Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Những phương pháp kỷ luật trẻ sai lầm bất cứ bậc phụ huynh nào cũng có thể mắc phải mà không biết

Khi con của bạn làm sai một điều gì đó, việc kỷ luật trẻ sẽ là cách để cảnh báo trẻ rằng điều đó là sai và hãy đặt ra những ranh giới cho những vi phạm đó. Mục tiêu cuối cùng của việc kỷ luật một đứa trẻ là giúp cho trẻ học được cách đưa ra những lựa chọn tốt cho bản thân mình.

Xem thêm  'Tôi bị đánh, bắt quỳ xin lỗi phụ huynh và học trò'

Để hướng trẻ tới những hành vi tích cực, các bậc cha mẹ thường sử dụng nhiều cách thức kỷ luật khác nhau, và không phải bao giờ những cách thức đó cũng đúng. Dưới đây là một vài phương pháp kỷ luật trẻ sai lầm mà bạn có thể mắc phải trong khi dạy con.

1. Thể hiện sự giận dữ quá mức

Sự giận dữ mất kiểm soát của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự tiếp thu lời dạy bảo ở trẻ (Ảnh minh họa)

Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất giận dữ khi chứng kiến hành vi sai trái của con mình, do đó sự giận dữ dẫn đến mất kiểm soát có thể làm cho con bạn không thực sự lắng nghe được lời dạy bảo. Nếu như bạn thường xuyên giận dữ và la hét với trẻ, dần dần trẻ sẽ miễn nhiễm với điều đó và chúng sẽ không còn tác dụng nữa. Điều tốt nhất là bạn nên nói chuyện với trẻ thật nhẹ nhàng, giải thích cho trẻ hiểu về tác hại của những hành vi không tốt và lí do ta không nên thực hiện nó.

2. Nhắc lại lỗi lầm của trẻ trong quá khứ

Khi trẻ phạm một lỗi sai nào đó, đừng nghĩ rằng điều đó sẽ tiếp tục xảy ra. Trẻ có thể sẽ rất xấu hổ nếu như bạn cứ nhắc mãi về một hành động lầm lỡ nào đó mà trẻ đã thực hiện trước kia. Việc mà bạn cần làm là bỏ qua những lỗi lầm trong quá khứ và tin tưởng trẻ đã học được một bài học thích đáng và sẽ hành động đúng đắn hơn.

3. Phán xét trẻ khi không chắc chắn về sự thật

Thông thường, khi có xung đột giữa các anh chị em trong gia đình, đứa trẻ lớn thường bị cha mẹ chỉ trích đầu tiên mặc dù chưa tìm hiểu nguyên nhân (Ảnh minh họa)

Một trong những hành động của các bậc cha mẹ khi thấy một điều sai trái xảy ra khi có con mình ở đó là chỉ trích trẻ ngay lập tức. Ví dụ như 2 anh em cùng nhau chơi đùa, đột nhiên đứa em nhỏ khóc trong khi cậu anh lớn đang cầm trên tay món đồ chơi. Đa số các bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng đứa con lớn giành đồ chơi của em và mắng đứa con lớn, tuy nhiên nếu như bạn chưa chắc chắn về điều gì, đừng phán xét trẻ. Việc của bạn là nhẹ nhàng phân tích và an ủi trẻ, cũng như dạy cho trẻ cách san sẻ đồ chơi cùng với bạn bè và anh em trong nhà.

4. Đe dọa trẻ nhưng không thực hiện

Nếu như trẻ nhà bạn quá mải mê với ti vi mà quên làm bài tập về nhà, bạn nói với trẻ rằng sẽ không cho xem ti vi nữa nếu như trẻ không hoàn thành bài tập. Tuy nhiên, bạn lại nhanh chóng quên đi và không thực hiện lời nói đó, điều này làm cho trẻ nhận ra rằng bạn không làm như những gì bạn đã hứa, trẻ sẽ không sợ và không chấm dứt hành động của mình. Do đó bạn hãy đảm bảo rằng thực hiện được những lời nói của mình.

5. Bỏ bê việc dạy dỗ trẻ

Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ rằng, cách kỷ luật khi trẻ phạm một lỗi nào đó là chỉ cần chỉ ra điều đó không đúng và hậu quả của việc làm. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lại quên không dạy trẻ về cách thức để thực hiện đúng điều đó. Ví dụ như nếu như con bạn thích thú với việc nhảy nhót trên ghế sofa, thay vì chỉ bảo trẻ ngừng nhảy, hãy dạy trẻ rằng, ghế sofa là để ngồi chứ không phải là một thứ đồ chơi.

6. Cảm giác tội lỗi

Đôi khi các bậc cha mẹ có cảm giác tội lỗi khi phải la mắng hay chỉ trích trẻ, tuy nhiên đây là một điều cần thiết để giúp trẻ điều chỉnh hành vi của mình (Ảnh minh họa)

Các bậc cha mẹ thường có cảm giác tội lỗi khi phải la mắng hay chỉ trích trẻ vì điều này có thể làm cho trẻ cảm thấy bị tổn thương. Tuy nhiên, đây là một trong những cách giúp điều chỉnh hành vi của trẻ theo hướng tích cực và có trách nhiệm với mọi thứ mình làm.

7. Treo thưởng

Nói với trẻ rằng con sẽ nhận được một phần thưởng nào đó nếu như không thực hiện hành vi sai trái đó nữa chỉ là một biện pháp ngắn hạn. Việc này có thể gây ra tác dụng ngược lại nếu như trẻ nghĩ rằng, trẻ sẽ nhận được phần thưởng mỗi khi làm bạn hài lòng. Hãy dạy cho trẻ rằng, hành vi tốt là điều nên làm và nó thực sự có lợi cho chính bản thân trẻ.

8. Sử dụng hình phạt thể xác

Nhiều chuyên gia cho rằng, đánh đòn không phải là một phương pháp tích cực để nuôi dạy một đứa trẻ (Ảnh minh họa)

Đánh đòn khi trẻ phạm lỗi sai luôn là một chủ đề gây tranh cãi trong các phương pháp nuôi dạy con. Trong khi một số trường phái suy nghĩ rằng, việc sử dụng hình phạt thể xác có tác dụng rất tốt trong việc kỷ luật trẻ, thì phần lớn đều cho rằng việc sử dụng phương pháp này có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, gây ra sự thù địch trong quan hệ gia đình thay vì tôn trọng.

Kim Vi – Helino

Link