“Tạo đường băng cho đất nước cất cánh chính là tạo cơ chế minh bạch, công bằng cho những ông bà ấy xuất hiện nhiều nhất”.
Vietjet Air và sự “hối hận” của vua hàng không giá rẻ Fernandes
Cách đây vài năm, Tony Fernandes, chủ hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới AirAsia đã lỡ mồm “chê” Vietjet Air của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Có lẽ bây giờ, ông đã hối hận…
Hôm ấy, trong diễn đàn về kinh doanh tại Việt Nam do Forbes tổ chức, đội chiếc mũ màu đỏ của hãng, Tony đã vừa cười sảng khoái vừa nói: Vietjet đã “nhái” màu đỏ và cách làm của AirAsia.
Vài năm sau, Vietjet đã trở thành một hãng hàng không hùng mạnh ở Việt Nam và bà chủ của nó, Nguyễn Thị Phương Thảo đã là tỉ phú đô la với tổng tài sản lên tới 3,4 tỉ đô la.
Tính đến thời điểm này, Tony Fernandes có tổng tài sản 345 triệu đô la.
Để so sánh tài năng của hai con người thì không chỉ nhìn vào số tài sản mà họ có. Nhưng có một điều chắc chắn là Vietjet không thể lớn mạnh bằng cách “nhái” một ai đó.
Nhìn thứ hạng bà Thảo xếp thứ 766 trong bảng tổng sắp tỉ phú giàu nhất thế giới, chắc ông Tony Fernandes sẽ có nhiều suy nghĩ, nhất là trong thời điểm “ông vua” này muốn phủ sóng thị trường đầy tiềm năng Việt Nam, sau 3 lần ngậm ngùi thất bại.
Chắc chắn Tony Fernandes sẽ phải chiến đấu một cách không dễ dàng ở Việt Nam với một Vietjet còn có nhiều tham vọng vươn xa bằng sải cánh năng động, trẻ trung, thần tốc. (đọc tin chính)
Thông tin Việt Nam có thêm 2 tỉ phú đô la là ông Trần Bá Dương (1,8 tỉ đô la) và ông Trần Đình Long (1,3 tỉ đô la), đã thổi thêm một luồng gió hy vọng cho sự cất cánh của đất nước. (đọc tin chính)
Theo bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đóng góp tới gần 1/3 cho tăng trưởng kinh tế của đất nước (32,3%).
Những bước “thần hành” của các ông lớn
Khi tòa tháp cao nhất Việt Nam 81 tầng của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chưa khánh thành, thì tài sản của ông đã lên một đỉnh cao mới, tăng chóng mặt trong bảng xếp hạng của Forbes, từ 3,1 tỉ đô la năm 2017 lên 4,3 tỉ đô la đầu năm 2018.
Khi Vinfast của tỉ phú này đang chạy nước rút để có mặt thần tốc ở Paris Motors Show tháng 10.2018, thì Vingroup đã đưa một tay khác bắt bắt tay với Liên Đoàn Ivy (Ivy League) – nhóm trường đại học tư thục tinh hoa và lâu đời nhất nước Mỹ để xây dựng đại học chất lượng quốc tế nhưng made in Vietnam.(đọc tin chính)
Danh sách thành viên của Ivy League gồm toàn “hàng khủng”: Harvard, Yale, Princeton, Columbia, Pennsylvania, Dartmouth, Brown và Cornell University.(đọc tin chính)
Thứ hạng trên bảng tổng sắp tỉ phú đô la của vua ô tô Việt Nam hiện tại Trần Bá Dương, có thể còn tăng mạnh nếu cổ phiếu Thaco chính thức lên sàn và có giá tăng vọt giống như nhiều cổ phiếu lớn trước đó: Sabeco, Habeco, ACV, Vietnam Airlines…
Nhưng tổng tài sản của ông Dương không phải là chỉ số duy nhất khiến người Việt thấy ấm áp, tự hào.
Điều mà ông Dương truyền được cảm hứng chính là doanh nghiệp Việt Nam, con người Việt Nam hoàn toàn có thể và xứng đáng trở thành một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trường Hải chính thức trở thành nhà đầu tư, nhập khẩu và phân phối thương hiệu ôtô BMW, MINI và BMW Motorrad tại Việt Nam kể từ tháng 1/2018.
Dấu mốc quan trọng này cùng với phương châm “một năm bằng 20 năm của Mercedes ở Việt Nam”: Thaco sẽ mở tới 15 showroom trên cả nước trong một năm (trong khi đó 20 năm Mercedes mới mở được 14) là tín hiệu cho thấy con đường khẳng định thứ hạng toàn cầu của ông Trần Bá Dương chắc chắn còn rộng mở.
Trụ sở chính của tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long nằm khiêm tốn trên một con phố nhỏ ở Hà Nội. Chính ông Long thừa nhận rằng nó đã trở nên chật chội với quy mô một doanh nghiệp có doanh thu hơn 2 tỉ đô la/ năm.
Khẩu hiệu “Tầm vóc mới – Sức mạnh mới”, phương châm “ở Hòa Phát không có gì là làm nửa chừng cả” của Hòa Phát chứng tỏ quyết tâm mới của tập đoàn này: đạt doanh thu tới 100.000 tỉ năm 2020.
Khi ấy, trên bảng tổng sắp tỉ phú thế giới, rất có thể ông Long sẽ đứng ở một thứ hạng mới.(đọc tin chính)
Những bước “thần hành” và những kỷ lục đạt được của ông Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương, Trần Đình Long, là những tín hiệu vui, là động lực cho cả nền kinh tế đang tìm nhiều phương kế thoát khỏi vùng trũng phát triển.
Khi tôi gọi điện cho một chuyên gia kinh tế, hỏi ông về sự kiện Việt Nam có thêm hai tỉ phú đô la trong bảng xếp hạng của Forbes, ông trả lời ngắn gọn:
“Nói thế này cho đơn giản nhé: Nếu Việt Nam chúng ta có 5 ông Hùng (TGĐ viettel), 5 ông Vượng, 5 bà Thảo, 5 ông Dương, 5 ông Long, 5 bà Liên (TGĐ vinamilk) thì chắc chắn không một quốc gia nào trên thế giới có thể xem nhẹ Việt Nam.
Tạo đường băng cho đất nước cất cánh chính là tạo cơ chế minh bạch, công bằng cho những ông bà ấy xuất hiện nhiều nhất”.
theo Trí Thức Trẻ