Danh sách Forbes có 256 nữ tỷ phú, đến từ 32 quốc gia với tổng tài sản 1.000 tỷ USD, trong đó có CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách thường niên lần thứ 32 về các tỷ phú đôla của thế giới. Đây là năm có số lượng tỷ phú nữ lớn nhất với 256 người, trong tổng số 2.208 người có tài sản trên một tỷ USD. Các nữ đại gia trong danh sách sở hữu 1.000 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái và chiếm một phần chín trong khối tài sản của toàn bộ câu lạc bộ tỷ đô năm nay.
Danh sách 2018 có đại diện từ 72 quốc gia, trong đó chỉ 32 nước có tỷ phú nữ. Không ít quốc gia chỉ có duy nhất một nữ tỷ phú như Việt Nam, Thái Lan, Nga, Bồ Đào Nha…
Trong số 32 tỷ phú nữ giàu nhất ở từng nước, đại đa số được thừa hưởng tài sản từ chồng, cha, ông… Đại diện của Việt Nam, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số ít người được xếp vào nhóm “tỷ phú tự thân”, tức là gây dựng cơ đồ từ chính đôi bàn tay.
Tuổi trung bình của 32 nữ tỷ phú này là gần 60. Sau đây là danh sách được xếp theo độ tuổi.
Caroline Hagen Kjos – 2,8 tỷ USD Vị trí: 859Nauy34 tuổi
Caroline Hagen Kjos giữ chức Chủ tịch của công ty gia đình Canica AS từ năm 2014, đồng thời nắm giữ cổ phần đa số tại đây. Bố bà cũng là một tỷ phú, sáng lập ra chuỗi siêu thị giảm giá Rimi từ những năm 1970.
Năm 1998, siêu thị này được sáp nhập vào tập đoàn ICA của Thụy Điển, sau đó lại về tay nhà bán lẻ Hà Lan Ahold. Lúc này, ông bán cổ phần, dùng tiền lập nên chuỗi siêu thị mới. Ngày nay, công ty gia đình Canica AS có nhiều khoản đầu tư khắp vùng Scandinavia, trong đó rót vốn vào công ty sản xuất hàng tiêu dùng Orkla ASA và chuỗi cửa hàng Jernia.
Tatiana Casiraghi – 2,2 tỷ USD Vị trí: 1.103Monaco34 tuổi
Tatiana Casiraghi gia nhập gia đình hoàng gia Monaco từ năm 2013, sau khi kết hôn với người đứng thứ hai trong danh sách thừa kế ngai vàng.
Ngoài ra, bà và người em trai thừa kế một phần tài sản từ hãng bia SABMiller do ông nội sáng lập. Ngày nay, SABMiller thuộc về nhà sản xuất bia Mỹ, Anheuser-Busch.
Bản thân Tatiana cũng đồng sáng lập nên thương hiệu Muzungu Sisters, chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đến 8 quốc gia.
Yang Huiyan – 21,9 tỷ USDVị trí: 43Chủ tịch Bright Scholar Education HoldingsTrung Quốc36 tuổi
Tỷ phú 36 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ohio State, sở hữu 57% cổ phần của nhà phát triển bất động sản Country Garden Holdings. Phần lớn trong số này được chuyển giao từ người cha vào năm 2007. Em gái của Huiyan là Ziyang làm việc trong ban giám đốc của Country Garden.
Hiện, Huiyan là chủ tịch Bright Scholar Education Holdings, công ty giáo dục của Trung Quốc được niêm yết trên sàn chứng khoán New York từ năm 2007.
Người dì của Huiyan là Yang Meirong có cổ phần trong Bright Scholar và từng có mặt trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2017.
Sofie Kirk Kristiansen – 5,4 tỷ USDVị trí: 351Tập đoàn LegoĐan Mạch42 tuổi
Là thế hệ thứ tư của gia đình khai sinh ra thương hiệu Lego của Đan Mạch, Sofie Kirk Kristiansen cùng bố, anh chị em mỗi người sở hữu một phần trong tổng số cổ phần 75% của công ty. Năm nay 42 tuổi, Kristiansen cũng nằm trong ban quản trị của Lego Foundation.
Cụ của Kristiansen, ông Ole là một thợ mộc. Từ năm 1932, ông bắt đầu làm những sản phẩm đồ chơi gỗ trong xưởng mộc của gia đình. Công việc kinh doanh ngày càng phát triển, ông chuyển sang sản xuất đồ chơi nhựa từ những năm 1940.
