Thứ bảy, Tháng mười 19
Shadow

Nắng rát 38 độ C, đề phòng tia cực tím gây ung thư da

Tia cực tím (UV) trong những ngày qua ở mức nguy hiểm cực độ. Theo dự báo của trang thời tiết Weather Online (Anh), từ ngày 23 đến 25-4, tia cực tím tại TP.HCM đều ở mức cao nhất là 12.

9h ngày 23-4, người đi đường đã phải che chắn kín mít. Ảnh chụp trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bác sĩ Lê Đức Thọ – chuyên khoa da liễu – cho biết đây là mức có thể gây ung thư da và các bệnh về mắt, đồng thời làm tăng nguy cơ khởi phát hoặc làm nặng thêm các bệnh lý nền như lupus ban đỏ, viêm da cơ địa…

Đăc biệt, dù tia UV ở mức không cao nhưng vẫn có khoảng 80% bị lão hóa da trong 20 năm đầu đời.

Làm gì khi tia UV ở TP.HCM vượt ngưỡng?

Làm giảm độ nguy hiểm tia UV ra sao? PGS Trần Hồng Côn (Trường ĐH Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay ở mức độ cho phép, tia UV giúp tổng hợp vitamin D, kích thích mọi quá trình hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên, khi tầng ozon bị tác động, lượng tia cực tím chiếu xuống càng mạnh, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới con người.

Cường độ tia UV phụ thuộc khoảng cách tính từ đường xích đạo, độ cao, độ che phủ của mây, phản xạ bề mặt, thời gian chiếu trong ngày… Chẳng hạn, trời nắng nhưng nhiều mây và nhiều tán cây xanh thì lượng tia UV sẽ yếu hơn và ngược lại. Vì vậy, tán cây xanh cũng là cách chống tia UV hữu hiệu nhất có thể làm giảm mức độ nguy hiểm tia UV.

Xem thêm  Thông cảm hay kỷ luật giáo viên dùng dây cột trẻ tự kỷ vào cửa sổ?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tia UV mức 8-10 thì thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ngoài nắng. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ làm da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Không che chắn, 2 cánh tay của một nam thanh niên bị cháy nắng, bỏng rát sau 3 giờ đi ngoài đường – Ảnh: XUÂN MAI

Kết hợp các biện pháp

BS Thọ cho hay ảnh hưởng của việc tiếp xúc với tia UV là tích lũy, sẽ cộng dồn suốt đời người. Dù bất kể tuổi tác hay loại da nào, nếu tiếp xúc với tia UV thì có nguy cơ phát triển ung thư da. Hầu hết các trường hợp u hắc tố ác tính – dạng ung thư da nguy hiểm nhất – có thể được quy cho việc tiếp xúc với tia UV.

Vậy để bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng cường độ mạnh, người dân nên kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ chống nắng như mặc trang phục chống nắng, đội mũ, đeo kính và bôi kem chống nắng với chỉ số SPF 30+ trước khi ra nắng 30 phút.

Ngày nhiều mây, tia UV vẫn ở mức cao

Việc tiếp xúc ở cường độ cao với bức xạ tử ngoại (UV) có thể gây hại cho da và mắt. Theo trang web Zeiss (Đức), có 3 loại tia UV khác nhau được gọi là tia UV-A, UV-B và UV-C và mỗi loại tác động tới cơ thể chúng ta theo cách riêng.

Xem thêm  10 chuyên gia đúc kết 10 nguyên tắc ‘vàng’ phòng tránh ung thư: Ghi nhớ để tự cứu mình

Cần biết cách bảo vệ đầy đủ khi hoạt động dưới ánh nắng, nếu ở ngoài trời từ 15 phút trở lên, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11h-15h hằng ngày (đây là khoảng thời gian có cường độ bức xạ tử ngoại cao nhất).

Việc bảo vệ này cần kỹ lưỡng cho cả phần da và phần mắt. Trang web của chính quyền vùng Quebec (Canada), những người nhạy cảm hơn với tia UV là những người có cơ địa vốn ít sắc tố melamin trong da, loại sắc tố có khả năng hấp thụ tia UV và bảo vệ da dưới nắng.

Để đảm bảo bảo vệ mắt an toàn, bạn nên đeo loại kính râm chất lượng cao hoặc kính áp tròng có tính năng lọc tia UV lên tới 400nm (nanômét). Hãy dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.

Hiệp hội da liễu Canada cho biết đôi mắt của ta cũng rất nhạy cảm với tia UV, điều này không chỉ lúc có nắng mà ngay cả ở trong bóng râm, không chỉ giữa trưa mà là suốt cả ngày. Ngay cả trong những ngày nhiều mây, tia UV vẫn có thể cao ở mức từ 70-75% do quá trình phản chiếu và tán sắc.

Cần bảo vệ cơ thể trước tia UV, càng bắt đầu sớm càng tốt và không bao giờ là quá muộn để làm việc này. Với da, việc tiếp xúc quá mức tia UV là nguyên nhân chính gây ung thư da và trên thực tế, 5-10% số vụ ung thư da có liên quan đến mắt.

ĐẮC LUÂN tổng hợp

Theo Tuổi trẻ

LiNK