Thứ Năm, Tháng Tư 18
Shadow

‘Nhờ chú kiếm giúp anh vé’

Mấy hôm nay, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nhận vô số “gạch đá” từ người hâm mộ xoay quanh vụ bán vé xem trận Việt Nam – Malaysia diễn ra tối 16-11 trên sân Mỹ Đình, Hà Nội.

Theo quy luật thị trường, khi cầu vượt cung,  đương nhiên mọi chuyện sẽ trở nên bất thường. Chúng ta thấy ở Giải ngoại hạng Anh, cỡ một trận như kiểu Manchester United gặp Chelsea, giá vé chợ đen lên đến vài ngàn bảng Anh – cao gấp hàng chục lần giá vé chính thức – là điều bình thường.

Vì vậy, chuyện vé xem trận Việt Nam – Malaysia vọt lên đến tiền triệu/chiếc ở thị trường chợ đen là điều đương nhiên, khi nhu cầu của người hâm mộ cao hơn rất nhiều sức chứa sân Mỹ Đình. Và chuyện người hâm mộ phải khổ sở chen lấn xếp hàng tranh mua số vé ít ỏi bán công khai tại sân Mỹ Đình cũng không phải là chuyện mới.

Vậy người ta “ném đá” VFF vì chuyện gì?

Có nhiều chuyện, nhưng tựu trung xoay quanh hai chữ “minh bạch”. Ví dụ, người ta có thể hết sức khó chịu vì chuyện đến tận năm thứ 18 của thế kỷ 21 rồi, đang nói chuyện cách mạng công nghệ 4.0, ấy vậy mà VFF vẫn còn duy trì một kiểu bán vé thời bao cấp là duyệt bán vé qua công văn!

Xem thêm  Nhìn nhận xét từ Hàn Quốc, mới thấy nỗi lo về Công Phượng là gần hơn, lớn hơn

Nhưng giá mà VFF “chịu chơi”, đưa lên trang web của mình tất tần tật mọi chuyện liên quan chiếc vé, có lẽ sẽ giảm được sức ép dồn về mình. Ví dụ, công khai có tổng cộng bao nhiêu vé, trong đó có bao nhiêu dành cho các nhà tài trợ đội tuyển, bao nhiêu vé mời, bán qua mạng bao nhiêu, bán tại Mỹ Đình bao nhiêu, đồng thời công bố chi tiết đã duyệt bao nhiêu công văn, đến từ các cơ quan nào, số lượng bao nhiêu vé…

Tuy nhiên, VFF lại không làm vậy.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Bởi mối quan hệ trong công việc của người Việt thường duy tình, chứ ít duy lý như người phương Tây. Bản thân người viết dù rất mong muốn chuyện bán vé xem bóng đá được minh bạch, khoa học, nhưng quả là rất khó ở Việt Nam ta.

Cụ thể thế này: một ông anh của mình, một ông thầy của mình, một người sếp hiện tại hoặc trong quá khứ của mình… gọi điện nói “chú kiếm giúp anh chiếc vé xem trận đấy đi” thì làm sao mà từ chối, khi mình là người chịu trách nhiệm phân phối vé?

Rồi chưa kể trong thực tế nhờ mua, nhưng 1 – 2 chiếc vé có đáng là bao, nên làm gì có chuyện đưa tiền! Và rồi nếu thỏa mãn các mối quan hệ tình cảm, công việc thì khổ chủ mất tiền triệu chứ chẳng phải chuyện chơi.

Xem thêm  CĐV Việt Nam tấn công sập facebook được cho là cầu thủ số 11 bên phía U23 Uzbekistan

Các quan chức VFF hiện tại cũng đang điên đầu theo vụ vé, đến độ trong những ngày này họ gần như tắt máy điện thoại suốt nhằm tránh né những cuộc gọi “chú kiếm giúp anh”.

Đó, xoay quanh một chiếc vé xem bóng đá cũng hết sức phức tạp. Muốn thay đổi là cả một cuộc vận động quy mô toàn xã hội, từ văn hóa đến giáo dục, để làm sao người Việt duy lý hơn.

Khi nào mỗi chúng ta đều biết đặt mình vào vị trí của người chịu trách nhiệm phân phối vé, biết yêu đội tuyển bóng đá quốc gia bằng cách bỏ tiền mua vé năm… thì khi đó mới chấm dứt được những ồn ào quanh chuyện một chiếc vé xem bóng đá.

Theo Tuổi trẻ

Link gốc