Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

Mưu trí hơn người, song chỉ vì 1 vết nhơ, Tư Mã Ý chẳng bao giờ có thể sánh với Khổng Minh

Tư Mã Ý

Trên phương diện bày mưu tính kế, Tư Mã Ý được coi là đối thủ của Gia Cát Lượng. Song nếu chỉ bàn đến chuyện đối nhân xử thế, nhân vật này còn thua xa Khổng Minh vì 1 vết nhơ.

Xem thêm  5 thống soái giỏi nhất Tam Quốc: Tư Mã Ý không lọt bảng, Khổng Minh vẫn xếp sau người này

Là một trong những mưu sĩ nổi danh thời Tam Quốc, Tư Mã Ý thậm chí còn từng được xem như kỳ phùng địch thủ một thời của Gia Cát Khổng Minh.

Thế nhưng dù cả đời nổi danh tài trí, ít ai biết rằng tên tuổi của nhân vật này từng gắn liền với một “bê bối” liên quan đến đời tư. Đó là việc ông đã phụ bạc người vợ tào khang của mình vì một nhân tình trẻ.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, Tư Mã Ý vốn được biết tới là người ẩn nhẫn và rất biết đối nhân xử thế. Tuy nhiên ông lại từng miệt thị người vợ cả của mình bằng nhiều lời khó nghe và thậm chí còn được chính sử ghi chép lại.

Giai thoại về người vợ tào khang của Tư Mã Ý: Không ngại nhuốm máu để bảo vệ gia đình

Tư Mã Ý

Sinh thời, chính thê của Tư Mã Ý chính là Trương Xuân Hoa – một vị phu nhân có tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Bà là vợ cả của Tư Mã Ý và cũng là mẹ ruột thân sinh ra Tư Mã Sư cùng Tư Mã Viêm.

Theo đánh giá của các sử gia, Trương Xuân Hoa xuất thân là một tiểu thư của gia đình nề nếp, được giáo dục rất kỹ nên từ khi còn trẻ đã được đánh giá là bậc tài đức. Vị phu nhân này lúc còn tại thế đã nổi tiếng là người khôn ngoan, có bản lĩnh chính trị và đôi khi cũng rất tàn nhẫn.

Trong những năm tháng còn son trẻ, cuộc sống hôn nhân của bà và Tư Mã Ý cũng từng hết sức mặn nồng.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, Trương phu nhân chẳng những được phu quân yêu thương nhờ tài đức mà còn được chính Tư Mã Ý nể phục nhờ một điểm đặc biệt – dám tàn nhẫn khi cần thiết và sẵn sàng bất chấp tất cả vì gia đình.

Năm xưa lúc Tào Tháo còn đảm nhiệm chức Tư Không, Tư Mã Ý từng được mời vào triều nhậm chức. Thế nhưng bản thân ông biết rõ vận thế của Hán triều sắp tận, lại không muốn phải luồn cúi trước Tào Mạnh Đức nên đã giả bệnh để cự tuyệt lời chiêu dụ này.

Trong khoảng thời gian đó, có lần Tư Mã Ý đem sách ra ngoài phơi nắng, thế nhưng lúc sau trời bất chợt đổ mưa lớn, ông buộc phải ra ngoài cất sách vào nhà.

Bấy giờ, trong phủ có một tỳ nữ nhìn thấy Tư Mã Ý vẫn khỏe mạnh đi thu sách. Trương Xuân Hoa lo sợ việc phu quân của mình giả ốm bị truyền ra ngoài, liền tự tay giết chết tỳ nữ để diệt khẩu.

Chưa dừng lại ở đó, để tránh việc người ngoài biết được chân tướng, Trương phu nhân kể từ đó đã tự tay chăm lo tất cả mọi việc trong nhà để thay thế công việc của người hầu.

Những hành động trên của bà vừa khiến Tư Mã Ý cảm kích, lại vừa làm ông nể phục người vợ cứng rắn và khôn ngoan của mình.

Miệt thị vợ cả vì nhân tình trẻ – vết đen khó gột rửa khiến Tư Mã Ý cả đời mang tiếng bội bạc

Tư Mã Ý

 

Thế nhưng những năm tháng hạnh phúc của Tư Mã Ý và Trương Xuân Hoa cũng không kéo dài được bao lâu.

Tư Mã Ý lúc sinh thời từng có tổng cộng 4 vị phu nhân. Ngoài người vợ cả là Trương Xuân Hoa, ông còn có 3 người thiếp là Phục thị, Trương thị và Bách thị.

