Theo lời Minh, khách tìm đến các cô gái bán hoa đều vì giao dịch “tình – tiền”, nhưng có những giao dịch không hề sòng phẳng.
Kỳ 1: Cuộc chạy trốn bất thành của hot girl Hà thành ở nhà nghỉ
Kỳ 2: Chuyện chưa kể sau cánh cửa phòng karaoke ‘tay vịn’
Kỳ 3: Người đàn ông trong nhà nghỉ và cú lừa của đại gia Bình Định
Kỳ 4: Sự thật ê chề trong những quán tẩm quất trá hình ở Hà Nội
LTS: Vì nhiều lý do, không ít cô gái trẻ bước chân vào con đường làm gái bán hoa. Sống cuộc đời tủi nhục, gặp nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe, họ tìm cách để quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đường về của họ liệu có dễ dàng?
Trong số các cô gái làm nghề bán hoa chúng tôi gặp hôm đó, Lê Thị Minh (SN 1980, Phú Thọ) gây ấn tượng bởi vẻ ngoài góc cạnh và ánh nhìn bất cần đời.
Nhưng khi được hỏi về quá khứ, vẻ chanh chua trên gương mặt Minh biến mất, thay vào đó là một sự im lặng.
Sau khoảng thời gian khá lâu, Minh mới cất lời. Bằng giọng chua chát xen lẫn tủi hổ, chị nói về ngày mình bước chân xuống Hà Nội. Năm đó, chị tròn 20 tuổi…
Cuộc ngã giá không sòng phẳng
Hành trang xuống Hà Nội của Minh là vài bộ quần áo và cái mác “gái đã qua một lần đò”.
Chị nói: “Tôi lấy chồng năm 18 tuổi. Hai vợ chồng bằng tuổi, trẻ con như nhau. Chúng tôi đánh nhau suốt ngày. Sau khi sinh con, chồng không chịu làm ăn lại thêm mâu thuẫn với mẹ chồng, tôi ôm con bỏ về nhà ngoại”.
Về nhà mẹ đẻ, thấy các em đang tuổi ăn tuổi học cần tiền, con nhỏ dại, chị quyết định xuống Hà Nội tìm việc làm.
Ban đầu, một người bạn giới thiệu cho chị công việc bưng bê ở quán cà phê. Nhưng hóa ra đó là quán “cà phê ôm”. Làm hơn 1 tháng, ông chủ đặt vấn đề để chị ra tiếp khách khiến chị hoảng hốt.
Chị từ chối, thế là bị đuổi việc. Sang một quán khác, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Cuối cùng, nghe tin con ở quê ốm, gia đình thiếu tiền, chị đành gật đầu chấp nhận.
Lê Thị Minh (SN 1980, Phú Thọ). Ảnh: Nam Phương
“Làm nghề này nói sao hết tủi nhục”, chị nói về công việc của mình. Theo lời chị, khách tìm đến các cô gái bán hoa đều vì giao dịch “tình – tiền” nhưng có những giao dịch không hề sòng phẳng.
“Chúng tôi làm nghề này thân cô thế cô sẽ khó để trụ được vì vậy phải dựa vào những người bảo kê. Bởi có những lần bị quỵt tiền, chủ không đứng ra giải quyết giúp, mình cũng phải chịu. Nếu mình kì kèo có khi còn bị đánh, thiệt thân”, chị cho biết.
Sự cố chị nhớ nhất là vào năm 2012. “Giao dịch đó bắt đầu từ cuộc điện thoại của một người quen”, chị nhớ lại.
“Đây là người khách tôi từng gặp vài lần ở quán karaoke tôi làm việc. Anh ta ở Bình Định thường ra Hà Nội công tác. Những lần gặp đó, anh ta đều thể hiện mình là người có tiền và vung tay không tiếc trước các cô gái ở quán hát.
Vì vậy khi anh ta đặt vấn đề nhờ tôi cùng một bạn gái nữa từ Hà Nội vào TP Quy Nhơn (Bình Định) để tiếp khách, một đối tác làm ăn quan trọng của anh ta, tôi không chút nghi ngờ”, chị tiếp tục kể.
Anh ta nói mọi chi phí đi lại, ăn ở anh ta sẽ lo. Xong việc, mỗi cô gái sẽ được số tiền hoa hồng là 25 triệu đồng. Anh ta khẳng định như đinh đóng cột: “Em đặt vé máy bay vào, anh sẽ thanh toán sau”.
