Thứ ba, Tháng mười hai 10
Shadow

OceanBank đòi các lãnh đạo cũ bồi thường gần 1.300 tỷ đồng

Sáng nay, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TNHH một thành viên Đại Dương đòi cựu chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cùng thuộc cấp bồi thường 1.275 tỷ đồng.

Ngày 21/9, phiên xử sơ thẩm vụ đại án OceanBank bước vào phần tranh luận của nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn) trình bày tài sản của gia đình đa số hình thành trước ngày ông này về OceanBank làm việc. Nếu ông Sơn bị kết tội tham ô, bà xin dùng cả tài sản cá nhân để bồi thường, mong chồng được hưởng khoan hồng

Người đại diện của bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ bị cáo Hà Văn Thắm) khi đứng lên trình đã bày bật khóc. Bà nói: “Bà Nga nhắn chồng ‘biết ơn anh vì đã giữ sức khỏe, điềm đạm trước tòa dù trải qua những năm tháng khắc nghiệt nhất’. Ba năm qua, ông Thắm chưa được gặp con, bố mẹ”.

ocean bank, lãnh đạo cũ, hà văn thắm, 1300 tỷ

Phiên tòa sáng 21/9. Ảnh: Xuân Hoa

OceanBank bị “thất thoát” hay “thiệt hại”?

Là người đầu tiên trong nhóm các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn dân sự – Ngân hàng TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank), ông Nguyễn Đình Hưng nói “bày tỏ cảm thông” với phần bào chữa của cựu chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cùng các cựu tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và hàng chục lãnh đạo các chi nhánh… là bị cáo trong vụ án này.

“Chúng tôi không phải là người buộc tội mà chỉ muốn đưa ra những ý kiến trái chiều, muốn truyền đạt những góc khuất pháp lý để HĐXX xem xét”, luật sư nói.

Chứng minh Ngân hàng OceanBank (mới) là nguyên đơn dân sự của vụ án, luật sư Hưng cho rằng quyết định 663 của Ngân hàng Nhà nước và quyết định 48/2013 của Chính phủ vào giữa năm 2015 đặt OceanBank vào tình trạng “toàn bộ 100% cổ phần bị mua bắt buộc với giá 0 đồng”, chuyển sang đơn vị quản lý khác.

Do chuyển đổi thành một công ty TNHH do nhà nước sở hữu, OceanBank kế thừa quyền, nghĩa vụ và gánh thiệt hại của OceanBank dưới thời ông Hà Văn Thắm.

Phân tích thiệt hại của OceanBank, luật sư Hưng xin sử dụng cụm từ “thất thoát tài sản” thay vì “thiệt hại hay hậu quả”. Theo luật sư, đối chiếu quy định của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011-2014 về việc lãi trần không vượt quá 14% với huy động vốn thì các khoản chi lãi suất ngoài hợp đồng mà ông Thắm cùng các thuộc cấp xuất ra từ các tài khoản của OceanBank là trái quy định cả mục đích chi lẫn nghiệp vụ kế toán.

Luật sư dẫn chứng, các bị cáo đã tạm ứng tiền từ tài khoản 3612 (chi tiêu nội bộ) để chi lãi ngoài. Trong khi theo quy định, tài khoản này chỉ được tạm ứng chi tiêu nội bộ, sau đó phải hoàn ứng bằng tiền mặt, bằng hóa đơn chứng từ. Nếu không hoàn ứng thì bị coi là “xuất kho, mất vốn”.

Xem thêm  Một doanh nhân chi 32 tỷ đồng để "cứu" cựu TGĐ OceanBank thoát án tử

Theo luật sư, bản cáo trạng quy kết các bị cáo rút 925 tỷ đồng từ tài khoản 3612, sau khi hoàn ứng còn lại 331 tỷ đồng. Tài liệu điều tra thể hiện, các khoản tiền dùng hoàn ứng cho 925 tỷ được lấy từ nhiều tài khoản khác, trong đó có 801 (tài khoản trả lãi tiền gửi)

Mặt khác, việc chi tiền từ 801 cũng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp – sai về nghiệp vụ kế toán, theo quy định của Bộ Tài chính… Sau khi dẫn chứng về một số nghiệp vụ kế toán, luật sư Hưng nêu quan điểm “các bị cáo phải bồi thường vì đã có hành vi phạm tội, chứ không phải nguyên đơn muốn đòi thì đòi”.

Do các bị cáo đã hoàn tạm ứng 128 tỷ đồng và 17 tỷ đồng tiền mặt cho OceanBank trước khi bị khởi tố nên nguyên đơn không yêu cầu bồi thường khoản này. Phần tiền bị thất thoát được tính toán lại còn hơn 1.400 tỷ. Vì cơ quan điều tra tách 49 tỷ và 105 tỷ đồng để xử lý vụ án khác nên lại trừ tiếp, con số giảm xuống còn 1.275 tỷ.