Thông qua công ty gia đình, Kristiansen còn có cổ phần ở một số công ty khác, ngoài ra đầu tư thêm vào bất động sản và nông nghiệp.
Rahel Blocher – 5,5 tỷ USDVị trí: 334Thụy Sĩ42 tuổi
Rahel Blocher nắm giữ vai trò quan trọng trong EMS-Chemie, công ty gia đình chuyên sản xuất polymer và hóa học lớn của Thụy Sĩ. Nữ tỷ phú sở hữu cổ phần từ năm 2004 khi cha bà là Christoph Blocher bán cổ phần cho các con.
Nắm giữ vị trí CEO của EMS-Chemie là Magdalena là người chị gái, còn Rahel không đóng vai trò gì trong điều hành doanh nghiệp. Nữ tỷ phú hiện dành nhiều tâm huyết tại Robinvest, công ty đầu tư của cha và ngồi trong đội ngũ giám đốc của tổ chức Schweizer Musikinsel Rheinau.
Các chị gái của bà là Magdalena, Miriam cùng người anh trai là Markus cũng đều là tỷ phú.
Isabel dos Santos – 2,6 tỷ USDVị trí: 924Angola44 tuổi
Isabel dos Santos là con gái lớn của cựu tổng thống Angola. Vị này từ chức hồi giữa năm ngoái. Nhờ bố mình, bà Isabel dos Santos được ngồi vào chiếc ghế cao nhất tại tập đoàn dầu mỏ quốc gia Sonangol. Nhưng khi tổng thống mới lên vào tháng 11/2017, bà đã bị mất chức.
Forbes cho biết bà có cổ phần tại một số công ty Angola như ngân hàng, hãng viễn thông. Bà cũng mua cổ phần của nhiều công ty Bồ Đào Nha, trong đó có nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp Nos SGPS.
Người phát ngôn của Santos nói với Forbes rằng bà là “một nữ doanh nhân, nhà đầu tư cá nhân độc lập, đại diện cho lợi ích của chính mình”.
Clelia Haji-Ioannou – 1,32 tỷ USDVị trí: 1756Cyprus47 tuổi
Khối tài sản của nữ tỷ phú này có được là nhờ vào số cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ EasyJet do anh trai sáng lập. Ngoài ra, bà sở hữu hơn 40 triệu USD trong các bất động sản, chủ yếu ở châu Âu như Monaco, Cyprus, Athens và London. Nữ đại gia khẳng định mình còn sở hữu bộ tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng chục triệu USD mà bà đã cất công sưu tập hơn 20 năm qua.
Lee Boo-Jin – 2 tỷ USDVị trí: 1215Samsung C&THàn Quốc47 tuổi
Lee Boo-Jin là Chủ tịch kiêm CEO của Hotel Shilla, một trong những khách sạn kiêm trung tâm hội nghị nổi bật nhất ở Seoul.
Bà là con gái lớn của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-Hee, thường được dư luận và báo giới gọi là “Tiểu Kun-hee” vì tài kinh doanh thiên bẩm. Ngoài ra, nữ doanh nhân cũng đóng vai trò cố vấn trong một công ty con của tập đoàn.
Nguyễn Thị Phương Thảo – 3,1 tỷ USD Vị trí: 766Chủ tịch Tập đoàn Sovico, CEO Vietjet Air, Phó Chủ tịch HDBank Việt Nam48 tuổi
Là một trong bốn tỷ phú đôla của Việt Nam, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là đại diện duy nhất của phái đẹp và đứng vị trí thứ hai.
Được Forbes gọi tên là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo ra mắt hãng hàng không Vietjet Air vào năm 2011. Ngày nay, Vietjet Air điều hành hơn 300 chuyến mỗi ngày, chiếm 40% tổng lượng chuyến bay của Việt Nam. Năm 2017 đánh dấu cột mốc của Vietjet Air với sự kiện lên sàn vào tháng 2. Bên cạnh đó, bà cũng sở hữu phần vốn đáng kể tại ngân hàng HDBank và một số resort bãi biển.
Ngoài danh sách tỷ phú thế giới, CEO Vietjet còn lọt vào Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes với vị trí thứ 55.