Tin lời đại gia, hai cô gái đặt vé máy bay. Khi chuyến bay đáp xuống sân bay, người đàn ông ấy đi ô tô đón họ về khách sạn.
Tại khách sạn, cả ba ăn uống, vui vẻ với nhau. Hai ngày sau, người đàn ông dặn các cô gái chờ ở khách sạn, anh ta đi đón vị đối tác kia. Tuy nhiên chờ mãi 2 cô gái không thấy người đàn ông kia quay lại.
Chờ thêm 1 ngày nữa, họ mới biết bị lừa. Sau khi vét sạch tiền trong túi để thanh toán tiền ăn, uống ngủ nghỉ ở khách sạn, hai cô gái không còn tiền để bắt xe quay ra Hà Nội. Cuối cùng, Minh phải gọi điện nhờ bạn bè vay mượn, gửi tiền vào để mua vé xe trở về.
Sau nhiều năm trong cái nghề mà chị không còn muốn nhắc lại, Minh cũng tìm cho mình một công việc mới. Cuộc đời chị có những ngày tháng tươi sáng hơn khi bên cạnh đã có một người đàn ông.
Tuy nhiên nói về đám cưới, chị lắc đầu: “Tôi đã đổ vỡ một lần, không còn đủ dũng cảm để mơ đến hạnh phúc lần nữa. Thêm vào đó, những người như chúng tôi để lấy được một người chồng tử tế là điều rất khó”.
Người đàn ông ở nhà nghỉ ngoại thành
11 năm kiếm sống bằng nghề bán phấn buôn hương cũng khiến Nguyễn Thị Sen (SN 1986, quê Mỹ Đức, Hà Nội) mang nhiều mặc cảm và hoài nghi về hai chữ “hạnh phúc”.
Với Sen, đàn ông tốt tìm đến các cô gái làng chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, họ coi chị như một món đồ chơi, một thú tiêu khiển được mua với giá vài trăm nghìn.
“Những người khách bỏ tiền thường hành xử theo kiểu “mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng”, Sen khẽ cúi mặt nói với chúng tôi.
Sau đó, chị chợt nhớ ra một người đàn ông đặc biệt. Anh ta không phải chồng, không phải người thân, chỉ là một vị khách qua đường nhưng lại đối xử với chị hoàn toàn khác biệt.
Ảnh: Lê Anh Dũng
“Anh ấy ân cần, nhẹ nhàng với tôi, nói với tôi những lời quan tâm mà rất lâu rồi tôi không được đón nhận”, Sen kể về vị khách chị đã gặp trong một nhà nghỉ tềnh toàng ở ngoại thành.
“Có những lần, anh ấy trả tiền chỉ để tôi ngồi bên cạnh, lắng nghe tiếng thở dài và những bế tắc mà anh ấy đang gặp phải trong cuộc sống”, người phụ nữ SN 1986 kể lại.
Theo lời chị, thời điểm mới gặp nhau, người đàn ông này đang đứng trước ngưỡng cửa ly hôn vì những mâu thuẫn không thể giải quyết. Công việc lại gặp trục trặc nên anh ta cảm thấy cả thế giới đang quay lưng lại với mình.
“Khi gặp tôi, anh ấy được thoải mái sẻ chia tâm sự nên có chút cảm động, muốn tiến tới xa hơn với tôi, lấy tôi làm vợ sau khi anh ta ly hôn. Tuy nhiên, tôi không thể” Sen nói.
“Tôi khuyên anh ấy nên bình tĩnh, nhìn vào điểm tốt mà hai vợ chồng đã gây dựng để bỏ qua cho nhau lỗi lầm… Bây giờ, gia đình anh ấy đã yên ổn, anh ấy vẫn thỉnh thoảng liên lạc với tôi, ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi về kinh tế.
Nhưng tôi thực sự không muốn nợ thêm tiền bạc và ân tình của bất cứ ai. Tôi chỉ muốn tìm công việc khác để nuôi dạy con cái. Các con tôi đều đang đến tuổi trưởng thành… ”, người phụ nữ trải lòng.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Thanh Tâm – Theo VietNamNet
Comments are closed.