TÌNH ÐẦU

Nếu hai tình yêu sau hiển hiện qua tác phẩm thì tình yêu đầu, tiên quyết được ông giành lấy bằng hành động. “Không hiểu, chỉ biết là thích như thế thôi”, nhạc sĩ khi tôi hỏi sao ông lại chọn âm nhạc. Công đầu ông gán cho sự giáo dục toàn diện của chương trình phổ thông lúc bấy giờ: “Hồi cấp II (lớp 5-6-7) đều có giờ nhạc, họa nên năng khiếu âm nhạc được kích hoạt. Sau đó cấp III, hình như từ lớp 7, tớ đã sáng tác bài cho trường lớp. Chả cần đàn, làm chủ được ký xướng âm, nghĩ gì nó ra nốt như thế”.

Nhưng rồi số phận run rủi làm sao ông lại thi vào Sư phạm Toán Lý. Để rồi: “Cuối năm thứ hai tớ thấy mình phải chết bên phím đàn. Tớ với Dương Thụ bàn nhau thế. Hai thằng cùng khóa, Dương Thụ học Văn. Tớ nộp đơn xin thôi với mục đích để sang Nhạc viện. Nếu lộ ra muốn nhảy sang trường khác, đừng hòng. Làm gì có ai ngông cuồng như thế được”. Phó Đức Phương vin vào chỗ không có học bổng, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin nhà trường thôi học để đi lao động kiếm sống: “Mà tớ học không hề dốt, lúc đầu còn hơi xuất sắc là khác. Nhưng không phải hứng của mình nên nó cứ nhàm chán, nhạt dần, trở thành nhiệm vụ phải hoàn thành thôi”.

Ông nộp đơn từ năm thứ hai, mãi đến giữa năm thứ ba, khi đã học xong rồi, chỉ còn đi thực tập, thầy hiệu trưởng- chính là nhà thơ Phạm Huy Thông, nguyên Tiến sĩ về Địa lý, nhà Sử học- mới gọi Phương lên hỏi thăm tình hình. Chắc ông Thông cho rằng ngâm tôm lâu thế sẽ làm Phương nhụt chí bỏ trường. “Chắc ông cũng biết mình say mê âm nhạc”, Phó Đức Phương kể. “Tại lúc bấy giờ mình là tốp trưởng tốp ca nam của ĐH Sư phạm, chỉ huy dàn hợp xướng khoa Toán Lý, hoạt động âm nhạc nghiệp dư dữ dội. Đội văn nghệ của trường mạnh đến nỗi đem quân đi diễn khắp tỉnh Quảng Ninh một tháng hè, đủ tiền ăn. Mang hơn 100 diễn viên đi, hợp xướng đã 80 người. Suốt ngày tập hát ông ổng. Hiệu trưởng đương nhiên phải hỏi trưởng khoa, trưởng lớp sao mình lại xin thôi”.

“Anh đã nghĩ kỹ chưa”, nhà thơ hỏi. “Thưa thầy em nghĩ kỹ rồi, mong thầy và nhà trường thông cảm giúp em”, nhạc sĩ tương lai đáp. “Thôi được rồi, nếu anh quyết định đi nhà trường sẽ giúp. Gửi anh lên nông trường Cửu Long kết nghĩa với trường. Lúc anh trở lại, nhà trường sẵn sàng tiếp nhận. Mà sao anh không đi thực tập nốt học kỳ cuối cho có bằng”…

Phương mừng húm đồng ý luôn, sợ nếu xin đi làm chỗ khác, trường đòi lại học phí (thời đó sinh viên được bao cấp hết) thì toi. Ông cũng chả thiết gì bằng: “Đã bảo là máu mà lại! Ông Dương Thụ vì tính toán học nốt năm thứ ba đâm ra phải đi dạy học. Một mặt, ông ấy có học bổng, không thể bịa dễ như mình. Thứ hai, lại cứ muốn lấy nốt cái bằng. Thì người ta điều đi tít tận Sơn La chứ, chống đối à. Dương Thụ đành phải tự học. Mấy lần ông ấy thi Nhạc viện đều đỗ cả nhưng người ta đều không cho đi”.

“Số mệnh và lịch trình của mỗi con người như phần mềm cài đặt, lệch đi chút thì nó khác chút”, ông gật gù. “Nán lại thêm mấy tháng, mọi việc rẽ sang hướng khác chứ”. Đúng là dân Toán, giỏi tính. Như vậy họ Phó chỉ mất có năm rưỡi lao động đồng thời rèn luyện sức khỏe, gánh một tạ như không. Chuyện giai Hà thành đi lao động: “Ví dụ mình bắt cái mũi bò, buộc dây đánh xe bò không được, bị cậu công nhân trạc tuổi mình mắng cho. Nhưng khi đã yêu cái mục đích của mình, mấy chuyện đấy là quá nhỏ”.

Xem thêm  Người có 3 đặc điểm này ở tai sẽ sống thọ: Hãy xem bạn có sở hữu "tài sản" này không?

