Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

Những câu nói dối ‘kinh điển’ của bố mẹ ảnh hưởng đến con

Bố mẹ ‘vô tình’ nói dối con mỗi ngày và tưởng chừng vô hại. Tuy nhiên, những lời nói đó ảnh hưởng lớn tới nhân cách của con.

Tiến sĩ tâm lý học Magdalena Battles có bài viết trên Lifehack nhằm chỉ ra 10 câu nói dối “kinh điển” mà bố mẹ nhất định phải tránh để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt con và dạy con đức tính trung thực.

1. Ông già Noel đang dõi theo con đó.

Khi con đang làm một việc xấu như cãi nhau với anh chị, nhiều bố mẹ nói câu này để con nghĩ rằng ông già Noel nhìn thấy mọi thói hư của con và sẽ không tặng quà vào đêm Giáng sinh. Câu nói này có thể mang lại hiệu quả khi đó nhưng không lâu sau chúng sẽ biết bạn đã lừa dối, từ đó tự cho mình quyền được nói dối giống bố mẹ. 

2. Bố mẹ sẽ không để bất kỳ điều gì xấu xảy ra với con.

Đây có thể là ý định của bạn nhưng nó không thực tế. Bạn không thể bảo vệ con mình 24/24h. Thay vào đó, hãy để trẻ cảm thấy được bảo vệ nhưng vẫn nhận thức được những nguy hiểm thực sự.

Bạn có thể nói câu đại ý “Bố mẹ sẽ cố gắng bảo vệ con nhưng luôn có những người xấu ở bên ngoài và con có thể gặp nguy hiểm, ví dụ bị người xấu bắt cóc. Đó là lý do tại sao bố mẹ không muốn con đi lang thang một mình”. Cách nói này có thể đáng sợ nhưng bạn cần giúp con nhận thức được thực tế để chúng thận trọng hơn khi gặp người lạ. Bạn nên cẩn thận trong việc chọn từ ngữ để nói với con, tránh làm con bị ám ảnh, sợ hãi.

nói dối

Ảnh minh họa: KNKX

3. Công viên đã đóng cửa rồi.

Bạn biết rất rõ công viên vẫn đang mở cửa nhưng không có thời gian đưa con đi. Thay vì nói dối, bạn nên trung thực và nói với trẻ rằng “Mẹ không thể đưa con đến công viên trong hôm nay vì chúng ta phải đi mua đồ ăn cho cả tuần và mẹ cũng có một số công việc quan trọng khác cần làm ngay”.

Xem thêm  Khoa học đã chứng minh: 8 việc làm này của cha mẹ sẽ làm con càng ngày càng ngu dốt đi

Con bạn có thể mè nheo và phàn nàn nhưng không sao, chúng sẽ học được thực tế là không phải lúc nào cũng dễ dàng có được mọi thứ mình muốn. Nói thật sẽ giúp bạn trở thành người trung thực trong mắt con bởi vì cuối cùng con cũng sẽ lớn và nhận ra bạn đã nói dối chúng.

4. Mẹ hứa là sẽ không đau.

Con bạn cần đến gặp bác sĩ để tiêm nhưng chúng la hét, khóc lóc vì sợ hãi và bạn muốn dừng điều đó bằng câu nói “Mẹ hứa là sẽ không đau đâu”. Tuy nhiên, chúng vẫn không ngừng la hét vì biết chắc rằng bạn đang nói dối. Lần đầu tiên bạn nói câu đó, con sẽ tin bạn nhưng những gì đã phải trải qua khiến chúng không còn tin tưởng bạn nữa.

Đừng nói dối. Hãy cho chúng biết có một chút đau nhưng sau đó mọi chuyển sẽ ổn. Hãy giải thích rằng tiêm là việc cần thiết để sức khỏe tốt hơn.

5. Con đúng là họa sĩ giỏi nhất, bức tranh con vẽ thật tuyệt vời.

Đừng quá ca ngợi con bạn nếu thực tế không hẳn như vậy. Con có thể cảm nhận được giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và biết rằng bạn đang không thành thật. Thay vì khen ngợi thái quá, bạn có thể khen sự sáng tạo hay khéo léo của con trong những công việc chúng làm dựa trên khả năng chứ không phải sản phẩm cuối cùng do chúng tạo ra.

6. Đã đến giờ đi ngủ rồi.

Mới 7h30 tối và chưa đến giờ đi ngủ (chẳng hạn giờ thực tế là 8h) nhưng bạn đã bảo con đến giờ lên giường rồi. Chúng sẽ dễ dàng nhận ra bạn nói dối nhờ khả năng cảm nhận thời gian.

Bởi vậy, nếu bạn muốn con đi ngủ sớm, hãy nói với con rằng “Đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị đi ngủ rồi”. Biện pháp này đơn giản và hiệu quả hơn, tạo sự tin tưởng giữa con và bạn.

Xem thêm  Phát ngôn "gây bão" của mẹ 8x: "Lười dạy con mới phó mặc con mình cho trường quốc tế"

7. Mẹ không biết điều gì đã xảy ra với bức tranh con dán trên tủ lạnh.

Bạn biết rõ điều gì đã xảy ra với bức tranh, thậm chí chính bạn là người đã vứt nó đi vì không có không gian để giữ lại tất cả tác phẩm của con.

Giải pháp tốt nhất là giải thích điều này cho con để chúng biết phải cất tranh vào tủ hay ngăn kéo bàn học nếu không muốn bị thất lạc. Nếu tủ hay ngăn kéo đã đầy, hãy giúp con phân loại và tái chế những thứ con không còn muốn giữ nữa. Điều này không chỉ giúp chúng có trách nhiệm về các tác phẩm của mình và còn giúp bạn trở thành người trung thực.

8. Đợi mẹ một phút nữa thôi.

Con bạn cần sự giúp đỡ nhưng bạn phải hoàn thành công việc đang làm. Đừng nói con chờ mẹ một phút vì có thể bạn mất nhiều thời gian hơn. Và nếu rất lâu mới xuất hiện, bạn sẽ trở thành kẻ nói dối trong mắt con. Hãy nói sự thật một cách cụ thể để con hiểu.

9. Bố mẹ đi đây và con sẽ phải ở nhà.

Thay vì dùng câu nói này để dọa dẫm, hãy đưa ra những “hình phạt” thực tế và cụ thể hơn để trẻ phải hành động ngay lập tức. Bạn có thể nói “Nếu con không đeo giày và sẵn sàng lên xe trong năm phút nữa, con sẽ không được xem TV vào buổi tối”. Nếu con không làm theo, hãy đảm bảo hậu quả sẽ xảy ra. Bạn sẽ thấy con lắng nghe hơn, không phải vì chúng sợ hãi mà bởi lời nói của bạn có trọng lượng.

10. Bố mẹ không có tiền.

Thay vì nói dối, hãy giải thích để con lựa chọn. Nếu muốn đi nghỉ mát thì sẽ không thể đi xem phim hay làm một số việc khác. Điều này giúp con hiểu rằng đôi khi phải có sự hy sinh. Qua đó, bạn vừa đỡ mang tiếng nói dối, vừa dạy con một bài học về giá trị cuộc sống.

Dương Tâm

Vnxpress

Link