Khi hay tin NSND Anh Tú qua đời, ông Trương Nhuận – Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ ngậm ngùi chia sẻ: “Xin được tiễn biệt người em đáng trân trọng về ngơi nghỉ bình yên mãi với cao xanh thăm thẳm xa vời vợi kia, hãy yên lòng em nhé”.
Trưa 20/12, NSND Anh Tú – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam qua đời. Sự ra đi của anh khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ đau xót.
Ông Trương Nhuận – nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã có những chia sẻ về người đồng nghiệp, từng gắn bó với ông trong suốt gần 30 năm qua.
Ông nói: “Ở thời khắc buồn bã và u ám này, trong ký ức của tôi không hiểu sao cứ chợt loé lên, nhớ mãi chút kỷ niệm về Anh Tú như là một người em đồng nghiệp thân thương từng đồng cam cộng khổ gắn bó suốt mấy chục năm hoạt động ở Nhà hát Tuổi Trẻ .
Tôi nhớ những vai diễn tạo thành tên tuổi anh như một nam diễn viên chính tài năng về diễn xuất chững chạc, đài từ trầm ấm, âm vang sang trọng, thể hiện tinh tế mỗi sắc thái diễn biết tâm lý nhân vật.
Anh Tú chinh phục khán giả sân khấu ở các vở diễn từng đoạt giải huy chương vàng như: Vũ Như Tô ( tác giả Nguyễn Huy Tưởng, đạo diễn NSND Phạm Thị Thành), Rừng trúc (tác giả Nguyễn Đình Thi, đạo diễn NSND Đình Nghi – NSND Phạm Thị Thành dàn dựng ), Nhà có ba chị em gái (tác giả Thu Phương, đạo diễn NSND Xuân Huyền dàn dựng), vở Macbeth (tác giả Shakespeare, đạo diễn Lê Hùng dàn dựng) …
Những vở diễn này cùng với sự diễn xuất của NSND Anh Tú luôn được ghi nhận là những điểm son trong hành trang nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ suốt mất chục năm qua.
NSND Anh Tú và NSƯT Minh Hằng trong vở kịch “Vũ Như Tô”.
Riêng vai diễn Macbeth mà Anh Tú thủ vai trong vở kịch cùng tên, thực sự dược các đồng nghiệp đều nể phục. Anh hoá thân vào vai bạo chúa ham mê quyền lực đến cuồng loạn, sẵn sàng nhúng tay vào tội ác trong sự đồng loã của vợ. Anh lột tả tính cách, diễn biến tâm lý nhân vật đầy sức thuyết phục người xem cảm thấy ghê rợn ở mỗi tình huống kịch.
Vở diễn Macbeth do nghệ sĩ Anh Tú đóng vai chính được mời tham dự Liên hoan sân khấu kịch Bắc Kinh năm 2003 và Liên hoan sân khấu Thượng Hải năm 2005. Hai vở diễn đã ghi nhận sức sáng tạo nghệ thuật của một tài năng sân khấu thời khắc ấy.
Những vở kịch có sự tham gia diễn xuất của NSND Anh Tú góp phần làm nên thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ.
Năm 2005 khi sắp tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nghệ sĩ Anh Tú khiến Ban Giám đốc lúc ấy cũng bối rối vì xin dàn dựng vở kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ.
Anh Tú quá đam mê vở kịch thơ Kiều Loan nhưng ở thời điểm ấy việc đưa lên sân khấu sử dụng tác phẩm của thi sĩ Hoàng Cầm vẫn là điều còn nhạy cảm, nhất là chuyện trả nhuận bút tác phẩm. Chúng tôi sợ Nhà hát không đủ kinh phí chi trả cho ông.
Cũng may lãnh đạo Nhà hát Tuổi Trẻ khi ấy gật đầu, đồng ý cho Anh Tú làm đạo diễn vở kich thơ Kiều Loan.
Khi ấy, tôi đang là Phó Giám đốc phụ trách biểu diễn nên phải lãnh nhiệm vụ khó khăn nhất là thay mặt Ban Giám đốc đến gặp thi sĩ Hoàng Cầm để thương thảo về bản quyền. Kinh phí dàn dựng một tác phẩm cho sinh viên tốt nghiệp rất hẻo không nằm trong kế hoạch được cấp phát hàng năm của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
May mắn sao, khi biết tin vui vở kịch thơ Kiều Loan – đứa con tinh thần được sáng tác hơn nửa thế kỷ bỗng được đạo diễn trẻ Anh Tú yêu thích đắm đuối, xin được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, cụ Hoàng Cầm sung sướng lắm. Cụ nghẹn ngào nói chẳng thành lời, đưa bút ký tắp lự vào văn bản, đồng ý cho Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng với số tiền nhuận bút 15.000.000 đồng.
Đêm công diễn, gia đình nhà thơ Hoàng Cầm đưa cụ trên xe lăn đến rạp Tuổi Trẻ. Đạo diễn Anh Tú cùng mọi người kênh xe lăn đưa vị khán giả đặc biệt của đêm diễn lên ngồi ghế hàng A trang trọng nhất để xem kịch thơ Kiều Loan. Nhà thơ rưng rưng nước mắt suốt cả buổi diễn.
