Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Những điều cha mẹ nên lưu ý tuyệt đối khi con mình bị mắc bệnh sởi theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa

Sởi

Sởi là căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thời điểm bệnh sởi đang bùng phát như hiện nay thì cha mẹ càng không nên bỏ qua những lưu ý này của bác sĩ nhi khoa.

Xem thêm  Dịch sởi bùng phát ở TPHCM, trẻ em, bà bầu nhập viện

Nếu con bạn bắt đầu thể hiện những dấu hiệu rõ ràng của bệnh sởi – tình trạng nổi các đốm đỏ nhó xíu ở đầu, sau đó, lan xuống chân tay – suy nghĩ đầu tiên của bạn có thể là lập tức đưa con đi khám bác sĩ.

Nhưng hãy gọi điện thoại trước khi đi bởi: “Bạn có thể lây lan virus sang những người mà con bạn tiếp xúc với và bệnh sởi đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc-xin” – theo bác sĩ Sheila Nolan, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Bệnh viện Nhi Maria Fareri – Trung tâm Y tế Westchester (New York, Mỹ).

Ngoài ra, bạn nên biết rằng, một khi virus đã xâm nhập, khả năng lớn là bạn phải để cho căn bệnh diễn biến cho tới hết “lộ trình” của nó. Tuy vậy, có một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể áp dụng nếu con bạn bị sởi.

1. Không để con tiếp xúc với những người khác

Matthew Kronman, bác sĩ tại khoa bệnh truyền nhiễm trẻ em ở Bệnh viện Nhi Seattle, giải thích: “Sởi lây nhanh một cách đáng kinh ngạc ở những người chưa được tiêm vắc-xin. Từ việc đơn giản như hít thở chung không khí với người bị sởi cũng đủ để lây bệnh.

Ngoài ra, bất cứ căn phòng nào mà bệnh nhân sởi bước vào cũng rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn và bản thân nó duy trì nguy cơ lây nhiễm bệnh trong phòng 2 giờ sau khi bệnh nhân sởi rời đi”.

Sởi

Để bảo vệ những người khác, con bạn cần phải được cách ly trong suốt giai đoạn bệnh dễ lây đó là trong vòng 4 ngày sau khi nổi các đốm phát ban. (Lưu ý: 4 ngày trước khi phát ban cũng là giai đoạn lây bệnh nhưng phần lớn mọi người không biết mình bị sởi cho tới lúc nổi ban đỏ).

Nếu có các thành viên trong gia đình bạn chưa được tiêm vắc-xin, hãy gọi điện cho bác sĩ để xem liệu còn thời gian thực hiện việc tiêm chủng hay cần một biện pháp điều trị khác có tên liệu pháp kháng thể – liên quan đến việc truyền protein kháng sởi có tính chất bảo vệ, còn gọi là kháng thể – từ nguồn máu được hiến tặng cho người chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Biện pháp điều trị này được khuyến nghị không chỉ cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với virus và chưa được tiêm vắc-xin từ 12 tháng tuổi trở xuống cũng như phụ nữ mang thai và trẻ em chưa tiêm vắc-xin mà có hệ miễn dịch kém.

2. Nói chuyện với bác sĩ về vitamin A

Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người thiếu hụt vitamin A có thể tăng nguy cơ bị biến chứng do bệnh sởi, bao gồm viêm phổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bổ sung vitamin A để giảm triệu chứng và giảm biến chứng do sởi, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển hoặc ở bất cứ nơi nào nghi ngờ có tình trạng thiếu hụt vitamin A.

3. Chăm sóc trẻ ân cần, dịu dàng

Toàn bộ quá trình diễn biến của bệnh sởi, với các triệu chứng bao gồm phát ban, sốt, nghẹt mũi, ho, mắt đỏ, đầy nước, thông thường kéo dài khoảng 2 tuần, nhưng sốt chỉ kéo dài khoảng 5 ngày. Mặc dù không có biện pháp y tế điều trị sởi, các bước sau có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn:

– Dùng thuốc hạ sốt, như ibuprofen (Advil) hoặc acetaminophen (Tylenol). Không bao giờ cho trẻ dùng aspirin, đặc biệt với trẻ bị bệnh nhiễm trùng do virus như sởi bởi nó làm tăng nguy cơ hội chứng Reye – căn bệnh hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nguy cơ chết người bởi nó phá huỷ não và gan.

Sởi

– Nghỉ ngơi và đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể: Mục đích chính là ngăn ngừa tình trạng mất nước. Do đó, cả nước và điện giải Pedialyte đều tốt cho trẻ.

– Không dùng thuốc trị cảm: Sởi và cảm đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Nhưng Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) không khuyến nghị sử dụng thuốc trị cảm mua tại hiệu thuốc cho trẻ từ 4 tuổi trở xuống (với trẻ lớn hơn, việc dùng thuốc cảm không qua kê đơn cũng không được khuyến nghị).

Tiến sĩ Kronman cho biết: “Theo các nghiên cứu khoa học, cho trẻ dùng thuốc trị cảm không thực sự giảm nhẹ triệu chứng. Tuy nhiên, nếu uống không đúng cách, thuốc có thể gây hại cho sức khỏe của bé”.

– Theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm khác: Trẻ từ 5 tuổi trở xuống cũng như người trưởng thành ngoài 20 tuổi có nguy cao nhất mắc các biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi, bao gồm viêm phổi, phù não, co giật, tiêu chảy, viêm tai và mất thính lực do tổn thương não. Cứ 1-2/1.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm vì sởi.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn phát hiện bất cứ triệu chứng nào dưới đây:

– Sốt cao (thường trong khoảng 39,7 độ C)

– Hành vi bất thường như gặp ảo giác hay khó chịu, bứt rứt cao độ

– Lờ đờ, uể oải (khó dựng trẻ dậy hoặc trẻ không có phản ứng tương xứng với một câu hỏi nào đó của bạn)

– Khó thở hay thở gấp

– Đau đầu

– Co giật

– Gặp vấn đề về thị lực hay thính lực

4. Quan tâm tới sức khỏe lâu dài

Sởi

Cứ 1 trong số 20 trẻ em mắc sởi sẽ bị viêm phổi – là nguyên nhân phổ biến trong các trường hợp tử vong do sởi. Và cứ 1000 trẻ mắc sởi lại có 1 bé bị viêm não hay tình trạng phù nề ở não, có thể dẫn tới co giật, điếc và tổn thương não.

Ngoài ra, 11/100.000 người (bao gồm cả trẻ em và người lớn) mắc sởi sẽ tiếp tục bị bệnh ở hệ thần kinh trung ương có tên viêm não toàn bộ xơ hoá cấp tính (SSPE) khoảng 10 năm sau khi lần đầu tiên bị nhiễm virus sởi. Tiến sĩ Nolan tiết lộ: “Chúng ta không biết tại sao một người dường như đã bình phục hoàn toàn sau khi bị sởi lại đột ngột mắc căn bệnh này”.

Triệu chứng của SSPE bao gồm thay đổi hành vi bất thường và không thể lý giải, hay quên/suy giảm trí nhớ, co rút cơ hoặc yếu cơ và dáng đi xiêu vẹo. Thuốc kháng virus có thể làm chậm diễn tiến bệnh nhưng bệnh nhân SSPE thường tử vong 1-2 năm sau khi bệnh khởi phát.

Tuy vậy, phần lớn trẻ em khỏi bệnh sởi không trải nghiệm các biến chứng nghiêm trọng. Như bất cứ căn bệnh nào khác, tốt nhất nên gọi cho bác sĩ bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe của con.

Nguồn: Parent

Huyền Nguyễn – Helino

Link