Nông trường tất nhiên đề nghị Phương về phụ trách đội văn nghệ nhưng ông đã xác định: “Phải đi lao động thực tế, như là Gorky ấy. Chứ đã về nông trường lại làm văn nghệ thì quá tội”. Giờ đây nhìn lại, ông công nhận mình hồi đó cũng “triệt để máy móc và rất ngây thơ”, chứ nếu nhận làm văn nghệ thì hẳn là cũng rất vui.

TRÊN ÐỈNH… CỰC ÐOAN

Có lẽ trừ Nha Trang thu sôi động ra, bài nào của Phó Đức Phương cũng có màu dân ca, thường không phải kiểu đi mượn mà toát lên từ trong giai điệu. Ông khẳng định mê dân ca từ rất sớm và tìm hiểu đến tận cùng. “Từ thời còn chưa vào Nhạc viện và mới vào Nhạc viện, tớ đã đi học quan họ với nghệ nhân ở Bắc Ninh, học ca trù từ cụ Quách Thị Hồ. Rồi đi học tuồng mà tập hát như thật ở cụ Đội Tảo, bà Liễu. Vào tận trong Bình Định học cả bài chòi… Đầy say sưa. Học như một nghệ sĩ (biểu diễn) có thể diễn đạt lại tất cả luyến láy dân gian. Mình thấy xúc động thật sự, ngạc nhiên và sung sướng với chất liệu truyền thống Việt Nam. Tất cả cái hồn cái vía nhập vào tớ”.

Phó Đức Phương không thích kiểu dùng chất dân gian bằng đầu mà ông gọi là “nhại”. “Cái đấy góp phần nào phổ cập chất dân gian nhưng nhiều khi nó nhạt, nhảm nhí, mất giá trị dân gian thực sự. Đương nhiên cũng có bài tôi xác định phải dùng chất liệu này vì nhiệm vụ là như thế, nhưng thông thường mình không có chủ ý gì. Tác phẩm phải chuyên chở những cảm xúc, và chất liệu gì thì nó cũng đã ăn vào mình, như là của mình rồi. Mình viết xong không biết bài này chất liệu ở đâu”.

Và tận đến lúc này (tháng 8/2020) ông vẫn không chấp nhận “sai lầm” của Mỹ Linh khi đã lái Trên đỉnh phù vân về ca trù dù ở mấy câu ư a đầu tiên. “Bài này có cả ca trù, chầu văn, cả chất miền núi cộng lại. Chứ tớ có định viết ca trù đâu mà Mỹ Linh đi tương một câu ca trù vào, tớ điên hết cả người. Thu với mình đầu tiên đương nhiên phải đúng, ra sân khấu lại ngẫu hứng. Cô ấy lúc bấy giờ mới bắt đầu thích ca trù nên bịa mấy cái luyến láy vào, lấy làm đắc ý lắm. Tớ cũng thật thà, lúc Linh gọi điện từ Sài Gòn ra báo công, mình khen một câu nếu thành công thì tuyệt vời rồi, nhưng chê độ bảy câu, ai bảo cháu làm thế… Thế là cô ấy choãi hết cả người ra”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944-2020) để lại dấu ấn đặc sắc qua những tác phẩm đầy kịch tính, thể hiện tư duy dân gian độc đáo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tuy nhiên ông cũng công nhận, khán giả chẳng màng chất liệu, chỉ quan tâm bài hát hay. Còn đây là ý kiến của Mỹ Linh, người cho đến nay vẫn được thừa nhận hát Trên đỉnh phù vân thành công nhất: “Tôi cho thế là sáng tạo. Đã thu đúng ý nhạc sĩ rồi, lúc diễn phải khác”. Sau đó cũng không hẳn giận nhau, chỉ là hai bên không thể tiếp tục thăng hoa trong âm nhạc nữa. Cũng là một sự đứt gẫy đáng tiếc cho nhạc Việt, chắc vậy.

THẦN CHIM LẠC CÓ THẬT?

Tất nhiên không dễ dàng gì khi cứ đè một người đang ung thư giai đoạn cuối ra phỏng vấn. Nên hình như tôi cũng có làm nhạc sĩ “hờn dỗi” chút chỉ vì hỏi, trong thần thoại Việt có thần chim Lạc thật chăng. Nhạc sĩ: “Cậu đừng hỏi sâu. Tớ đầy ngẫu hứng. Cậu tìm xem có đúng không. Đấy là việc của cậu”… Tôi bèn nhanh chóng lái sang hỏi về Hoa Lư đại trận tập. Hai bài hát cùng một mạch cảm hứng nhưng ra đời cách nhau 18 năm (chính là thời gian nhạc sĩ bỏ sáng tác đi làm bản quyền).

