Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Nỗi ám ảnh trong những ‘làng ung thư’

Đằng sau số phận của những “ngôi làng ung thư” là nỗi sợ bao trùm về môi trường sống tại Việt Nam.

Thứ gọi là “làng ung thư” có thật sự tồn tại?

Khái niệm này phổ biến trong truyền thông hơn một thập kỷ qua. Nó mô tả những địa phương nơi người dân tin rằng có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn mặt bằng chung – và việc này diễn ra mang tính quy luật, lâu dài, bởi một nguyên nhân bí ẩn nào đó.

“Làng ung thư” tồn tại nôm na như một ý niệm dân gian cho đến tháng Một năm 2015. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố một danh sách “làng ung thư” với 37 địa danh. Lần đầu tiên, “làng ung thư” được chính thức hóa bởi một cơ quan nhà nước.

Sau sự kiện gây chấn động đó, Bộ Y tế vào cuộc nghiên cứu và khẳng định: “Chưa thấy bất thường ở các làng ung thư tại Việt Nam”. Tỷ lệ mắc ung thư, cũng như chất lượng nguồn nước tại 10 ngôi làng mà Bộ Y tế khảo sát lại, không tìm thấy điểm đặc biệt. Nói ngắn gọn: không có cái gọi là làng ung thư.

Liệu “làng ung thư” có phải chỉ là một truyền thuyết? Hay rộng hơn, liệu nỗi sợ ung thư của người dân Việt Nam có chính đáng?

Năm 2018, VnExpress khảo sát lại 3 ngôi làng nằm trong danh sách  từng được công bố: làng Lũng Vị ở Chương Mỹ, Hà Nội; làng Mẫn Xá ở Yên Phong, Bắc Ninh và làng Phước Thiện ở Bình Sơn, Quảng Ngãi; đồng thời phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành về ung thư tại Việt Nam, để đi tìm câu trả lời cho khái niệm “làng ung thư”.

Câu trả lời tìm được, là làng ung thư vừa tồn tại vừa không tồn tại. Chúng không tồn tại, vì không hề có cơ sở khoa học để khẳng định rằng mảnh đất này có nguy cơ mắc ung thư cao hơn mảnh đất khác. Với tỷ lệ tử vong vì ung thư trong cả nước hơn một phần nghìn – thuộc nhóm trung bình của thế giới – thì một ngôi làng nhỏ 2.000 dân có thể chứng kiến 3 người ra đi mỗi năm vì căn bệnh quái ác. Điều đó dễ tạo một cảm quan sai.

Chính quyền địa phương, khi được hỏi, đều khẳng định không có chuyện tỷ lệ chết vì ung thư cao bất thường.

Nhưng khái niệm “làng ung thư” vẫn thực sự tồn tại, thậm chí rõ nét, trong niềm tin của người dân. Ở các “làng ung thư”, con người suy nghĩ và sinh sống theo những cách khác biệt, nhằm đối phó với nỗi sợ bệnh tật.

Điểm chung của Lũng Vị, Mẫn Xá và Phước Thiện gợi ý rằng đằng sau sự tồn tại của các “làng ung thư” bất chấp lý luận khoa học, thực ra là một nỗi sợ lớn hơn. Đó là nỗi sợ môi trường sống và cách mà chính quyền phản ứng với những vấn đề môi trường.

Nhận khoản vay 30 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo của Hội phụ nữ, khoản đầu tư đầu tiên của chị Hoàng Thị Thắm là một máy lọc nước thông minh 9 lõi, giá gần 10 triệu đồng.

Khoản đầu tư thứ hai cũng liên quan đến nước sạch. Thắm tiêu hết 19 triệu cho việc khoan giếng, vì phải đến lần thứ ba máy khoan mới gặp được vị trí có mạch ngầm.

Gần như toàn bộ số tiền vay với mục đích thoát nghèo, được đầu tư cho hệ thống nước sinh hoạt. Với tổng thu nhập hàng tháng khoảng 6 triệu, Thắm sẽ phải trả khoản nợ này từ 7 đến 10 năm.

