Khi trả lại đôi giày vừa đánh, vị khách Tây buồn bã khua tay, ra hiệu không còn tiền để thanh toán. Ông ta cho biết, số tiền mình mang theo đã thanh toán hết cho chủ quán bia.
Tuổi 19, anh Trần Văn Chung rời quê Ninh Bình lên Hà Nội kiếm sống bằng nhiều nghề. Năm nay 25 tuổi, anh có thâm niên đánh giày hơn 1 năm.
Mỗi ngày, anh Chung ra khỏi nhà trọ từ 6 giờ sáng với đồ nghề vừa đủ trong chiếc giỏ nhựa xách tay gồm dép xốp, bàn chải, xi đánh giày. Anh lang thang, rong ruổi hầu khắp các con đường trên khu phố cổ để tìm khách.
Anh Chung chia sẻ, làm nghề đánh giày, anh được chứng kiến vô vàn tình huống, hoàn cảnh cảnh trái khoáy mà theo anh là “sống để bụng, chết mang theo”.
Anh Chung cho biết, có lần đang đánh giày trên phố Hàng Bông, anh được một vị khách mang hai đôi giày giống hệt nhau đến nhờ dán đế. Sau khi dán xong trả tiền rồi thì vị khách ấy lại mang một đôi khác giống hệt ra bắt đền anh vì nói rằng anh chưa dán. Không biết giải thích ra sao, anh đành ngậm ngùi làm thêm một đôi nữa trong sự ấm ức.
Lần khác, anh Chung mải miết đánh giày thì bị khách hàng cuỗm mất tiền. Người này kể với anh rằng hoàn cảnh gia đình mình vô cùng khó khăn.
Vừa nói chuyện với khách, anh vừa cắm cúi đánh giày, thế mà không hiểu vị khách đó thò tay móc ví của anh từ lúc nào. Vậy là hôm đó, anh coi như đi làm không công cả ngày.
Rất nhiều câu chuyện mà người đánh giày được chứng kiến trong quá trình làm việc. Ảnh: Thanh Hải.
Theo anh Chung, nghề nào cũng có những vất vả, khổ cực riêng nhưng dù như vậy, anh cũng không bao giờ mang chiêu trò ra lọc lừa khách hàng mà luôn kiếm những đồng tiền bằng mồ hôi, công sức lao động của mình.
Anh Chung kể, cách đây ít tháng, trong một lần anh lên khu vực phố Tạ Hiện tìm khách thì bất ngờ từ trong quán bia, một vị khách nước ngoài gọi anh lại đánh giày cho mình.
“Ông ta khoảng hơn 40 tuổi, nước da trắng, nụ cười thân thiện. Ông ta yêu cầu tôi đánh xi cho đôi giày của mình. Trước thái độ nhã nhặn, tôi vui mừng cầm đôi giày của ông ta tỉ mỉ cọ rửa, lau chùi, phủ xi. Vừa làm, tôi vừa tranh thủ trò chuyện với ông bằng vốn tiếng Anh “bồi” của mình.
Trước khi tôi gửi lại giày, vị khách Tây vào thanh toán tiền cho chủ quán bia trước. Không ngờ khi bước ra, gương mặt ông đăm chiêu khó hiểu. Ông vẫy tôi lại và phân bua rằng, ông không còn tiền trong người. Số tiền gần 20 triệu có trong ví ông phải trả hết cho chủ quán bia rồi.
Biết vị khách nước ngoài bị chặt chém, tôi nói với chủ quán bia rằng: “Kể cả đồ ăn và bia thì cũng không thể hết gần 20 triệu được. Sao bà lại thu hết tiền của người ta?”.
Thế là bà ấy quay sang mắng mỏ, dọa dẫm, thậm chí còn đòi đánh tôi. Bà cứ thế xua tôi và ông khách xuống đường. Vừa ức vừa bất bình, biết không thể làm gì khác vì người chủ quá ghê gớm, tôi đành gọi các anh công an tới giúp đỡ”.
May mắn nhận lại được số tiền, vị khách liên tục cảm ơn anh Chung. Ông đưa tiền giày nhiều hơn nhưng anh chỉ nhận đủ tiền công của mình rồi chào tạm biệt ông khách.
Người đánh giày sinh năm 1992 cho biết, sau lần đó, dù không gặp lại ông khách Tây lần nào nhưng có dịp đi qua con phố ấy, anh lại cảm thấy vui vui vì mình từng làm được việc tốt.
Lần khác, anh Chung đang trên đường trở về nhà trọ thì gặp một cụ già ngồi co ro bên đường. Lại gần, hóa ra cụ đang lả đi vì đói.
Thấy tình cảnh cụ già tội nghiệp, anh xoa dầu rồi chạy bộ đi mua bánh bao về cho cụ. Chờ cụ ổn hơn, anh chở cụ về khu trọ tồi tàn để cụ nghỉ ngơi. Anh cũng khuyên cụ nên về quê, nương nhờ họ hàng để có người chăm sóc, tránh lang thang ở Hà Nôi.
Một tối khác, khi đang đi đánh giày trên phố, anh Chung gặp một em nhỏ chừng 4 tuổi khóc vì lạc mẹ. Anh vội mua gói bim bim dỗ dành rồi nhanh chóng đưa em đến đồn công an trình báo.
“Nhìn thấy cảnh hai mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi, tôi vô cùng xúc động”, anh Chung nói.
“Tôi luôn tâm niệm mình giúp được ai thì giúp bởi cuộc sống giờ ngắn ngủi, không biết ngày mai ra sao. Tôi nghĩ sao thì làm vậy nên dù cuộc sống còn khó khăn cũng thấy trong lòng nhẹ nhàng”, anh Chung trải lòng.
Theo Vietnamnet