Xét cho cùng, chúng ta là ai mà tự cho phép mình được quyền phán xét người khác? V.A sống cuộc đời của cô ấy, hành động theo suy nghĩ và ý chí của cô ấy. Đến giờ, V.A cũng đang và sẽ phải trả giá cho những lỗi lầm mà cô đã gây ra, không ai có thể gánh chịu thay được.
Những ngày vừa qua, thông tin về một nữ sinh mới 21 tuổi tự tay ném con mình từ tầng 31 khu chung cư Linh Đàm xuống đất khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Nhiều người khẳng định, một người với thể trạng và tâm lý bình thường sẽ không bao giờ làm một việc như thế.
Trong rất nhiều ý kiến về câu chuyện này, hầu như mọi bình luận đều thiên về việc lên án cô nữ sinh. Tuy nhiên, đứng từ một góc độ khác nhìn nhận vụ việc, tôi cho rằng V.A vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương.
Mới đây, tôi đọc được quan điểm của bạn Hoàng Lam trong bài viết Nữ sinh ném con ở chung cư Linh Đàm: Không thể bao biện bằng lý do thất tình nhưng tôi không thể đồng tình với những suy nghĩ này.
Trong bài có đoạn: “V.A nghĩ gì khi cô ném đứa trẻ đi như thế? Trong giây phút ấy, cô có biết là mình sẽ bị bắt và có nguy cơ ngồi tù như bây giờ không? Đã khi nào cô từng yêu thương đứa bé ấy chưa? Hay nó chỉ đơn giản là một “túi rác” mà cô cần phải vứt đi càng sớm càng tốt?…”
Tất cả chúng ta chỉ là “người ngoài”, không ai là cô nữ sinh Đinh Thị V.A để hiểu được những suy nghĩ của cô, nỗi đau, những áp lực mà cô phải chịu đựng, và cả những tác động khiến hành vi của cô trở nên méo mó, trái với luân thường đạo lý. Theo tôi, không thể áp đặt suy nghĩ của bất cứ cá nhân nào vào cô nữ sinh này.
Ai cũng có thể dễ dàng lên án V.A là kẻ phạm tội, nhưng có ai nghĩ đến chuyện, cô gái này thực ra cũng là một nạn nhân?
Không chỉ riêng V.A, ngoài kia nhiều nữ sinh mang bầu cũng giấu giếm và sợ hãi
Trước tiên, V.A là kết quả thất bại của một xã hội “sợ hãi tình dục”. Người lớn thích “tình dục” nhưng lại e ngại khi nhắc đến nó trước mặt trẻ con. Khi một đứa trẻ thắc mắc mình được sinh ra từ đâu, từ các bậc phụ huynh cho đến giáo viên giảng dạy về sức khỏe tình dục, sinh sản lại lúng túng tìm đủ lời nói dối để tránh né việc nhắc đến “tình dục” vì cho rằng: “Con vẫn còn bé, sau này lớn sẽ hiểu”.
Để rồi lại thêm một thế hệ lớn lên mà chưa có đủ hành trang kiến thức về giới tính đã phải trưởng thành làm người lớn. Đứng trước một thế giới bí ẩn, đầy hấp dẫn, như quả táo mà con rắn đã dụ dỗ nàng Eva nếm thử, những cô cậu trẻ tuổi ấy lao vào tìm hiểu để thỏa mãn trí tò mò và khao khát của bản thân.
Hậu quả là, do thiếu hiểu biết cơ bản về các biện pháp phòng tránh thai nên mỗi năm lại có cả ngàn cô gái trót dại mang bầu trong khi tâm lý, thể trạng lẫn điều kiện sống chưa hề sẵn sàng. Và bạn có biết, cho đến năm 2018, ở Việt Nam, cứ 5 người phụ nữ thì có đến 2 người đã từng ít nhất một lần nạo phá thai? (Báo cáo của Bộ Y tế kết hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố vào 8/5/2018 – Nguồn: báo Sức khỏe Đời sống)
V.A là một cô gái còn rất trẻ, có nhan sắc và đang theo học một trường đại học ở Hà Nội, nhưng chính sự thiếu hụt về kiến thức giới tính đã khiến cô phải phá thai 2 lần trong suốt 3 năm, lần mang thai thứ 3 thì kết cục kinh hoàng như những gì chúng ta đã biết.
