Chủ Nhật, Tháng mười hai 29
Shadow

Ông Lê Kiên Thành – con trai cố TBT Lê Duẩn: “Mẹ tôi và những nỗi đau không nói hết thành lời”

“Thế hệ mẹ tôi, ai cũng phải chịu đựng chiến tranh. Nhưng mẹ tôi, không chỉ chịu cuộc chiến với kẻ thù mà trong bà còn một cuộc chiến không phần thưởng, khốc liệt đến cuối đời”.

Những năm 1948- 1950 ba tôi là Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, ngoài 40 tuổi hoạt động ở miệt vườn Nam bộ.

Tại đây ông đã gặp mẹ tôi, lúc đó là Trưởng đoàn phụ nữ cứu quốc tỉnh Cần Thơ. Khi biết chuyện ba tôi có ý thương bà, mẹ tôi hết sức bàng hoàng. Bà chỉ thấy anh Ba là nhà lãnh đạo uyên bác rất đáng tôn kính.

Bà chỉ biết ghi chép những chỉ thị, nghị quyết, đường lối của ông để học tập, thi hành. Nhưng cũng từ đây bà bắt đầu để ý ông. Bà thấy ông luôn tự chọn cuộc sống đạm bạc đến khắc khổ. Ông chỉ có một chiếc xuồng tam bản. Đến cơ quan, cơ sở nào làm việc thì anh em lên nhà ngủ, ông vẫn ngủ dưới ghe.

Một lần ông kể, mẹ ông làm nghề nấu cao dán mụn nhọt giúp người bệnh. Khi ông bị giặc bắt, thư gửi về được bà cho vào cái túi khâu lại đeo vào cổ như người đeo bùa. Bà chết, cái túi vẫn ở cổ bà…

Một lần, ông Sáu Thọ nói với mẹ tôi:

– Anh Ba thương chị vì biết chị là người chung thuỷ, sống có tình. Tổ chức xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý. Ý chị thế nào?

Thế là một đám cưới rất kháng chiến được tổ chức. Những ngày tháng đầu tiên được làm vợ, bà không chỉ được gần gũi một nhà cách mạng cao cả mà ông còn dành cho bà một tình yêu chân thành và hết sức hồn nhiên thơ trẻ. Khi mẹ tôi mang thai chị Vũ Anh, có đêm bà nằm mơ được ăn quả xoài xanh khiến tỉnh dậy thèm chảy nước miếng. Bà kể với ông. Vậy mà trưa đi họp về ông đã cố tìm đâu được trái xoài tượng đem về cho vợ…

Năm 1952, mẹ tôi sinh chị Lê Thị Vũ Anh. Năm 1954, mẹ tôi có mang tôi. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết. Tất cả cán bộ lãnh đạo Cộng sản miền Nam phải quay ra Bắc theo nghị quyết Hiệp định gọi là Tập kết. Gia đình tôi đứng đầu danh sách này.

Ba tôi nghĩ: nếu tất cả lãnh đạo Xứ uỷ đều ra Bắc thì sự nghiệp cách mạng miền Nam sẽ khó khăn, mục tiêu giải phóng, thống nhất sẽ vô cùng xa vời. Ông liên tục gửi ba bức điện cho Bác Hồ xin ở lại miền. Bác và Trung ương đồng ý nhưng phải giữ bí mật.

Mẹ tôi kể đó là một đêm mùa đông. Bà đang có mang tôi, khệ nệ những túi, bì, tay nải tư trang và bế trên tay đứa con ba tuổi theo chồng lên con tàu Kéreinski quốc tịch Ba Lan chở 2000 con người về Bắc. Đúng 12 giờ đêm, khi chỉ còn vài tiếng nữa tàu nhổ neo thì ba tôi phải quay lại bờ. Ông nói với bà: “Anh thương mẹ con em bao nhiêu thì anh cũng thương đồng bào đồng chí miền Nam bấy nhiêu. Anh mong rằng sau này em sẽ hiểu quyết định hôm nay của anh!”.

