Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Nghiên cứu khoa học chỉ ra đa số bố mẹ đang khen con sai, 3 cách này mới là đúng

Khen con

Tâm lý chung của nhiều bố mẹ là đứa trẻ nào chẳng thích khen, khen con thì có hại gì đâu vì chỉ là “cái vỗ về bằng ngôn từ”. Sự thật có phải như vậy?

Khi con thể hiện điều gì đó, chúng ta thường ngợi khen mà không suy nghĩ gì “Con thật thông minh!”, “Con sáng tạo quá đi!”. Có gì hại đâu cơ chứ, đó chỉ là một cái vỗ về bằng ngôn từ thôi mà. Nhưng sự thật là khen ngợi thường khiến trẻ muốn nhận được nhiều lời khen hơn nữa. Ngoài ra, khen ngợi khiến trẻ dễ tập trung vào việc “nhìn sao cho thật ổn” thay vì “học hỏi” thực sự. Trên thực tế, sự tập trung này có thể trở nên dữ dội đến mức nó kìm hãm trẻ nắm bắt những cơ hội đơn giản, như giơ tay phát biểu ý kiến trên lớp. Tóm lại, nói với trẻ rằng chúng thật thông minh có thể khiến trẻ hành động theo hướng ngược lại.

Cùng tìm hiểu 3 cách khen con để tạo động lực hiệu quả cho trẻ, dựa trên nghiên cứu khoa học:

1. Khen ngợi quá trình nỗ lực, không khen ngợi con người

Trong những nghiên cứu mang tính đột phá, nhà nghiên cứu Carol Dweck (Đại học Stanford, Mỹ) phát hiện ra rằng, cách chúng ta khen ngợi trẻ có thể ảnh hưởng đến tư duy của trẻ và từ đó, tiếp tục tác động đến xu hướng tiếp nhận thử thách, khả năng kiên trì, sự nhẫn nại và thành công về mặt học thuật. Bà đã chia ra 2 loại tư duy riêng biệt: tư duy bảo thủ và tư duy cầu tiến.

Khen con

Cách chúng ta khen ngợi trẻ có thể ảnh hưởng đến tư duy của trẻ (Ảnh minh họa).

Những đứa trẻ với tư duy bảo thủ tin rằng, những thứ như trí thông minh, tính cách, khả năng sáng tạo là bẩm sinh và không biến đổi. Nói cách khác, bất kể học hành chăm chỉ tới đâu, nỗ lực nhiều tới đâu, chúng vẫn sẽ gắn chặt với thứ mà chúng nghĩ mình sẵn có.

Ngược lại, những đứa trẻ có tư duy cầu tiến tin rằng bộ não là một cơ có thể lớn lên và khả năng là thứ tài sản có thể được nuôi dưỡng thông qua làm việc chăm chỉ. Và chúng sẽ ngày càng lớn mạnh trước những thử thách.

Xem thêm  Thông cảm hay kỷ luật giáo viên dùng dây cột trẻ tự kỷ vào cửa sổ?

Carol Dweck và các đồng nghiệp đã minh hoạ sự khác biệt giữa 2 lối tư duy này trong một thử nghiệm mà ở đó trẻ 4 tuổi được đề nghị chơi với những miếng ghép hình. Chúng được chọn loại hình ghép dễ mà mình từng làm được hoặc thử một loại khác khó hơn. Những đứa trẻ có tư duy bảo thủ chọn chơi lại trò dễ, nhờ đó, khẳng định được khả năng của mình. Còn những đứa trẻ có tư duy cầu tiến nghĩ rằng, lựa chọn chơi lại thật kỳ cục – tại sao ai đó lại đi chơi lại cùng một trò trong khi có thể học thứ gì đó mới? Những đứa trẻ có tư duy cầu tiến lựa chọn thử thách bản thân bằng việc chọn trò chơi xếp hình khó hơn.

Bạn có muốn khai phát tư duy cầu tiến cho đứa trẻ của mình, hãy thử cách sau:

– Khen ngợi chiến lược (Ví dụ: Con đã tìm ra cách thật tốt để làm việc này).

