Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Nhà văn Hoàng Anh Tú gây sốt MXH: Tết này, đừng mừng tuổi con tôi kiểu đó!

Tết truyền thống

“Mừng tuổi bao nhiêu cũng thành vấn đề. Mừng nhiều thì đau ví người mừng mà có khi cũng khiến cha mẹ trẻ được mừng cũng méo mặt “trả nợ”. Mừng ít thì gặp quả các cháu vô tư lại bĩu môi, cha mẹ vô duyên lại khinh khỉnh ra mặt”.

Xem thêm  Bị chê trách khi 26 Tết vẫn miệt mài khoe mâm cơm hàng ngày, mẹ trẻ có câu trả lời gắt nhưng cực đúng

Trong quan niệm của người Việt Nam nhiều đời truyền nối, vào ngày đầu năm mới, việc trao nhau những phong bao lì xì đỏ tươi cùng với những lời chúc tốt đẹp sẽ giúp mọi người có thể đón một năm mới nhiều may mắn, bình yên và hạnh phúc. Vì lẽ đó, trong những ngày đầu năm, chúc Tết và mừng tuổi là những hoạt động không thể thiếu.

Mang trong mình một ý nghĩa vô cùng nhân văn như thế, tuy nhiên, song hành cùng với đà phát triển của thời đại, việc lì xì mừng tuổi ngày càng thay đổi và ít nhiều mất đi vẻ đẹp vốn có ở thời điểm ban đầu. Những năm trở lại đây, câu chuyện “lì xì bao nhiêu là vừa” vẫn luôn khiến nhiều người đắn đo.

Hòa chung vào không khí đắn đo của nhiều người ngày cận Tết, vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có dịp chia sẻ quan điểm của bản thân thông qua bài viết mang nhan đề: “Tết này, đừng…mừng tuổi con tôi kiểu đó!“.

Tết truyền thống

“Tết đến, chuyện mừng tuổi luôn luôn trở thành điểm nóng của các cha mẹ chứ chẳng phải là của các con.

Năm nào chuyện mừng tuổi và những biến tướng của mừng tuổi cũng làm đau đầu các bậc cha mẹ. Mừng tuổi bao nhiêu cũng thành vấn đề. Mừng nhiều thì đau ví người mừng mà có khi cũng khiến cha mẹ trẻ được mừng cũng méo mặt “trả nợ”. Mừng ít thì gặp quả các cháu vô tư lại bĩu môi, cha mẹ vô duyên lại khinh khỉnh ra mặt. Từ bao giờ, chuyện mừng tuổi trở thành kiếp nạn của nhiều bậc làm cha làm mẹ như thế không biết. Nhưng mừng tuổi vẫn cứ phải mừng tuổi thôi, Tết mà!

Mừng tuổi trẻ con bao nhiêu là đủ?

Chúng ta ai cũng đều biết mừng tuổi là để lấy may tặng nhau chút lộc ngày xuân. Thế nên mừng tuổi không nên mừng như kiểu hối lộ hay rải tiền. Quan điểm của tôi mừng tuổi bằng một bữa sáng của con trẻ tuổi đó. Hoặc cũng có thể nhiều hơn, bằng mua một món đồ chơi, một cuốn sách hay một khoản nho nhỏ đủ tích luỹ cho trẻ. Tuỳ mức độ thân sơ mà nhiều ít. Tôi cũng không cho rằng lấy may mà mừng 5.000  – 10.000 đồng, vì điều đó thật sự mang tính hình thức hơi quá. Có lẽ bởi tôi thực dụng quá chăng khi nghĩ rằng mừng tuổi thay cho tặng trẻ một món quà? Phải khiến trẻ đủ hân hoan, vui vẻ chứ không phải mừng cho có lệ. Tất nhiên, đó là quan điểm của tôi thôi.

