Những trường hợp người giúp việc hành hạ bé gái hơn 1 tháng tuổi hay bảo mẫu đánh đập dã man các bé ở trường mầm non tư thục đang gây rúng động trong dư luận. Vậy các bậc phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu ‘báo động đỏ’ nào?
Gần đây, ngày càng nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành ở trường hay bởi người trông trẻ bị đưa ra ánh sáng. Điều đó nói lên thực tế đáng báo động trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong ngày của trẻ dành ở trường học hay cùng với người trông trẻ, ngay cả khi có camera giám sát, phụ huynh cũng khó lòng dõi theo hết hoạt động trong ngày của trẻ. Bởi vậy, nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành chỉ được phát hiện khi sự việc đã có hậu quả nghiêm trọng.
Vậy có những dấu hiệu nào cảnh báo việc trẻ có thể đang bị bạo hành mà phụ huynh cần biết?
Các biểu hiện về thể chất
Cơ thể con chính là bằng chứng cụ thể nhất về việc trẻ có bị bạo hành ở lớp hay không. Chỉ cần quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ về là cha mẹ có thể biết được chuyện gì đã diễn ra ở trường.
Đây là các vị trí có thể vô tình bị tổn thương khi trẻ vận động, chơi cùng bạn bè…
Các vị trí thường hiếm khi bị tổn thương một cách vô tình
Cha mẹ cần kiểm tra xem con có vết bầm tím, cào xước, vết bỏng, vết lằn… nào không, nếu có cần chú ý ngay, với các bé đã biết nói và có thể trò chuyện, cha mẹ nên giúp con cởi mở, thường xuyên trò chuyện hỏi han con những chuyện ở trường.
Tuyệt đối không bao giờ tỏ ra nóng giận, quát mắng con khi con kể chuyện dù con có làm gì sai, mà nên giữ sự chừng mực, thoải mái, vì các bé có thể sẽ không dám kể chuyện mình bị bạo hành với cha mẹ nếu bị kẻ xấu tiêm nhiễm vào đầu óc rằng các bé ‘hư’ và đáng bị ‘phạt’.
Dấu hiệu bị bạo hành ở những trẻ dưới 1 tuổi
Tuy nhiên, không phải khi nào những dấu vết bạo hành cũng để lại trên da thịt. Đặc biệt là với những trẻ chưa biết nói, phụ huynh nên tìm hiểu về triệu chứng của Shaken Baby Syndrome – SBS (Tạm dịch: Hội chứng xảy ra với trẻ khi bị rung lắc mạnh).
Hội chứng SBS xảy ra khi trẻ (thường là dưới 1 tuổi) bị người chăm sóc lắc mạnh cơ thể của trẻ một cách hung bạo.
Khi đầu của trẻ bị lắc mạnh, bộ não sẽ va đập với xương sọ và có thể gây nên những bầm tím, sưng tấy, tạo áp lực hay thậm chí là chảy máu trong não bộ.
Ảnh hưởng thường gặp của hội chứng SBS là làm tổn thương, chảy máu võng mạc – một lớp mô thần kinh vô cùng nhạy cảm của mắt, có vai trò chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành thông tin hình ảnh gửi về não bộ.
Trẻ bị rung lắc mạnh có thể gây tổn thương mắt và não bộ, nhưng những tổn thương này không phải lúc nào cũng biểu hiện ra ngoài
Hội chứng SBS ở trẻ là khá phổ biến, riêng ở Mỹ mỗi năm có hơn 10,000 trẻ nhỏ gặp phải hội chứng này.
Những người lớn bạo hành thường trút giận lên trẻ nhỏ bằng cách vừa lắc mạnh vừa quát mắng, quăng quật mạnh hay thậm chí tung lên xuống nhiều lần như trong vụ người giúp việc bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi vừa qua.
Một số triệu chứng phổ biến của hội chứng SBS:
- Trẻ đặc biệt cáu kỉnh
- Nôn trớ
- Biếng ăn hoặc gặp trở ngại trong ăn uống
- Khó thở
- Co giật
- Bơ phờ (mệt mỏi, ít vận động, thường không tỉnh táo)
- Da xanh tái
- Vết bầm ở cổ tay, cánh tay, ngực, cổ…
- Trán rộng hơn bình thường, hay trên cơ thể có một phần mềm lồi ra.
- Không thể ngẩng đầu lên
- Rùng mình
- Trẻ không thể tập trung theo dõi theo chuyển động bằng mắt của mình
- Mê man
Nếu gặp nhiều trong số các triệu chứng trên ở trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng cần lưu tâm chú ý và nghĩ đến khả năng trẻ đã bị bạo hành.