Nói về nữ doanh nhân, Forbes viết: “Bạn có biết rằng sau khi học ngành kinh tế tài chính ở Liên Xô cũ vào những năm 1980, bà bắt đầu kinh doanh giao dịch ngoại thương giữa Đông Âu và châu Á, và cả Trung Đông… Bà Nguyễn Thị Phương Thảo lấy ý tưởng về một hãng hàng không từ những ngày còn là thương nhân quốc tế. Khi đó, bà đã dự đoán rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở Việt Nam và khu vực chắc chắn sẽ bùng nổ”.
Bà chỉ nhắm đến những thương vụ lớn, và chưa bao giờ làm bất cứ điều gì ở quy mô nhỏ. Vào thời kỳ người ta buôn bán từng container hàng hóa, thì bà đã giao dịch hàng trăm container, Forbes mô tả.
Sandra Ortega Mera – 6,9 tỷ USDVị trí: 237Tây Ban Nha49 tuổi
Sandra Ortega Mera là con gái của Amancio Ortega, nhà đồng sáng lập Tập đoàn may mặc khổng lồ Inditex, nổi tiếng với chuỗi thương hiệu Zara.
Nữ tỷ phú nhận khoản thừa kế từ mẹ, cũng là đồng sáng lập Inditex sau khi bà đột ngột qua đời năm 2013. Theo đó, Sandra nắm giữ 89% cổ phần của Rosp Corunna cùng 4,5% cổ phần tại Inditex.
Hiện Sandra là người giàu thứ hai tại Tây Ban Nha, xếp sau bố mình. Tuy nhiên, bà không tham gia vào hoạt động của Inditex. Thay vào đó, Sandra Ortega Mera dành toàn bộ thời gian vào Fundación Paideia, tổ chức phi lợi nhuận do người mẹ quá cố sáng lập, chuyên hỗ trợ và đào tạo nghề cho người tàn tật.
Denise Coates – 5 tỷ USDVị trí: 388Anh50 tuổi
Cùng với anh trai, Denise Coates là đồng CEO của một công ty do hai anh em cùng người bố sáng lập nên. Hiện, bà sở hữu một nửa tại công ty có doanh thu 3,2 tỷ USD trong năm 2017.
Dinara Kulibaeva – 3,2 tỷ USDVị trí: 729Kazakhstan50 tuổi
Con gái của tổng thống Kazakhstan, bà Dinara Kulibaeva cùng chồng đồng sở hữu lượng lớn cổ phần tại ngân hàng Halyk Savings Bank. Ngoài ra, hai vợ chồng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, tập trung nhất vào xây dựng, dịch vụ xăng dầu.
Năm 2014, bà hưởng lợi từ thương vụ bán công ty vàng Altynalmas Gold lấy tiền mặt và cổ phần. Forbes ước tính tài sản của vợ chồng nhà Kulibayeva được chia đều 50/50, do đó mỗi người được cho là có 3,2 tỷ USD.
Ilona Herlin – 1,5 tỷ USDVị trí: 1.561Phần Lan53 tuổi
Ilona Herlin là chắt của vị doanh nhân nổi tiếng Phần Lan – Harald Herlin. Từ năm 1924, ông đã đầu tư và tạo lập công ty thang máy Kone Elevators. Sau khi bố bà qua đời năm 2003, Ilona và các chị em gái mới biết rằng di chúc đã được viết lại, để hầu hết tài sản cho người anh trai.
Cảm thấy giận dữ vì không được thông báo, các chị em đã đưa sự việc ra tòa. Vụ tranh chấp dừng lại vào năm 2005, công ty Kone được chia làm hai.
Người anh hiện nay quản lý mảng kinh doanh thang máy, còn các chị em gái nhận được cổ phần tại công ty vận chuyển hàng Cargotec. Nhờ vào phán quyết của tòa, cả ba chị em gái nay đều là tỷ phú.
Susanne Klatten – 25 tỷ USDVị trí: 32Phó chủ tịch Altana AGĐức55 tuổi
Người phụ nữ giàu nhất nước Đức sở hữu 19,2% cổ phần của hãng sản xuất ôtô BMW. Trong khi đó, anh trai bà là Stefan Quandt sở hữu 23,7%. Người cha Herbert Quandt vốn là huyền thoại trong ngành công nghiệp Đức, đã đưa BMW trở thành thương hiệu nổi bật trên thị trường xe hơi.
