Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Nhất quyết không cho chú bé mồ côi một đôi giày mới: Tưởng là ác nhưng thực ra ông chủ đã dạy cậu bài học quý giá để trưởng thành mà ai trong chúng ta cũng cần ghi nhớ

Người xưa có câu: “Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy”. Vậy nên, con người sống trên đời không thể quá lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, muốn đạt được điều gì thì hãy tự mình nghĩ cách mà giành lấy!

Chú bé mồ côi

Trần Đông mồ côi cha mẹ từ năm 13 tuổi, nhưng may mắn nhận được sự cưu mang, giúp đỡ của người thân và những người có lòng hảo tâm nên cậu bé cứ thế lớn lên, và theo học tại một trường trung học trong thị trấn.

Một ngày nọ, khi đang chạy bộ trên sân vận động, cậu cảm thấy có vật gì đó tuột ra khỏi chân mình. Hóa ra, đế chiếc giày thể thao của cậu đã bị bong ra. Thật không may, trường học của Trần Đông sẽ tổ chức ngày hội thể thao vào tuần tới và cậu bé đã đăng ký tham gia thi chạy.

Trần Đông kỳ vọng rất lớn vào cuộc thi lần này bởi cậu thích chạy, có sức bền tốt và thường là người chạy nhanh nhất trong các tiết học thể dục ở trường. Vậy nên hiện giờ, cầm trên tay đôi giày hỏng trong khi chẳng có một xu nào trong túi, cậu bé vô cùng lo lắng, thậm chí nghĩ đến việc phải từ bỏ.

Nhưng sau một hồi suy nghĩ, cậu mạnh dạn tới cửa hàng giày duy nhất trong thị trấn, kể về tình hình của mình với muốn xin ông chủ cho một đôi giày mới. Vậy mà, ông chủ Vương sầm mặt lại rồi nói: “Cháu muốn chú cho cháu một đôi giày mới sao? Không đời nào!”. Mặt của Trần Đông lúc ấy liền đỏ bừng, hai bàn tay cậu vò vò góc áo. Cậu thấy ngại ngùng và xấu hổ vô cùng trước câu nói của ông Vương.

Chú bé mồ côi

Ảnh minh họa

Một khách hàng thấy vậy liền cố thuyết phục ông: “Ông à, đứa trẻ này thật đáng thương, ông hãy cho nó một đôi đí, đó là một việc làm tốt mà”. Nghe vậy, nước mắt cậu bé bắt đầu rơi, và cậu hy vọng ông chủ sẽ thay đổi quyết định. Nhưng không, ông chủ Vương nói với giọng lạnh tanh: “Giày của tôi cũng phải mua bằng tiền. Vậy tại sao tôi lại phải cho không cậu ta một đôi?”. Trần Đông nghe thế cúi gằm mặt, lặng lẽ bước ra khỏi cửa hàng.

Tuy nhiên, khi cậu bước tới cửa, ông chủ không biết vô tình hay cố ý nói một câu: “Muốn chú cho cháu một đôi giày cũng không phải không có cách”. Thấy Trần Đông dừng lại, ông chủ Vương tiếp tục nói: “Nếu cháu làm việc trong cửa hàng của chú hai ngày, chú sẽ cho cháu một đôi giày thể thao”.

Trần Đông nghe ông chủ nói vậy thì mừng rỡ đồng ý ngay lập tức. Trong hai ngày sau đó, cậu giúp ông lau dọn sạch các kệ, xếp các đôi giày gọn gàng, dỡ hàng hóa và kiên nhẫn tiếp đón từng vị khách đến mua giày. Cậu bé bận rộn, lưng đau, chân cũng đau nhưng chưa bao giờ cậu thấy hạnh phúc như lúc này.

Xem thêm  Ngoài 30 tuổi, bước vào độ chín muồi của tuổi trẻ, tôi chỉ muốn xin phép cuộc sống cho tôi được nghỉ một ngày

Hai ngày trôi qua “nhanh như gió”. Buổi tối ngày thứ hai, trước khi đóng cửa, ông chủ đã trao cho cậu bé một đôi giày thể thao mới tinh và nói: “Nhận lấy đi, đây là những gì cháu xứng đáng có được!”. Cầm đôi giày mới trên tay, Trần Đông vui tới mức không biết phải nói gì mới phải. Cậu vội cảm ơn ông chủ và ra về.

Chú bé mồ côi

Ảnh minh họa

Kết thúc cuộc thi chạy đường dài lần ấy, Trần Đông giành được chức vô địch, thế nhưng, cậu bé luôn biết rằng nếu không có đôi giày thế thao mới kia, cậu sẽ không đạt được kết quả tốt như vậy. Và một điều khiến cậu vui hơn nữa là đôi giày đó, cậu mua bằng chính sức lao động của mình.

Sau này, khi lên đại học, Trần Đông không còn sống bằng tiền hỗ trợ của mọi người nữa. Cậu đi làm thêm vất vả để kiếm tiền đi học và trang trải cuộc sống. Khó khăn chồng chất nhưng rút cục, Trần Đông cũng hoàn thành việc học và còn tìm được một công việc tốt.

