Giải thưởng hàng năm của Hội điện ảnh được so sánh như giải Oscar của Việt Nam nhưng năm nào chương trình cũng mắc hàng loạt “sạn” và lỗi thiếu chuyên nghiệp
Lễ trao giải Cánh diều 2017 tôn vinh các tác phẩm điện ảnh và truyền hình xuất sắc trong năm vừa diễn ra vào tối ngày 15/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ gạo cội lẫn những gương mặt trẻ nổi tiếng như Midu, Nhã Phương, Nhan Phúc Vinh,…
Lễ trao giải Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 2003. Trải qua hơn 10 năm tổ chức đều đặn nhưng chưa năm nào giải thương được ví như giải Oscar của Việt Nam nay được đánh giá cao trong kịch bản chương trình và khâu tổ chức nói chung.
Lễ trao giải năm nay đã được ban tổ chức lựa chọn địa điểm tổ chức là Nhà hát lớn Hà Nội để tăng thêm tính trang trọng của chương trình. Tuy nhiên, không vì thế mà Cánh diều 2017 ít “sạn” hơn các lễ trao giải trước đó.
MC vô duyên, người trao giải lúng túng
Dẫn dắt chương trình là hai MC Danh Tùng và Thùy Linh. Mặc dù cả hai đều là những tên tuổi MC có kinh nghiệm nhiều năm nhưng không hiểu sao khi dẫn dắt lễ trao giải, cả hai vẫn lộ rõ nhiều điểm vấp váp.
Đối với một lễ trao giải mang tính chất đặc thù như Cánh diều, MC không chỉ cần có kỹ năng dẫn chương trình theo kịch bản có sẵn mà còn cần có kiến thức chuyên môn để phần dẫn dắt qua các hạng mục trao giải được hấp dẫn, thú vị.
Rất tiếc là cả Danh Tùng và Thùy Linh đều thất bại trong việc cố gắng đưa ra những câu bông đùa về ngành phim ảnh. Lời dẫn vừa nhạt nhẽo và vô duyên khiến khách mời tham dự lẫn khán giả đều cảm thấy hết sức mệt mỏi khi phải theo dõi chương trình kéo dài tới 2 tiếng.
MC Danh Tùng và Thùy Linh dẫn dắt kém duyên.
Như mọi năm, những nghệ sĩ chịu trách nhiệm lên trao giải dường như cũng không coi trọng nhiệm vụ của mình. Hầu hết người trao giải đều phát biểu lòng vòng, khó hiểu, đôi khi ấp úng, tương tác với nhau không nhuần nhuyễn như chưa có sự tập dượt trước.
Những màn đọc nhầm tên hạng mục, tên diễn viên vẫn xảy ra dù tất cả người tham gia trong chương trình đều là các nghệ sĩ đang hoạt động trong nghề.
Khi lên trao giải cho quay phim và thiết kế mỹ thuật điện ảnh xuất sắc của năm, nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh thản nhiên nói nhầm thành giải đạo diễn. Còn NSƯT Diệu Thuần đã có pha nói “nhịu” trên sóng truyền hình trực tiếp.
Khi trao giải nam diễn viên phụ xuất sắc trong phim điện ảnh cho nam diễn viên trẻ Nhan Phúc Vinh bà đọc nhầm tên anh thành Phan Phúc Vinh. Còn tên phim từ Đảo của dân ngụ cư bị bà đọc “nhịu” ngược khiến khán phòng ồ lên cười.
Không ai nhịn nổi cười trước câu “nhịu” của NSƯT Diệu Thuần.
Kịch bản cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp
Về mặt kịch bản chương trình, giải Cánh diều 2017 cũng tỏ rõ nhiều điểm cẩu thả. Như mọi chương trình trao giải khác, mỗi khi các đề cử được xướng tên thì một đoạn clip minh họa ngắn sẽ được trình chiếu trên màn hình LED khổ lớn trên sân khấu.
