Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Nhìn Thái Lan, mới thấy sức mạnh “vá trời lấp biển” của đội tuyển Việt Nam đến từ đâu

Asian Cup

Vô tình, ngay sau niềm vui ngập trời của thầy trò HLV Park Hang-seo, là nỗi buồn tê tái của đội tuyển Thái Lan. Sự khác biệt ấy đến từ đâu?

Xem thêm  Thua đau đớn, HLV Jordan thừa nhận đã sợ hãi trước Việt Nam và phải trả giá quá đắt

1. Trước ngày thầy trò HLV Park Hang-seo xung trận, thêm lần nữa họ bị tờ FOX Sport Asian buông lời mai mỉa. Một năm về trước, khi U23 Việt Nam đặt chân vào vòng knock-out, cây viết Scott McIntyre đã chỉ trích không thương tiếc HLV Park Hang-seo bằng bài viết “Đừng để Việt Nam trở thành một Hy Lạp tiếp theo“, dự đoán nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ làm hỏng cả một lứa cầu thủ Việt Nam bằng lối chơi phòng ngự tiêu cực.

Một năm về trước,Việt Nam đã không trở thành một “Hy Lạp tiếp theo” thật, bởi U23 Việt Nam rốt cuộc đã không thể lên ngôi vô địch. Và họ cũng không trở thành một “Hy Lạp tiếp theo”, bởi HLV Park Hang-seo cùng các học trò đã “mở mắt” cho các “chuyên gia” bóng đá châu Á bằng lối chơi ngập tràn cảm hứng, máu lửa bằng ý chí kiên cường trên đất Trung Quốc.

Một năm sau ngày ấy, đến lượt cây viết Akshat Mehrish dự báo thất bại của thầy trò HLV Park Hang-seo trước Jordan. Sau màn ngợi khen sự xuất sắc của Quang Hải, bài báo của cây viết này trên FOX Sport Asian thẳng thừng nhận định lối chơi tiêu cực của HLV Park Hang-seo là “điểm tối” lớn nhất của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup lần này.

Asian Cup

Theo đó, nếu như lối chơi phòng ngự – phản công đích thực sẽ phải dựa vào khả năng phản công chỉ vài giây ngay sau khi bẻ gãy được pha tấn công của đối phương, còn đội tuyển Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo chỉ biết phòng ngự tiêu cực, với “cả 10 cầu thủ lùi sâu về phần sân nhà“, và “ở Asian Cup lần này, cách này có vẻ chẳng đem lại hiệu quả nữa rồi“.

Nếu đây thực sự là một bài viết tâm huyết, thì ắt hẳn cây viết thể thao tự do người Ấn Độ này sẽ còn cay cú lắm với màn “chơi khăm” mà HLV Park Hang-seo dành cho mình, bởi trước Jordan, ông đâu cho các cầu thủ của mình chơi phòng ngự. Thầy trò nhà cầm quân người Hàn Quốc này đã chơi một trận khiến Jordan phải khiếp sợ, trước khi “kết liễu” họ trên chấm 11m. Ngạc nhiên chưa?

2. Vậy lý do nào khiến HLV Park Hang-seo chọn cho các cầu thủ của mình lối chơi khiến Jordan phải khiếp sợ đến như vậy? Nên nhớ rằng, trước Iraq và Iran, lối chơi phòng ngự – phản công từng khiến các cầu thủ của ông hụt hơi ngay từ phút 60. Vậy điều gì giúp ông nghĩ rằng các chàng trai của mình có thể chơi được như trận đấu tối qua – đứng vững, thậm chí vẫn còn thừa năng lượng suốt 120 phút bùng nổ?

Asian Cup
Có lẽ là do HLV Park Hang-seo sợ.

Ngày hôm qua, Thái Lan thất bại vì sợ hãi. Họ sợ đến run người khi đột nhiên dẫn trước đối thủ ở tầm cao hơn mình – Trung Quốc. Họ sợ hãi đến mức rút cầu thủ quan trọng nhất của mình ra ở thời điểm then chốt, để quyết định chuyển sang lối chơi phòng ngự tiêu cực hòng bảo toàn tỷ số. Và họ gục ngã đớn đau, để lại Việt Nam một mình đại diện cho Đông Nam Á ở tứ kết Asian Cup 2019.

