(NQL) Không nằm ngoài trào lưu của thế giới, nền kinh tế chia sẻ đang nở rộ mạnh mẽ ở Việt Nam. Gần nhất là việc Viettel đầu tư vào Gonow – khi mua lại 30% cổ phần của họ với ý định cạnh với Uber và Grab trong tương lai. Tuy nhiên, ẩn sau mô hình trông có vẻ dễ kinh doanh và siêu lợi nhuận này là những hiểm họa khôn lường. Các start-up lẫn các nhà quản lý phải thật sự tỉnh táo trước “vùng đất mới” đầy phức tạp này.
Mô hình chia sẻ ở Việt Nam
Kể từ khi Linux – chia sẻ lập trình, Facebook – chia sẻ cuộc sống và YouTube – chia sẻ nội dung xuất hiện; nền kinh tế thế giới xuất hiện một mô hình mới: chia sẻ. Theo dự báo, tới năm 2030, mọi người không cần phải sở hữu nhiều tài sản mà vẫn có được cuộc sống thoải mái đầy đủ nhờ mô hình kinh tế chia sẻ. Chúng ta có thể thuê ông bà, thuê người chăm sóc trẻ, thuê váy dạ hội, thuê xe mắc tiền… thông qua các app một cách hết sức thuận tiện và rẻ.
Theo các chuyên gia, trong tương lai, mô hình chia sẻ sẽ tấn công vào các lĩnh vực như nhà kho, quảng cáo, tiền, nấu ăn, áo quần, công việc, dụng cụ…
Hiện tại, nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam vẫn còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực, ví dụ Trung Quốc. Những tên tuổi lớn như Grab hay Uber đều thuộc tập đoàn nước ngoài. Những công ty thuần Việt thành công hiếm hoi có thể kể đến là Ahamove, jupvie.vn, Cơm mẹ nấu… Còn Gonow vẫn là một ẩn số.
Viettel là tập đoàn lớn hiếm hoi ở Việt Nam nhảy vào mô hình kinh tế chia sẻ mới mẻ này.
Có hai lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nhất đó là vận chuyển và chia sẻ văn phòng. Sau thành công vang dội của Uber và Grab tại thị trường Việt Nam, nhiều bạn trẻ bản địa đột nhiên bừng tỉnh nhận ra tiềm năng vô tận của mô hình này trong mảng vận tải. Trần Vương Long – Gonow, Giao hàng nhanh – Ahamove cùng Trần Bá Trí – Go-Ixe là một trong những số đó.
Trên tất cả, Gonow được cho là có tham vọng nhất khi đi vào thị trường chưa ai khai thác: xe đi sau (chủ yếu là xe đường dài và liên tỉnh) cùng nguồn đầu tư từ Viettel. Mục đích của họ là giúp xe tìm khách và khách tìm xe trên phạm vi toàn quốc; đồng thời phát triển ý tưởng đấu giá ngược cho những chuyến xe rỗng 1 chiều. Cũng như Gonow, Ahamove cũng tìm đến nhánh nhỏ chưa ai khai phá: xe tải, xe ba gác chở hàng trong nội thành.
Go-Ixe có lẽ là công ty “dũng cảm” nhất khi dám nhảy vào dành thị phần cùng Grab và Uber. Tuy nhiên, khi được chúng tôi hỏi: “Làm sao công ty có thể sống nổi khi nhảy vào tham chiến cùng 2 ‘người khổng lồ’ trên?”, người đại diện của Go-Ixe trả lời: “Dựa vào việc bán app cho các doanh nghiệp taxi khác“.
Một trong những văn phòng cho thuê theo mô hình co-working của Dreamplex.
Có 50 công ty về về chia sẻ văn phòng đang hoạt động khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ việc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay start-up thuê một diện thích nhỏ trong một văn phòng lớn; các doanh nghiệp về co-working đã phát triển đến giai đoạn cho thuê 1 chỗ và thuê theo giờ. Một vài cái tên đình đám: Toong, Dreamplex, FunWork…
Bài học Trung Quốc
Người Trung Quốc đang cho thuê tất cả những gì có thể. Từ dù đi mưa, xe đạp, sạc điện thoại, bóng rổ, buồng ngủ siêu mini… và gần nhất là búp bê tình dục. Touch, một công ty chuyên bán lẻ sản phẩm tình dục của Trung Quốc vừa cho ra mắt dịch vụ Shared Girlfriend, cho phép các thanh niên độc thân cô đơn thuê búp bê tình dục theo đủ phong cách từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Hong Kong.