Trong số đó, phu nhân họ Bách trẻ tuổi và xinh đẹp là người được Tư Mã Ý yêu thương và cưng chiều hơn cả.

Theo ghi chép của các tài liệu chính sử, khi về già, Tư Mã Ý từng vì sủng ái Bách Phu nhân mà thờ ơ với vợ cả của mình.

Có lẽ, một Trương Xuân Hoa dù tần tảo và hết lòng vì chồng con tới đâu thì cũng không thể chống lại quy luật của thời gian khiến nhan sắc phai tàn theo năm tháng, huống chi trong phủ còn có một Bách phu nhân trẻ trung, xinh đẹp.

Tuy nhiên điểm đáng trách nằm ở chỗ, Tư Mã Ý từng không dưới một lần miệt thị dung nhan người vợ tào khang của mình.

“Tấn thư” từng ghi lại, có lần Tư Mã Ý lâm bệnh, Trương Xuân Hoa vì lo lắng nên tới thăm nom. Nào ngờ phu quân của bà lại tỏ vẻ chê bai mà nói:

“Lão bà bà dáng dấp xấu xí như vậy sao còn đến thăm ta làm gì?”

Bị chính chồng mình buông lời miệt thị, Trương Xuân Hoa vừa đau lòng vừa phẫn uất. Trong cơn tức giận, bà đã quyết định tuyệt thực. Nghe được tin này, những người con trai ruột của bà khi biết được sự việc này thì cũng tuyệt thực theo mẹ.

Việc làm trên của mẹ con đã khiến Tư Mã Ý kinh sợ, buộc phải xuống nước và xin lỗi vợ cả. Trương Xuân Hoa sau đó dù cho qua, nhưng mối quan hệ giữa bà và phu quân của mình càng lúc càng trở nên xa cách.

Sau chuyện này, Tư Mã Ý bề ngoài mặc dù tỏ vẻ hối lỗi nhưng vẫn nói với Bách Phu nhân rằng:

“Bà già kia có chết cũng chẳng đáng tiếc, ta chỉ lo cho mấy đứa con ngoan của ta vì vậy mà chịu khổ…”.

Tư Mã Ý

(Ảnh minh họa)

Tháng 4 năm Chính Thủy thứ 8 (247), Trương Xuân Hoa qua đời ở tuổi 59, an táng tại lăng Cao Nguyên thuộc thành Lạc Dương, được truy phong làm Quảng Bình huyện quân.

Sau khi vợ cả qua đời, Tư Mã Ý tỏ vẻ buồn thương sâu sắc vì cái chết của bà nên đã thỉnh cầu Tào Phương cho mình từ quan về quê.

Tuy nhiên lý do này chỉ là danh nghĩa để ông lánh mặt khỏi những tranh chấp khốc liệt trong triều đình lúc đó. Hai năm sau, Tư Mã Ý bất ngờ tước quyền nhiếp chính của Tào Sảng trong một cuộc đảo chính.

Chỉ đáng tiếc là ngay cả khi đã nắm được đại quyền trong triều đình Tào Ngụy, tên tuổi của mưu sĩ nổi danh này vẫn bị người đời chê trách vì phụ bạc tình nghĩa với vợ cả, thậm chí còn biến cái chết của vợ mình trở thành một quân cờ để lợi dụng.

 

Tới tháng 12 năm Thái Thủy thứ nhất (năm 265), người cháu ruột của Trương Xuân Hoa là Tư Mã Viêm lên ngôi thành lập triều Tây Tấn, bà cũng được truy phong làm Tuyên Mục Hoàng hậu.

Về phần Bách phu nhân, chính sử không hề ghi lại thân thế cũng như tên thật của bà. Chỉ biết rằng, bà chính là mẹ ruột của Tư Mã Luân – vị Hoàng đế thứ ba nhà Tây Tấn chỉ ở ngôi được vẻn vẹn 3 tháng.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, Bách Phu nhân trong một lần đi xe ngựa chung với Tư Mã Ý đã bị thích khách hành thích và bỏ mạng.

Người con trai của bà mặc dù từng ở ngôi Hoàng đế nhưng không có thụy hiệu, miếu hiệu, lại ở ngôi quá ngắn nên ít khi được nhắc tên trong danh sách của những vị vua nhà Tấn.

Xem thêm  5 câu nói kinh điển của Tư Mã Ý, nếu biết tận dụng sẽ có lợi cả đời

Theo Trí thức trẻ

Link