Đa số người dân Lũng Vị quê chị không dư giả, vẫn mạnh tay vay mượn và chi một số tiền lớn cho nước. Lý do: họ được định danh là một “làng ung thư”.

Sau thời điểm tháng 1/2015, khi bị gọi tên làng ung thư, chồng Thắm và bố mẹ hầu như không vắng mặt trong những cuộc chuyện trò với giới báo chí và nhà chức trách về vấn đề nước sạch. Người chồng nói với vợ rằng phải tích cực chia sẻ, phải lên tiếng nhiều vào, phải hy vọng về việc cải thiện nguồn nước của làng mình. Anh tin rằng: “Thế nào cũng sẽ có ngày người ta làm điều gì đó”.

Chồng Thắm đã không chờ được đến ngày “người ta làm gì đó”. Anh qua đời 28 Tết Mậu Tuất vì ung thư xương, nửa năm sau ngày phát hiện bệnh và hơn tám tháng sau ngày vợ mua cái máy lọc nước bằng vốn vay thoát nghèo từ Hội phụ nữ xã.

Mỗi căn nhà ở Lũng Vị đều sử dụng nước từ một hệ thống lọc phức tạp.

Người Lũng Vị không thích cái danh hiệu làng ung thư, cũng không thích người ngoài gọi làng mình với cái tên ấy. Ngôi làng thuần nông, cách trung tâm Hà Nội 30 km, chuyên trồng lúa và làm mây tre giang, thế mà lọt danh sách những làng “có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất”. Nhưng người Lũng Vị vẫn tin rằng người làng mình chết vì ung thư nhiều thật. Đi đến đâu cũng có thể nghe họ thao thao bất tuyệt về nhà này có người bị ung thư gan, người kia bị ung thư phổi.

Vợ chồng anh Chính, chị Ca bị ung thư não và vòm họng.

Nhà bà Hòa, chồng chết vì ung thư. Bố chồng bà và bốn người con ruột cũng chết vì ung thư.

Nhà bà Tuất, năm người con trai liên tiếp ra đi vì ung thư phổi, gan và tuyến tụy. Trên báo chí, người Lũng Vị nhấn mạnh vào cái năm 2014, năm có 8 người làng mất vì ung thư, chứ không chia trung bình các năm khác.

Sau khi cơ quan của Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra công bố, Bộ Y tế đã tiến hành một cuộc điều tra tình hình ung thư lại các ngôi làng nằm trong danh sách. Chuyên gia của Bộ đã khảo sát, đánh giá tỷ lệ mắc ung thư, lấy mẫu nước ăn uống, sinh hoạt ở các làng để xét nghiệm.

Theo Bộ này, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân khu vực được điều tra chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các tác nhân có khả năng gây ung thư. Nên chưa thể kết luận được mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước.

Bà Đỗ Thị Tiến tin rằng “nước bẩn” đã khiến Lũng Vị thành làng ung thư.

“Ở đây ung thư thì chỉ có tại nước bẩn chứ gì nữa”, bà Đỗ Thị Tiến cào cào mái tóc ngắn vừa mọc lên sau những lần điều trị, khẳng định về nguồn gốc “án tử” của mình.

Bà Tiến gọi ngày 11 tháng 4 năm 2017 là ngày “nhận án tử” khi nghe bác sĩ kết luận bị ung thư phổi. Gần hai năm đau tức ngực và ho dai dẳng, bà chủ quan, nghĩ bệnh của người già. Chỉ đến khi ho sù sụ rồi sụt cân, bà mới bảo con trai đưa đi đám.

Gần hai năm đi viện để lại cho gia đình bà Tiến khoản nợ hơn 400 triệu đồng, những phim siêu âm, bệnh án chất đống và hơn 50 loại thuốc mà bà không nhớ tên, chỉ phân biệt bằng màu sắc.

