Ngoài người dân Thủ Thiêm, chuyên gia kiến trúc cũng cho rằng, việc xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng giai đoạn này là chưa cần thiết.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khoá IX, các đại biểu đã thông qua dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM).
Nhà hát lớn ở quận 1, trung tâm TP HCM.
Chia sẻ về vấn đề này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thể hiện quan điểm rằng, thành phố chưa có một nhà hát nào đúng tiêu chuẩn quốc tế, kế hoạch xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng sẽ là quá vội vàng nếu xây dựng nhà hát với mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng ở thời điểm này khi mà thành phố cũng đang gặp nhiều vấn đề cần chi ngân sách. Do đó, phải thật sự cân nhắc kỹ.
Ông Sơn đặt ra câu hỏi: “Thành phố đang thiếu hụt ngân sách nên việc dùng 1.500 tỷ đầu tư vào mục đích gì rất quan trọng. Trong danh sách các công trình ưu tiên xây dựng của thành phố hiện nay thì nhà hát này có thật sự xứng đáng ở vị trí đầu không?”.
Ông Sơn cho rằng, TP HCM nên cân nhắc chi ngân sách cho những công trình khác như Metro, bãi đậu xe, bệnh viện, trường học… hơn là cho nhà hát trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, kiến trúc sư cho rằng, việc xây dựng một nhà hát với quy mô 2 khán phòng, 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là chưa xứng tầm với TP HCM. Bởi không gian hẹp dẫn đến không thể tạo được khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp với hệ thống bên trong và phía ngoài.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khoá IX, các đại biểu thông qua việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.
Trong khi đó, nhiều người dân Thủ Thiêm cho biết, họ hoàn toàn không đồng tình với việc TP HCM xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng trên đất Thủ Thiêm.
Ông Lê Văn Lung (người dân Thủ Thiêm, quận 2) chia sẻ: “Người dân ở Thủ Thiêm không đồng tình vì dự án xây dựng nhà hát này không thiết thực cho đời sống của người dân. Việc xây dựng nhà hát hoành tráng là rất xa lạ, lãng phí mà người dân thực sự không được hưởng tiện ích gì cần thiết cả.
Chẳng hạn, người dân cần được xây dựng thêm bệnh viện khi nhiều bệnh viện ở TP đang quá tải, không đáp ứng được như cầu của người bệnh.
Hơn nữa, giai đoạn này, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều sai phạm vẫn chưa khắc phục sai phạm, công tác đền bù cho người dân. Nếu xây dựng nhà hát trên chính vùng đất này thì quá vô cảm, gây bức xúc”.
Còn bà Lê Thị The (75 tuổi, ngụ quận 2) cho biết: “Việc TP có chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng ở thời điểm này chưa cần thiết, chưa phù hợp. Nhiều người dân họ trông đợi vào những dự án dân sinh, những dự án thiết thực, gần gũi với người dân hơn là dự án mang tính chất tinh thần.
Người dân TP luôn sống trong cảnh ngập nước, tại sao không xây dựng các dự án chống ngập, không nâng cấp đường lên. Tại sao không xây dựng bệnh viện nhi, cung cấp tiện ích cho người bệnh mà lại xây dựng nhà hát. Khi thành phố đã phát triển, người dân đã ấm no thì việc xây dựng nhà hát vẫn chưa muộn”.
Trước đó, sáng 8/10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khóa IX, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã trình HĐND tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì kỳ họp lần 10 của HĐND TP HCM ngày 8/10.
“Việc xây dựng nhà hát còn để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm. Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế…
Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng của thành phố” – ông Liêm trình bày.
Thông tin về dự án xây dựng nhà hát, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM) cho biết đây là ý tưởng đã được ấp ủ qua nhiều thời kỳ lãnh đạo nên TP đã xây dựng đề án rất cẩn trọng.
Thẩm tra tờ trình này, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP HCM, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cần thiết phải xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
Tuy nhiên, ông Dũng đề nghị UBND TP lưu ý nhà hát cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, thiết kế phải đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.
Bảo Minh – Theo Trí thức trẻ/Soha