Sự xuất sắc của thầy trò HLV Park Hang-seo hôm nay liệu có đồng nghĩa với 10 năm nữa Việt Nam có thể “đi World Cup”? Hay nó đơn thuần chỉ là một cột mốc, như bao cột mốc khác?
1. Cùng bóng đá Việt Nam, trong suốt hơn một năm vừa qua, HLV Park Hang-seo đã đi qua rất nhiều cột mốc mang đấu ấn kỳ tích. Từ chức Á quân U23 châu Á trên tuyết trắng Thường Châu đến đêm vui Mỹ Đình, đấy là những điều ắt hẳn chẳng người Việt Nam nào nghĩ đến trước ngày nhà cầm quân người Hàn Quốc này nghĩ đến.
Nhưng đúng như ông bầu phố Núi – Đoàn Nguyên Đức đã nói khi nhận xét về HLV Hoàng Anh Tuấn, bóng đá là thành tích – dẫu cho với lứa U19 của mình, cả HAGL lẫn U19 Việt Nam “của ông” đều chưa có thành tích gì. Và nếu dừng chân trước Nhật Bản ở vòng tứ kết Asian Cup 2019, đây chỉ có thể là cột mốc của bóng đá Việt Nam, thay vì thành tích.
Asian Cup 2019 có quan trọng không? Nó cực kỳ quan trọng, bởi dẫu cho nắm trong tay chức Á quân U23 châu Á, hay chức vô địch AFF Cup 2018, thì những thành tích ấy không đưa bóng đá Việt Nam đến tận cùng của mơ ước, của đích đến khiến người hâm mộ thỏa mãn nhất: nâng tầm bóng đá nước nhà vượt ra khỏi Đông Nam Á, để đặt mình lên tầm châu Á.
Với cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc, Asian Cup cũng là đấu trường cực kỳ quan trọng. Chức vô địch Asian Cup 1992 là mốc son đánh dấu nền bóng đá của đất nước hoa anh đào vươn mình “ra biển lớn”, trở thành một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Á, nâng tầm thế giới.
Chức vô địch năm ấy là niềm khích lệ lớn lao để Nhật Bản cho ra đời J-League – giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thành công ngoài sức tưởng tượng, đặt nền móng cho thành công vượt bậc của bóng đá Nhật Bản trong suốt gần 30 năm qua.
Còn với Hàn Quốc, sự khát khao được thêm lần nữa đứng trên ngôi vô địch Asian Cup là cực kỳ bỏng cháy. Tấm huy chương vàng cuối cùng mà đội tuyển Hàn Quốc dành được ở đấu trường này đã cách nay… 59 năm.
Người Hàn Quốc từng rất tự tin về khả năng đoạt chức vô địch Asian Cup thêm lần nữa, nhưng rồi 4 lần vào đến chung kết, là cả 4 lần họ về nhì. Năm năm trước, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc từng cho đúc lại 23 tấm huy chương vàng mà họ từng đoạt được ở Asian Cup 1960. Tại sao lại làm một việc “trái khoáy” như thế?
Là bởi ở chức vô địch cuối cùng mà họ đạt được 59 năm về trước, lớp vàng mạ trên 23 chiếc huy chương ngày ấy đã bị bong tróc chỉ vài ngày sau khi được trao cho các tuyển thủ. Ngày ấy, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc giấu nhẹm chuyện này, và “phủi tay” mặc những tuyển thủ quốc gia than vãn.
Đến bây giờ, người Hàn vẫn tin rằng do sự quay lưng ngày ấy với những chiếc huy chương vàng “xám xịt” mà các tuyển thủ phải nhận, mà cái dớp đen theo đội tuyển quốc gia của họ trên đấu trường Asian Cup cho đến tận bây giờ.
Năm 2014 ấy, sau khi đúc lại 23 tấm huy chương, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc dự định trao nó lại cho các tuyển thủ, cũng như gia quyết của các tuyển thủ đã khuất núi, nhưng không ai nhận. Rồi việc ấy thêm lần trôi vào quên lãng. Giải Asian Cup 2015, Hàn Quốc thêm lần về nhì. Hoang mang…
23 chiếc huy chương như thế này đã được Hàn Quốc đúc để trao lại cho các tuyển thủ từng đoạt ngôi vô địch Asian Cup 1960.