Bà tin vào kết luận “nguồn nước làng này ô nhiễm nặng”, vì đó là “nghiên cứu của chuyên gia”. Người Lũng Vị ngoài kiểm đếm lại những cái chết, còn bắt đầu truy tìm nguồn gốc. Người ta tin rằng tử thần sống trong nguồn nước, hoài nghi cả cái giếng làng bao năm qua.

Giếng làng nằm cách cổng nhà chị Thắm vài chục mét, được quây rào sắt, bên trên có mái che. Giếng có từ khi nào các cụ cao tuổi cũng không biết, chỉ nhớ hồi nhỏ đã ăn nước giếng này. Thành giếng bằng đá ong phủ một hàng dương xỉ trên lớp rêu xanh. Chỗ này xưa trai gái hay hò hẹn, giờ là nơi người già ngồi chuyện phiếm. Cái giếng tồn tại trong ký ức người quê như mảnh hồn làng.

Giếng làng Lũng Vị – nguồn cấp nước sinh hoạt chính của dân.

Nhưng rồi người ta thấy nước giếng “bỗng dưng đục ngầu và có mùi khó chịu” khoảng hai chục năm nay. Chị Thắm tin rằng vì thôn này nằm ở vùng trũng. Cái giếng lại ở nơi trũng nhất làng nên bao nhiêu nước thải từ nhà dân, của cơ sở mây tre giang đều dồn về đây, rồi ngấm xuống đất.

Nhưng nghi ngờ mấy, dân Lũng Vị vẫn phụ thuộc vào nó. Lòng giếng bây giờ vẫn chi chít hàng chục ống nhựa để hút nước về các hộ xung quanh. Có lúc giếng làng cũng cạn trơ đáy bùn. Khi ấy, người Lũng Vị sẽ “đứng đợi bơm nước như xếp hàng mua đồ tem phiếu thời bao cấp”.

Thắm giờ sống bằng nghề đan mây tre giang và làm phụ bếp trong khu công nghiệp. 20 nghìn kiếm được mỗi ngày từ nghề thủ công truyền thống của làng, chỉ vừa đủ mua một bình nước loại 20 lít, để nấu ăn và đun lên uống. Ba năm nay, chị phải chi mỗi tháng 600 nghìn đồng chỉ để đổi lấy nước ăn, sau khi giếng đào trong nhà mất nước, phải dùng nước giếng làng và chưa vay được tiền khoan giếng mới.

Nhà Thắm, nhà bà Tiến cũng như những gia đình Lũng Vị khác, đều phân chia các loại nước dùng riêng : nước từ giếng làng, giếng đào dùng để tắm giặt; nước giếng khoan để rửa rau, rửa bát; và nước đóng bình loại 20 lít dùng để uống, nấu cơm.

Xem thêm  Bài tập đơn giản giúp người đàn ông mắc ung thư vòm họng vẫn sống khoẻ mạnh gần 50 năm

Tất cả các loại nước trên đều phải qua hai tầng bể lọc, mỗi tầng hơn nửa bể cát, hoặc qua cái máy lọc 9 lõi trị giá hàng chục triệu đồng.

Một người dân làng làm thử nghiệm để chứng minh nước bẩn.

Từ chỗ bị gán danh hiệu “làng ung thư”, nhiều người dân Lũng Vị bây giờ đi thuyết phục ngược giới truyền thông rằng mình thực sự là “làng ung thư”. Họ tự làm thí nghiệm để chứng minh với nhà báo: một người cầm hai chiếc cốc thủy tinh giơ lên cho nhà báo chụp ảnh; một hút từ giếng không qua bể lọc, đun lên để pha chè tươi thì chuyển màu nâu tím; cốc được lọc rồi thì có màu vàng. Những thí nghiệm giản đơn chỉ để chứng minh “nguồn nước có vấn đề”.

