử tế, hễ ai vay mượn hỏi xin là cho ngay không tiếc.

Lại có tính hay làm ơn huệ, ai có việc gì ngang trái là dàn xếp can ngăn kỳ cho ổn thỏa mới thôi. Thỉnh thoảng còn cho áo quan, phát vị thuốc, cứu người khổ giúp kẻ nghèo, đỡ người nguy cấp, thương kẻ khốn cùng, bởi thế nên khắp mặt Sơn Đông Hà Bắc, ai ai cũng tôn làm Cập Thời Vũ Tống Công Minh, ý nói như trận mưa phải thời, ở lưng trời tưới xuống để cứu muôn vật vậy”.

Từ những chi tiết này, không khó để nhận thấy một trong những ưu điểm nổi bật của Tống Giang chính là rất biết cách làm người.

Hơn nữa, nghệ thuật đối nhân xử thế của ông còn cao minh ở điểm biết giúp người đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp ông thu phục được lòng người khi lên Lương Sơn và được tôn làm trại chủ sau khi Tiều Cái qua đời.

Nghệ thuật thu phục lòng người đỉnh cao giúp Tống Giang trở thành trại chủ Lương Sơn

Bàn về nghệ thuật đối nhân xử thế và thu phục nhân tâm, Lương Sơn Bạc khó ai có thể bì được với Tống Công Minh. (Ảnh minh họa).

Cổ nhân có câu “cách cho hơn của đi cho”, nếu bàn về phương diện dùng của cải để giúp đỡ và tạo dựng mối quan hệ, Tống Công Minh hoàn toàn có thể được xem như một bậc thầy.

Ưu điểm lớn nhất của Tống Giang là khảng khái, trượng nghĩa, không tiếc của cải để giúp đỡ người khác. Đây cũng là đặc điểm giúp ông xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng lớn, đồng thời tạo được thanh thế của mình.

Sở dĩ được người đời ca tụng là “cập thời vũ” (mưa xuống đúng lúc) cũng là bởi Tống Công Minh có thể đem tới cho người khác sự ủng hộ kịp thời nhất, khéo léo nhất ngay trong những lúc họ khó khăn nhất.

Năm xưa khi tình cờ gặp Võ Tòng trong sơn trang của Sài Tiến, thấy vị hảo hán này quần áo lam lũ, ông đã không ngần ngại bỏ tiền ra cho người may quần áo để Võ Tòng mặc.

Khi hảo hán họ Võ cái biệt để về quê gặp người thân, Tống Công Minh lúc tiễn biệt còn đem mấy lượng bạc cho người huynh đệ này, nghĩa cử ấy khiến Võ Tòng cảm động đến mức “gạt lệ bái biệt mà đi”. (Theo Thủy Hử chương thứ 22).

Xem thêm  Á hậu Lệ Hằng bức xúc khi cổ động viên Việt Nam có vé nhưng không được xem trận đấu
Tống Giang từng gặp mặt Võ Tòng lần đầu ở sơn trang của Sài Tiến và nhanh chóng trở thành huynh đệ thân thiết với vị hảo hán đả hổ này. (Ảnh minh họa).

Trong lần đầu gặp mặt Hắc Toàn Phong Lý Quỳ, khi nghe người này kể về việc thiếu tiền, Tống Giang liền không ngần ngại lấy ngay ra 10 lượng cho vị hảo hán mới quen biết này mượn.

Chính việc làm hào hiệp ấy đã khiến một Lý Quỳ nổi tiếng lỗ mãng cũng không khỏi cảm kích mà nghĩ thầm:

“Tống Giang Ca Ca thực là quý hóa, xưa nay chưa từng chơi thân với mình, mà bỗng dưng cho mượn ngay mười lượng bạc, thế mới biết trọng nghĩa khinh tài, tiếng đồn đáng lắm”.

Cũng nhờ một khởi đầu êm đẹp với 10 lượng bạc ấy, Lý Quỳ đã tâm phục khẩu phục Tống Công Minh ngay từ lần gặp đầu tiên và sau đó trở thành tâm phục sẵn sàng bán mạng cho vị đầu lĩnh này.

Ngay tới nhân vật nổi tiếng lỗ mãng, nóng nảy như Hắc Toàn Phong Lý Quỳ cũng một lòng trung thành với Tống Giang cho tới lúc chết. (Ảnh minh họa).

Từ cổ chí kim, anh hùng hảo hán trong thiên hạ vốn là những người rất trọng danh dự. Thế nhưng chung quy họ vẫn có lúc lâm vào cảnh khốn đốn vì guồng quay “cơm áo gạo tiền” muôn đời không đổi.

Tống Giang đã tận dụng điều đó để thể hiện cách làm người của mình, hơn nữa điểm khôn khéo của ông còn nằm ở chỗ vừa âm thầm đem tới cho đối phương lợi ích thiết thực, lại vừa giúp họ giữ thể diện, mặt mũi.

Dùng tiền đúng lúc đúng chỗ, lại biết cách “chọn mặt”, “chọn chỗ” mà tiêu tiền, cho nên việc một người hào hiệp, rộng rãi như Tống Công Minh vừa có được danh tiếng lại vừa có mạng lưới quan hệ rộng cũng là điều dễ hiểu.

Đỉnh cao trong nghệ thuật thu phục lòng người của Tống Công Minh chính là biết giúp đỡ đúng lúc, đúng người, đúng cách và đúng chỗ. (Ảnh minh họa).

Nhìn lại các quý nhân của những hảo hán Lương Sơn, không khó để nhận thấy Sài Tiến cũng được xem là một người luôn hết lòng giúp đỡ người khác. Tuy nhiên dù dùng địa vị và tiền bạc của mình để cứu tế cho vô số quan khách, thì chung quy Sài đại quan nhân cũng không chiêu mộ được nhiều tâm phúc từ những người mang ơn với mình.

Trong khi đó, Tống Giang vốn không giỏi võ, không thiện mưu, tiền bạc địa vị đều ở mức thường thường bậc trung, thế nhưng nhờ biết giúp đỡ người khác một cách khôn khéo, ông luôn dễ dàng thu phục được nhân tâm.

Cũng bởi vậy mà bất luận là hậu duệ hoàng tộc như Sài Tiến, viên ngoại giàu có như Lư Tuấn Nghĩa hay kẻ háo sắc như Vương Anh, lỗ mãng như Lý Quỳ… đều tâm phục khẩu phục trước Tống Công Minh và sẵn sàng bán mạng cho ông.

Vì vậy có thể thấy, Tống Giang nhờ vào 4 chữ “biết cách làm người” mà đường hoàng bước lên ghế trại chủ, cũng nhờ vào cách cư xử khéo léo, khôn ngoan mà mỗi khi gặp nạn đều có thể hóa nguy thành an.

Chính sự cao minh và bản lĩnh ấy đã giúp ông có được vô số mối nhân duyên tốt và trở thành vị trại chủ Lương Sơn được các huynh đệ hết lòng phò tá.

>>Bị Tống Giang lừa đến tan cửa nát nhà, vì sao Lư Tuấn Nghĩa vẫn lên Lương Sơn làm giặc cỏ?

Theo Trí thức trẻ soha

Link