Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Ngôi trường tiên phong cách giáo dục “chẳng giống ai”, đến cuối ngày chẳng đứa trẻ nào muốn về nhà

Trường Tiểu học Thiên nhiên The Nature School (TNS) ở Port Macquarie, bờ biển phía Bắc New South Wales, (Úc) là một trong số ít những trường học tại Australia theo đuổi mô hình học tập ngoài trời. Mô hình này vốn rất phổ biến ở châu Âu nhưng tại đây, mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Xem thêm  18 năm phát sóng Đường lên đỉnh Olympia, 2 ngôi trường này đã chiếm đến 10 thí sinh trong trận chung kết năm

Sau khi được Cơ quan Tiêu chuẩn Giáo dục New South Wales phê duyệt, trường tiểu học dân lập Thiên nhiên đã khánh thành vào năm 2018 với đối tượng tuyển sinh ban đầu là các bé độ tuổi mẫu giáo tới lớp 2.

Cô hiệu trưởng Catherine Oehlman cho biết, năm học đầu tiên, trường phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng đã gặt hái thành công. “Không còn là câu hỏi: ‘Bọn trẻ học có đủ không?’ nữa. Mà thay vào đó là: ‘Hãy nhìn vào mọi thứ mà bọn trẻ học được đã vượt quá mong đợi của chúng ta, vượt quá mong đợi của giáo trình dành cho độ tuổi đó'”.

Năm học này, nhà trường sẽ mở rộng tuyển sinh các em lớp 3 và kế hoạch là bổ sung các cấp lớp tiếp theo cho tới khi hoàn chỉnh mô hình trường từ mẫu giáo tới lớp 6.

Giáo dục

Cô Catherine Oehlman dẫn đầu một nhóm học sinh trong một tiết học ngoài trời

Trọng tâm giáo dục: Chơi ngoài trời

Theo cô hiệu trưởng Oehlman, trường Thiên nhiên cần đáp ứng các hướng dẫn về giáo trình truyền thống liên quan tới các môn học như Tiếng Anh, Toán và Khoa học. Nhưng trường sẽ tiến hành cách thức giáo dục theo cách khác.

Khoảng nửa thời gian mỗi ngày được dành cho học tập ngoài trời. Trọng tâm là tư duy độc lập. Ngoài ra, mỗi tuần, trường sẽ tổ chức một chuyến phiêu lưu ngoài trời trọn vẹn. Trong khi đó, chơi ngoài trời là hoạt động thường ngày, bất kể thời tiết ra sao.

“Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ những trải nghiệm thực trong tự nhiên. Các em sẽ học hỏi từ thiên nhiên và bên trong thiên nhiên càng nhiều càng tốt”, cô hiệu trưởng Oehlman nhấn mạnh. “Những đứa trẻ này, thay vì ngồi nguyên ở ghế, thì thường xuyên sử dụng cả cơ thể mình trong quá trình học tập và điều đó mang lại những lợi ích đáng kể”.

Giáo dục

Ngôi trường này khuyến khích trẻ thể hiện sự độc lập và khám phá ngoài trời

Công nghệ được tích hợp trong việc học tập hàng ngày. Cô hiệu trưởng tiết lộ, nhà trường đã đầu tư mua những thiết bị ốp lưng iPad bền nhất có thể tìm thấy. “Trong rừng, bọn trẻ mang theo máy tính bảng, đi lại, viết và vẽ khi học. Chúng tôi có thể thực hiện một bài học môn Toán về trọng lượng, khối lượng, chiều dài. Và bài học ấy được tiến hành bên ngoài lớp học, trong môi trường tự nhiên. Hãy hỏi những đứa trẻ này về vốn từ vựng phong phú liên quan tới khoa học và địa lý, bọn trẻ có thể làm được. Mức độ tiếp thu và hiểu bài của các em vượt quá độ tuổi. Dạy học ở một nơi như trong rừng có quá nhiều niềm vui đến mức 3 giờ chiều rồi mà chẳng ai muốn về nhà. Đó là điều tuyệt diệu mà một trường học có thể có”.