Tuy nhiên, đang có rất nhiều bất cập xảy ra chung quanh những công ty xu hướng này. Một công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc, đã báo rằng, 300.000 ngàn chiếc dù của họ đã mất trong chưa tới 3 tháng sau khi bắt dầu kinh doanh. 3Vbike, có trụ sở tại Bắc Kinh, đã phải đóng cửa sau 4 tháng hoạt động. 1000 chiếc xe đạp của 3Vbike đã biến mất chỉ còn vài chục chiếc do bị trộm cắp. Chưa nói, rất nhiều khách hàng đã vứt xe đạp ngênh ngang dọc đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị.
Nhiều xe đạp cho thuê đã bị khách hàng vứt bỏ lung tung khắp nơi gây mất mỹ quan đô thị.
Còn các phòng ngủ hình con nhộng ở nhiều thành phố lớn trở thành chỗ trú ngụ lý tưởng cho bọn tội phạm. Thế nên, theo South China Morning Post, nền kinh tế chia sẻ thế giới có thể lụn bại vì một lý do duy nhất: Con người không đáng tin.
Nạn trộm cắp vặt ở Việt Nam có thể chưa dữ dội bằng Trung Quốc, nhưng vì nền văn hóa của nước ta có nhiều nét tương đồng với họ; nên các start-up Việt nếu đi theo mô hình của người hàng xóm, hãy tính thêm những khó khăn vô hình đã kể trên vào dự án của mình.
Uber và Airbnb đang bị cấm ở nhiều nước châu Âu
Ngoài sự tin tưởng và tính thật thà, một trong những giá trị cốt lõi nữa làm nên thành công của kinh tế chia sẻ là nộp thuế ít. Trên thế giới, vẫn chưa có bất cứ chế tài hoàn chỉnh nào dùng để đánh thuế các doanh nghiệp theo mô hình này một cách chính xác và công bằng. Thế nên, chẳng có gì lạ khi Uber và Airbnb bị nhiều chính phủ ở châu Âu ghét. Họ đã bị cấm hoặc xem xét cấm hoạt động tại Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha…
Uber và Airbnb đang bị nhiều chính phủ ở châu Âu tẩy chay.
Airbnb, ứng dụng chia sẻ phòng/nhà trực tuyến này thành lập ở Mỹ năm 2008. Họ từng được đầu tư tới 2,39 tỉ USD và trở thành một start-up được đầu tư hoành tráng nhất từ trước đến nay. Ngoài Mỹ, thị trường lớn thứ hai của họ là Pháp. Song, năm 2016, họ chỉ nộp thuế cho chính phủ Pháp đúng 92.944 euro. Điều này khiến Bộ trưởng kinh tế Pháp, ông Bruno Le Maire khá phẫn nộ và tuyên bố là nó “không thể chấp nhận được”.
Airbnb bị cáo buộc trốn thuế, không đóng góp cho an sinh xã hội, lấy mất khách của ngành khách sạn, lượng nhân công họ tạo ra tuy nhiều nhưng bấp bênh…
Tại châu Âu, Uber đang “ngồi trên một quả bom nổ chậm”: Tháng 5/2017, một luật sư thuộc Tòa Án Châu Âu đòi Uber phải có giấy phép hành nghề taxi mới được tiếp tục hoạt động. Nếu thua kiện, Uber phải bồi thường một vài tỷ đô la! Vì không chịu bất trách nhiệm xã hội nào với nhân công của mình, họ chỉ là cò mồi, nên giá cước của Uber/Grab đưa ra mới rẻ như thế.
Tại Việt Nam chúng ta, cũng không ít lần Uber và Grab dính vào cáo buộc trốn thuế và vi phạm pháp luật.
Theo Nhaquanly