Trước ngày Asian Cup 2019 khai màn, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc bằng tất cả nỗ lực của mình, trao lại tấm huy chương vàng ngày nào cho gia đình các cố tuyển thủ, như một nỗ lực đền bù lại sự vô tâm của các thế hệ đi trước, đồng thời để “giải lời nguyền”, đưa Hàn Quốc trở lại vị trí số 1 châu Á.
2. Nếu vượt qua được Nhật Bản để đi tiếp vào bán kết Asian Cup 2019, hẳn nhiên cả châu Á phải ngả mũ trước thầy trò HLV Park Hang-seo, dù cho họ thắng bằng cách nào, và trận thắng ấy dù có “xấu xí” đến thế nào đi nữa, thì với những gì đã thể hiện ở giải đấu này, hẳn nhiên đẳng cấp châu Á của bóng đá Việt Nam, của thế hệ vàng này của bóng đá Việt Nam là điều khỏi bàn cãi.
Nhưng ở một khả năng mà xác suất diễn ra nhiều hơn, đội tuyển Việt Nam dừng chân trước Nhật Bản, dĩ nhiên sẽ chẳng có thảm họa nào cả, dẫu có thua kiểu gì, thua đến thế nào. Nhưng khi đó, thầy trò HLV Park Hang-seo được gì?
Với bóng đá Việt Nam cho đến ngày hôm nay, nhân tài được sản sinh theo chu kỳ, và chu kỳ đó thường… không biết trước được. Nên phong độ của lứa cầu thủ ngày hôm nay không đồng nghĩa với 10 năm sau bóng đá Việt Nam sẽ góp mặt ở World Cup. Nhưng với lứa cầu thủ tài năng gặt hái được thành tích hôm nay, chúng ta đã có được cái gọi là truyền thống. Và truyền thống chính là thứ làm nên vinh quang tương lai.
Với Nhật Bản, truyền thống là chiếc huy chương vàng Asian Cup năm 1992. Với Hàn Quốc, truyền thống chính là danh hiệu “đệ tứ anh hào World Cup” năm 2002. Những gì thầy trò HLV Park Hang-seo đạt được ở Asian Cup lần này sẽ là truyền thống cho các thế hệ kế tiếp.
Nó không chỉ thổi bùng lên niềm tự hào dân tộc, tình yêu bóng đá của người hâm mộ nước nhà, thổi bùng lên tham vọng, sự quan tâm của những ông bầu với bóng đá nước nhà, mà quan trọng nhất, là nó cho những lứa cầu thủ trẻ niềm tin vào tương lai, vào con đường đi theo đam mê mà mình đã chọn.
Nó cũng cho những ông bố, bà mẹ có con theo đuổi niềm đam mê ấy niềm tin vào một môi trường bóng đá lành mạnh, nơi mà những đứa con của họ không phải đứng trước viễn cảnh “ráo mồ hôi là hết tiền” như những thế hệ cầu thủ 10, 20 năm về trước, nó là sự khẳng định cho việc có thể kiếm được tiền, thậm chí làm giàu từ đá bóng.
Có như thế, thì cái viễn cảnh phải chờ đợi những chu kỳ bóng đá tiếp theo trong mỏi mòn, như người hâm mộ bóng đá Việt Nam từng phải chờ đợi suốt 10 năm trời mới kết thúc được.
Khi những lứa cầu thủ tài năng nối tiếp nhau, gối đầu lên nhau, cạnh tranh quyết liệt vị trí đại diện cho nền bóng đá của Việt Nam giương danh trên đấu trường quốc tế, khi không còn phải gọi những tuyển thủ quốc gia về làm nhiệm vụ ở U23, U21…, thì bóng đá Việt Nam mới thực sự nâng tầm.
Dấu ấn của thầy trò HLV Park Hang-seo ở Asian Cup 2019 đang đặt những bước đầu tiên cho điều đó, với niềm cảm hứng lớn lao cho cả dân tộc vào những gì mình đã thể hiện. Như thế đã là quá tuyệt vời rồi, bởi trong suốt hành trình của bóng đá Việt Nam, đã có lứa cầu thủ nào, HLV nào làm được điều đó đâu.
Theo Ngô Trà- Trí thức trẻ/Soha