Những năm 90, điện thoại là dịch vụ đắt đỏ. Muốn sử dụng nó, người ta phải bỏ ra ít nhất 2 chỉ vàng để lắp đặt đường dây cố định. Khi ấy, bốt điện thoại công cộng trở thành vị cứu tinh và dẫu phải đi xa, hẹn giờ nghe – gọi, người ta vẫn cảm thấy rất vui… Giờ đây, ký ức ấy đã lùi quá xa.
Những chiếc bốt điện thoại công cộng nhỏ nhắn, chỉ gồm một trụ che mưa nắng, bàn số, ống nghe và khe nhét thẻ thanh toán (phone card). Có một thời, chúng từng là biểu tượng cho sự phát triển của ngành công nghiệp viễn thông… nhưng giờ đây, ký ức ấy hình như đã lùi rất xa.
Bây giờ, khắp TP Hà Nội chỉ còn sót lại 5 chiếc bốt điện thoại cuối cùng nằm trong khuôn viên làng sinh viên Hacinco. Chúng được sơn ngoài bằng màu xanh da trời, bên trên có ghi dòng chữ “điện thoại thẻ Việt Nam”. Nếu không bị dán chằng chịt các loại tờ rơi quảng cáo, những chiếc bốt ấy trông vẫn thật đáng yêu, dễ mến… Và khi nhìn thấy nó, nhiều người lại thầm nghĩ về một thời nào đó xa xôi, đã từng yêu điện thoại thẻ như yêu những chiếc smartphone đắt tiền bây giờ.
Và điều đáng buồn nhất là cách đây vài năm, tất cả đã ngừng hoạt động. Sinh viên làng Hacinco, chẳng ai để tâm đến chúng vì từ khi họ nhập học, 5 chiếc bốt điện thoại này đã trở thành vật dụng cổ lỗ.
Khắp TP Hà Nội bây giờ chỉ còn sót lại 5 chiếc bốt điện thoại cuối cùng…
Theo thời gian những chiếc bốt điện thoại dần đi vào quên lãng
Thế hệ 9X, 10X, hẳn nhiều người không biết và không còn nhớ những bốt điện thoại công cộng như thế này, nhưng những người thuộc thế hệ 7X, 8X, nhất là 8X đời đầu thì lại có vô vàn kỉ niệm gắn với những bốt điện thoại nhỏ xinh nơi góc phố Hà Nội.
Phải quay lại những năm 90 của thế kỷ trước, người ta mới thấy điện thoại công cộng hữu ích đến chừng nào. Thời bấy giờ, viễn thông chưa phát triển như ngày nay, điện thoại trở thành một loại dịch vụ đắt đỏ, thậm chí xa xỉ và chỉ dành cho những gia đình khá giả sống ở TP.
Cách đây 20 năm, điện thoại công cộng là niềm tự hào, là sự hãnh diện xen lẫn cả háo hức.
Nhiều người hẳn còn nhớ, năm 1995, Việt Nam mới chính thức có tên trên bản đồ viễn thông Quốc tế. Thời đó, để lắp được một chiếc điện thoại cố định, người ta phải bỏ ra 850.000 đồng, số tiền lớn bằng 2 chỉ vàng để mua máy và kết nối đường dây. Không phải gia đình nào cũng có sẵn tiền trong túi và sẵn sàng chi trả phí thuê bao, cước gọi đắt đỏ hàng tháng để sử dụng loại hình dịch vụ này. Vả lại, càng ít người dùng thì càng ngại lắp đặt vì nếu người thân không ai dùng, điện thoại lắp rồi biết gọi cho ai?
Giữa hoàn cảnh ấy, năm 1997, những bốt điện thoại xuất hiện như một vị cứu tinh. Nó từng được người dân Thủ đô yêu mến, mong đợi, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên hay những người lao động thu nhập thấp hoặc trung bình.
Bàn phím sờn cũ, ống nghe bạc màu,… dấu vết của một thời xa xưa và hoài niệm nhuốm đầy từng ngóc ngách bốt điện thoại.
Sử dụng điện thoại công cộng, người ta không mất phí lắp đặt, được tính cước thuê bao giá rẻ và rất chính xác. Những chiếc thẻ điện thoại, 15 năm về trước từng là vật dụng không thể thiếu trong ví của nhiều bạn trẻ. Họ yêu quý, nâng niu và giữ gìn nó bởi vì… đó là con đường liên lạc nhanh nhất, kết nối họ với người thân, bạn bè và nhất là với người mình thương yêu.
