Thứ Sáu, Tháng Tư 19
Shadow

Nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh kể chuyện trẻ thơ

 ‘Mỗi hơi thở một nụ cười’ và ‘Con gà đẻ trứng vàng’ là hai ấn phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa ra mắt độc giả ngay trước ngày thiền sư trở về quê hương. Sách nhanh chóng được tái bản ngay sau một tuần lên kệ.

Tác giả Thích Nhất Hạnh – Ảnh: LÀNG MAI

Điều gây ngạc nhiên, thích thú khi cầm sách trên tay chính là sách được minh họa bằng hình vẽ rất thơ trẻ, và ngôn ngữ trong sách cũng thật trẻ thơ. Ta hiểu ngay rằng sư ông Làng Mai muốn kể chuyện cho một đối tượng nghe – đọc đặc biệt, đó là thiếu nhi.

Thở – một trò chơi hạnh phúc

Hẳn người đọc sẽ tò mò, không biết thiền sư Thích Nhất Hạnh nói gì, kể gì với những tâm hồn trong sáng, thơ ngây chưa hiểu về hiện tại, hạnh phúc, về an trú thường được nhắc trong nhiều cuốn sách trước đây của người?

Thiền tập có cần thiết và có quá khó hiểu với trẻ thơ? Nếu nghĩ vậy thì những “ta” lớn ơi, ta đang bị “tâm phân biệt” quá chừng. Những ai biết cười đều vẫn đang là đứa trẻ. Khi cười ta hạnh phúc, tâm ta vô lo. Khi tâm ta vô lo, ta quay về là một đứa trẻ hạnh phúc.

Hai cuốn sách cho thiếu nhi của Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh

Nên ta hiểu ra, tập sách song ngữ Anh – Việt Mỗi hơi thở một nụ cười của Thích Nhất Hạnh không phải là một cuốn sách dạy thiền tập, mà đang bày cho tuổi nhỏ chơi một trò chơi hạnh phúc.

Trò chơi ấy có sự mới mẻ khi nhìn cái bụng nhấp nhô nhấp nhô và thấy sự hiện diện gần gũi của ba mẹ, ông bà, anh chị, mây trời, hoa lá… quanh bé với thật nhiều tình thương. Trò chơi ấy được chỉ dẫn bằng giai điệu của ngôn từ, khi ta thì thầm hay đọc thành tiếng đều thấy êm đềm, bình an.

Xem thêm  Thiền sư Thích Nhất Hạnh: 'Về nước để được sống nơi đất Tổ'

Quay về làm một đứa trẻ

Cũng bằng cách xây dựng một thế giới tự nhiên, giản dị và có rất nhiều tình thương như thế, nhưng quyển Con gà đẻ trứng vàng lại mang một phong vị khác. Ngôn ngữ không còn là giai điệu, mà lại đầy ắp hình ảnh.

Một cậu bé và một chú gà trở thành bạn thân thiết ở trong thiên đường là khu vườn nhỏ. Đôi mắt của người lớn nhìn vào chỉ chăm chú vào quả trứng vàng, bằng vàng thật, nhưng đôi mắt trẻ thơ chỉ say sưa với quả trứng thường có thể nở ra một chú gà con.

Điều mầu nhiệm nào sẽ kết nối những đôi mắt kia thành một ánh nhìn? Ánh nhìn của sự làm hòa cùng vạn vật, ánh nhìn mang niềm hạnh phúc với những gì ta đang có?

Con gà đẻ trứng vàng – sách cho thiếu nhi của Sư ông Làng Mai

Sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh thật ra có phương pháp để kể câu chuyện rót vào hồn trẻ nhỏ. “Pháp” chẳng phải là “phép” sao? Là kể bằng phép mầu của tình thương trong đời sống này. Là kể bằng phép mầu của ngôn ngữ.

Thế nên, sách đâu chỉ dành cho trẻ nhỏ. Những “ta” lớn có thể quay về làm một đứa trẻ hạnh phúc để đọc, kể và nghe cùng những đứa trẻ hạnh phúc khác mà ta thương. Và để thấy mình thật giàu có khi đang giở sách.

Tâm ta chừ đang ra sao?

Trước khi lâm bệnh nặng, thiền sư Thích Nhất Hạnh có một cuộc đối thoại nhỏ nhẹ với thiếu nhi qua truyện Con gà đẻ trứng vàng. Cùng phần minh họa của sư cô Trăng Tuyết Hoa gần gũi, cuốn sách là một món ăn tinh thần thuần Việt, có tính giáo dục cao.

Xem thêm  Ông Kim Jong Un mở cửa chống đạn, vẫy tay chào: chưa từng có tiền lệ

Người lớn cũng đọc được ở đó một chiều kích ý nghĩa khác. Chẳng hạn, ngay cách sư ông đặt tên các nhân vật, dường như đã có một ngụ ý thú vị. Con gà tên Chừ (chừ, trong “bây chừ”, là hiện tại/ it’s now). Cậu bé trong câu chuyện tên Tâm – chữ Tâm trong ta.

Như vậy, trong tương quan bạn bè giữa cậu bé Tâm với con Chừ đầy thân thiết, như hình với bóng, như hai mà một, ta thấy ẩn ngữ đầy thâm thúy của câu chuyện tưởng giản đơn này.

Cậu bé Tâm đã đưa con Chừ về với khu vườn, để con Chừ sống trong hạnh phúc được đẻ trứng, được rong chơi và để những quả trứng có được hạnh phúc vì nở ra bầy gà con. Khu vườn ấy chính là cuộc đời rộng lớn, là thế giới thuận tự nhiên, đầy hồn hậu, hài hòa và yêu thương.

Bài học yêu thương loài vật trên bề mặt văn bản có màu sắc cổ tích dành cho trẻ nhỏ, đến đây, đã trở thành thông điệp tích cực dành cho những người lớn: tâm ta cần được sống trọn vẹn, an trú trong từng khoảnh khắc hiện tại của “khu vườn” đời sống này. Và hạnh phúc được khởi sinh từ đó.

Đọc hết câu chuyện này, tôi tự hỏi, Tâm của tôi Chừ đang ra sao? Quả trứng vàng ở đâu?

Vĩnh Nguyên – Theo Tuổi trẻ

Link gốc