Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

Nhát kiếm ám ảnh chiến binh samurai và bài học rút ra từ nghi lễ mổ bụng tự sát

Trên đường về, người chiến binh samurai nghe như có tiếng “meo” từ tán lá cây, từ mỗi bước chân. Ngay cả những người qua đường nói chuyện xôn xao cũng chỉ còn vang lại tiếng “meo”.

Ngày xưa có một người chiến binh samurai đi câu bên bờ suối, câu mãi mới được một con cá. Đang sửa soạn cho một bữa cá nướng ngon lành thì bỗng nhiên từ trong bụi rậm vụt ra một con mèo, ngoặm lấy cá toan chạy mất.

Người samurai nổi giận, nhanh như cắt tuốt kiếm. Con mèo đứt làm đôi, chỉ kịp kêu một tiếng “meo” đầy hoảng hốt.

Lúc ấy, người samurai sực tỉnh, và cảm thấy rất hối hận vì việc mình vừa giết con mèo quá dã man. Trên đường về, ông nghe như có tiếng “meo” từ tán lá cây, từ mỗi bước chân trên đường.

Ngay cả những người qua đường nói chuyện xôn xao cũng chỉ còn vang lại tiếng “meo”. Gặp bạn bè ông cũng tưởng như họ giễu cợt mình bằng tiếng “meo”. Con cái cũng nói với ông bằng tiếng “meo”, mỗi lần chợp mắt lại thấy “meo”, tỉnh dậy cũng lại là “meo”…

Cuối cùng, không thể chịu đựng thêm được nữa, người samurai tìm đến một ngôi chùa trong vùng, để gặp vị sư già xin được giúp đỡ thoát khỏi cảnh khổ sở này.

Nghe kể chuyện xong, vị sư quở trách: “Sao một võ sĩ như ngươi lại có thể hèn mạt đến thế được? Nếu tự mình không thắng được những tiếng “meo” kia, thì chỉ còn cách mổ bụng tự sát như một hara-kiri chính trực! Ngươi hãy làm điều đó ngay bây giờ, trước mặt ta!”

Trong lòng vô cùng kinh sợ cái chết nhưng người samurai vẫn sửa soạn nghi lễ, từ từ đặt lưỡi kiếm lên bụng mình.

Xem thêm  Tử tù viết thư vĩnh biệt mẹ và 5 điều tối kỵ, phụ huynh nhất định phải tránh khi dạy con

Vị thiền sư quát: “Bắt đầu đi!

Mồ hôi vã ra như tắm, người samurai run lẩy bẩy cầm thanh kiếm chuẩn bị đâm thì ngay lúc này, vị sư già lên tiếng:

– Còn nghe thấy tiếng meo không?

– Chao ôi! Không! Lúc này con không nghe thấy tiếng gì hết!

– Không còn nghe thấy tiếng “meo” thì không cần phải chết!

samurai

“Thanh kiếm” cắt đứt mọi vọng tưởng

Người samurai trong câu chuyện trên đã gần như phát điên bởi tiếng “meo”, là vì khi ăn không nghĩ tới chuyện ăn, khi ngủ không nghĩ tới việc ngủ, để cho tâm trí bị dẫn dắt bởi một con mèo trong quá khứ.

Nhưng ngay khi ông chuẩn bị chết và nghĩ tới cái chết, mọi suy nghĩ về con mèo, hay tiếng “meo” hoàn toàn bị cắt đứt. Tất cả nhường chỗ cho hiện tại.

Khi tâm trí không còn ở trong quá khứ và tương lai, làm việc gì ở trong việc ấy, là đã giữ được Chánh Niệm.

Từ xưa tới nay, các vị thiền sư vẫn luôn truyền dạy một điều rất đơn giản mà vô cùng quan trọng, đó là trở về với thực tại, sống trọn vẹn với toàn bộ những điều đang xảy ra: “Đói ăn, khát uống, mệt ngủ liền” – giống như Phật hoàng Trần Nhân Tông từng viết.

Sự nhất tâm ấy tuy rất đơn giản nhưng chứa đựng đầy đủ sự thật ở trong đó. Thiền sư Huệ Hải khi mô tả về cuộc sống tu thiền của mình cũng rất giản dị: “Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ”, trạng thái sống của một thiền sư tự do với cuộc đời là như vậy.

Xem thêm  Muốn sống bên nhau vui vẻ, khỏe mạnh vợ chồng chỉ cần làm những điều như vậy

Tuy đơn giản là thế nhưng không phải ai cũng muốn làm, mà thường xuyên ở trong trạng thái:

Khi ăn chẳng chịu ăn

Đòi trăm thứ cần dùng

Khi ngủ chẳng chịu ngủ

Tính toán chuyện mông lung

Mọi khó chịu hay đau khổ thường đến do những suy nghĩ không chịu ở trọn trong hiện tại. Hối tiếc quá khứ đã phạm sai lầm, “giá như mình đừng giết con mèo”, lo lắng cho tương lai “mình sẽ phát điên bởi tiếng meo” khiến cho người samurai cũng như tất cả chúng ta mất năng lượng một cách lãng phí.

Quá khứ không truy tầm

Tương lai ngừng ước vọng

Quá khứ đã đoạn tuyệt

Tương lai thì chưa đến

Tất cả những gì bạn có, chỉ là giây phút hiện tại này thôi. Sống trong hiện tại, biết những điều đang có ở hiện tại, đó chính là thanh kiếm cắt đứt mọi vọng tưởng gây ra đau khổ.

Ngọc Thảo – Trí thức trẻ

Link gốc