Dù sao thì thần chim Lạc cũng đã hiện hình, lập ngôn đầy sống động trong sáng tác của Phó Đức Phương viết năm 1999 theo đặt hàng của Minh Ánh để đi dự Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Bài ca thần chim Lạc mang về cho cô HCV. “Đương nhiên viết cái gì tớ chìm đắm vào đấy kinh hoàng lắm”, ông thông báo. “Đã nhập đồng là nhập đến cùng. Bài này mình hết sức tâm đắc và thành công. Nhưng dạo đó vẫn chưa hình thành một ý niệm rằng mình phải đi tiếp cái dòng này”.

Xem thêm  Là đàn ông, đừng để rượu "uống" mình!

Ở Hoa Lư đại trận tập, Phó Đức Phương tiếp tục nhập vai vào nhân vật: “Ta và các ngươi, trên vâng mệnh trời dưới thể lòng dân, hết lòng khắp nơi dẹp loạn. Yên định phía Nam, canh chừng phương Bắc, để nước Việt ta từ đây giang sơn một mối, quốc thống vẹn toàn, đời đời bền vững”… Lịch sử chủ yếu ghi công Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, nhưng Phó Đức Phương mạnh dạn bằng âm nhạc tạo ra một cuộc tập trận để chứng tỏ nhà vua cũng lo xa về thế nước. “Đinh Bộ Lĩnh không đánh giặc phương Bắc nhưng đã mất công làm một tác phẩm như thế, phải hả được cái bụng mình”, ông nói. Bài hát vang lên lần đầu qua giọng hát Tùng Dương trong đại lễ do tỉnh Ninh Bình tổ chức, kỷ niệm 1050 năm Đinh Tiên Hoàng lên ngôi. Nhạc sĩ cho hay, cuộc đó có sự tham dự của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh.

Những năm cuối đời, Phó Đức Phương liên tục nhận được những đặt hàng sử ca từ Quân khu 3 hay Tổng cục Chính trị. Nối tiếp những Bạch Đằng bản hùng ca sông thiêng, Mãi mãi Việt Nam, Lời thề sông Hóa (về Trần Hưng Đạo), Hội thề Mê Linh (về Trưng Vương)… ra đời. Ông còn muốn nhập vào những anh linh của Quang Trung, Lý Thường Kiệt… để viết chứ không muốn chỉ đứng ngoài ngợi ca. Nhưng sự nhập thần kia được khẳng định chỉ là kết quả của lao động quên mình, không có “bắt sóng” hay “báo mộng” gì ở đây cả. “Tớ chỉ biết hết lòng ngày đêm cặm cụi viết thôi. Sau đó kết quả như cậu luận ra như vậy, tớ cũng luận ra có lẽ như thế. Chứ mình không được sự chỉ bảo dẫn dắt một cách trực tiếp dễ thấy”. Tuy khẳng định mình vẫn “người trần mắt thịt”, không có căn có mệnh như người ta, nhưng ông vẫn công nhận: “Chắc chắn mình chịu sự chi phối cực lớn của vấn đề thế giới kia mà mình không biết”.

Ông hào hứng với mạch sáng tác mới đến độ: “Nghĩ đến việc đấy, tôi đã hồi hộp, run hết người. Tôi sẽ âm nhạc hóa tất cả những trang sử vàng chói lọi của Việt Nam. Sẵn sàng coi đó là một trách nhiệm, một sứ mệnh, một món nợ và đồng thời là một vinh dự cho mình. Rồi nó trở thành thậm chí một trong những động lực khiến tôi phải khỏi bệnh để hoàn thành”…

Phó Đức Phương biết đến Osho còn trước cả khi tập Suối nguồn tươi trẻ. Nếu những bài tập tương truyền từ Tây Tạng cho ông sức khỏe (cho đến khi bệnh ung thư xuất hiện) thì Osho phần nào đã vực tinh thần ông qua những giai đoạn cam go. “Có những thời kỳ ngày đi đến Trung tâm. Ban đêm thì vơ vẩn cùng với Osho. Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời”, ông cảm thán. Mà Osho thì cam đoan: “Tôi không hoàn hảo, toàn bộ vũ trụ là không hoàn hảo. Và để yêu thương sự không hoàn hảo này, để vui mừng trong sự không hoàn hảo này là toàn bộ thông điệp của tôi”. Có thể Phó Đức Phương vẫn còn chút lăn tăn về sứ mệnh “công dân nhạc sĩ” chưa hoàn tất. Nhưng tình yêu thương đông đảo khán giả dành cho ông tôi nghĩ đã quá đủ cho một sự nghiệp, một lựa chọn sống.

Phó Đức Phương đương nhiên là nhạc sĩ của lễ hội, của chất sử thi hoành tráng với rất nhiều sáng tác chỉ phát huy hết tầm vóc khi được dàn dựng trên sân khấu lớn, trong những dịp kỷ niệm đặc biệt. Đó là hiệu quả của sự thấm nhuần chất liệu dân gian cộng với tinh thần hành động quyết liệt mà ông đã chưng cất, đúc rút từ đời sống, từ kho tàng tiên tổ.