Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Nước mắt người phụ nữ tin tưởng Phan Sào Nam

Phiên tòa xét xử vụ đánh bạc ngàn tỷ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo là những người đã tham gia ở hành vi mua bán hóa đơn.

Trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ, bị cáo Đỗ Bích Thủy (Giám đốc công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) là người đã cho em họ Phan Sào Nam mượn pháp nhân công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến.

Thủy khai đã ký hợp đồng hợp tác và giao cho Hoàng Thành Trung (Phó giám đốc chỉ đạo xây dựng phần mềm, vận hành hệ thống game bài Rikvip/Tip.Club) để tổ chức đánh bạc trực tuyến; giúp Phan Sào Nam quản lý một phần doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc.

Bị cáo Đỗ Bích Thủy. Ảnh: Đình Thành

Quá trình thực hiện, Phan Sào Nam bảo Thủy rút 50 tỷ đồng từ tài khoản công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm, sau đó Thủy ký séc rút gửi 5 sổ tiết kiệm, người thụ hưởng là Đỗ Bích Thủy. Hành vi của Thủy bị xác định là đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tổ chức đánh bạc”.

Trước tòa, bị cáo Thủy cho hay, mới đi cấp cứu. Khai báo tại tòa, nhiều lần bị cáo Thủy run run bật khóc.

Theo lời khai của Thủy, khi Phan Sào Nam đến gặp đặt vấn đề mượn pháp nhân để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến, Nam nói thực hiện dự án này sẽ tạo được việc làm cho một số sinh viên mới ra trường mà Nam sẽ tuyển dụng.

Bởi Phan Sào Nam là em họ của bị cáo, hai chị em đã có một hành trình tuổi thơ với nhau, hơn nữa Nam là người thành đạt nên Thủy hoàn toàn tin tưởng cho Nam mượn pháp nhân.

Xem thêm  Thanh niên ném bạn gái từ tầng 19 xuống đất vì bị nói xấu

Cho đến khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới nhận thấy mình đã vi phạm pháp luật.

“Ngày hôm nay phải đứng tại đây, bị cáo nhận thấy sự kém hiểu biết của mình là hành động sai lầm, dẫn đến việc bị cáo vô tình vi phạm pháp luật. Bị cáo rất hối hận nhưng không bao giờ giận dữ gì Nam”, lời bị cáo Thủy.

Dàn giám đốc ‘chết chùm’ với Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương

Theo cáo trạng, để có tiền nạp vào tài khoản “Syline”, tiền chi cho các khoản không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng cá nhân, Phan Sào Nam liên hệ với bị cáo Huỳnh Trọng Văn (nguyên Giám đốc công ty ODS), nhờ xử lý giảm thuế bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn.

Phan Sào Nam và Huỳnh Trọng Văn. Ảnh: Đình Thành

Được Văn đồng ý, Phan Sào Nam chỉ đạo chị họ Đỗ Bích Thủy ký hợp đồng với công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền.

Nam cũng chỉ đạo Phan Anh Tuấn (Giám đốc công nghệ công ty VTC online) ký hợp đồng với ODS cũng với nội dung thuê máy chủ và đường truyền.

Sau khi ODS xuất hóa đơn giá trị gia tăng và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Thủy và Tuấn cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của ODS.

Xem thêm  Đàm Vĩnh Hưng: Tôi nói với Hoài Lâm rằng ánh mắt của con rất yểu mệnh, đừng cãi lời sư phụ!

Cáo trạng xác định, từ ngày 24/8/2015 đến 17/2/2017, Văn đã bán cho công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số là hơn 80 tỷ đồng; bán 14 hóa đơn GTGT khống cho công ty VTC online với doanh số hơn 5 tỷ đồng.

Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản của bị cáo Vũ Hà Phương (kiểm soát kế toán công ty Nam Việt) hơn 78 tỷ đồng, còn lại công ty ODS hưởng lợi hơn 7 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, nguyên Giám đốc ODS khai, ông ta quen với Phan Sào Nam tại một số hội thảo về game. Bị cáo Văn thừa nhận việc giúp Nam nâng khống hóa đơn lên gấp 10 lần.

Tin nhắn của Phan Sào Nam và nữ nhân viên. Ảnh Đình Thành

Theo lời khai của Văn, ODS được hưởng lợi hơn 7 tỷ đồng, nhưng số tiền này dùng vào việc chung của công ty chứ bị cáo không tiêu dùng cá nhân. Việc nâng khống hóa đơn, bị cáo không được hưởng lợi.

Được gọi lên bục khai báo, bị cáo Phan Sào Nam xác nhận lời khai của bị cáo Văn về việc nâng khống hóa đơn.

Tại tòa, bị cáo Vũ Hà Phương thừa nhận đã cho “sếp” Phan Sào Nam mượn tài khoản của mình nhận tiền từ ODS để chi theo chỉ đạo của Phan Sào Nam.

HĐXX cho trình chiếu lên màn hình tin nhắn trao đổi giữa Phương và Phan Sào Nam. Phương xác nhận tin nhắn này là có thật.

Theo VietNamNet

Link gốc