Chúng ta ai cũng có lúc bản thân hoặc người thân bị bệnh, phải thăm khám bác sĩ, nằm viện. Với bệnh khó chữa như tiểu đường, tim mạch, ung thư… thậm chí là hành trình dài và khó.
Các bạn hãy làm những công việc mà người bác sĩ, điều dưỡng khó có thể hoặc không thể làm được cho người bệnh. Không nên nhảy vào những công việc mà chuyên môn mang tính quyết định, ví dụ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Lợi thế đặc biệt để các bạn hỗ trợ người thân mà người nhân viên y tế ít có được, chính là tình cảm (tấm lòng) đối với người thân và thời gian.
Người bệnh nhân cần gì ở bạn?
Cần bạn hỗ trợ bồi dưỡng cho họ mạnh mẽ lên để chiến thắng ung thư!
Vậy người bệnh cần bồi dưỡng gì? Bí quyết nằm ở 3 chữ “B” là: Bồi dưỡng thể chất – Bồi dưỡng tinh thần – Bồi dưỡng vận động. Ba lĩnh vực bồi dưỡng này đan chặt vào nhau.
Ở vị trí là người thân, bạn có thể góp công góp sức, góp thời gian, góp tình cảm để hỗ trợ người bệnh cả ba mặt bồi dưỡng, nhưng đặc biệt hữu ích và hiệu quả ở mặt bồi dưỡng tinh thần.
Ở đây tôi chỉ xin gợi ý một số việc làm hỗ trợ cụ thể mà thân nhân của người bệnh nên làm. Các bạn xem đó là ví dụ rồi đọc kỹ lý thuyết bồi dưỡng nghĩ ra thêm những việc mình có thể thực hiện nhé.
1. Bồi dưỡng thể chất
Người bệnh nhân nghèo cần được hỗ trợ vật chất để có điều kiện bồi dưỡng thể chất. Không chỉ là giúp cụ thể tiền bạc, mà có thể giúp một cách tế nhị , tình cảm hơn, khiến việc hỗ trợ bồi dưỡng thể chất đồng thời là bồi dưỡng tinh thần.
Ví dụ: ” Hôm nay thấy gạo này ngon, tiện tay quá tôi mua tặng chị 20 kg), hoặc ” Ngày qua thấy trứng gà nhà tốt quá tôi mua chục trứng này biếu chị”…..
(Ảnh minh họa)
Đối với bệnh nhân gia cảnh khá giả có thể không cần hỗ trợ tiền bạc vật chất để bồi dưỡng thể chất. Nhưng vẫn có cách để hỗ trợ họ: tổ chức nấu ăn thân mật gia đình; đến bữa ăn con cái luôn chạy về dùng bữa cùng người bệnh, bạn bè mời nhau đi ăn trưa chung ở sở làm. . . .vv..
Những việc làm tăng đầm ấm tình người làm tăng ngon miệng cho người bệnh, hiệu quả bồi dưỡng được nâng lên.
Người thân còn hỗ trợ người bệnh về bồi dưỡng thể chất qua việc cảnh tỉnh giúp cho người bệnh (thường bị xáo trộn tinh thần), giúp họ những lời khuyên bồi bổ sáng suốt. Ví dụ can ngăn chạy theo thực phẩm chức năng, tránh bị sa vào cạm bẫy, mánh khóe của những người buôn bán thực phẩm chức năng… vô ích mà tốn tiền.
2. Bồi dưỡng tinh thần
Đồng quà tấm bánh tuy không có giá trị bồi bổ vật chất bao nhiêu, nhưng có giá trị tinh thần cực lớn, kể cả những người có tiền hoặc không ăn cũng quý trọng những món quà rẻ tiền nhưng mang nhiều ý nghĩa quan tâm, thương mến… Những lời thưa gửi, chào hỏi, động viên được nhắc đi nhắc lại thường xuyên là không bao giờ thừa và là vô cùng quý báu.
Dành cho nhau thời gian đi uống cà phê, giải khát để nói chuyện tâm tình, dành cho nhau thời gian đi thưởng thức văn hóa văn nghệ, thú tiêu khiển lành mạnh…. là những việc làm người bác sĩ khó có thể thực hiện.
3. Bồi dưỡng vận động
Dành thời gian tập thể dục buổi sáng, đi tắm nắng, chơi thể thao với nhau. Với người bệnh quá yếu thì dành thời gian đến kè vai xốc nách giúp người bệnh tập đi đứng…
Rất nhiều việc làm hữu ích để hỗ trợ người bệnh ung thư, mà người thân của bệnh nhân ung thư với cái tâm và thời gian của mình có thể thực hiện.
Ba tiến sĩ Việt ở nước ngoài: 9 ngộ nhận phổ biến về tế bào gốc
theo Trí Thức Trẻ