Thứ bảy, Tháng mười một 16
Shadow

Ông Lê Khả Phiêu: Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, phòng chống tham nhũng sẽ đẩy mạnh hơn

Nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước đã được Trung ương làm thận trọng, chặt chẽ và chất lượng cán bộ đáp ứng hoàn toàn yêu cầu.

Trung ương làm thận trọng, chặt chẽ và chất lượng cán bộ đáp ứng hoàn toàn yêu cầu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, cách đây gần 20 năm, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã được đưa lấy ý kiến, tuy nhiên thời điểm này dư luận và nhiều cán bộ lão thành chưa đồng tình.

“Họ nói truyền thống của Đảng ta như thế, tại sao lại học ở đâu. Mấy lần tôi thử thăm dò thấy dư luận nơi này, nơi kia đều phản ứng, không đồng tình.

Có người cho rằng, người giữ hai chức vụ cao như vậy sẽ quyền uy, thế này, thế kia… Tôi nói lại, một người giữ một chức vẫn có thể xảy ra độc đoán, chuyên quyền nếu người cán bộ đó được lựa chọn không tốt, thiếu việc giám sát, kiểm tra – chứ không phải người giữ hai chức vụ mới xảy ra chuyện như vậy”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhớ lại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Theo ông, thời điểm hiện nay đã có đủ điều kiện để Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, điều này mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước đã được Trung ương làm thận trọng, chặt chẽ và chất lượng cán bộ đáp ứng hoàn toàn yêu cầu.

“Cách làm này sẽ thúc đẩy các công việc của đất nước được nhanh hơn”, ông Phiêu nói và nhấn mạnh rằng, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước chắc chắn công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang thực hiện sẽ được đẩy mạnh hơn.

Nói về khâu giám sát, nguyên Tổng Bí thư cho rằng, chúng ta có cơ chế giám sát của tổ chức Đảng nói chung, trong đó có cơ chế giám sát đảng viên, cơ chế giám sát của Trung ương…

Ông cho rằng, để giám sát tốt quyền lực thì cơ chế giám sát càng phải rõ ràng, chặt chẽ, vừa để cho người giữ hai chức vụ lãnh đạo làm đúng chức năng nhiệm vụ, vừa không thể độc đoán, chuyên quyền.

“Cơ chế đó phải làm cho người cán bộ lãnh đạo không thể có tiêu cực (nghĩa là muốn làm cũng không được), không dám (nghĩa là sợ) – đó là sự ràng buộc trách nhiệm, kiểm soát quyền lực”, nguyên Tổng Bí thư chia sẻ.

Xem thêm  Máy bay Lion Air đã phát tín hiệu yêu cầu được trở lại điểm xuất phát

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thoả mong ước của cử tri

Hôm nay (23/10), ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người được Trung ương Đảng thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, là nhân sự mà Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trao đổi về việc này bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết khi có thông tin Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, qua kênh của Ban cho thấy, cử tri đồng tình cao.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có uy tín rất lớn do đó cử tri cũng hy vọng khi giữ thêm chức vụ, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa đất nước tiến nhanh hơn trong quá trình hội nhập”, bà Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cá nhân ông thấy cử tri rất ủng hộ phương án nhân sự Chủ tịch nước do Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có uy tín rất cao nên nếu được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước sẽ thoả mong ước của cử tri, nhân dân cả nước. Tôi tin Quốc hội sẽ đồng tình, ủng hộ cao việc giới thiệu Tổng Bí thư để bầu giữ chức Chủ tịch nước”, ông Phương nói và cho rằng, việc người đứng đầu Đảng, cũng đứng đầu Nhà nước sẽ tạo thuận lợi, nhất là trong công tác đối ngoại.

Ông Phương đánh giá, thời gian vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng. Rất nhiều vụ việc lớn, liên quan đến cán bộ cấp cao, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư đã được đưa ra ánh sáng, xét xử nghiêm minh.

“Người đứng đầu Đảng đang có tư tưởng và những chủ trương được nhân dân đồng tình, khi đứng đầu Nhà nước sẽ càng thuận lợi hơn trong việc triển khai các công tác. Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “đốt lò” hiện nay chắc chắn sẽ đạt hiệu quả hơn “, ông Phương nêu quan điểm.

Xem thêm  Nữ sinh viên ném con xuống đất: Không nhà tạm lánh nào bằng gia đình

Theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, trong giai đoạn quan trọng – thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội – khi còn hơn 2 năm sẽ kết thúc nhiệm kỳ, việc lựa chọn, giới thiệu Tổng Bí thư để bầu Chủ tịch nước tạo sự đồng thuận rất cao trong xã hội, nhân dân.

“Tổng Bí thư là người nhiều kinh nghiệm công tác, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh – nếu giữ hai chức vụ cao cũng là phù hợp với giai đoạn này”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nêu rõ, ở đây không phải là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước mà bầu một người để thực hiện hai công việc cùng lúc.

“Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, đưa ra các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, còn Chủ tịch nước là nguyên thủ Quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại quan trọng. Do đó, nếu 2 chức vụ trong một người sẽ tạo sự hài hòa, thuận lợi trong giải quyết các công việc của đất nước”, tướng Nghĩa bày tỏ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê quán Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông là Ủy viên Trung ương các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Từ năm 1963 – 1967, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó công tác nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng Biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996.

Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII.

Tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông được bầu tái giữ chức Tổng Bí thư.

Hoàng Đan – Theo Trí thức trẻ

Link gốc