Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong ký ức của lão thành cách mạng

Trong buồng giam nhà tù Hỏa Lò, ông Đỗ Mười diễn thuyết, tuyên truyền về cách mạng; khi bị cai ngục đánh, ông lấy thân che chắn cho đàn em. 

Tại lễ viếng cố Tổng bí thư Đỗ Mười ngày 6/10, bên cạnh các đoàn lãnh đạo cấp cao Trung ương, đại diện bộ, ngành, đoàn thể là nhiều lão thành cách mạng.

̣93 tuổi, cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò Tạ Quốc Bảo (Tạ Sinh Nhạ) run run thắp nén nhang trước linh cữu nguyên Tổng bí thư. Sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước ở xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), ông Bảo sớm giác ngộ cách mạng, trở thành liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1941-1942.

Tháng 5/1943, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, ông Bảo tham gia rải truyền đơn, treo cờ ở Cổ Loa và bị thực dân Pháp kết án giam ở nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông được sự chỉ bảo ân cần từ các đàn anh Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thụ, đặc biệt là nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Ông Bảo không thể quên những ngày mới bị bắt giam, bị tra tấn thừa sống thiếu chết. Nhưng đến khi vào nhà tù Hỏa Lò, chàng trai 17 tuổi mới thấy các đàn anh hoạt động cách mạng bí mật bị giam giữ nơi này còn phải nếm trải điều kiện khắc nghiệt hơn gấp trăm lần.

Tổng bí thư Đỗ Mười

Ông Bảo thắp hương trước linh cữu nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười sáng 6/10. Ảnh: Ngọc Thành.

Lần đầu gặp ông Đỗ Mười trong buồng giam chung, ông Bảo ấn tượng với người đàn ông xanh xao, hiền lành và tốt tính. Phòng giam gần trăm người, mỗi ngày được cấp một bể nước nhỏ. “Cả trăm người thống nhất để ông Mười chia nước cho từng anh em. Cứ như vậy, hàng ngày anh đứng chia nước mà trên người không mảnh vải che thân”, ông Bảo hồi tưởng.

Và ông giải thích: “Khắc nghiệt lắm, mỗi tù nhân chỉ được một bộ quần áo, đông cũng như hè. Anh Mười đứng chia nước cho mọi người, sợ ướt quần áo nên để dành tối mới dám mặc”. Thiếu nước, thức ăn của tù nhân chính trị là cá thối, cơm gạo mốc, rau muống dài như sợi dải rút trồng ở bãi rác gần bệnh viện.

Xem thêm  Phụ nữ không ngại lấy chồng nghèo, chỉ sợ lấy nhầm đàn ông vừa lười biếng lại vừa không có chí tiến thủ

Vậy nhưng ông Bảo chưa thấy người chiến sĩ tên Đỗ Mười mà ông vẫn gọi thân thương là anh Cống than thở. Trong buồng giam, anh Cống diễn thuyết, truyền dạy cho đàn em những bài giảng chính trị, ý nghĩa của lá cờ đỏ búa liềm…

“Khi bị cai ngục đánh vì dám tuyên truyền chống thực dân Pháp, anh Cống luôn đứng phía ngoài che chắn, chịu đòn roi thay tôi”, đôi mắt ông Bảo sáng lên khi nói về cơ duyên gặp gỡ, gắn bó với cố Tổng bí thư Đỗ Mười.

Ông Bảo ở cùng buồng giam hơn hai năm thì ông Đỗ Mười trốn thoát ra ngoài. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, những tù nhân chính trị như ông Bảo được nguyên Tổng bí thư tìm về.

Từ đó cho tới khi giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước, ông Bảo vẫn thấy ông Đỗ Mười chất phác, liêm khiết và là người anh gần gũi như ở trại giam hôm nào. “Tôi đến thăm hoặc có việc muốn trình bày, anh ấy dù bận đến mấy vẫn dành thời gian lắng nghe, tới tận khi bệnh nặng vẫn vậy”, ông Bảo tâm sự.

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ ở giữa trung tâm Hà Nội, bàn tay với những lằn da nhăn nheo, ông Bảo run run giở những bức ảnh chụp chung với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Những bức ảnh dù đã cũ, ông vẫn bọc kín trong bì thư trắng tinh.

“Làm Cách mạng là phải thế chứ”

Ông Nguyễn Xuân Hùng (90 tuổi, ở thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) gắn bó với nguyên Tổng bí thư trong thời gian trốn khỏi nhà tù Hỏa Lò. Gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng, ông Hùng khi ấy mới hơn 10 tuổi, làm hoa tiêu dẫn đường cho ông Đỗ Mười khắp vùng Ứng Hòa, Nam Hà (nay là Hà Nam).

Xem thêm  Vụ cô giáo nhét chất bẩn vào vùng kín bé gái 5 tuổi: đối tượng là cô ruột, nghi do mâu thuẫn chia tài sản

“Anh ấy luôn xưng hô thân mật với tôi là mày – tao. Mỗi lần tôi dẫn đi hoạt động bí mật, anh thường đùa tao mà bị bắt thì mày cũng tiêu. Mới ra tù, anh gầy và xanh xao lắm. Mẹ tôi lúc nào cũng xót xa”, ông Hùng kể lại.

Tổng bí thư Đỗ Mười

Ông Nguyễn Xuân Hùng (tóc bạc trắng tay dụi mắt) cùng con, cháu tới viếng
nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Ngọc Thành.

Người đàn ông nhỏ thó, tóc bạc trắng nhớ nhất lần đưa ông Đỗ Mười đi trốn bởi mật thám tới nhà truy lùng. Hôm ấy đợi trời tối hẳn, hoa tiêu Hùng dẫn ông Đỗ Mười chạy ra cánh đồng hướng về Nam Hà (nay là Hà Nam). Đi qua bờ sông, bỗng hai người nghe tiếng “tõm”, biết mật thám bám sát nên chỉ biết chạy.

“Tới nửa đêm, hai anh em đến một ngôi chùa ở Nam Hà. Anh Mười vào chùa, các sư biết người của cách mạng nên dẫn vào nhà thờ tổ. Cổng chùa vừa đóng chặt thì nghe tiếng gọi giục giã của mật thám. Nhưng nhà chùa quyết không mở cửa với cớ đêm khuya, bọn chúng cũng đành chịu”, ông Hùng ôn lại những chuyện chưa bao giờ quên.

Ông Hùng còn khâm phục sự kín tiếng của cố lãnh đạo. Cả đời ông nhớ nhất câu cửa miệng khi còn trẻ của ông Đỗ Mười là “làm cách mạng là phải thế chứ” mỗi khi ai hỏi về quãng thời gian bị cầm tù. Ông Hùng chưa từng nghe thấy nguyên Tổng bí thư than vãn về sự gian khổ của những năm tháng tù đày.

13h chiều chủ nhật 7/10, người anh thân thương của ông Bảo, ông Hùng sẽ về với đất mẹ – xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).

Bảo Hà – Theo vnexpress

Link gốc