Với tấm bằng MBA chuyên ngành kinh tế học, nữ doanh nhân Susanne đã dẫn dắt công ty Altana AG của người ông trở thành tập đoàn dược phẩm tầm cỡ thế giới. Hiện Susanne là người sở hữu duy nhất kiêm Phó chủ tịch Altana. Doanh thu thường niên của thương hiệu này là 2,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nữ tỷ phú còn nắm giữ cổ phần của Nordex AG (công ty khai thác năng lượng gió), Geohumus và SGL Group (tập đoàn sản xuất carbon và than chì).
Elena Baturina – 1,2 tỷVị trí: 1.867Nga54 tuổi
Người phụ nữ giàu nhất nước Nga, Elena Baturina, là vợ của cựu thị trưởng Moscow. Ông này bị thôi chức vào năm 2010. Khi đó, Baturina và các con rời khỏi đất nước, bán hầu hết tài sản tại Nga bao gồm công ty xây dựng và nhà máy xi măng.
Một khu đất đắt đỏ ở thủ đô của gia đình bị chính phủ tịch thu. Ngày nay, bà sống ở London và sở hữu nhiều khách sạn tại nhiều thành phố châu Âu như Vienna hay Dublin, có bất động sản tại châu Âu, Mỹ và đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo.
Shari Arison – 5,5 tỷ USDVị trí: 334Nhà sáng lập tổ chức Ted Arison Family. Israel60 tuổi
Người phụ nữ giàu nhất Israel – Shari Arison thừa kế từ người cha Ted quá cố, nhà sáng lập thương hiệu tàu biển Carnival Corp.
Bên cạnh đó, Shari còn tạo nên The Doing Good Model – tổ chức tư vấn, hướng dẫn doanh nhân điều hành kinh doanh. Đồng thời, nữ tỷ phú đầu tư vào nhiều dự án bất động sản, trong đó có dự án nhà máy lọc nước và nhà máy nhiệt điện mặt trời.
Ngoài ra, Shari là nhà đầu tư của Ngân hàng Hapoalim – ngân hàng lớn nhất Israel và Công ty hạ tầng Shikun & Binui Holdings kiêm nhà sáng lập tổ chức Ted Arison Family.
Eva Gonda de Rivera và gia đình – 7,1 tỷ USDVị trí: 222Mexico61 tuổi
Người chồng quá cố của nữ tỷ phú là Eugenio Gara Lagüera, cựu chủ tịch Femsa – tập đoàn bán lẻ kiêm đóng chai và vận chuyển. Sau cái chết của ông, Eva cùng bốn người con gái được hưởng cổ phần tại Femsa do Eugenio để lại.
Eva không hoạt động trong bộ máy tổ chức của công ty. Ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch kiêm CEO lại là con trai riêng của chồng.
Charlene de Carvalho-Heineken và gia đình – 15,8 tỷ USDVị trí: 86CEO của HeinekenHà Lan63 tuổi
Năm nay 63 tuổi, bà là một trong những người phụ nữ giàu nhất châu Âu với 23% cổ phần tại Heineken. Hiện là giám đốc điều hành, Charlene thừa kế cổ phần từ người cha quá cố là Freddy Heineken, cháu trai của nhà sáng lập thương hiệu bia nổi tiếng thế giới.
Chồng bà là một nhà đầu tư ngân hàng, hiện cũng làm việc trong ban giám sát của Heineken.
Francoise Bettencourt Meyers và gia đình – 42,2 tỷ USDVị trị: 18Chủ tịch L’OrealPháp 64 tuổi
Francoise Bettencourt Meyers và gia đình sở hữu 33% cổ phần của L’Oreal. Năm 2017, Francoise trở thành người thừa kế L’Oreal khi mẹ bà là Liliane Bettencourt, nữ tỷ phú giàu nhất thế giới ra đi ở tuổi 94.
Tới nay, nữ tỷ phú 64 tuổi là tác giả của ba cuốn sách, một trong số đó viết về những vị thần Hy Lạp.
Gina Rinehart – 17,2 tỷ USDVị trí: 69Chủ tịch Hancock ProspectingAustralia64 tuổi
Nữ tỷ phú ngành công nghiệp sắt là người giàu nhất tại Australia. Bà đồng thời là con gái của chuyên gia khai thác sắt – Lang Hancock. Gina có công lớn trong việc vực dậy công ty bất động sản của người cha quá cố thoát khỏi vực phá sản.
Trong quá trình hoạt động của nữ tỷ phú 64 tuổi, Hope Downs, đơn vị liên doanh với Rio Tinto đóng vai trò lớn. Ngoài ra còn có dự án khai thác Roy Hill, mỏ sắt tầm cỡ thế giới được phát hiện ở miền Tây Australia. Sản phẩm từ mỏ bắt đầu xuất khẩu ra châu Á từ năm 2015.