Người dân Lũng Vị còn đưa ra thêm các giả thiết về nguồn nước thải của nhà máy sữa, nhà máy bia, nhà máy nhuộm màu sản phẩm mây tre giang, của xưởng nung gạch, của bãi tập kết rác…

Chị Thắm tin nước giếng làng rất bẩn, nhưng bà Nga sống ở đầu thôn thì quả quyết cái mương nước gần nhà mới là nơi ô nhiễm nhất xóm. Khi cứ lội xuống là bị mẩn ngứa. Bà nghi ngờ cả ruộng rau muống xanh tốt ở gần mương nước ấy, cho dù thường ngày vẫn ăn rau từ ấy.

Dân Lũng Vị sợ, một phần quan trọng vì họ không có lý do để từ bỏ nỗi sợ. Mười năm sau ngày trở thành một phần của Hà Nội, “đường ống cấp nước sạch” vẫn là một tham vọng xa xỉ của người dân vùng này.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện có 13 công trình cấp nước thì chỉ 4 công trình hoạt động. Chỉ khoảng 20% số hộ tại huyện này được sử dụng nước sạch. Dự án cấp nước sạch cho 16 xã của Chương Mỹ được phê duyệt từ tháng 10/2013, và theo tiến độ phải hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng.

Các công dân thủ đô vẫn phải trông vào cái giếng làng, những máy lọc nước và giếng khoan vay mượn để mua, để đào trong nhiều năm nữa và tiếp tục trung thành với nỗi ám ảnh “làng ung thư”.

Nhà của trưởng thôn Mẫn Văn Tán che một tấm bạt xanh lớn trước cửa chính. Ông Tán mở hé cửa đón khách vào, rồi lại đóng chặt ngay. Ông kéo nửa tấm bạt phủ tràng kỷ ra để mình ngồi, kéo nửa tấm bạt ở ghế đối diện mời khách rồi lật một tấm che mặt bàn để tìm bộ ấm pha trà. Đồ đạc trong căn nhà này đều được đậy điệm kỹ càng như thế.

Khác với người Lũng Vị phòng bệnh bằng máy lọc nước, người dân Mẫn Xá, Yên Phong, Bắc Ninh lại có thói quen che và bọc kín tất cả đồ đạc để chống bụi và khói nhả ra từ 300 ống khói của các lò tái chế. Ở Mẫn Xá, trung bình cứ 3 nóc nhà, sẽ có một ống khói xưởng nhôm.

Ông Tán trong căn nhà toàn bộ nội thất được phủ vải.

Người dân Mẫn Xá – một nơi cũng mang tên gọi “làng ung thư” – không mất nhiều thời gian suy đoán về lý do mình mang tên gọi này. Mẫn Xá chuyên tái chế nhôm. Ngôi làng lúc nào cũng phủ một lớp sương bụi màu xám. Đến nỗi một thanh niên phóng xe đạp điện qua, còn ngoái lại nhắc đám người lạ mới đến làng: “Đeo khẩu trang vào, không thì chết ngạt”. Những ngóc ngách trong thôn không mấy khi lọt nắng nhờ vào bóng hàng loạt nhà cao tầng bề thế.

Ông Tán người gốc Mẫn Xá. Ông không nhớ làng này khởi nghiệp bao giờ, chỉ biết năm 1968 khi bước chân vào nghề đúc nhôm thì cả làng đã 6 hộ có xưởng. Họ tìm mua xác máy bay Mỹ bị bắn rơi về đúc lại thành xoong, nồi, thau chậu đem bán, gò hàn theo yêu cầu. Xỉ nhôm sau đấy được gom lại bán về Thái Bình, Nam Định để chế biến thành phèn.

Từ năm 2000, người Mẫn Xá đua nhau lập xưởng tái chế, giờ có trên 300 hộ làm nhôm. Các xưởng không còn đúc đồ gia dụng từ nhôm phế liệu mà chuyển hẳn sang đúc nhôm thỏi nguyên liệu từ đồ tái chế, chủ yếu từ lon nước giải khát và via nhôm của các nhà máy lớn bán lại. Những hộ không có lò sẽ đảm nhận khâu thu mua, vận chuyển.