Học sinh lớn khôn giữa tự nhiên

Học sinh trường Thiên nhiên tỏ ra rất chăm chú và hào hứng khi học tập ngoài trời. Bọn trẻ không ngần ngại chia sẻ những gì mình biết được khi cùng phóng viên đài ABC khu vực Mid North Coast tham gia một buổi khám phá khu rừng.

“Chúng cháu có thể gặp một con chim bói cá, chim bói cá Úc, vẹt cầu vồng…”, một em học sinh cho biết.

Còn bé Blake, con trai của Jacqui Rullis, thuộc diện trẻ có nhu cầu đặc biệt. Do đó, Rullis đã lựa chọn trường Thiên nhiên với hi vọng nó sẽ giúp con mình học tốt hơn ở môi trường trường học chính thống. Và người mẹ này đã rất vui mừng trước kết quả con mình đạt được. “Con đã đi từ chỗ không thể có bất cứ cuộc đối thoại nào tới chỗ tham gia tập thể, kết bạn. Những việc mà con vẫn gặp nhiều khó khăn để làm giờ đây ngày càng trở nên dễ dàng với con hơn”.

Giáo dục

Nhiều học sinh đã có những tiến bộ tuyệt vời sau khi theo học ngôi trường này

Rebecca Thompson, cố vấn giáo dục độc lập tại khu vực Central Coast, New South Wales (Úc), cho biết, trải nghiệm của bé Blake không phải là trải nghiệm đơn lẻ. “Nếu trẻ em ở giữa thiên nhiên, tôi nhận thấy, sẽ không có sự khác biệt nào trong khả năng của đứa trẻ. Có vẻ như những gì mà tự nhiên mang lại cho trẻ em luôn ở mức độ cực kỳ phù hợp với trẻ.

Trong khi đó, nếu ở lớp học và được trao cho một trải nghiệm cụ thể vốn chỉ dành cho một nhóm tuổi nhất định, chúng ta sẽ thấy trẻ liên tục phải vật lộn để đến được cột mốc mà cả tâm trí và cơ thể trẻ đều không sẵn sàng để vận hành tốt ở đó”.

Eirwyn Davidson, một phụ huynh của trường, cũng chia sẻ, con gái Evie của cô đã có những tiến bộ tuyệt vời. “Evie đã trải qua chương trình giáo dục sớm của trường Thiên nhiên. Vì vậy, con đã rất quen với triết lý giáo dục của nhà trường. Đó là học tập với trẻ giữ vai trò chủ động và được ở ngoài trời, được học hỏi từ và trong tự nhiên. Môi trường này tạo điều kiện cho con gái tôi học tập theo nhịp độ của riêng mình. Con có thể theo đuổi sở thích, đam mê và con vui vì được làm thế”.

Giáo dục

Nhiều bé đã trở nên dạn dĩ hơn rất nhiều

Trẻ em “không phải sinh ra để ngồi một chỗ”

Cô hiệu trưởng Oehlman chỉ ra rằng, ngày càng có nhiều sự quan tâm dành cho việc kết hợp hoạt động học tập ngoài trời vào trường học ở Australia. “Chúng tôi đã chứng kiến mô hình này trong một thời gian dài ở các nước châu Âu và giờ đây, Australia cũng đang tiến bước. Có rất nhiều chương trình giáo dục sớm. Tây Úc, Nam Úc và Queensland cũng như New South Wales đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Nhưng vẫn còn rất ít trường tiểu học sẵn sàng tiếp nhận làn gió mới. Một số trường, như trường Thiên nhiên của chúng tôi, hoàn toàn là trường rừng. Nhưng những đơn vị khác thì tiến hành theo quy mô nhỏ hơn, với 1 ngày trong tuần, học sinh được đưa vào rừng. Do đó, chúng tôi vô cùng tự hào được là một trong những người tiên phong”.