Tuy vậy, cậu bé vẫn không bao giờ quên quê hương của mình, với những con người tình nghĩa nên quyết định dành chút thời gian về thăm quê . Khi xuống xe, cậu đi thẳng tới của hàng bán giày của ông chủ Vương năm xưa.

Cửa hàng vẫn còn đó, ông chủ Vương cũng vẫn còn đó. Trần Đông hay tay đưa cho ông Vương một đôi giày đã cũ nhưng lại vô cùng sạch sẽ. Đó chính là đôi giày mà cậu phải làm việc hai ngày trong của hàng của ông Vương mới có được.

Ông chủ Vương ngạc nhiên: “Cháu vẫn giữ đôi giày này ư?”.

Trần Đông đáp: “Vâng, cháu vẫn giữ nó. Chú, chú có thể cho cháu biết tại sao lúc xưa chú lại giúp cháu không?”.

Ông chủ thoáng nghĩ và ngay lập tức cười nói: “Chú có giúp gì cháu đâu?”.

Trần Đông nói: “Sau này cháu mới biết được rằng, đây là một đôi giày chính hãng, giá ít nhất cũng phải 400 tệ. Cháu làm hai ngày trong cửa hàng của chú thì có thể kiếm được bao nhiêu tiền chứ? Có lẽ chú cũng chẳng cần chút công sức nhỏ này của cháu, vậy tại sao chú lại làm như thế ạ?”.

Ông Vương im lặng một lát rồi nói: “Thôi được, chú sẽ nói cho cháu biết. Vài năm trước, khi cháu bước vào cửa hàng với mong muốn xin chú cho cháu một đôi giày, chú thực sự muốn đưa ngay cho cháu.

Nhưng chú biết nếu làm vậy, cháu sẽ khó có thể trưởng thành bởi cháu sẽ quen với việc được người khác cảm thông và giúp đỡ trong mọi việc, và bất cứ khi nào cháu cần. Việc đó không tốt chút nào cả. Vì thế, chú mới thẳng thừng từ chối và yêu cầu cháu phải làm việc trong cửa hàng của chú hai ngày để có được đôi giày”.

Xem thêm  Bị lũ trẻ làm phiền, ông già toan la mắng rồi nghĩ ra diệu kế và bài học ai cũng cần đến

Trần Đông nghe xong liền cúi đầu thật sâu và nói: “Chú, cảm ơn chú đã dạy cho cháu biết cách tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình”.

Kỳ thực, đây không chỉ là bài học dành cho riêng mình cậu bé Trần Đông, mà là bài học dành cho tất cả chúng ta. Ai trong cuộc sống rồi cũng sẽ có những lúc gặp phải khó khăn, trở ngại, nhưng hãy nhớ một điều rằng trên thế giới này, không có việc gì chúng ta không thể làm, chỉ là chúng ta có đủ quyết tâm, và dũng cảm để thực hiện hay không.

Thêm nữa, nhận được sự giúp đỡ của người khác là một điều đáng quý nhưng bạn sẽ không thể sống mà chỉ dựa vào lòng tốt và sự hỗ trợ của người khác. Thay vào đó, bạn cần phải tự mình đứng lên, tự mình nghĩ cách để làm, để giành lấy thứ mình muốn. Sự hỗ trợ của mọi người xung quanh chỉ nên là một phần trợ lực nhỏ giúp bạn đạt được mong muốn của mình nhanh chóng, và trọn vẹn hơn mà thôi.

Hãy thử nhớ lại lúc bạn tập đi khi còn nhỏ mà xem, cha mẹ dắt bạn đi, một bước, hai bước, ba bước… Nhưng rồi sẽ đến lúc cha mẹ buông tay để bạn tự đi, nếu bạn không tự mình tìm cách bước tiếp, bạn sẽ làm thế nào để biết đi?

Chú bé mồ côi

Ảnh minh họa

Ngoài ra, qua câu chuyện này, chúng ta cũng có thể học thêm được một bài học quý giá nữa về cách để thể hiện lòng tốt của mình. Đúng là chúng ta vẫn thường được khuyên rằng sống trên đời phải có lòng nhân từ, phải biết cho đi. Nhưng làm sao để cho đi theo cách tế nhị và biến sự giúp đỡ của mình thành động lực, hy vọng để người kia phấn đấu và sống tốt hơn?

Phàm là con người, ai cũng muốn mình được người khác tôn trọng, được đối xử công bằng, như một con người chân chính. Vậy nên, khi giúp đỡ những người khốn khổ, nhất là những đứa trẻ, bạn đừng bao giờ khiến họ cảm thấy như đang được người khác bố thí, cứu tế, hay đang nhận sự thương hại của người khác.

Trong mọi hoàn cảnh, bạn hãy luôn khắc ghi một điều ràng nguyên tắc cao nhất mà chúng ta cần tuân theo khi cho đi lòng tốt của mình là phải tôn trọng phẩm giá và tôn nghiêm của người nhận. Chớ nên sỗ sàng và thiếu tế nhị để rồi tự biến lòng tốt của mình trở thành thứ khiến người khác tổn thương!

Theo Nguyễn Nguyễn

Nhịp sống kinh tế/sound of hope

Link