Thứ tư, Tháng mười một 20
Shadow

Người đứng sau 60 ngôi mộ vô danh trong vườn đào Nhật Tân: Từng vớt hàng trăm xác chết trên Sông Hồng

Hơn 30 năm làm nghề vớt xác chết trên sông, ông Dũng đã vớt được gần 600 xác chết để trao trả cho gia đình nạn nhân. Trong số này có 60 người không có ai đến nhận, tất cả đều được ông đem về chôn cất tại một góc trong vườn đào Nhật Tân.

60 ngôi mộ vô danh trong vườn đào và câu chuyện phía sau

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp ghé về làng trồng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) để gặp gỡ người đàn ông nổi tiếng nhất khu vực này. Nhân vật đó chính là ông Nguyễn Văn Dũng (49 tuổi), người có hơn 30 năm làm nghề vớt xác trên sông, vớt được gần 600 xác chết.

Nhắc đến ông Dũng, không chỉ có việc vớt xác, mà người dân nơi đây còn nói về việc ông tự xây mộ cho 60 thi hài vô danh được chính ông vớt lên.

Đi sâu vào con ngõ 374 đường Âu Cơ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) có khu nghĩa địa nhỏ nằm trong góc một vườn đào Nhật Tân, với biển tên “nơi chôn cất bà chúa sông ngòi”, đấy chính là nơi an nghỉ của 60 nạn nhân xấu số.

vườn đào Nhật Tân

Nơi an nghỉ của 60 ngôi mộ vô danh được ông Dũng vớt lên.

Nằm ở một vị trí đắc địa gần bến sông bao bọc xung quanh là những vườn hoa đào, hoa cúc, nghĩa địa vô danh rộng khoảng 80m2, xung quanh được xây tường rào. 60 ngôi mộ được chôn cất cẩn thận, trước mộ có đủ bát hương hoa.

Do không có ai đến nhận nên sau khi ông Dũng vớt được thi thể của ai lên thì ông đã tự tay chôn cất vào một góc vườn trồng Đào.

vườn đào Nhật Tân

Ông Dũng – người vớt gần 600 xác chết ở Sông Hồng.

Rồi cứ thế, tự tay ông chăm sóc, cứ đến ngày lễ Tết, ông đều mang hương hoa, trái cây ra thắp hương. Sau này, nghĩa địa này được đặt tên thành “Nơi chôn cất Bà Chúa Sông Chúa Ngòi”.

Xem thêm  Tài xế xe tải gặp nạn vừa được đưa lên taxi tiếp tục bị xe khác đâm trúng

Biết được việc tốt ông Dũng làm, nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi ủng hộ một chút tấm lòng, để ông xây dựng những ngôi mộ này khang trang hơn. Từ đó, người dân trồng đào trong khu vực cũng thắp hương, cùng ông Dũng chăm sóc cho những ngôi mộ này.

Những người nằm ở đây đều là những người xấu số, dẫu sao cũng là một kiếp người, bỏ ra một chút công sức để lo chu toàn cho họ chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng. Tất cả đều mong muốn họ phù hộ để làm ăn thuận hòa“, một hộ dân trồng đào nói.

vườn đào Nhật Tânvườn đào Nhật Tânvườn đào Nhật Tân

Những ngôi mộ vô danh được chăm sóc cẩn thận, đủ hương khói và hoa.

Những việc làm tử tế, đầy tình người của ông Dũng đã được chính quyền địa phương ghi nhận và tặng bằng khen. Tuy nhiên với người đàn ông này, những tấm bằng ấy chẳng quan trọng, bởi theo ông nghề ông làm đã được “trời giao”.

Giờ đây ông Dũng được làm đội trưởng đội tìm kiếm cứu nạn trên sông Hồng. Người đàn ông chia sẻ, sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào không đủ sức làm nữa thì thôi.

Gần 600 xác chết và ký ức đau lòng

Người dân nơi đây vẫn quen gọi ông Dũng là “Người làng đào, nghiệp trên sông”, bởi khi nhắc tên ông không ai là không nể phục bởi công việc có một không hai này.

Ông làm nghề vớt xác trên sông từ năm 13 tuổi, trong một lần cùng đám bạn chơi bên mép sông bất ngờ thấy trong người nôn nao nên đi ngược theo dòng sông và phát hiện xác chết một người đàn ông nổi dưới nước.

Không chút hoảng loạn, Dũng lội xuống kéo cái xác lên rồi vác về để gần mộ Cô Trôi trong sự kinh hãi của nhiều người. Nghiệp vớt xác chết của Dũng bắt đầu từ đó. Có những thời điểm ông bị gia đình và vợ con phản đối vì sợ hãi, nhưng ông vẫn quyết tâm theo đến cùng.

Xem thêm  Hà Nội: Bé trai 3 tuổi rơi từ tầng 6 chung cư xuống đất tử vong

Hơn 30 năm nhưng kí ức về những lần vớt xác ông nhớ như in không bỏ sót một vụ nào. Mỗi lần vớt được thi thể trôi sông, trong tâm trí của người đàn ông dạn dày sương gió này lại một lần khắc sâu ký ức đau buồn về cuộc sống.

vườn đào Nhật Tân

Ngày lễ người dân nơi đây đều mua hương, trái cây ra thăm những ngôi mộ này.

Hầu hết những thi thể không còn nguyên vẹn, người khuyết phần đầu, người thiếu chân, người mất tay. Nhiều thi thể mang đầy thương tích vì bị bánh lái thuyền bè va chạm khi ngược xuôi trên sông. Trong số đó, 2 vụ đắm tàu ở sông Hồng vẫn ám ảnh ông đến tận bây giờ.

Vào năm 1995, trên sông Hồng xảy ra vụ đắm thuyền tại xã Phú Thượng, trong 30 người chỉ duy nhất một người sống sót. Ngay trong đêm tôi đã kéo lên bờ được 30 thi thể nạn nhân xấu số.

Vụ đắm thuyền thứ 2 xảy ra vào năm 1996, thuyền chở những người đi chợ buôn bán hoa quả, va đâm phải một sà lan đang đỗ trên sông lúc nửa đêm, thuyền bị lật khiến tất cả mọi người đều chết hết.

vườn đào Nhật Tân

Việc làm tử tế của ông Dũng nhận được bằng khen của chính quyền.

“Một mình tôi vớt 60 người, lúc đó xác người nổi trắng sông, vớt trong 5 ngày mới hết xác. Có người trôi xa tôi phải dùng dây buộc vào tay hay chân kéo vào bờ, thời điểm đó thanh niên còn sung sức nhưng nhiều lúc mệt quá nằm vật ở bờ luôn.

Lần nữa, tôi vớt được 5 sinh viên đại học đưa lên bờ, nhưng không một ai sống sót. Tất cả những lần vớt xác tôi đều không lấy của ai một đồng nào. Những lần như vậy tôi thấy xót xa, đau đớn vô cùng“, ông Dũng kể lại.

Ngọc Thắng – Theo Trí thức trẻ

Link gốc