Cũng vậy, hãy mừng trẻ bằng tiền mới chứ đừng là thảy cho trẻ những tờ tiền nhăn nhúm, cũ nát. Tôi hơi duy mỹ khi nghĩ về những thứ tinh khôi, tươi mới dành tặng nhau ngày xuân. Nó cũng là sự trân trọng của người lớn dành cho trẻ. Mừng tuổi bao nhiêu không quan trọng bằng mừng tuổi thế nào, lời chúc cho con trẻ quan trọng nhiều hơn số tiền. Một lời chúc để tâm không thể chỉ là “chúc con hay ăn chóng nhớn, con ngoan trò giỏi”, mà nó phải khiến đứa trẻ nhận được sự quan tâm của người mừng tuổi nó. Là cha mẹ, tôi thật lòng mong được bạn bè mình để tâm đến con mình qua những lời chúc hơn là món tiền mừng bao nhiêu.

Vậy làm gì với tiền mừng của con? Nhiều cha mẹ hay tịch thu tiền mừng của con, điều này thường khiến trẻ nảy sinh sự thất vọng hoặc thậm chí sẽ tìm cách giấu giếm.

Đúng là vậy! Trẻ con khi còn bé vẫn hay bị cha mẹ tịch thu tiền mừng tuổi của con vì nghĩ rằng trẻ không biết tiêu tiền. Nhưng tôi nghĩ đây là dịp rất tốt để cha mẹ dạy con hiểu biết về tiền bạc. Từ việc dạy trẻ tiết kiệm như nhét lợn đến việc dạy trẻ làm cho đồng tiền sinh lãi. Tôi biết nhiều cha mẹ có cách rất hay là dắt trẻ đến ngân hàng lập sổ tiết kiệm, dạy trẻ về việc gửi tiền vào ngân hàng lãi suất sẽ là bao nhiêu, con sẽ được bao nhiêu tiền sau đó. Hoặc thậm chí, chính cha mẹ cũng có thể tự trở thành một ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm cho con.

Cùng với đó, trong suốt 1 năm, với khoản tiền ấy, cha mẹ hoàn toàn có thể dạy con cách chi tiêu sao cho hợp lý trong khoản con có. Trẻ em ở nhiều nước đều được dạy về IQ Tài Chính ngay từ bé, cha mẹ Việt đừng lúc nào cũng coi tiền bạc là nguồn gốc của tội lỗi, rằng tiền là bạc nữa. Nếu mỗi đứa trẻ đều có một tài khoản riêng, học hiểu tốt về tích lũy và chi tiêu thì tôi tin chắc mai này chúng sẽ không bị rơi vào cảnh cháy túi hay chẳng biết quản lý tài chính khi bắt đầu có thu nhập.

Tết truyền thống

(Ảnh minh họa)

Và cuối cùng, tôi nghĩ cha mẹ cần dạy con cả cách tiếp nhận tiền mừng tuổi nữa. Điều này vô cùng quan trọng. Đừng để khi trẻ vô tư bĩu môi chê tiền mừng tuổi ít hay vô tư khoe người này mừng nhiều người kia mừng ít hoặc chính những đứa trẻ với nhau đem số tiền mừng tuổi ra so kè hơn kém.

Đó là dạy trẻ về ý nghĩa của việc mừng tuổi. Về việc trân trọng mỗi điều người khác dành cho mình. Là học cách cảm ơn với những điều bé nhỏ.

Đó là dạy trẻ về những thước đo khác nhau không nằm ở số tiền của mỗi người. Rằng con người còn nhiều thang giá trị khác chứ không phải chỉ đo được bằng tiền.

Đó là dạy con cách ăn cách nói, cách hành xử thế nào là lịch sự chứ không phải bạ đâu nói đấy gây tổn thương cho người khác. Đây cũng là điều cần dạy con mỗi ngày chứ không chỉ là mỗi dịp Tết tới”.

“Lì xì” được phiên âm từ từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Câu chuyện lì xì, mừng tuổi dịp năm mới vốn dĩ mang trong mình một ý nghĩa cao đẹp, song đừng để những biến tướng của thời cuộc biến hành động nhân văn này thành một kiếp nạn.

Xem thêm  Bị chê trách khi 26 Tết vẫn miệt mài khoe mâm cơm hàng ngày, mẹ trẻ có câu trả lời gắt nhưng cực đúng

Theo Helino/Afamily

Link