– Khen ngợi với lý do cụ thể (Ví dụ: Con có vẻ đã thực sự hiểu phân số là thế nào rồi đấy).

– Khen ngợi nỗ lực (Ví dụ: Mẹ có thể nói rằng con đã luyện tập rất chăm chỉ).

2. Hãy thực tế khi khen con: Đừng nói “Làm tốt lắm” khi không đúng như vậy.

Một người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về lời khen, nhà tâm lý học Wulf-Uwe Meyer (Đại học Bielefeld, Đức) phát hiện thấy sau một chuỗi các thử nghiệm rằng, chỉ có những đứa trẻ dưới 7 tuổi mới chấp nhận lời khen dựa trên giá trị bề nổi của chúng. Còn trẻ lớn hơn tỏ ra nghi ngờ những lời khen, giống như người trưởng thành.

Khen con

Hãy trao cho trẻ những lời khen chính xác dành cho những thành tích có thực (Ảnh minh họa).

Các nghiên cứu của Meyer cho thấy, trẻ em tin rằng, chúng nhận được lời khen từ giáo viên không phải là dấu hiệu chúng đã làm tốt – mà đó lại là dấu hiệu, giáo viên nghĩ chúng thiếu khả năng và cần thêm sự động viên, khích lệ. Những đứa trẻ này khám phá ra một công thức: Những đứa trẻ bị tụt lại phía sau sẽ được đắm chìm trong lời ngợi khen. Thậm chí còn thú vị hơn, Meyer chỉ ra rằng, các thiếu niên coi thường lời khen đến mức chúng cảm thấy lời phê bình của một giáo viên là dấu hiệu tốt hơn về việc trẻ đang làm tốt.

Xem thêm  Khi con bị bắt nạt, cha mẹ đừng dạy con nói 3 từ này bằng không càng khiến trẻ bị tổn thương nặng nề hơn

Vì vậy, hãy trao cho trẻ những lời khen chính xác dành cho những thành tích có thực.

3. Cắt giảm lời khen con

Khen con

Nếu trẻ vẽ một bức tranh, hãy cho trẻ phản hồi của bạn về thứ bạn quan sát được chứ không phải lời nhận xét (Ảnh minh họa).

Một nhóm các nghiên cứu cho thấy, khen ngợi có thể đồng thời tạo ra sự mất động lực. Ví dụ, theo một nghiên cứu, những học sinh từ cấp tiểu học tới đại học được giáo viên nhiệt tình ban phát lời khen bắt đầu trả lời câu hỏi bằng giọng điệu áng chừng. Và khi giáo viên tỏ ý bất đồng, học sinh/sinh viên đó sẽ rút lại câu trả lời hoặc ý tưởng ban đầu của mình.

Trong một nghiên cứu khác với nhóm trẻ từ 8 đến 9 tuổi, mỗi lần trẻ nghe thấy câu nói: “Thật tự hào về con vì đã giúp đỡ mọi người” hay “Sự chia sẻ tuyệt vời!”, chúng trở nên bớt hứng thú hơn với việc giúp đỡ hay chia sẻ.

Vậy nếu bạn định cắt giảm lời khen ngợi, bạn nên làm gì để thay thế? Hãy thử cách này:

Cố gắng quan sát và đưa ra nhận xét. Nói một câu đơn giản, không mang tính đánh giá như “Con đã tự mình đi giày được rồi” hay “Con đã làm được!” hàm ý bạn công nhận nỗ lực của trẻ và khích lệ trẻ tự hào về thành tựu của mình. Nếu trẻ vẽ một bức tranh, hãy cho trẻ phản hồi của bạn – chứ không phải phán xét – về thứ bạn quan sát được: “Những đám mây kia to thật!” hay “Con chắc hẳn đã dùng rất nhiều màu xanh nước biển cho bức tranh này”.

Nguồn: Mother

Huyền Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ

Link