Bà không dám tiễn ông giây phút cuối nhưng bà vẫn nghe thấy tiếng ca nô áp sát mạn tàu đón chồng tiến vào màn đêm mịt mùng trắc ẩn. Ba tôi nói với các đồng chí: 20 năm nữa chúng ta mới có thể gặp nhau…

Xem thêm  Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các ngày lễ trong năm 2019

Mẹ tôi ra Hà Nội ít lâu thì tôi ra đời. Nhật ký mẹ tôi viết: “11 giờ trưa ngày 17/4/1955, sinh Kiên Thành. Kiên Thành tức là kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Đó là ý chí của toàn dân và cũng là của ba con nữa… Kiên Thành sinh thiếu 23 ngày, nặng 2,2 ký. Không nuôi con được tròn những ngày trong bụng, mẹ sẽ ráng nuôi con ở ngoài đời vậy…”. Thật lạ kỳ, đúng 20 năm sau cũng vào những ngày tháng tư chan hoà nắng mới, đất nước hoàn toàn thống nhất, ý nguyện “Kiên Thành” của dân tộc và ba mẹ tôi đã thành sự thật.

Năm 1957, ba tôi ra Hà Nội. Trước ngày đoàn tụ, nhiều cán bộ nói với mẹ tôi: Hãy chủ động ly dị ba tôi. Vì ông đã có một bà vợ ở quê nhà…

Mẹ tôi đau khổ và căng thẳng tột độ. Khi bà thổ lộ với ba tôi, ba tôi nói: anh nhất quyết không chấp nhận quan điểm đó. Chúng ta là những người Cộng sản, chúng ta đã cưới nhau do tổ chức sắp đặt, Bác Hồ cũng đồng ý. Người Cộng sản có lý tưởng, tôn trọng tổ chức thì cũng phải có thuỷ chung, tình nghĩa…”.

Câu trả lời khẳng khái của ba tôi làm bà rất hạnh phúc. Thế nhưng ông bà cũng chỉ được ở bên nhau ít tháng. Tuy không phải ly dị nhưng mẹ tôi cũng phải nhận nhiệm vụ công tác tận Bắc Kinh, Trung Quốc chưa biết ngày về. Khi đó bà cũng có mang. Và giữa vùng tuyết lạnh, xứ người, mẹ tôi lại một lần đơn độc sinh con …

Cuối năm 1962 mẹ tôi từ Trung Quốc về Hà Nội. Bà chưa thể được ở HN cùng chồng mà phải về Hải Phòng làm Uỷ viên Ban Biên tập báo Hải Phòng. Bốn mẹ con sống trong một gian nhà cấp 4 do Thành uỷ cấp. Thỉnh thoảng ba tôi tranh thủ xuống thăm nhưng không lần nào bà không phải rơi nước mắt vì câu chuyện một chốn đôi nơi của ba tôi…

Trước khi ở Trung Quốc về, bà đã viết một lá thứ dài 4 trang cho bà Sương (vợ cả ba tôi). Lời thư rất mộc mạc chân thành. Bà nhận cha tôi như người anh cả, bà Sương là người chị thứ hai. Mọi người sống yêu thương nhau như ruột thịt và đều chung lý tưởng cách mạng. Vậy nên ba anh chị em có thể sống cùng nhau trong một mái nhà… Thế nhưng, đến giờ phút này bà biết giấc mơ đó khó thành. Bà quyết định về Nam công tác.

Trước ngày đi, mẹ tôi sống ở số 4 phố Bà Huyện Thanh Quan, thỉnh thoảng chúng tôi mới được tới thăm mẹ. Bà kể, sau bữa tiệc tiễn đưa, ba tôi động viên: “Thôi cuộc đời chúng mình đã như vậy, hãy lấy lý tưởng sự nghiệp làm chính. Như vậy chúng ta vẫn gần nhau.”.

