Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Ngọc Sơn được phong ‘Giáo sư’: Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước lên tiếng

Xung quanh việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng “giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn, GS Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước lên tiếng

Những ngày qua, cư dân mạng xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen “Giáo sư âm nhạc”.

GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, đã gửi đến VTC News ý kiến về vấn đề này. Báo điện tử VTC News xin đăng toàn bộ ý kiến của GS Trần Văn Nhung xung quanh vụ việc.

ngọc sơn, giáo sư âm nhạc, tự phong, gs trần văn nhung, hội nghệ nhân và thương hiệu Việt nam

GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước

“Những ngày qua, chúng tôi ở Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) cũng đã nhận được nhiều câu hỏi (qua điện thoại) về việc này, nhưng vì mới chỉ nghe nói mà chưa được mục kích văn bản, bằng cấp, nên chúng tôi chưa trả lời ngay được.

Vả lại để nhận định và đánh giá một việc làm, một danh hiệu, một con người, phải rất thận trọng, không được vội vàng, khi chưa có đủ thông tin gốc trong tay.

Thực ra, cơ quan giúp làm sáng tỏ việc này tốt nhất không phải là HĐCDGSNN mà là Cục Đảm bảo chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT. Nói riêng, Cục tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để xem xét, thẩm định và đánh giá sự đúng đắn của các loại bằng cấp, danh hiệu được cấp, được tặng ở trong và ngoài nước.

Còn sau đây là ý kiến chính thức của chúng tôi về việc này.

Thực ra thì vấn đề cũng đơn giản, sáng rõ, không phải tranh luận nhiều, nếu dựa trên các văn bản hiện hành của Nhà nước về giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS).

Nếu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, ca sĩ Ngọc Sơn và các bình luận viên để ý đến quy định sau đây thì mọi việc sẽ không đến mức ồn ào, đáng tiếc như vừa xảy ra.

Tại Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”, Điều 7.1.a nói rằng: “Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

Như vậy việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam xác định ca sỹ Ngọc Sơn là “Giáo sư âm nhạc” trong bằng khen của hội là không phù hợp.

HĐCDGSNN gồm 28 HĐCDGS Ngành/Liên Ngành, trong đó có HĐCDGS Liên Ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục, Thể thao với 15 chuyên ngành, mà chuyên ngành số 6 là Âm nhạc (Music).

Xem thêm  Vụ Ngọc Sơn được gọi là 'giáo sư âm nhạc': Tự phong và vô trách nhiệm

Nếu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam và ca sĩ Ngọc Sơn thấy xứng đáng và có nguyện vọng được xét và công nhận là Giáo sư âm nhạc Việt Nam thì có thể trao đổi với HĐCDGS Liên Ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục, Thể thao và HĐCDGSNN để được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục văn bản, hồ sơ cần thiết theo quy định chung. Nhưng rất tiếc đã không như vậy.

Nhân tiện chúng tôi cũng xin trích dẫn các tiêu chuẩn cho các ứng viên giáo sư (Điều 8 và 10): Người muốn trở thành GS phải có cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp khoa học, đào tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải thỏa mãn các tiêu chuẩn của nhà giáo nói chung, phải có đủ thâm niên giảng dạy, có bằng Tiến sĩ và đã được bổ nhiệm Phó GS từ 3 năm trở lên, có đủ số điểm công trình khoa học đã công bố, đã đào tạo được ít nhất 2 Tiến sĩ, đã biên soạn sách phục vụ đào tạo, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh…, và đạt đủ số phiếu tín nhiệm của HĐCDGS các cấp.

Đối với các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành Nghệ thuật nơi chưa tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ thì yêu cầu đào tạo 2 Tiến sĩ có thể được xem xét và thay thế bằng các công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng lớn ở trong nước hoặc nước ngoài của cá nhân, hoặc có sinh viên do ứng viên GS trực tiếp hướng dẫn chính được giải thưởng cao ở trong và ngoài nước về thành tích nghiên cứu và học tập.

Đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục đại học, có tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Đối với những trường hợp đặc biệt, những người có đóng góp nổi trội, xuất sắc cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước và thế giới, tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực khoa học có thể xét đặc cách một số tiêu chuẩn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định.

Cho đến nay, HĐCDGSNN mới chỉ công nhận đặc cách là GS của Việt Nam bốn GS xuất sắc đã được bổ nhiệm làm GS ở nước ngoài: Ngô Bảo Châu (năm 2005), Vũ Hà Văn (2010), Nguyễn Ngọc Thành (2011) và Đào Văn Lập (2016).

Như vậy, sau khi đã xem xét kỹ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, kể cả những quy định đặc biệt, chúng tôi thấy việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam xác định ca sỹ Ngọc Sơn là “Giáo sư âm nhạc” trong bằng khen của hội là nằm ngoài các quy chế, văn bản hiện hành”.

Xem thêm  Mục sở thị những thiết bị an ninh 'cực độc' của thế giới và Việt Nam ngay tại Hà Nội

ngọc sơn, giáo sư âm nhạc, tự phong, gs trần văn nhung, hội nghệ nhân và thương hiệu Việt nam

Ngọc Sơn tặng bằng khen cho mẹ. (Ảnh: Tử Văn)

Như VTC News đã đưa tin, trước phản ứng của dư luận, ông Lê Ngọc Dũng – người ký quyết định tặng bằng khen lại cho biết: “Anh ấy khai thế nào thì chúng tôi ghi thế thôi”. Điều này đã khiến dư luận càng thêm phẫn nộ vì người ký quyết định phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Sáng 23/8, trước những ý kiến từ dư luận, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam giải trình về việc tặng bằng khen cho ca sĩ Ngọc Sơn trước ngày 25/8.

Phía Bộ Công thương cho biết thêm Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 992/QĐ-BNV ngày 3/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tổ chức hoạt động theo Điều lệ đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 244/QĐ-BNV ngày 21/3/2014.

Theo đó, Hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc và chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội, trong đó có Bộ Công thương theo quy định của pháp luật.

Bộ Công thương nhấn mạnh, ngay khi nhận được báo cáo từ Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam sẽ thông tin cụ thể tới truyền thông, khán giả.

ngọc sơn, giáo sư âm nhạc, tự phong, gs trần văn nhung, hội nghệ nhân và thương hiệu Việt nam

Ngọc Sơn khẳng định mình được gọi là giáo sư âm nhạc khi dạy nhạc cho người Nhật.

Trước đó, Ngọc Sơn cho biết: “Tôi từng sang Nhật Bản dạy nhạc, ở đó họ gọi tôi là ‘giáo sư’. Còn ở Việt Nam mọi người gọi là ca sĩ nên tôi chỉ nhận mình là tấm thân nhỏ bé trước đại gia đình. Tôi đi hát quá nhiều, không màng chuyện mọi người đàm tiếu này kia”.

Theo nam ca sĩ, anh sang Nhật dạy nhạc từ năm 2000-2003. Học trò của anh hiện có người rất thành đạt và năm nào cũng về Việt Nam thăm hỏi anh.

Đáp trả lại những ý kiến cho rằng giọng ca Tình cha không xứng đáng để có được học hàm giáo sư, anh cho biết: “Nếu nhạc sĩ nào nói Ngọc Sơn chưa đủ trình độ, đẳng cấp thì xin mời ra đây, chất vấn và kiểm tra xướng âm với tôi”.

“Tôi đã sáng tác rất nhiều tác phẩm. Bản thân tôi lại tốt nghiệp Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Trong các kỳ thi quốc tế chưa có ai xướng âm tại chỗ, hát bất cứ nhạc nào cũng được như tôi”, Ngọc Sơn tự tin.

Theo VTC