Ba cũng là nhà chăn nuôi gia súc lớn thứ ba Australia với 23 trang trại lớn trên toàn quốc.
Kirsten Rausing – 6,6 tỷ USDVị trí: 251Thụy Điển 65 tuổi
Kirsten Rausing sở hữu một phần ba công ty đóng gói TetraLaval, đồng thời hoạt động trong ban giám đốc với hai người anh là Finn và Jorn.
Ông của bà là nhà sáng lập Tetra Pak, công ty từ khi mới ra đời đã chú trọng đầu tư vào công nghệ đóng gói trong điều kiện vô trùng. Công nghệ này giúp TetraLaval có thể đóng gói đồ uống như sữa, nước cam trong hộp giấy thay vì chai thủy tinh.
Folorunsho Alakija – 1,5 tỷ USDVị trí: 1.561Nigeria67 tuổi
Folorunsho Alakija là Phó chủ tịch của Famfa Oil, công ty khai thác dầu mỏ Nigeria. Famfa Oil là đối tác của những tập đoàn lớn như Chevron và Petrobras. Trước đây, Alakija khởi nghiệp bằng một công ty trong lĩnh vực thời trang. Khách hàng của bà có những nhân vật tầm cỡ, như vợ của cựu tổng thống Nigeria.
Vào năm 1993, chính phủ Nigeria trao cho công ty giấy phép thăm dò dầu, sau này được chuyển thành giấy phép khai thác dầu.
Savitri Jindal và gia đình – 8,8 tỷ USDVị trí: 176Chủ tịch Jindal GroupẤn Độ67 tuổi
Savitri Jindal là vợ của Om Prakash Jindal – nhà sáng lập Jindal Group, chuyên kinh doanh thép, điện, xi măng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau sự ra đi đột ngột của chồng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng năm 2005, Savitri ngồi vào chiếc ghế điều hành.
Các con trai của bà hiện điều hành các công ty con. Trong đó, Sajjan Jindal điều hành hãng sắt thép JSW Steel (tài sản lớn nhất của tập đoàn).
Jindal Power & Steel được điều hành bởi người con trai thứ là Naveen. Còn người con trai út hiện làm công việc tìm và mua lại những công ty phá sản.
Alice Walton – 46 tỷ USDVị trí: 16Chủ tịch bảo tàng Crystal Bridges Museum of American ArtMỹ 68 tuổi
Alice Walton là con gái duy nhất của nhà sáng lập Walmart, Sam Walton. Dù có người cha quyền lực trong giới bán lẻ, Alice lựa chọn theo con đường hội họa thay vì gia nhập Walmart như hai người anh họ là Rob và Jim.
Năm 2011, nữ tỷ phú thành lập bảo tàng Crystal Bridges Museum of American Art tại quê nhà Bentonville, Arkansas. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm được yêu thích như của Andy Warhol, Norman Rockwell và Mark Rothko.
Mỗi tác phẩm cá nhân có giá từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD.
Iris Fontbona và gia đình – 16,3 tỷ USDVị trí: 80Chile 75 tuổi
Iris Fontbona là vợ của Andrónico Luksic, người đã tạo nên khối tài sản khổng lồ từ khai thác mỏ và kinh doanh đồ uống trước khi chết vì ung thư năm 2005.
Sau sự ra đi của Andrónico, Iris và các con trai tiếp quản công việc điều hành Antofagasta Plc. Công ty sở hữu mỏ đồng tại Chile và niêm yết trên sàn chứng khoán London.
Yoshiko Mori – 2,5 tỷ USDVị trí: 965Nhật Bản77 tuổi
Người phụ nữ giàu nhất nước Nhật, Yoshiko Mori là vợ của tỷ phú bất động sản Minoru Mori. Sau khi ông qua đời vào năm 2012, bà thừa kế môt phần tài sản, trong đó có cổ phần tại hãng bất động sản mang tên chồng, Mori Building.
Mori Building nổi tiếng với nhiều dự án lớn ở Tokyo, như khu phức hợp Roppongi Hills. Ngoài ra, công ty còn là đồng phát triển của tòa tháp Shanghai World Financial Center, một trong những tòa nhà cao nhất Trung Quốc.