Chúng tôi không biết trước ngày mẹ đi, thỉnh thoảng trốn người lớn, chạy chơi rẽ vào nơi bà ở. Thấy cửa khoá chỉ dám nhìn qua khe. Một hôm, tôi thấy căn phòng trống hươ trống hoác thì biết mẹ đã đi rồi. Sau này tôi được một chú cán bộ chứng kiến cảnh bà ra đi kể lại:

Xem thêm  "Cậu sửa xe" khiến GS Hồ Ngọc Đại tự hào hơn Ngô Bảo Châu, là tay đua số 1 Việt Nam

Đêm khuya, bất ngờ hai chiếc xe tải lớn bịt mui đỗ chắn trước cửa ngôi nhà mẹ tôi. Hai xe đứng đối đầu và cách nhau chừng 20 mét. Cả hai cùng bật đèn pha sang quắc chiếu vào nhau khoảng 5 phút rồi bất ngờ tắt phụt. Trong màn đêm đặc quánh, mẹ tôi được vội vã đưa lên một chiếc xe nào đó mà người đứng ngoài không thể biết. Hai chiếc xe rú ga phóng về hai ngả. Trong đó một chiếc chở mẹ tôi. Bà ra Hải Phòng, lên tàu Không số sang đảo Hải Nam, đánh lạc hướng địch rồi mới xuôi Nam.

Lá thư đầu tiên tôi nhận được từ bà vào năm 1965. Bà kể đang ở rừng U Minh. Cuộc sống nhiều gian nan nguy hiểm. Thương nhớ các con nên bà đã bạc tóc rồi. Bà sợ nhất là muỗi. Trong thư bà kẹp một con muỗi khô to tướng và một sợi tóc bạc.

Tôi nhìn mà không cầm được nước mắt. Bà kể rằng, trong này bọn giặc vẽ hình bà cao 1,6m rộng 1,2m ở các chợ Rạch giá, Cần Sỏi, Cần Thơ với hàng chữ “Tên thật là Nguyễn Thuỵ Nga, tên mới là Nguyễn Thị Vân, vợ của lãnh tụ số 1 Cộng Sản Bắc Việt về nằm vùng…” kèm theo tiền thưởng cho ai bắt được.

Đúng 10 năm xa cách, năm 1974 khi đang học ở Liên Xô thì tôi được đón bà giữa sân bay Mát-xkơ-va mênh mông tuyết trắng. Mẹ tôi tiều tuỵ và mang nặng dấu ấn sốt rét rừng trên gương mặt tím tái đến quặn lòng. Bà kể bà đã đi dọc đường Trường Sơn ra bắc lúc nào cũng có ý tìm con chỉ để dặn rằng: cuộc chiến đấu này gian khổ, tàn khốc muôn phần, con không được chủ quan…

Ra tới HN ba mẹ tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi thế nhưng hạnh phúc chưa tròn bà lại phải sang Liên Xô chữa bệnh. Bà về HN, nhưng những mầm bệnh quái ác chưa hết, bà lại được đưa đi Cộng hoà dân chủ Đức.

Đúng năm ấy, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Thế là suốt 10 năm gian khổ nhất cuộc chiến, bà đã ở đó nhưng ngày giải phóng thì bà ở tận bên kia quả địa cầu. Bà về nước, những đau thương, bất hạnh đã ngừng lại. Những chia ly, tan vỡ được dịp chữa lành. Dân tộc, gia đình, tình bạn, tình yêu được ngày sum họp. Nhưng với bà giấc mơ một mái ấm gia đình sống bên chồng và những đứa con yêu vẫn không thể thành sự thật. Miền Nam lại gọi bà, hay đúng hơn bà lại phải tìm đến một nơi xa xôi nhất với những người bà yêu thương.

Mục đích cuối cùng vẫn là để ba tôi có một cuộc sống thuận lợi hơn, toàn tâm toàn ý hơn khi phục vụ cách mạng. Cuối đời, ba tôi nói sẽ về Nam nghỉ những năm còn lại. Bà đã chờ nhưng cũng như bao nhiêu lần chờ đợi khác, ba tôi không thể về bên bà, cho đến khi ông ấy ra đi vĩnh viễn. Vậy là tình yêu của bà mãi mãi không có ngày thống nhất.

Kiên Thành – Theo Soha/Trí thức trẻ

Link gốc