Vào đầu năm học mới, thông thường các bậc phụ huynh sẽ mua khá nhiều dụng cụ học tập và đồ chơi cho con. Do xu hướng phát triển mới mà các loại dụng cụ học tập cũng như đồ chơi càng ngày càng phong phú và bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, chất liệu đa dạng.
Nhưng vì những yếu tố này mà cha mẹ vô tình không để ý nhiều đến quy trình sản xuất cũng như chất liệu làm ra các sản phẩm đó.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia trên kênh Sức khỏe (TQ) một số dụng cụ và đồ chơi của trẻ được liệt kê sau đây có chứa những chất độc hại nguy hiểm, có thể gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh nên cân nhắc trước khi mua cho trẻ sử dụng.
1. Văn phòng phẩm, đồ dùng có mùi thơm
Theo bác sĩ Triệu Phi, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viên Nhi Bắc Kinh (TQ), khuyến nghị các bậc cha mẹ không nên mua bất kỳ thứ đồ chơi hay đồ dùng nào có chứa mùi thơm. Nếu như đồ vật có mùi thơm quá đậm (nồng nặc), sẽ gây thích thích lên niêm mạc đường hô hấp của trẻ, tác động xấu lên mắt, có thể gây hắt xì, các triệu chứng sung huyết kết mạc.
Khi trẻ vô tình bị mùi hương của dụng cụ đó tác động, chúng sẽ cảm thấy ngứa mũi, mắt và liên tục dụi vào đó, lâu ngày có thể gây chảy máu mũi, ảnh hưởng tới mắt, nóng khoang mũi và cản trở chức năng tạo ẩm của mũi, dẫn đến khô mũi, viêm mũi.
Không những thế, ngửi mùi thơm nhân tạo lâu ngày, trẻ có thể bị kích ứng, gây bong tróc niêm mạc, chảy máu mũi, suy giảm khả năng nhanh nhạy của khứu giác (ngửi kém), tổn hại đến chức năng ngửi của trẻ.
Lời khuyên của bác sĩ Phi là cha mẹ hãy cố gắng mua các sản phẩm thông thường, chính hãng, không lựa chọn những sản phẩm “thơm lừng” cho trẻ dùng. Ngoài ra, nên nhắc nhở trẻ biết thêm những kiến thức về an toàn khi chọn đồ chơi, đồ dùng, đặc biệt là hạn chế tối đa dùng bút xóa (bút mực trắng) vì chúng có thể rất độc hại.
2, Sách vở có màu giấy quá trắng
Có khá nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn tin rằng, giấy càng trắng thì chất lượng giấy càng cao, càng tốt để mua cho trẻ dùng. Nhưng trên thực tế, trong tài liệu “Yêu cầu cơ bản về chất lượng dụng cụ học sinh” của Trung Quốc có quy định rõ ràng rằng, độ sáng của các loại sách, vở dùng cho học sinh có tiêu chuẩn không được vượt quá 85%.
Nếu giấy để dùng để làm sách vở cho trẻ quá trắng và sáng bóng, có thể khiến cho mắt trẻ bị lóa, sử dụng lâu dài có thể khiến trẻ bị mỏi mắt, cảm giác tức mắt, chói chang khó chịu. Lâu dần, trẻ có thể sẽ bị suy giảm thị lực.
Thông thường độ trắng bóng của giấy được khuyến cáo là sử dụng ở mức 80%, để dễ hình dung hơn, phụ huynh nên chọn cho trẻ những loại sách vở có giấy màu tương đối vàng, thiên về trắng nhạt ngả màu vàng sữa thì tốt hơn là trắng tinh, trắng xanh.
3, Những dụng cụ/đồ chơi có nhiều màu sắc sặc sỡ
Có rất nhiều trẻ em có thói quen ngậm hoặc cắn đồ dùng, đồ chơi, trong khi đó, hiện nay có rất nhiều loại đồ dùng đồ chơi cho trẻ được sản xuất rất “lòe loẹt”, nhiều màu sắc bắt mắt để thu hút sự chú ý của trẻ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, những đồ dùng của trẻ nếu sản xuất thủ công đơn giản thì sẽ ẩn chứa rất nhiều chất độc hại, nếu trẻ vô tình ngậm hoặc cắn vào những đồ dùng màu sắc sặc sỡ này, sẽ có thể bị nhiễm độc.
Khi các chất độc ẩn chứa trong các vật dụng nhiều màu được thâm nhập vào miệng và tay chân bé, sẽ đi vào cơ thể và mạch máu, ảnh hưởng đến não của trẻ, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến ngộ độc phẩm màu công nghiệp ở trong các đồ dùng đó mà không biết.
Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ nên mua cho trẻ những loại đồ dùng chính hãng, không có màu sắc sặc sỡ, đồ màu sáng hoặc màu tự nhiên nguyên thủy để hạn chế cho trẻ tiếp xúc phải chất độc hại.
Ngoài ra, nên chú ý quan sát hành vi chơi và sử dụng đồ dùng học tập của trẻ, nếu thấy bé ngậm hoặc cắn đồ chơi thì phải hướng dẫn trẻ từ bỏ thói quen xấu này. Đồng thời nếu cho trẻ tập vẽ bằng bút chì màu hoặc các loại phấn viết màu, mực màu thì cần rửa tay sạch sẽ ngay sau khi sử dụng, trước khi ăn uống.
4, Những đồ dùng cá nhân bằng nhựa
Vào tháng 2/2017, tin tức trên báo chí Trung Quốc đăng tải cho thấy, Cục Hải Giám sát chất lượng thành phố Thượng Hải (TQ) sau khi lấy mẫu sản xuất các sản phẩm nhựa trong nhà, phát hiện kết quả bất ngờ.
Trong trong 30 lô hàng về giấy nhựa ni-lông bọc sách vở có tới 25 lô hàng (bao gồm sản phẩm bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng) có chất lượng nhựa tái chế không đạt tiêu chuẩn an toàn giám định.
Trong một số sản phẩm nhựa nói chung và giấy ni-long bọc sách vở nói riêng có thể sử dụng nhựa tái chế, quy trình sản xuất các sản phẩm này thường phải thêm các chất hóa học làm dẻo, các chất này rất phổ biến và chúng có thể chứa chất phthalates – một chất độc hại cho sức khỏe.
Nếu tiếp xúc quá mức với những chất này có thể làm tăng bài tiết hormone cơ thể ở trẻ em gái dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển và an toàn của trẻ em (cả nam và nữ).
Lời khuyên của chuyên gia là bạn nên lựa chọn những đồ dùng học tập và đồ chơi an toàn cho trẻ, ví dụ như bọc vở bằng giấy, cho trẻ tự chuẩn bị và bảo quản sách vở để bé có thể rèn được tính cách biết giữ đồ dùng và tránh xa việc tiếp xúc với những sản phẩm có nguy cơ chứa chất độc hại kể trên.
Vân Hồng – Trí thức trẻ
Nguồn: Soha