Thứ năm, Tháng mười hai 19
Shadow

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: ‘Tiền nhiều để làm gì?’

Sáng 20/2, TAND TP.HCM xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên).

Xem thêm  Vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ kiện cáo, ly hôn: Lá thư nhức nhối của người mẹ

Phần làm thủ tục kéo dài rất lâu, hai bên tranh cãi gay gắt khiến HĐXX phải vào hội ý sau đó quyết định tiếp tục phiên tòa.

Bà Thảo: “6 năm qua anh Vũ không lo lắng cho con”

Tại tòa, chủ tọa yêu cầu bà Thảo trình bày trước tòa về yêu cầu ly hôn. Bà cho biết không ai muốn đứng ở tòa.

Vợ chồng họ có quá trình chung sống hạnh phúc, có 4 người con, sự nghiệp tốt đẹp. Tuy nhiên, có nhiều sự việc xảy ra dẫn đến việc ly hôn.

Nói về điều này, ông Vũ nói: “Thẩm phán là người hiểu hết nỗi niềm các bên, thật giả thế nào. Kéo dài làm gì. Vấn đề ở đây chỉ còn lương tri lương tính, thiếu 2 cái đó thì không còn là con người nữa”.

Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trầm tư ở tòa. Ảnh: Trương Khởi.

Về vấn đề con cái, bà Thảo đề nghị tòa cho bà nuôi dưỡng 4 đứa con. “6 năm qua anh Vũ không quan tâm lo lắng cho các con. Giai đoạn các con trưởng thành, có khi đến chỉ được chơi với người giúp việc, không bao giờ được gặp ba. Bản thân tôi muốn dành mọi thứ, làm sao về mặt tinh thần cho các con đầy đủ. Làm sao cho các con được sống với mẹ”, bà Thảo trình bày.

Về phần mình, ông Vũ nhắc lại việc bà Thảo muốn giao 4 đứa con cho bà nuôi. Ông hướng mắt về phía người vợ, nói: “Nói cái gì phải đúng với lòng mình. Ở đây còn gia đình, anh em trong công ty, ai cũng biết sự thật. Không ai giành giật cái gì cả. Điều cao nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con, mình đã sai rồi thì đừng bao giờ đưa tụi nó vào tranh chấp này. Nuôi con mà thiếu tình người. Nuôi con cũng như Trung Nguyên. Cô nuôi 3 năm không lên ký nào. Cô phải nói sự thật, phải nhìn lại bản thân của mình”, ông Vũ nói và cho biết 2 đứa con lớn học ở Úc, 2 đứa nhỏ ở Việt Nam.

Lúc này, bà Thảo đứng dậy đề nghị HĐXX hướng ông Vũ vào câu hỏi. Ông chủ Trung Nguyên trình bày ông tôn trọng các con, trong lòng ông muốn nuôi các con, không yêu cầu bà Thảo phải chu cấp điều gì. “Tôi tôn trọng quyền quyết định các con của mình”, ông Vũ trình bày.

Ông Vũ: “Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này”

Khi chủ tọa hỏi nguyên đơn về việc đề nghị chu cấp cho con, bà Thảo đề nghị cấp dưỡng mỗi người con 5% cổ phần của ông Vũ.

“Mong anh Vũ có trách nhiệm của người cha, người hay nói về sự thiện lành, nguyện vọng các con là cho các con quyền kế nhiệm sản nghiệp cho gia đình phát triển lâu dài”, bà trình bày.

Đặng Lê Nguyên Vũ
Bà Thảo tại tòa ngày 20/2. Ảnh: Trương Khởi.

Nghe người vợ nói, ông Vũ khẽ cười nhẹ. Được chủ tọa mời phát biểu, ông cho biết có mặt ở tòa ngoài ông còn có mẹ của mình, đó là người chị nhưng cũng giống mẹ.

“Tuổi của tôi cũng đâu còn nhiều. Bản thân cô cũng biết tôi không bao giờ quan tâm gì về tiền…”, ông Vũ nhẹ nhàng nói rồi tiếp lời: “Ở đây không có ai vì tiền. Không ai đụng đến tiền. 20 năm nay, số tiền nó lớn lắm. Các ngân hàng chỉ ra trong đây chỉ là bề nổi mà thôi, không phải là bề chìm. Cô phải hiểu điều đó. Không có ai giành tiền. Mẹ, bà nội cũng không còn sống bao nhiêu. Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”, ông Vũ hướng mắt về bà Thảo, lớn tiếng.

Ông nhấn mạnh lại tiền với quyền không để làm gì. “Có ai đem thông tin giả cho cơ quan chức năng? Có ai mà đưa chồng vào nhà thương điên? Không còn chút lương tri lương tính nào mà làm như vậy. Còn giữ mấy đứa con làm con tin nữa. Không ai làm điều này hết”, ông Vũ nói có phần chua chát.

Lúc này bà Thảo đứng dậy phản ứng, bà đề nghị ông Vũ không được quyền xúc phạm mình.