Cuộc gọi qua điện thoại công cộng cũng thật bất tiện: phải xếp hàng đợi, không dám nói chuyện quá riêng tư vì xung quanh luôn có người qua lại, phải hẹn đúng giờ ấy, ngày ấy, địa điểm đó để gọi cho nhau nghe một cú điện thoại… Nhưng không sao, vào cái thời mà người ta phải liên lạc với nhau bằng thư tay, chờ vài ngày mới nhận được… thì điện thoại công cộng quả là một bước tiến công nghệ lớn lao.
Thà rằng phải đợi chờ, cho dù có phải hẹn lên hẹn xuống bao phen mới nghe được trọn vẹn một cú điện thoại của nhau nhưng ít ra, người ta được nghe thấy tiếng nói. Tiếng nói ấm áp, biết biểu lộ cảm xúc ấy, so với thư tay hay những biểu tượng chat trên mạng, thực sự sinh động và gần gũi biết bao nhiêu.
Dẫu sao đi chăng nữa, những chiếc bốt điện thoại cũng đã làm tròn sứ mệnh của nó, chở những yêu thương và đong đầy bao cảm xúc.
Anh Minh (SN 1982) kể lại, năm 2002, khi đang là sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, anh có quen một bạn gái qua yahoo messenger. Yêu xa, một người Sài Gòn, một người Hà Nội nên cả hai giao kèo, mỗi tuần chỉ được gọi cho nhau 1 lần vào 10h sáng chủ nhật.
“Gọi lần nào cũng gặp được luôn vì đầu dây bên kia như đang đợi sẵn nhưng chẳng bao giờ cả hai dám thổ lộ tình cảm qua điện thoại. Bốt điện thoại thời đó không vắng như bây giờ, ngày cuối tuần, xung quanh thường có vài sinh viên đứng chờ đến lượt gọi điện cho người thân”.
Vẫn là những chiếc bốt điện thoại đó, 5 chiếc giờ vẫn còn ở làng sinh viên Hacinco… nhưng giờ đây, những người như anh Minh đã rời đi từ lâu và ở phía đầu dây bên kia, rất lâu rồi, chẳng còn người con gái nào đứng đợi nơi góc phố, chờ một cuộc gọi lúc 10h sáng từ Hà Nội… Cảnh vật vẫn thế, nhưng mọi thứ đã đổi thay quá nhiều!
“Alo, em đấy à…” – người ta từng ấu yếm với nhau như thế qua những phút giây quý giá ở bốt điện thoại.
“Một thời thật sự đã rất hữu ích, cắm cái thẻ vào là “alo, mẹ à, con học cả buổi chiều nên trưa không về”, “alo, em đấy à…”. Giờ kỉ niệm ấy thật quá xa, mười mấy năm rồi, bây giờ chỉ cần chiếc smartphone là xong”…
“Hồi năm 1998 lên Hà Nội trọ học cũng là lần đầu tiên mình biết sử dụng điện thoại công cộng. Ôi cái bốt điện thoại trên góc phố Tây Sơn nay đã bị dẹp đi rồi còn đâu mà nhớ, thế mà 10 năm trước nó từng hữu ích biết bao nhiêu”.
“Cảm giác đứng chờ ở bốt điện thoại rất kì lạ, vừa háo hức, vừa nôn nóng, lo sợ. Nhiều khi chỉ sợ lỡ hẹn bên kia. Bốt điện thoại đông nên chẳng thể ôm máy mà đợi hoài. Lúc chiếc điện thoại tút dài mà không có ai bắt máy thì lại thấy rất buồn, nhất là gọi điện cho người yêu mà người ta đến muộn hay vì giận nhau mà không tới thì chỉ biết khóc”…
… Và còn rất nhiều tâm sự, những câu chuyện, kí ức khác nhau của người Hà Nội về điện thoại công cộng. Ký ức quá dài, chẳng thể kể hết… có người luyến tiếc, có người không nhưng tựu chung lại, từ khoảng năm 2003 trở đi, chẳng còn mấy ai sử dụng điện thoại công cộng. 2003 cũng được xem là dấu mốc kết thúc thời kỳ hoàng kim của loại dịch vụ này.
Chúng ta lại hồ hởi đón chờ điện thoại di động giá rẻ, sử dụng dịch vụ từ các nhà mạng mới với giá cạnh tranh… Những bận rộn cuộc sống cuốn chúng ta đi về phái trước, ít khi nào có thời gian ngoái nhìn lại kỉ niệm cũ. Chúng ta tạm quên chúng, quên những chiếc bốt điện thoại và bao cuộc gọi nơi góc phố, cuộc gọi mà phải hẹn hò, chờ đợi đúng giờ, ngày hôm ấy mới có thể nghe được giọng nói của người cần liên lạc.