“OceanBank có trách nhiệm thu hồi để thực hiện nghĩa vụ gánh hậu quả do ngân hàng trước kia bị mua với giá 0 đồng”, luật sư nói.

ocean bank, lãnh đạo cũ, hà văn thắm, 1300 tỷ

Cựu chủ tịch Hà Văn Thắm (áo xanh) và cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn trước vành móng ngựa. Ảnh: Xuân Hoa

OceanBank gánh hậu quả do Hà Văn Thắm để lại

Về khoản 500 tỷ đồng cho công ty Trung Dung vay, luật sư Nguyễn Thị Bắc nói dòng tiền giải ngân từ OceanBank đi vào tài khoản của Trung Dung, đi lòng vòng qua nhiều nơi nhưng cuối cùng người thụ hưởng là bà Hứa Thị Phấn. Vì vậy nữ đại gia này phải bồi thường cho OceanBank cả gốc và lãi.

Tiếp tục phần bào chữa cho OceanBank, luật sư Hưng nói rằng trong quá trình thẩm vấn các bị cáo “cãi” OceanBank là ngân hàng cổ phần, kết quả kinh doanh lãi hay lỗ thuộc quyền phán xét của các cổ đông nên không gây ra thiệt hại cho Nhà nước. Song thực tế không phải vậy. “OceanBank hiện nay nhận quyền lợi nhưng cũng nhận nghĩa vụ, gánh vác hậu quả”, luật sư nêu quan điểm.

Nhắc câu chuyện thời sự mới nhất về việc tuần qua OceanBank Hải Phòng bị khách hàng tố cáo làm “bốc hơi” mất 400 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm vào năm 2012, luật sư Hưng nói: “Vậy OceanBank (mới) có phải gánh nghĩa vụ này không?”.

“Đã là xét xử thì phải ‘xét’ rồi mới ‘xử’, sợ nhất là góc khuất không được nói ra”, ông Hưng trình bày.

Dù VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự cho 34 bị cáo giám đốc các chi nhánh, hội sở OceanBank, tuy nhiên luật sư của OceanBank lại đề nghị HĐXX cho nhà băng này “thu quản lý, sử dụng” khoản 100 tỷ đồng do một số người đã nộp khắc phục hậu quả.

Xem thêm  Có nên ném 11 ngàn tỷ vào... bia Lan Chín

Đề nghị xem xét triệt để, giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo

Các luật sư cho biết với tư cách nguyên đơn dân sự, OceanBank có ba công văn gửi cơ quan điều tra, Ngân hàng Nhà nước “đề nghị xem xét” cho các bị cáo liên quan vụ án.

Tại phiên tòa này, các luật sư “tha thiết đề nghị” HĐXX xem xét triệt để các tình tiết giảm nhẹ nói chung cho các bị cáo bởi hoàn cảnh lịch sử, điều kiện khắc nghiệt của nghề ngân hàng. Trong cái chung đó, luật sư thấy VKS “đã có cảm thông nhưng chưa tới”.

Luật sư của OceanBank thấy rằng cùng làm theo chỉ đạo nhưng có một nhóm 6 người lại bị đề nghị 36-42 tháng tù giam, mức phạt này có “khoảng cách quá xa” với nhiều các bị cáo được đề nghị hưởng án treo. Nhóm bị cáo là lãnh đạo hội sở “lại bị đẩy lên chịu trách nhiệm quá cao”.

Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm liên tục quay về phía các luật sư đang bào chữa cho nhà băng này, chăm chú theo dõi, tay nắm chặt.

Uy tín PVN bị ảnh hưởng nếu tòa nói được OceanBank “chăm sóc”

Luật sư Nguyễn Văn Thái, người bảo vệ quyền lợi cho  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, khách quan dựa trên hồ sơ cũng như thẩm vấn, tranh luận tại tòa để tuyên buộc cá nhân, tổ chức gây thiệt hại phải bồi thường cho PVN.

Ông Thái kiến nghị HĐXX tránh sử dụng thuật ngữ, cụm từ “tập đoàn PVN nhận chi lãi ngoài, hay nhận chăm sóc lãi ngoài” từ cá nhân hay pháp nhân OceanBank vì hoàn toàn “không có việc này”.

Theo luật sư, PVN mong khi xây dựng bản án, HĐXX tránh thể hiện PVN đã tiếp nhận việc chi lãi ngoài bởi điều này sẽ ảnh hưởng uy tín của tập đoàn.

Cùng đại diện cho PVN, luật sư Hoàng Văn Dũng cho hay tập đoàn hiện tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự, song trong quá trình tố tụng trước đây là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Với khoản tiền 1.275 tỷ thất thoát mà các luật sư của OceanBank vừa trình bày, ông Dũng cho rằng PVN là cổ đông góp 20% vốn nên ít nhiều có liên quan.

Khác với PVN, người đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn từ chối tranh luận vì cho rằng doanh nghiệp không có quyền lợi liên quan tới vụ án này. Đại diện Liên doanh dầu khí Vietsovpetro cũng từ chối tranh luận.

Theo Vnexpress