Thứ Năm, Tháng Tư 25
Shadow

Nữ tiến sĩ đầu tiên trong sử Việt: 4 tuổi biết làm thơ, cải nam trang đi thi, trở thành Lễ phi trong phủ Chúa

Bà Nguyễn Thị Duệ

Chí Linh, Hải Dương vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi quy tụ rất nhiều vị anh hào, những người đã viết lên trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Nơi đây còn là quê hương của một trong những vị tài nữ nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, bà là ai?

Xem thêm  Vật táng trong ngôi mộ thời Tam Quốc hé lộ sự thật đen tối trong lịch sử giai đoạn này

Biết viết văn, làm thơ từ năm lên bốn

Bà Nguyễn Thị Duệ còn được biết đến với những cái tên như Nguyễn Thị Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Du là tiến sĩ đầu tiên của nước ta. Bà sinh năm 1574 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở Chí Linh, Hải Dương. Được sinh trưởng tại một trong những vùng đất có truyền thống hiếu học bậc nhất, từ nhỏ bà đã thể hiện bản thân là một cô gái thông minh, sáng dạ và có tư chất văn học. Không những thế bà còn rất xinh đẹp. Tương truyền, khi vừa lên 4 tuổi, bà đã có khả năng viết văn, làm thơ.

Bà Nguyễn Thị Duệ

Người xưa kể lại, trong làng có cậu ấm đến chọc ghẹo, bà đã đối đáp bằng 2 câu thơ: “Xá chi vàng đá hỗn hào. Thoảng đem cánh phượng bay cao thạch thành”. Tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng có thể thấy ý tứ câu thơ của bà vô cùng sắc sảo và cũng mạnh mẽ không kém cạnh các trang nam tử. Xinh đẹp, khuê các lại thông minh, danh tiếng của bà ngày một lan xa. Đến tuổi cập kê, nhiều mối trong làng tìm đến hỏi cưới nhưng bà vẫn một mực từ chối.

Cải nam trang để lên kinh ứng thí

Thời điểm lúc bấy giờ, cuộc nội chiến Trịnh – Mạc đang vào giai đoạn quyết liệt, vùng Hải Dương quê bà bị chiến tranh tàn phá, liên tục gặp phải nạn đói nghèo, cướp bóc. Nhà Mạc sau khi bị quân Trịnh đánh bại phải rút lên mạn Cao Bằng. Năm đó, vừa tròn 20, Nguyễn Thị Duệ cũng theo cha lên Cao Bằng tránh loạn. Thời phong kiến nước ta, nữ nhi không được đi học, nhưng vì quá yêu việc học, bà đã cải nam trang để tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Khi nhà Mạc mở khoa thi tiến sĩ, bà lấy tên giả là Nguyễn Du để đi thi rồi bất ngờ đỗ đầu trong số tiến sĩ năm đó.

Bà Nguyễn Thị Duệ

Sau kỳ thi, triều đình mở yến tiệc mừng các tân khoa. Vua Mạc Kính Cung khi ấy thấy vị trạng nguyên trẻ tuổi, dáng người mảnh mai, mặt mày thanh tú, dáng vẻ yêu kiều, không giống với một nam trạng nguyên. Trước đó một đêm, trong mơ, tình cờ vua thấy người đỗ tiến sĩ là nữ giới. Sực nhớ lại nên vua dò hỏi và Nguyễn Thị Duệ đành phải thú nhận mọi chuyện.

Biết được câu chuyện, phần vì yêu mến và trân quý hiền tài, vua không nỡ trách tội, ngược lại, còn giữ bà ở lại triều đình, bỏ danh hiệu trạng nguyên. Sau đó, bà được mời vào cung, đảm trách nhiệm vụ dạy học cho các cung phi. Một thời gian sau, Mạc Kính Cung “sủng ái” phong bà làm phi, ban hiệu Tinh Phi. Vì thế, trong dân gian vẫn thường gọi bà là bà chúa Sao.

Trở thành Lễ phi trong phủ Chúa

Năm 1625, quân Trịnh kéo lên Cao Bằng đánh nhà Mạc. Khi bị bắt bà Nguyễn Thị Duệ vẫn rất an định và kiên cường. Bà dùng tính mạng mình để ép quân lính phải đưa bà đến trước mặt chúa Trịnh. Đứng trước mặt chúa Trịnh, bằng vốn kiến thức và tài đối đáp khôn khéo, thông minh, bà khiến chúa vô cùng nể phục. Nhận thấy bà Nguyễn Thị Duệ là người phụ nữ có học thức uyên thâm, thấu đạt nhiều sách vở, tư cách đoan trang, chúa bèn phong cho bà giữ chức Lễ Phi, làm công việc dạy dỗ các phi tần bên phủ chúa và cung vua.

Trong thời gian làm quan, Nguyễn Thị Duệ chứng minh bản thân bà là một người coi trọng việc học tập và bồi dưỡng nhân tài. Bà xin triều đình cấp cho một vài mẫu ruộng để canh tác lấy huê lợi nhằm giúp đỡ cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn hiếu học. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương, bà cùng các Nho gia khác đã đến dạy học ở từng nơi, rồi soạn đề và tổ chức thi cử. Bài thi sau khi được hoàn thành sẽ gửi lên kinh để bà chấm và kết quả sẽ được gửi lại từng địa phương. Việc làm này đã chứng minh được tính đúng đắn khi chất lượng học tập ở những vùng xa kinh kỳ ngày một được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Duệ

Sử sách ghi lại rằng khoa thi hội năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long (1631) có một thí sinh đề ra 12 mục, nhưng bài thi chỉ làm 4 mục, song văn bút rất xuất sắc, độc đáo. Các khảo quan lấy làm lạ chưa dám quyết, tâu trình lên vua. Nhà vua giao cho số đỗ đại khoa trong triều xem lại bài. Bà Nguyễn Thị Duệ cũng được tham dự. Bà đọc đi đọc lại bài văn, thấy được thực chất thí sinh này là người học rộng, có tài, nên nhất trí với các quan tâu vua lấy đỗ nhất. Sau này, bà mới hay đó là bài của Nguyễn Minh Triết, cậu em họ mình.

Sống trong thời đại “trọng nam, khi nữ” nhưng tài năng vượt trội của bà Nguyễn Thị Duệ không khỏi khiến người khác tâm phục, khẩu phục. Phần lớn các bài làm của các kỳ thi Đình, thi Hội tại thời điểm đó, bà đều được tin tưởng giao cho trọng trách chấm thi. Với vốn hiểu biết sâu rộng và tài văn chương, bà còn có cơ hội được kết duyên cùng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Trần Tông) trong một dịp rất tình cờ. Cả hai trở thành chị em tri kỷ và cùng nhau trau dồi thêm kiến thức cũng như hiểu biết.

Tuy nhiên, đứng trước phận nước rối ren, bà mang nặng một nỗi suy tư, trăn trở. Vì lẽ đó, bà sớm xin “cáo lão hồi hương”, tiếp tục việc đọc sách và chỉ bảo sĩ tử trong làng. Nhờ những đóng góp quan trọng cho giáo dục, thi cử, bà được triều đình hậu đãi, vua Lê giao cho bà số thuế hàng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc. Sau khi Nguyễn Thị Duệ mất, bà được thờ tại Văn miếu Mao Điền cùng nhiều danh nhân, học sĩ danh tiếng khác.

Xem thêm  Kho báu bí ẩn bên trong ngôi mộ nước có một không hai dưới thời nhà Minh

Theo HELINO / afamily

Link