Chỉ tiếc là các clip này không được ban tổ chức chương trình đầu tư kỹ lưỡng nên gây thiếu thiện cảm cho người theo dõi.
Ngay cả ở các hạng mục quan trọng như giải nam nữ chính xuất sắc hay phim hay nhất trong mảng điện ảnh, đoạn video giới thiệu có thể thấy rõ là được cắt ghép cẩu thả từ trailer của phim vẫn còn giữ nguyên phần phụ đề.
Đoạn clip giới thiệu phim được bê nguyên từ trailer.
Còn các nghệ sĩ sau khi lên nhận giải có người thì được phát biểu rất dài, có người lại bị “đuổi” ngay về chỗ ngồi.
Nhã Phương đã được trao giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong phim Yêu đi đừng sợ. Cô nghẹn ngào xúc động và bật khóc ngay trên sân khấu ngay khi nhận giải và gửi lời cảm ơn đến hãng phim cũng như cố đạo diễn Stephen Gauger đã trao cho cô cơ hội đặc biệt này trong nghề diễn.
Nhã Phương khóc nghẹn trên sân khấu.
Một số nghệ sĩ khác thì không được may mắn như Nhã Phương, có được thời lượng để gửi lời cảm ơn sau màn vinh danh. Tiêu biểu là đạo diễn Lê Thanh Sơn, người được nhận giải đạo diễn phim điện ảnh xuất sắc cho phim Em chưa 18.
Vừa cầm được chiếc cúp lưu niệm, vị đạo diễn “trăm tỷ” đã được hướng dẫn rời khỏi sân khấu khi chưa kịp phát biểu lời nào. Hai MC chương trình nhanh nhảu giải thích do thời lượng chương trình có hạn nên không thể để Lê Thanh Sơn phát biểu.
Nhận giải thường xong, đạo diễn Lê Thanh Sơn được mời trở về chỗ ngồi.
Nhưng sau đó nhiều người nhận giải khác như đạo diễn Lưu Trọng Ninh hay biên kịch Kay Nguyễn đều được nói lên cảm nghĩ của mình.
Sự “phân biệt đối xử” này chẳng rõ là có sẵn trong kịch bản hay ứng biến. Nhưng đáng lẽ khi đã nhận giải thì các nghệ sĩ đều nên được tôn trọng như nhau, được có cơ hội để phát biểu những điều mình muốn nói.
Còn việc cân đối thời lượng ra sao, kiểm soát thời gian mỗi lời cảm ơn là nhiệm vụ của đạo diễn chương trình.
Trong các chương trình lễ trao giải lớn của nước ngoài, ví dụ như giải Oscar, mỗi chủ nhân giải thưởng sẽ được trao 45 giây để nói lời cảm ơn. Nếu ai vẫn cố tình dài dòng làm ảnh hưởng đến nhịp độ chương trình lập tức sẽ có tiếng nhạc phát đè thay cho lời nhắc nhở tinh tế.
Giải thưởng Cánh diều 2017 lại chẳng đủ chuyên nghiệp đến thế trong đạo diễn và điều phối.
Trong tất thảy những lời phát biểu ít ỏi trong chương trình, tuyệt nhiên không một nghệ sĩ nhận giải nảo gửi lời cảm ơn đến đơn vị tổ chức trao giải- Hội điện ảnh Việt Nam.
Đây có thể là do văn hóa trao nhận giải thưởng tại nước ta, mà cũng có thể do chính bản thân chương trình vẫn còn nhiều “sạn”.
Người tổ chức cẩu thả, người trao giải không kỹ càng và người nhận giải cũng không mãn nguyện. Và một giải Oscar của Việt Nam đã diễn ra như vậy.
Chưa hết chương trình, nhiều hàng ghế đầu đã sớm trống người ngồi.
Phim Và em sẽ đến: Giỏi lấy nước mắt người xem nhưng vẫn để lọt “sạn”
theo Trí Thức Trẻ