Các biểu hiện hành vi
Phụ huynh nên lưu ý nếu trẻ quá sợ hãi trước việc đi lớp và không thấy quen dần với môi trường mới
- Trẻ khóc và chống đối khi đến giờ đi nhà trẻ, hoặc tỏ ra sợ hãi khi có sự xuất hiện của người trông trẻ hoặc một người lớn nào khác (Đây chỉ là một trong các biểu hiện và có thể đơn thuần do trẻ không muốn xa bố mẹ, nhưng cha mẹ cần chú ý hơn khi trẻ có những thay đổi bất thường).
- Trẻ có thay đổi về hành vi như né tránh sự chăm sóc, gần gũi của bố mẹ, hoặc tỏ ra ‘bám’ bố mẹ một cách quá đà. Những đứa trẻ bị bạo hành thường có phản ứng khá cực đoan: một đứa trẻ bình thường ưa vận động và vui tươi có thể trở nên thụ động, trong khi những đứa trẻ vốn trầm tính thì lại hay gây hấn và xung động hơn.
- Rối loạn ngôn ngữ: Trẻ có thể gặp vấn đề trong giao tiếp hay phản ứng khi trò chuyện, phản ứng chậm, thường xuyên tỏ ra sợ sệt – đặc biệt là nếu trước đây trẻ không có tỏ ra có gì bất thường, điều này có thể là do trẻ bị bạo hành bằng lời nói hay hành động nên sợ nếu nói không đúng ý người lớn sẽ bị ‘phạt’ tương tự. Trẻ bị bạo hành cũng có thể nảy sinh rối loạn ngôn ngữ như nói lắp.
- Rối loạn giấc ngủ: Trẻ khó ngủ, thường ngủ không yên giấc, có thể khóc thét giữa giấc ngủ…
- Có những biểu hiện lạ mà trước khi đi nhà trẻ không có: nghiến răng, cắn móng tay, thở nhanh, hồi hộp hoặc toát mồ hôi khi về nhà.
Trẻ em cũng có thể là đối tượng của lạm dụng tình dục, dù trẻ nhỏ tuổi đến mấy hay giới tính của trẻ và người trông trẻ là gì, phụ huynh cũng đừng nên gạt đi hoàn toàn nguy cơ này.
Trẻ bị lạm dụng tình dục nhiều khi không có những biểu hiện rõ ràng về thể chất, nhưng có thể có những thay đổi về tinh thần: tỏ ra trầm, ‘người lớn’ hơn, cũng có những trẻ trở nên ít nói, khép kín hơn và luôn lo âu, mệt mỏi.
Nguyên nhân là do trẻ không hiểu được điều đã xảy ra với mình, không biết diễn đạt lại cho bố mẹ hoặc bị đe dọa không được nói cho bất cứ ai.
Phụ huynh nên cởi mở và thường xuyên trò chuyện với con
Phụ huynh nên cởi mở, trò chuyện nhiều với con từ khi trẻ bắt đầu tập nói. Khi trẻ gần gũi, thoải mái với cha mẹ, phụ huynh có thể dễ nhận thấy những thay đổi trong tâm sinh lý của trẻ hơn, đồng thời trẻ cũng dễ tâm sự với cha mẹ những chuyện ở trường – từ đó phụ huynh có thể nhận thấy những biểu hiện bất thường từ sớm.
Không nên hỏi trẻ những câu hỏi như ‘Cô giáo có đánh con bao giờ không?’. Đôi khi trẻ cũng có thể phóng đại sự việc hay miêu tả không chính xác.
Thay vào đó hãy hỏi những câu hỏi gợi mở: Ở lớp con bạn nào ngoan nhất? Bạn nào không ngoan? Lúc các bạn không ngoan thì cô giáo thường làm gì?
Khi đó, trẻ cảm thấy câu hỏi không nhắm vào mình nên có thể miêu tả khách quan hơn, nếu trẻ cảm thấy mình ‘hư’ nên mới bị đánh đập và không dám kể với bố mẹ, thì có thể mạnh dạn hơn khi kể về các bạn khác.
Cuối cùng, quan tâm đến con và dành thời gian cho con là điều bố mẹ nên làm. Làm cha mẹ, sự nhạy cảm và thấu hiểu con cái là điều rất quan trọng.
Chỉ có cha mẹ mới là người có để đồng hành cùng con, dõi theo sự đổi thay của trẻ từng ngày và bảo vệ trẻ đầu tiên.
Theo Giadinhmoi