Cuối buổi diễn, nhà thơ Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến tặng hoa chúc mừng thi sĩ Hoàng Cầm như một sự bảo chứng quan trọng để mọi người an tâm bởi đêm diễn Kiều Loanthành công ngoài sự mong đợi của mọi người.
Riêng tôi vẫn nhớ lúc đó, nhà thơ Hoàng Cầm run run nắm chặt tay đạo diễn Anh Tú cùng tất cả nghệ sĩ đang vây quanh ông, xúc động cám ơn và trao tặng lại toàn bộ số tiền nhuận bút của cụ cho các nghệ sĩ biểu diễn thăng hoa hết mình trong đêm diễn.
Sau này, năm 2008 tại Liên hoan Sân khấu Kịch Toàn quốc, vở kịch thơ Kiều Loan của NSND Anh Tú mang lại tấm huy chương vàng xuất sắc cho nữ nghệ sĩ Quách Thu Phương trong vai chính Kiều Loan.
NSND Anh Tú cùng dàn diễn viên tham gia kịch thơ “Kiều Loan” vui mừng bên nhà thơ Hoàng Cầm sau buổi biểu diễn thành công.
Năm 2012 khi tôi được Lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Hai nghệ sĩ đầu tiên tôi muốn đề cử vào chức danh Phó giám đốc là Anh Tú (trưởng đoàn kịch 1) và Chí Trung (trưởng đoàn kịch 2). Họ cũng nhận được sự tín nhiệm rất cao từ tập thể Nhà hát.
Đúng lúc đó, cấp trên muốn tôi tiến cử nghệ sĩ Anh Tú sang làm Phó Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Họ muốn có câu trả lời ngay đầu giờ chiều hôm đó.
Tôi vẫn nhớ là Anh Tú rất bối rối, suy nghĩ cả buổi trưa mới gật đầu đồng ý nhận lời dù gương mặt bần thần, bao uẩn khúc không nói ra lời.
Sau này tâm sự với NSND Lan Hương khi đã vơi bớt nỗi buồn xa vắng bạn bè đồng nghiệp thân quen một thuở nơi cơ quan cũ , NSND Anh Tú bảo rằng dạo ấy anh như chết lặng nửa trái tim mình khi phải rời xa Nhà hát Tuổi Trẻ – cái tổ ấm thân thương bao nhiêu vui buồn, khóc cười, thăng trầm vinh quang và có cả nỗi xót xa, cay đắng
Trong suốt mấy năm tôi lên làm giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, mừng cho ông em đã sớm trưởng thành về nghề đạo diễn, dàn dựng nhiều vở kịch gây được tiếng vang trong làng sân khấu, xứng đáng kế nghiệp đàn anh. Anh từng đoạt nhiều huy chương tại các hội diễn với các vở như: Lâu đài cát, Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Kiều, Thế sự,….”
NSND Anh Tú được mệnh danh là “chàng kỵ sĩ trên sân khấu kịch”.
.Ông Trương Nhuận cho biết thêm, dù chuyển sang công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng anh từng quay về Nhà hát Tuổi Trẻ, dàn dựng vở kịch Biến dạng của tác giả Chu Thơm.
“Là một đạo diễn rất nghiêm khắc về nghề, luôn cầu toàn và hay tìm tòi những sáng tạo trên sàn diễn, anh luôn chỉ bảo tận tình về nghề cho lứa đàn em mình một cách bài bản, kỹ lưỡng nên để lại nhiều ân tình cho lớp diễn viên trẻ ở nhiều nhà hát, nhà trường lớp anh đào tạo những năm qua” – Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận nhận xét.
Trước tết Âm lịch vừa qua, ông Trương Nhuận bị ốm. NSND Anh Tú cùng nghệ sĩ Tường Linh tới thăm. Họ có chụp ảnh cùng nhau. Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ ngậm ngùi: “Vẫn còn đó bức ảnh chụp kỷ niệm hôm nào, ai ngờ hôm nay, người luống bạc tóc như tôi lại phải xót xa đưa tiễn người còn đang đầu xanh tuổi trẻ như NSND Anh Tú. Tạo hoá thật bất công.
Tôi bỗng chợt liên tưởng chẳng hiểu sao mấy nhân vật kịch anh thủ vai hoá thân thật xuất sắc trên sàn diễn như Macbeth, Vũ Như Tô, Trần Cảnh … đểu dang dở, buồn đau bi thương, lỡ làng nửa chừng về sự nghiệp. Y như sân khấu vận vào cuộc đời”.
Tấm ảnh NSND Anh Tú, nghệ sĩ Tường Linh tới thăm sức khỏe ông Trương Nhuận.
“Vậy là đã khép lại những ấp ủ, mơ ước được dàn dựng những tác phẩm sân khấu lớn, hoành tráng trong dự kiến của NSND Anh Tú khi anh buông bỏ mọi mong muốn cống hiến với niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ cùng các đồng nghiệp của một tài năng nghệ thuật thực thụ.
Xin được tiễn biệt một người em đáng trân trọng về ngơi nghỉ bình yên mãi với cao xanh thăm thẳm xa vời vợi kia. Hãy yên lòng em nhé” – ông Trương Nhuận ngậm ngùi nhắn nhủ người đồng nghiệp, từng gắn bó với ông trong suốt 30 năm qua.
Mộc Lan – VTC