Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

Nhìn từ cuộc đời Lý Quang Diệu để thấy “Nói tiếng Anh chuẩn” đã thay đổi vận mệnh của cả một đất nước Singapore như thế nào

cuộc đời, Lý Quang Diệu, thủ tướng, singapore, nói tiếng anh chuẩn

Ở Singapore, nói Tiếng Anh chuẩn đã thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc.

Biết nói Tiếng Anh là tốt, tuy nhiên có thể vẫn là chưa đủ. Minh chứng là vào tuần trước, clip của một thầy giáo Tây tên Dan Hauer – ‘bóc mẽ’ lỗi phát âm Tiếng Anh của một số giáo viên nổi tiếng tại Việt Nam đã gây một cơn bão trong dư luận tới tận thời điểm này.

Hơn cả thế, clip này cũng trở thành nguồn cơn cho cuộc tranh luận: ‘Liệu người Việt có nhất thiết phải phát âm, nói Tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ?’ Và câu trả lời cho câu hỏi trên có thể tìm thấy không đâu xa mà ở ngay đất nước láng giềng với Việt Nam: Singapore.

 

Thế giới khâm phục đảo quốc nhỏ bé này bằng câu chuyện về một làng chài nghèo vươn mình thành quốc gia hạng nhất, và bằng huyền thoại về ‘người cha lập quốc’ Lý Quang Diệu. Là không sai khi nói sự thành công của cuộc đời cá nhân vị Cố Thủ tướng, cũng như của dân tộc Singapore có nền tảng từ thứ ‘Tiếng Anh chuẩn’ mà họ luôn đeo đuổi.

Tiếng Anh chuẩn mực và một sự nghiệp thành công của Lý Quang Diệu

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được sinh ra trong một gia đình gốc Hoa gia giáo. Giống như cha và ông mình, Lý Quang Diệu cũng được hưởng nền giáo dục của nước Anh từ thời niên thiếu với việc theo học Học viện Raffles. Chính điều này đã giúp ông sở hữu một thứ Tiếng Anh chuẩn của Anh Quốc.

So với nhiều người dân khác sống tại ‘làng chài Singapore’ thời điểm đó, điều này thật khác biệt. Đế quốc Anh đến đô hộ suốt nhiều chục năm khiến những người dân nơi đây buộc phải nói Tiếng Anh, tuy nhiên đó vẫn là thứ ‘Tiếng Anh bồi’ – Tiếng Anh pha với tiếng Quan Thoại và một chút tiếng Mã Lai.

Lớn lên, việc sở hữu Tiếng Anh chuẩn này hóa ra chính là nền tảng cho rất nhiều thành công của Lý Quang Diệu. Ví dụ, thời kỳ năm 1942 – 1945 là quãng thời gian khó khăn với Singapore, khi mà đế quốc Nhật Bản, với âm mưu thôn tính châu Á, đã tiến vào chiếm đóng hầu hết các quốc gia tại Đông Nam Á.

Thế nhưng, “ông đã sống sót sau những thử thách cam go, nguy hiểm và sợ hãi trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật” – con trai Lý Hiển Long kể về một quãng thời gian khó khăn trong cuộc đời cha mình. Và trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu viết rằng chính nhờ thứ Tiếng Anh chuẩn mực, không bị ‘lơ lớ’ như Tiếng Anh của dân địa phương ở Các khu định cư Eo Biển đã giúp ông sống tốt qua thời kì Nhật chiếm đóng.

Xem thêm  Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời

cuộc đời, Lý Quang Diệu, thủ tướng, singapore, nói tiếng anh chuẩn

Lý Quang Diệu trong một bài diễn thuyết thời kỳ còn đương nhiệm

Cũng trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu cho rằng chính hành trang Tiếng Anh chuẩn đã đưa ông đến Đại học Cambridge danh tiếng, cũng như gặt hái được nhiều thành công trên con đường học tập của mình.

Những năm đầu học tại Cambridge, ông giành được nhiều học bổng và sau đó đã giành luôn tấm bằng hạng nhất của nhà trường. Trở lại Anh sau thời kỳ chiến tranh, Lý Quang Diệu tiếp tục theo học luật tại Cambridge rồi chuyển sang học kinh tế tại Trường Kinh tế Luân Đôn .