Ông nghỉ làm nghề từ hơn 20 năm trước, truyền nghề cho cả bốn đứa con. Xưởng của chị Thảo, con dâu ông nằm ngay đầu làng. Xưởng rộng 300 m2, có 4 lò nung và 6 người làm công đều từ nơi khác đến. Trong đó có anh Thân Văn Hữu, 37 tuổi, người Phú Bình, Thái Nguyên.

Anh Thân Văn Hữu – nhân công làng nghề tái chế nhôm.

Công việc thợ lò cho Hữu mức thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi tháng. Sau gần một năm, anh đủ sức trả khoản nợ trăm triệu và chuẩn bị xây một căn nhà ba tầng.

Công việc của người thợ hàng ngày là cho từng khối 30 kg vỏ lon đã ép, chất cao đến nóc xưởng vào lò. Nhôm lỏng đổ vào các khuôn chữ nhật bằng gang cho nguội, chất thành thỏi vuông vắn vào một góc. Phần xỉ nhôm trên sàn được nung lần tiếp theo, cho thỏi nhôm loại 2. Tro xỉ được hớt ra từ công đoạn này trở thành rác thải.

Những ngày đầu, Hữu tức ngực khó thở vì hít khói than. Sau ba tháng, mỗi ngày mười tiếng đứng cạnh cái lò rừng rực nghìn độ C để nung nhôm, quấy chảo, anh đã quen tay, quen mùi, quen việc, quen với cái tức ngực. Hữu nhận thức rõ “không nghề nào độc như nghề này”.

Người làm công như Hữu, không quan tâm đến bảng danh sách các làng ung thư lắm. Câu cửa miệng của người làm nhôm làng này là “vẫn khỏe như vâm đấy thôi, có thấy ai bệnh tật đâu”.

Dù tuyên bố không quan tâm về danh sách làng ung thư,  người Mẫn Xá vẫn quan ngại về môi trường mình sống khi che kín đồ đạc, về bầu không khí mình hít thở hàng ngày khi nhắc nhở người đến làng phải đeo khẩu trang.

Trưởng thôn Tán không đi khám sức khỏe định kỳ, vì “vẫn thấy rất khỏe”. Nhưng ông tiếp tục duy trì thói quen “niêm phong” đồ đạc trong nhà bằng nylon, mua máy lọc nước và đào giếng sâu hơn 50 m như tất cả các hộ trong làng.

Nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP) tại các làng nghề nhôm của Văn Môn qua các năm. Nguồn: Bộ Tài nguyên.

Trên thực tế, các chỉ số ô nhiễm không khí tại các làng nghề nhôm của Văn Môn đã đáng báo động từ lâu. Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 cho biết, xét riêng chỉ số nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP), năm 2014 các làng nghề này đã vượt 5 lần quy chuẩn.

Một năm làm việc ở xưởng, Hữu đi khám định kỳ hai lần trên Hà Nội. Anh chủ yếu làm xét nghiệm, chụp chiếu gan, phổi. Kết quả đều bình thường. “Mới có một năm, cũng chưa biết trước điều gì”, Hữu nói.

Anh nhận thức được sự độc hại của nghề. Nhưng vì thu nhập mỗi tháng “bằng nửa năm đi làm công ty” hay bốc vác, giao hàng, những việc anh từng làm khi bôn ba trong Sài Gòn, Hữu không dễ dàng từ bỏ. Khi nào xây xong nhà, lo cho hai đứa con đi học trường tốt thì anh mới có thể tính tiếp.

Anh Hữu ý thức được sự độc hại, nhưng không muốn bỏ nghề.

300 kg xỉ nhôm xưởng của chị Thảo thải ra mỗi ngày được sẽ dồn vào bao tải, đem đổ hết ra khu đất sau làng. Người Thái Bình, Nam Định không còn thu mua tro xỉ làm phèn như ngày trước.

Khu đất rộng 30 hecta mà người làng này vẫn đổ hơn 20 tấn tro xỉ mỗi ngày, từng là cánh đồng lúa của Mẫn Xá, Phù Xá và Tiền Thôn. Nhưng từ khi trở thành nơi tập kết tro xỉ, những vụ lúa đã không còn trổ bông.