Các phương pháp tránh thai đều được chỉ dẫn kỹ càng trên internet. Bao cao su, thuốc tránh thai lại càng không thiếu ở mọi hiệu thuốc. Vấn đề là V.A hoàn toàn không ý thức bản thân phải chủ động giữ gìn, phòng tránh, không ý thức được sự nguy hiểm của nạo phá thai đối với sức khỏe và tâm lý. Chưa xét đến phương diện đạo đức, nạo phá thai nhiều lần có thể bào mòn tử cung dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản.
V.A vẫn luôn được đánh giá là hiền lành, yêu động vật.
Tôi xin phép được trích một đoạn chỉ trích hành động của V.A trong bài viết Nữ sinh ném con ở chung cư Linh Đàm: Không thể bao biện bằng lý do thất tình: “Khi cơn đau đẻ tới, cô chẳng nghĩ đến việc mình phải vào bệnh viện ngay lập tức để sinh đứa trẻ ra cho an toàn và mạnh khỏe, cô chỉ hoảng hốt không biết làm thế nào để giấu giếm mọi chuyện. Thế rồi cô đẻ bé ra trong một cái nhà vệ sinh, vội vã cắt dây rốn rồi cho đứa bé vào túi nilon và vứt qua cửa thông gió từ tầng 31 – không khác gì vứt một túi rác.”
Bác sĩ tâm lý Ngô Thị Ái Linh (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho rằng, nữ sinh này khi sinh em bé mà không có sự chuẩn bị tinh thần trước, nhất là đang giấu cái thai với mọi người thì rất hoảng loạn, lo lắng.
Tại sao V.A phải sợ hãi như vậy? Phải chi lúc V.A mang thai, cô có những người thân, người bạn ở bên giúp đỡ, khuyên nhủ, có lẽ kết cục của đứa bé đã không bi thảm đến thế.
Nhưng V.A sợ, sợ nói ra bố mẹ sẽ thất vọng vì con gái “không chồng mà có chửa”, sợ “mất mặt với hàng xóm láng giềng”, sợ bạn bè người quen đánh giá nhân phẩm,… Những nỗi sợ ấy khiến không chỉ V.A mà còn hàng ngàn cô nữ sinh khác không dám nói ra sự thật. Để rồi từ đầu đến cuối, cô chỉ biết giấu nhẹm mọi thứ, phi tang chính con đẻ của mình.
Một xã hội nơi phần đông vẫn kỳ thị chuyện mang bầu trước khi cưới, một xã hội sợ hãi nhắc đến chuyện giáo dục giới tính cho trẻ em. Xã hội ấy tất yếu sẽ sinh ra nhiều nữ sinh giống như V.A – không dám đối diện với sự thật và quyết định giấu tất cả bạn bè, người thân chuyện có một sinh linh đang lớn dần lên trong bụng.
Phán xét và chửi rủa không làm đứa bé hồi sinh
Lướt qua hàng loạt bài viết về cô nữ sinh này trên Facebook, hầu hết mọi người chỉ chăm chăm vào chửi bới, nguyền rủa V.A. Những người ấy nói cô “vô lương tâm, vô đạo đức” hại con, nhưng lại dùng những lời cay nghiệt, tàn nhẫn để rủa xả đến tận cùng tận kiệt một người xa lạ. Họ chửi vì cái gì? Triệt đường sống của người mẹ có khiến cho em bé hồi sinh? Họ chửi vì tiếng nói của lương tâm? Hay cuối cùng cũng chỉ để “xả cục tức” bên trong chính bản thân họ mà thôi!
Nhiều bình luận rủa xả V.A trên mạng xã hội
Xét cho cùng, chúng ta là ai mà tự cho phép mình được quyền phán xét người khác!
Đúng, V.A đáng trách, theo Luật pháp và đạo lý thông thường, hành vi của cô bất thường và tàn nhẫn. Nhưng dù có chửi bới thế nào thì đứa trẻ vô tội cũng không thể sống lại được nữa.
Hãy để pháp luật và chính lương tâm của V.A định đoạt bản án cho cô. V.A đang và sẽ phải trả những cái giá rất đắt cho những lỗi lầm mà cô đã gây ra. Không ai có thể gánh chịu thay được. V.A phải đối diện với nguy cơ ngồi tù, tương lai phía trước mờ mịt khi tuổi đời vừa qua ngưỡng 20. Cùng với đó, bản án lương tâm sẽ dằn vặt cô suốt cả cuộc đời.
Có thể, sắp tới đây, cô sẽ bị luật pháp xét xử là một người mẹ phạm tội. Nhưng vượt ra ngoài khuôn khổ của phiên tòa, V.A lại là một nạn nhân, vĩnh viễn chịu đựng những “đòn roi bia miệng” của thế gian nghiệt ngã.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Bích Liên – Theo Khám Phá