Tuy nhiên, ông Vũ vẫn tiếp tục trình bày. “Lẽ ra Trung Nguyên có sách lược toàn cầu, 5-7 năm phải có khác biệt gì. Hơn 20 năm Trung Nguyên đâu còn tính mới nữa, đâu còn khác biệt nữa”, ông nói rồi dẫn ra một loạt thương hiệu cà phê ở Việt Nam và cho rằng không còn tính mới nữa, phải cần thay đổi. Muốn làm được điều đó, theo ông cần có sách lược, có khác biệt.

“Bao nhiêu năm, bao nhiêu sách lược đâu triển khai được rồi cô nói nhục mạ, Không ai nhục mạ cô cả. Xưa giờ cô nói chứ không ai muốn nói gì cả. Vừa rồi cô đưa ra trước công chúng nên tôi buộc phải lên tiếng”, ông Vũ nói và cho biết phương thức trợ cấp cho các con ban đầu đưa ra là 5% cho mỗi người, sau đó chính bà Thảo đòi hỏi nên luật sư phải đưa ra con số cụ thể là 10 tỷ cho 4 con/1 năm.

“Làm sao cho các cháu ổn định tinh thần. Cha mẹ ai đúng ai sai chưa biết nhưng đừng bao giờ làm tổn thương các cháu dù một khoảnh khắc nào. Hôm trước, đưa cả các cháu vào tòa, không ai làm chuyện đó”, ông Vũ kết thúc phần trình bày trước tòa.

Luật sư tranh cãi việc giao nộp tài liệu

Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư của hai bên đương sự có những đối đáp gay gắt. Luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi cho bà Diệp Thảo) đề nghị HĐXX triệu tập Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn – Công ty ban hành 8 chứng thư thẩm định giá, để làm rõ căn cứ liên quan việc hình thành chứng thư thẩm định giá.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (cùng bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo), đề nghị tòa công nhận bà Thảo ngoài tư cách nguyên đơn trong vụ án thì còn tham gia với tư cách có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi lẽ bà Thảo là cổ đông của Trung Nguyên, nếu đại diện Trung Nguyên phát biểu có ý kiến gây thiệt hại cho bà Thảo với tư cách cổ đông thì đề nghị HĐXX cho phép bà Thảo sẽ có quyền phát biểu, tranh luận.

Trả lời các bên, chủ tọa cho biết việc mời cơ quan định giá đến tòa thì phụ thuộc vào quyết định của HĐXX, nếu cần thiết sẽ mời. Hiện chủ tọa nhận thấy việc này không cần thiết.

HĐXX cũng cho rằng bà Thảo là nguyên đơn của vụ án, cũng là cổ đông lớn của Trung Nguyên. “Với tư cách nguyên đơn, bà vẫn có quyền tranh luận bảo vệ quyền của công ty với tư cách cổ đông”, chủ tọa nói.

Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông Vũ rời tòa. Ảnh: Trương Khởi.

Sau đó, phía ông Vũ giao nộp cho tòa án 2 tập tài liệu dày. Lúc này, phía nguyên đơn lên tiếng phản đối. “Khi đương sự giao nộp tài liệu cho tòa án thì cũng giao cho các bên đương sự, đề nghị cho nguyên đơn tiếp cận tài liệu để sao chụp, tham khảo”, luật sư Hoài nêu ý kiến.

“Vụ án đã kéo dài, nay bị đơn trưng ra tài liệu cả trăm trang, chúng tôi đề nghị tòa không công nhận là chứng cứ”, luật sư Trương Trọng Nghĩa gay gắt.

Luật sư Trương Thị Hòa, người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ cho biết, đây không phải là chứng cứ mà là tài liệu tham khảo. Quy định của pháp luật cho phép tiếp nhận công khai chứng cứ chứ không phải quá trình giao nộp chứng cứ. “Không có quy định nào về việc không giao nộp tài liệu tham khảo, luật không cấm điều đó”, luật sư Hòa nói.

HĐXX cho rằng đây là tài liệu tham khảo chứ không phải là chứng cứ. Chủ tọa thông báo tòa sẽ xem xét, có điều kiện sẽ đọc, không thì để đó xem xét sau.

Tuy nhiên, luật sư phía nguyên đơn đề nghị HĐXX hỏi ý kiến đại diện VKS. Đại diện cơ quan công tố phát biểu, vào ngày 25/1/2019 VKS có công văn yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ, đến ngày 19/2/2019, VKS tiếp tục có kiến nghị đề nghị khắc phục thiếu sót vi phạm nhưng đến nay tòa án chưa thực hiện đầy đủ. VKS đề nghị tòa án chấn chỉnh.

Về việc bị đơn cung cấp tài liệu bị nguyên đơn cho rằng chứng cứ mới, VKS đề nghị HĐXX hỏi lại phía ông Vũ tại sao cung cấp chứng cứ. Bởi trước đây tòa có yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan chia tài sản rồi, “Luật sư Hòa nói không phải là chứng cứ thì mục đích nộp làm gì?”, VKS đề nghị HĐXX hỏi bị đơn.

Cơ quan công tố cũng yêu cầu HĐXX phải hỏi về yêu cầu khởi kiện và việc có thay đổi yêu cầu khởi kiện hay không trước khi bắt đầu xét hỏi.

Xem thêm  Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Tiền nhiều để làm gì?'
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ không một lần ngoảnh mặt nhìn nhau tại phiên tòa xử ly hôn”]

Hoài Thanh – theo Zing

Link