Ung thư gan là bệnh khó phát hiện sớm và thường có tỷ lệ tử vong cao. Nhưng các bác sĩ khuyến cáo mọi người có thể phòng tránh được “sát thủ” này nếu làm 2 việc sau.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2018, Việt Nam có 25.335 ca mắc mới ung thư gan và 25.404 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Bệnh ung thư phổi xếp thứ hai với 23.667 bệnh nhân được phát hiện và 20.701 trường hợp tử vong. Đây là lần đầu tiên số bệnh nhân bị ung thư gan vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong tại Việt Nam.
Việt Nam cũng xếp trong nhóm những nước có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất thế giới với tỷ lệ mắc bệnh là 23,2/100.000 người ở cả hai giới.
Ung thư gan là bệnh khó phát hiện sớm do tiến triển thầm lặng, ban đầu không có triệu chứng. Sau đó bệnh xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt nên bệnh nhân cũng dễ nhầm lẫn. Và đến khi các dấu hiệu rõ ràng, bệnh đã phát triển ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ chữa khỏi khá thấp.
Đó là lí do các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần thực hiện thực hiện 2 việc để tầm soát ung thư gan là tiêm ngừa viêm gan B và đi khám gan định kỳ, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ cao.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan
– Tuổi tác: Những người càng lớn tuổi càng có nguy cơ ung thư
– Giới tính: Nam giới dễ phát triển ung thư gan hơn nữ. Trung bình cứ 2 người nam mới có một người nữ bị ung thư gan
– Chủng tộc và dân tộc: Người châu Á và các đảo Thái Bình Dương dễ bị ung thư gan hơn người châu Âu
– Các bệnh lý khác: Những người có viêm gan siêu vi B (HBV) hay viêm gan siêu vi C (HCV) có nguy cơ ung thư gan cao nhất
– Người béo phì
– Người mắc bệnh xơ gan
– Các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường
– Uống rượu nhiều và hút thuốc lá
– Sử dụng các steroid để làm tăng sức mạnh và khối cơ
– Tiếp xúc lâu dài với arsenic, aflatoxin, vinyl chloride, và thorium dioxide.
Những dấu hiệu bất thường của cơ thể cảnh báo ung thư gan
– Đau ở bụng trên bên phải, vị trí của gan
– Có một khối u hay cảm giác nặng bụng trên
– Báng bụng
– Đầy bụng hay chán ăn
– Giảm cân
– Yếu hay cảm thấy rất mệt mỏi
– Buồn nôn hay nôn
– Vàng da và mắt, phân bạc màu, tiểu vàng sậm
– Sốt
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Dù cơ địa và tình trạng bệnh lý ở mỗi người là khác nhau và có những rối loạn tiêu hóa khác có thể gây ra các triệu chứng giống như ung thư gan, nhưng để chắc chắn, bạn nên đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan.
Tỷ lệ sống sót của ung thư gan
Tiên lượng sống của người bệnh sau điều trị ung thư gan còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, khối lượng của khối u, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe.
Theo Cancer. org, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư gan ở giai đoạn sớm là 31%. Nếu ung thư gan lan rộng đến các mô xung quanh hoặc các bộ phận hay hạch bạch huyết trong khu vực, tỷ lệ sống sót chỉ còn 11%.
Còn trường hợp xấu nhất, khi ung thư lan xa tới các bộ phận khác trong cơ thể, tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn 3%.
* Theo GLOBOCAN/ Cancer.org
Theo Hoàng Bách
Trí Thức Trẻ