Cách giải quyết, theo lãnh đạo xã là “đưa hết các lò tái chế vào khu làng nghề”. Nhưng làng nghề vẫn nằm trên giấy. Cánh đồng nơi bà con đổ xỉ nhôm giờ mang tên gọi “Dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, Văn Môn, Hưng Yên”, được ký ngày 23 tháng 8 năm 2016. Hai năm sau, dự án đã “giải phóng mặt bằng 90% diện tích”, theo chia sẻ của của ông Nghiêm Xuân Xô, cán bộ môi trường xã Văn Môn.

Điểm chung quan trọng nhất của hai “làng ung thư” Lũng Vị và Mẫn Xá là đều có một dự án treo liên quan trực tiếp đến môi trường sống. Huyện ký, xã chờ, còn người dân thì đã không còn quan tâm.

Chính quyền Văn Môn nghiêm cấm các hộ sản xuất đổ tro xỉ ra cánh đồng, nhưng cũng không biết cho đổ đi đâu. Thế nên, bãi xỉ cứ dày lên mỗi ngày, lấp dần các ruộng lúa. “Vấn đề môi trường ở Mẫn Xá rất khó xử lý, vì liên quan sinh kế”, ông Xô kết luận.

Xem thêm  CHUYỆN CON TINH TRÙNG: Bố mẹ đã biết dạy con bài học giới tính bé được sinh ra từ đâu chưa?

Những hộ sản xuất như chị Thảo không phản đối vào cụm làng nghề, “nhưng trước tiên phải xây nó lên đi đã”.

Những buổi chiều ở Phước Thiện thường mang một khung cảnh giống nhau. Đám trẻ con nô đùa trên bãi cát, chạy theo những con sóng. Nam nữ ngồi chuyện trò trên vành những chiếc thuyền thúng được kéo vào bờ tránh sóng. Ở phía xa hơn, hội thanh niên cơ bắp lực lưỡng bưng từng thùng dầu, cây đá chuyển ra thuyền chuẩn bị ra khơi. Ngôi làng hình cánh cung nằm bên bờ biển Quảng Ngãi, rộng 3 km là nơi chen chúc của hơn 1.500 nóc nhà.

Bà Liên ngồi trước cửa nhà, nhìn những gia đình phụ nhau vá lưới, lại nhớ chồng. Năm trước, tại chính khoảng sân hướng ra biển này, phu phụ cũng ngồi cạnh nhau vừa hàn huyên, vừa đan lưới như bao người.

Bà Liên – một cư dân làng chài Phước Thiện.

Ông Hiền ra khơi từ thời niên thiếu. Cưới nhau rồi, ông phụ vợ buôn cá, lại lo cho 5 đứa con thành gia thất đâu đấy mới tiếp tục ra khơi, từ đêm đến sáng, kiếm mỗi hôm vài trăm ngàn. “Ổng lo cho gia đình dữ lắm”, bà Liên nhớ lại. Ngày xưa, chiều Chủ nhật nào, đôi vợ chồng già cũng dắt tay nhau đi nhà thờ cầu nguyện. Ông Hiền đi cá đã ba chục năm, nhưng không chết vì bão biển.

“Tui mạnh ù vầy đẹp trai vầy mà ung thư gì ông”, ông Hiền vỗ ngực, dõng dạc nói với bác sĩ khi nhận được kết luận bệnh ung thư gan giai đoạn 3 từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Ông uống thuốc giảm đau qua loa rồi lại đi cá. Ngày bão đến, ông ngã quỵ xuống cát khi đang cùng hàng xóm chằng chống ghe thuyền. Lão ngư dân hay cười, hay khuyên thanh niên trong làng bỏ nhậu, hay hái bàng cho con nít, mỗi chiều Chủ nhật đều nắm tay vợ đi nhà thờ, chết sau ngày cơn bão ập về ba tháng.