Heidi Horten – 3,4 tỷ USD Vị trí: 679Áo77 tuổi
Chồng của Heidi Horten là Helmut Horten, người sáng lập chuỗi siêu thị Horten AG từ năm 1936. Năm 19 tuổi, bà gặp ông trong một quán bar ở Áo vào năm 1959, khi đó vị doanh nhân đã ở độ tuổi 50. Ông qua đời vào năm 1987, để lại cho vợ một tỷ USD và khối tài sản liên tục sinh sôi từ đó đến nay.
Bà hiện có tên trong hội đồng quản trị của quỹ từ thiện mang tên chồng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu y học và nhiều cơ sở chăm sóc y tế.
Maria Fernanda Amorim và gia đình – 5,1 tỷ USDVị trí: 382Bồ Đào Nha83 tuổi
Nữ tỷ phú là vợ của tỷ phú Bồ Đào Nha Americo Amorim. Sau cái chết của chồng năm 2017, Maria cùng ba người con gái nhận thừa kế từ khối tài sản hàng tỷ USD.
Hiện tài sản lớn nhất của Maria là 18% cổ phần từ Galp Energia, công ty sản xuất xăng dầu của Bồ Đào Nha. Công ty này hiện được con gái cả của bà điều hành.
Người chồng quá cố của bà, ông Americo đã dành sáu thập kỷ trong công ty của gia đình là Corticeira Amorim, công ty chuyên sản xuất nút chai có từ năm 1870. Ngoài ra, ông có khoản đầu tư vào một công ty năng lượng và một số ngân hàng tại nhiều quốc gia.
Maria Helena Moraes Scripilliti – 2,6 tỷ USDVị trí: 924Brazil87 tuổi
Tài sản mà Maria Helena Moraes Scripilliti có được bắt nguồn từ người cha quá cố. Cha bà từng mua lại một nhà máy dệt vào năm 1918, rồi sáng lập ra Grupo Votorantim và biến nó thành một trong những tập đoàn lớn nhất Brazil hiện nay. Việc mở rộng quy mô tập đoàn cũng có công sức của người chồng quá cố của bà vào giai đoạn những năm 1960 đến 1970.
Votorantim hiện có mặt tại hơn 20 quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực nhôm, bột giấy và giấy, năng lượng, kinh doanh nông nghiệp, xi măng.
Hiện nay, gia đình bà vẫn nắm giữ 100% hoạt động kinh doanh. Người em trai cũng là một tỷ phú.
Semahat Sevim Arsel – 2,6 tỷ USDVị trí: 924Thổ Nhĩ Kỳ89 tuổi
Là người chị cả của gia tộc Koc nổi tiếng, Semahat Sevim Arsel thừa kế lượng cổ phần lớn nhất từ khối tài sản của gia đình.
Tập đoàn Koc Group chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, tự động hóa, hàng tiêu dùng nhanh và tài chính. Các hoạt động khác bao gồm kỹ thuật, thực phẩm, bán lẻ, du lịch, nông nghiệp và đóng tàu.
Bà Semahat Arsel chịu trách nhiệm điều hành mảng kinh doanh du lịch của gia đình. Chồng bà đã qua đời năm 2014 ở tuổi 92.
Hai chị em gái của bà cũng là những tỷ phú đôla.
Ana Maria Brescia Cafferata – 1,5 tỷ USDVị trí: 1.561Peru93 tuổi
Khối tài sản của bà nằm trong 30% cổ phần của Grupo Breca, công ty chuyên đầu tư vào nông nghiệp, tài chính, khách sạn, khai thác mỏ và bất động sản.
Công ty này do người cha quá cố sáng lập nên. Sau khi bố bà qua đời, tài sản do hai người anh trai quản lý cho đến khi họ lần lượt qua đời vào năm 2013 và 2014. Ngày nay, Grupo Breca sở hữu thương hiệu Tasa, một trong những nhà cung cấp thực phẩm làm từ cá lớn nhất thế giới.
Yupa Chiaravanond – 1,1 tỷ USDVị trí: 1.999Thái LanTuổi: Không có thông tin
Yupa Chiaravanond đến từ gia tộc nổi tiếng ở Thái Lan điều hành tập đoàn Charoen Pokphand Group.
Đây là năm đầu tiên cô có tên trong câu lạc bộ tỷ phú đôla của Forbes nhờ vào 3,6% cổ phần tại tập đoàn CP Group. CP hiện hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ thực phẩm, bán lẻ, bất động sản và bảo hiểm.
Theo Vnexpress