Tất cả đều là ký ức về những cuộc điện thoại gọi từ trên phố…
5 bốt điện thoại cuối cùng ở Hà Nội – Quá khứ ngày nào, dù đẹp đến mấy cuối cùng cũng phải khép lại
Và rồi điều gì đến cuối cùng cũng phải đến. Không còn giá trị sử dụng, không còn phù hợp với hoàn cảnh, những chiếc bốt điện thoại thân thương ngày nào dần đi vào quên lãng. Năm 2012, loại dịch vụ này chính thức bị khai tử trên phạm vi toàn quốc.
Chúng lụi tàn nhanh chóng cũng như khi bùng phát. Năm 1997, những bốt điện thoại công cộng đầu tiên được lắp đặt và chỉ trong 6 năm hoàng kim từ 1997 đến 2003, chúng đã nhân lên nhanh chóng khi cả nước có tới 11.000 điểm, riêng ở Hà Nội, tuyến phố nào hầu như cũng có 1-2 bốt.
Ngày ấy, bốt điện thoại là vật dụng công cộng được ưa chuộng… nhưng ngành viễn thông Việt Nam đã phát triển quá nhanh. Cơn bão công nghệ ấy đã dần thổi bay những bốt điện thoại công cộng. Từ con số 1.400 bốt vào năm 2012, giờ đây, Hà Nội còn lại 5 chiếc bốt duy nhất chưa bị tháo dỡ.
Bây giờ nhìn lại, điện thoại công cộng thực sự là một “tác phẩm” vang bóng một thời, thời của sự chờ đợi và háo hức.
Giữa năm 2017 này, chỉ với vài trăm nghìn, người ta có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động, mang đi khắp nơi. Đó là còn chưa kể đến việc 3G, Internet giá rẻ đang dần phủ sóng tới tận biên giới, hải đảo. Ở khắp nơi trên cả nước, chúng ta thậm chí không cần trả phí cho việc nhắn tin, gọi điện… mà có thể liên lạc hàng giờ hay video call từ xa nửa vòng trái đất… với điều kiện chỉ cần mua gói cước 3G hay dịch vụ Internet thanh toán hàng tháng hay tạt vào nơi nào đó có wifi free. Vì có quá nhiều lựa chọn hấp dẫn như thế nên những bốt điện thoại công cộng dần bị thất sủng, đi vào quên lãng cũng là điều dễ hiểu.
Mới ngày nào, năm 2002, những chiếc bốt điện thoại đầu tiên được lắp đặt ở làng sinh viên Hacinco (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến bao sinh viên như anh Minh háo hức. Giờ đây, đã 15 năm trôi qua và tất cả đã chìm dần vào kí ức. 5 chiếc bốt điện thoại cũ đứng đó như biểu tượng cho một sự hoài cổ, một thời hoàng kim nào đó đã đi qua. Nhìn thấy nó, nhiều người lại thầm nhớ về một thời xa xôi, từng háo hức, ngóng đợi cuộc điện thoại của người thân nơi góc phố… nhưng rồi họ cũng đi lướt qua, thở dài trước sức phát triển quá nhanh, quá nguy hiểm của thời cuộc.
Với thế hệ 8X, những chiếc bốt điện thoại như này chỉ còn là hoài niệm…
Nhiều người từng gắn bó với bốt điện thoại cảm thấy tiếc nuối khi chúng bị phá dỡ… nhưng nếu bảo họ bỏ điện thoại di động sang một bên, lại hẹn hò nhau chỉ để gọi một cuộc điện thoại như kỉ niệm xưa cũ, có lẽ là điều không thể. Thế nên, quá khứ vẫn mãi là quá khứ, dù tiếc nuối đến đâu, người ta vẫn không thể quay lại. Những người thuộc thế hệ 7X, 8X như anh Minh, chỉ còn hoài niệm về điện thoại công cộng như một kỉ niệm đẹp đẽ…
Cũng có người mong đợi Hà Nội sẽ duy trì dịch vụ này giống như Nhật Bản hay nhiều nước phát triển khác trên thế giới bởi nó được xem là rất tiện ích trong trường hợp khẩn cấp hay lúc xảy ra thiên tai, thảm họa… Nhưng đó chỉ là mong mỏi không còn thực tế, những bốt điện thoại cuối cùng ở Hà Nội, có thể sẽ bị tháo dỡ. Khi ấy, sự tồn tại, phát triển rực rỡ của chúng một thời, chắc chắn chỉ còn được biết đến qua lời kể của những ai đã từng sống, từng gắn bó và có nhiều kỉ niệm với chiếc bốt điện thoại công cộng nhỏ xinh nơi góc phố.
Theo cafebiz.vn