“Ông Búp hàng xóm sang thăm, còn kêu tội nghiệp ông Hiền. Vậy mà ông Búp phát hiện ung thư ngay sau đó, chết trước chồng tôi cả tháng. Vợ ông Tư Thành mất vì ung thư mấy năm trước. Năm ngoái, chính ổng cũng bị phát hiện mắc ung thư gan”. Bà Liên lần đốt ngón tay, kể về những “thằng Dũng, ông Cửa, chị Xí, chị Đào”, người hoặc đã mất, hoặc đang trị bệnh ung thư trong làng, không giấu nổi âu lo. Có tháng đi 3, 4 cái đám tang mà về nhà hết nuốt nổi cơm.

Bà Liên trước bàn thờ chồng.

Người Phước Thiện đương nhiên không thoải mái với cái tên làng ung thư. Họ cho rằng không có con số thống kê để so sánh tỷ lệ ung thư ở Phước Thiện với những nơi khác.

“Dân số thôn Phước Thiện quá đông, bà con ở gần nhau nên cảm giác bệnh ung thư nhiều”, Phó Chủ tịch xã Bình Hải, Phạm Văn Xuyến giải thích.

Những cái chết liên tiếp vì ung thư khiến người Phước Thiện bắt đầu nghĩ khác. Mỗi lần đau bụng, ho, sốt hay hoa mắt, ù tai, họ đều nghĩ đến “ung thư” và đi khám ngay lập tức. Và vì chưa có kết luận chính thức nào về nguyên nhân, người dân bắt đầu nhìn vào môi trường sống hàng ngày. Rác thải, nguồn nước và mật độ dân số quá dày đều được cho là nguyên nhân.

Mỗi kilomet vuông của thôn có gần 1.800 người, gấp 6 lần mật độ dân số trung bình cả nước. Mật độ xây dựng dày đặc khiến khoảng cách từ giếng nước đến nhà vệ sinh quá gần. Nhiều nhà bên này là giếng nước, bên kia là nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh hàng xóm.

Rác thải của 6.000 con người thiếu đất, cũng nằm trong suy đoán về nguyên nhân của “những cái chết không ngờ”. Hai năm trước, thôn Phước Thiện từng phải thuê máy xúc chôn lấp hết rác ở Gành Mắm, nơi chất thải đã tồn đọng vài chục năm, không có cách xử lý. Riêng việc chôn số rác này đã cần đến mười ngày.

Mỗi buổi chiều, Nguyễn Văn Bình lái chiếc xe ba bánh đi quanh làng chài. Tiếng hô “Bà con ơi, rác nào bà con ơi” thay tiếng kẻng, len vào từng trục đường xương cá. Bình đợi cho kỳ được người cuối cùng cầm xô ra đổ rác mới đi sang con hẻm tiếp theo.

Khung cảnh làng chài Phước Thiện nhìn từ trên cao.

Sau ngày bị “chết tiếng” làng ung thư, người Phước Thiện mới ý thức về việc cải thiện môi trường sống, hòng tránh ung thư. Nhóm thanh niên Đoàn xã họp nhau, lập ra một đội gom rác bốn người. “Phải làm vì mình, vì bà con, không thì mọi người bệnh”, anh Bình cười, chỉ vào vết thương do mảnh sành trong túi rác cứa vào chân. Đội thu rác của anh Bình được trả công 2 triệu đồng mỗi tháng.

Và cũng như Lũng Vị, người dân Phước Thiện chi khoảng 100.000 đồng mỗi tháng để mua nước sạch. Nhưng để tiết kiệm, họ chỉ sử dụng nước này để nấu ăn, đun nước uống, còn tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh vẫn dùng nước từ giếng tự đào hoặc xách từ giếng làng gần đó.

Cái giếng đào nhà bà Liên nằm sát bờ biển, dùng cho tất tật các sinh hoạt như nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ… Đến mùa nắng, nước thường có vị mặn. Sau một thời gian dùng để đun, trong lòng cái siêu đóng lớp bợn trắng, vỡ từng mảng khi cạo ra. Ăn đời ở kiếp với biển rồi, bà Liên “không còn lựa chọn khác”.