Nỗi sợ của HLV Park Hang-seo, có lẽ không giống như thế.

Đầu năm nay, trả lời phỏng vấn trên báo Hàn Quốc, HLV này tâm sự rằng ông sợ hãi khi đột nhiên người dân Việt Nam dành cho mình tình yêu to lớn đến thế. Ông lo lắng về một tương lai sẽ sụp đổ, về một “cánh cổng địa” ngục sẽ mở ra bất cứ lúc nào. Bởi ông biết kỳ vọng của người Việt Nam lớn đến thế nào, ông biết thất bại sẽ là sự phản bội dành cho niềm tin của người hâm mộ là thế nào.

Asian Cup

Đôi khi, sự sợ hãi còn đem lại sức mạnh nhiều hơn cả lòng dũng cảm. Hôm qua, có lẽ sự sợ hãi là giải thích hợp lý nhất cho trận đấu “vá trời lấp biển” của đội tuyển Việt Nam trước Jordan, nó lý giải cho những đôi chân chạy suốt 120 phút thăng hoa mà vẫn ngập tràn năng lượng, khiến đối phương phải bất lực ôm mặt khóc trước thất bại đớn đau.

HLV Park Hang-seo và các học trò của mình có một điểm chung, đấy là họ cùng từng đi đến tận cùng của nỗi đau, của sự thất bại.

Trước khi sang Việt Nam cầm quân, HLV Park Hang-seo từng thất nghiệp cả một năm trời, và sự nghiệp cầm quân suốt hơn 15 năm sau đỉnh cao ở World Cup 2002 là một mũi tên cắm xuống.

Trước khi HLV Park Hang-seo đặt chân đến Việt Nam, những Quang Hải, Công Phượng, Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng… đều từng nếm trải thất bại đớn đau, cùng những chỉ trích nặng nề dưới thời HLV Hữu Thắng. Với lứa U22 năm 2017, là thất bại đau đớn bậc nhất của bóng đá Việt Nam ở SEA Games, khi phải cúi mặt ra về sau thất bại đớn đau ở vòng bảng.

Asian Cup

Những thất bại, những nỗi đau ấy khiến họ cảm nhận rõ hơn sự quý giá của chiến thắng, của thành công. Nó cũng khiến họ biết cách bùng cháy khi đối mặt với thất bại, như cái cách mà họ đã làm khi lĩnh cú sút phạt “sắc như dao cạo” của Jordan, để “không còn gì để mất”, để rồi khởi đi một trong những trận cầu hào hùng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Người Thái có nhiều thứ để đem đến Asian Cup lần này mà thầy trò HLV Park Hang-seo không có: lực lượng tinh nhuệ với 3 ngôi sao trở về từ Nhật Bản, chiều sâu trong đội hình khi lực lượng dày hơn Việt Nam trông thấy, cùng sự đầu tư cho giấc mơ World Cup, và một tinh thần rất tốt sau màn bước qua vòng bảng với ngôi thứ nhì sau khởi đầu không ưng ý…

Song họ không thể có được điều mà thầy trò HLV Park Hang-seo có được. Như ông thầy người Hàn Quốc đã từng nói, rằng với ông bóng đá không phải là thứ chơi vì niềm say mê, hay đẹp mắt, mà bóng đá cũng như chiến tranh, ở đó mỗi trận bóng là một cuộc chiến, và chỉ có chiến thắng mới là cứu cánh.

Thái Lan không có được cuộc chiến của riêng mình, trận đánh của riêng mình. Và nếu không có được sự sợ hãi như của HLV Park Hang-seo, của các cầu thủ Việt Nam, đừng mơ một trận đấu “vá trời lấp biển” kiểu Park Hang-seo, kiểu Việt Nam!

Xem thêm  Phượng Hoàng "tung cánh", Việt Nam thêm lần bùng nổ khiến cả châu Á phải ngỡ ngàng

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link