Trở về Singapore, Lý Quang Diệu hành nghề luật sư tại hãng luật Laycock và Ong, sau đó mới dần dần bước chân vào con đường chính trị. Với Tiếng Anh chuẩn, chuẩn hơn thứ Singlish mà nhiều người dân Singapore nói, ông thường được những người xung quanh coi là thuộc giới tinh hoa ngay từ lúc mới cất tiếng nói.

Chính điều này đã góp phần tạo nên hình ảnh một Lý Quang Diệu rất nổi bật trong lòng người Singapore. Cho tới khi ông qua đời, người dân ở đảo quốc này vẫn lưu giữ hình ảnh Lý Quang Diệu như một người đàn ông táo bạo, quyết đoán và thẳng thắn, thể hiện qua những bài phát biểu đầy tâm huyết, được nói bằng thứ Tiếng Anh chuẩn chỉnh, trước công chúng.

Nền tảng thành công của cả dân tộc Singapore

Tiếng Anh chuẩn mực không chỉ tạo nên thành công cho một con người. Nó tạo ra sự thành công cho cả một dân tộc.

Trước hết, Singapore có thể vươn mình từ một làng chài nhỏ bé thành cường quốc thế giới chính nhờ vào chính sách dạy học, làm việc song ngữ của quốc gia này. Cha đẻ của chính sách song ngữ này không ai khác, chính là Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Còn nhớ vào năm 1965, sau khi độc lập từ Anh, dân số Singapore nói nhiều thứ tiếng và ngôn ngữ khác nhau. Đây là kết quả của hệ thống giáo dục thuộc địa ưa thích nói tiếng Anh, nhưng cũng cho phép các trường học dạy bằng tiếng mẹ đẻ.

Xem thêm  Dân buôn Việt Nam nằm la liệt, đói lả trước cửa Apple Store ở Singapore

Chọn Tiếng Anh với chuẩn Anh (British English) làm ngôn ngữ chính, Lý Quang Diệu đã từng yêu cầu cả một trường Đại học dạy bằng tiếng Trung phải chuyển sang dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Theo thời gian, yêu cầu về đào tạo Tiếng Anh tại Singapore được vị Cố thủ tướng nâng lên. Trong cuộc nói chuyện với khoảng 1200 nhà giáo dục và các chuyên gia tại sự kiện ra mắt Học viện Anh ngữ Singapore năm 2013, ông Lý Quang Diệu từng cảnh báo rằng vị thế thông thạo ngoại ngữ hàng đầu khu vực của Singapore sẽ không kéo dài mãi, khi mà các quốc gia khác tại Đông Nam Á đang dần bắt kịp xu hướng sử dụng Tiếng Anh.

Theo ông, điều quan trọng với Singapore lúc này là phải nâng các tiêu chuẩn về nói tiếng Anh ở Singapore lên. Người Singapore nói Tiếng Anh chuẩn hơn có nghĩa là khả năng hội nhập với thế giới, kinh doanh với nhiều quốc gia cũng sẽ tăng lên. “English standards must be raised” – đây là điều vị Cố Thủ tướng nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình.

Tiếng Anh ở Singapore sẽ được thay đổi như thế nào? Lý Quang Diệu đã đặt ra mong muốn rằng Tiếng Anh chuẩn Mỹ (American English) sẽ trở thành ngôn ngữ chính thức tại Singapore như một cách để đất nước này hòa nhập hiệu quả hơn với thế giới.

“Sự thống trị ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông Mỹ có nghĩa rằng người Singapore đang tiếp xúc với tiếng Anh Mỹ hơn. Cuối cùng, tiếng Anh Mỹ rồi sẽ trở thành phiên bản cuối cùng của tiếng Anh, do con số tuyệt đối và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ” – Ông Lý Quang Diệu nói.

Học viện Anh ngữ Singapore nói trên được thành lập ra cũng nhằm mục đích trước hết là giảng dạy Tiếng Anh chuẩn cho người Singapore, sau đó là trở thành trung tâm dạy Tiếng Anh cho toàn châu Á. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu luôn cảm thấy rằng Chính phủ Singapore có thể làm gì đó để giúp mọi trẻ em, học sinh Singapore đạt được các tiêu chuẩn nói Tiếng Anh cao hơn.

Như vậy, câu trả lời cho ‘có cần phải nói Tiếng Anh chuẩn hay không?’ đã phần nào rõ ràng. Nói Tiếng Anh thuần thục là điều tốt, tuy nhiên nói Tiếng Anh chuẩn có thể thay đổi vận mệnh của chính bạn.

Theo CafeF