Phó chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên, ông Phạm Văn Quyền từng đau đầu mỗi lần gặp thanh niên trong xã. Mấy năm nay, trai gái làng hễ gặp ông là kêu ca “Các chú các bác phải làm thế nào chứ, người ta gọi làng ung thư thì trai gái còn biết lấy ai nữa”. Họ đâm ra tự ti với bạn bè. Cả làng mang tiếng thì trai khó dựng vợ, gái khó gả chồng.

Ba năm trước, chị Thắm được bộ phận nhân sự nơi mình đang làm việc – một công ty liên doanh nước ngoài – cho đi kiểm tra sức khoẻ đột xuất. Họ yêu cầu khám ba lần ở những bệnh viện lớn của thủ đô, thay vì một lần tại xưởng như hàng năm.

“Nơi mình sống mang tiếng là làng có bệnh hiểm nghèo, nên chắc người ta cũng nghĩ mình có bệnh” – người phụ nữ vừa lo, vừa tủi.

Ông Quyền khẳng định Lũng Vị “không phải làng ung thư, hoàn toàn không có vấn đề nghiêm trọng về môi trường”. Nhưng làm thế nào để xóa đi danh hiệu này, chính ông cũng chưa có cách.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương kể rằng tỷ lệ mắc và chết vì ung thư ở một ngôi “làng ung thư” ông khảo sát, còn thấp hơn một số làng bên cạnh.

Nhưng hệ lụy về tình cảm thì nặng nề, khi trai gái làng mất cơ hội tìm hạnh phúc. Người dân thì dùng nhiều cách khác nhau để phòng tránh như sắm máy lọc, mua nước sạch từ nơi khác về dùng. Thậm chí, người ta tiếp thị sản phẩm nào tốt cho sức khỏe là tin theo. Hay thô sơ hơn, như người Mẫn Xá, là đóng kín mọi loại cửa nhà.

Khung cảnh làng tái chế nhôm Mẫn Xá.

“Hãy thật thận trọng khi sử dụng cái tên làng ung thư. Không nơi đâu trên thế giới dùng, ngoài Việt Nam. Đó chỉ là cách gọi đầy cảm tính, nhưng lại gây hoang mang trong xã hội và tổn hại tinh thần, lối sống, tình cảm, hạnh phúc gia đình của người dân những ngôi làng đó”, ông cảnh báo.

Thực tế tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao so với thế giới, khoảng 150 – 200 người/100.000 dân. Trong khi các nước cao ở vào mức 400 người/100.000 dân như Mỹ, Pháp, Anh.

Các nguyên nhân tử vong tại Việt Nam. Nguồn: WHO, 2014

Năm 2017 ở Việt Nam, cứ 100 người chết thì có 18 trường hợp do ung thư. Đây không phải nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất, so với bệnh tim mạch, 33 trường hợp. Nhưng ung thư lại là nỗi ám ảnh lớn hơn nhiều lần so với căn bệnh tim mạch, hay đại dịch AIDS và tai nạn giao thông.

“Làng ung thư ở Việt Nam hoàn toàn là vấn đề mang yếu tố tâm lý xã hội”, giáo sư Đức kết luận.

Trong buổi làm việc vào tháng 8/2018 của đoàn giám HĐND thành phố Hà Nội tại huyện Chương Mỹ, vấn đề cấp nước sạch lại được nêu lên. Kết quả buổi làm việc bao gồm một serie các động từ Hán Việt mẫu mực: lý do gồm “thiếu tích cực, thiếu chủ động phối hợp chặt chẽ”, “thiếu giám sát, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ khó khăn”; những đề xuất gồm “cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền các cấp” và “thực sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân”…

Ngay cả nếu lý do hình thành làng ung thư là “tâm lý xã hội”, thì trong các trường hợp cụ thể của các ngôi làng trong bài viết này, tâm lý ấy hoàn toàn chưa có lý do để thay đổi.

Theo vnexpress

Link gốc