Giáo dụcGiáo dục

Học sinh ở ngôi trường này được trải nghiệm nhiều cơ hội để khám phá

Theo cố vấn giáo dục Thompson, học tập ngoài trời nên được triển khai rộng rãi hơn. “Chúng ta đang ở giai đoạn sau của một số nghiên cứu quy mô lớn về lợi ích của việc ở ngoài trời. Vậy mà có vẻ vẫn chưa đủ để khiến các nhà lập pháp áp dụng vào chương trình học. Nhưng thực tế là những người tiên phong như trường Thiên nhiên và nhiều trường học khác trên khắp đất nước Australia, đang tiến hành các chương trình này và gặt hái kết quả rực rỡ”.

Chuyên gia Thompson cũng chỉ ra những điểm hạn chế trong hệ thống giáo dục chính thống. “Vấn đề tồn tại có liên quan tới các quyết định mang tính hệ thống xoay quanh chương trình học, đặc biệt là những vấn đề tồn tại liên quan tới việc bắt trẻ ngồi một chỗ trong thời gian dài trong khi cơ thể trẻ không được thiết kế để làm việc này.

Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ người ta cố gắng ‘nhồi’ quá nhiều thứ vào một ngày học, chạy theo số lượng thay vì chất lượng học tập. Nếu chúng ta liên tục ngăn trẻ lại và buộc trẻ học lên cao hơn, khó hơn, trẻ sẽ chẳng còn thời gian để học thực sự thứ mà trẻ hứng thú hay cố gắng tìm hiểu. Trẻ thực sự cần chạm, cần cảm nhận và có kết nối cảm xúc với một điều gì đó. Nếu chúng ta đưa cho một đứa trẻ tấm thẻ in hình chiếc lá xanh, sẽ rất khác so với việc đi vào tự nhiên và tìm kiếm các loại màu sắc, kết cấu, hình dáng khác nhau của từng chiếc lá. Bằng cách này, trẻ sẽ học được nhiều hơn”.

Giáo dục

Học sinh trường Tiểu học Tự nhiên dành cả ngày để khám phá ngoài trời

Giáo dục

Tuy vậy ngôi trường vẫn được yêu cầu phải đáp ứng những nhu cầu giáo dục căn bản

Giáo dục

Trường Thiên nhiên đã giành được một khoản hỗ trợ giáo dục vào năm 2018, cho phép nhà trường mua 10 máy quay mới

Hi vọng tươi sáng cho tương lai

Cô hiệu trường Oehlman của trường Thiên nhiên tâm sự rằng, cô đang háo hức chờ đợi một năm học nữa với mô hình học tập ngoài trời. “Chúng tôi vô cùng hào hứng khi năm nay được mở rộng thêm cho khối lớp 3. Chúng tôi đã thu hút được nhiều giáo viên địa phương – từ khắp Australia và cả quốc tế nữa – họ đến để làm việc ở ngôi trường nhỏ rất đáng tự hào này”.

Trường Thiên nhiên đã giành được một khoản hỗ trợ giáo dục vào năm 2018, cho phép nhà trường mua 10 máy quay. Chúng sẽ được các em học sinh sử dụng trong quá trình học tập ngoài trời của mình. “Mỗi lần chúng tôi vào rừng, chúng tôi sẽ mang theo máy quay và bọn trẻ sẽ học cách thực hành kỹ năng lấy nét, phóng to và giữ máy sao cho có thể chụp được những bức ảnh đẹp về cây cối, các loài chim, các con thú trong rừng”, cô hiệu trưởng vui vẻ cho biết. “Chúng tôi sẽ đưa những điều đó vào cuốn sách nhỏ của mình và chia sẻ với cộng đồng rộng lớn hơn”.

Xem thêm  Một khi con trẻ không làm được việc này, mọi sự giáo dục đều trở nên vô nghĩa!

Huyền Nguyễn – Helino

Link