“Cái mà FPT rất ngạc nhiên về Vingroup là tốc độ xây dựng. Chúng tôi đến một tòa nhà của Vingroup mà chỉ một tuần nữa là khai trương, lúc đó rất bừa bộn và công việc không thể nào trong một tuần làm được cả. Nhưng một tuần sau là xong”.
Mới đây, trong một hội thảo diễn ra Hà Nội, ông Trương Gia Bình – chủ tịch FPT chia sẻ về Big Fast Result (BFR), phương pháp của chính phủ Malaysia giúp hoàn thành những kế hoạch lớn trong thời gian ngắn. Trong hội thảo, chủ tịch FPT nhắc đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup như một ví dụ về “tốc độ” trong việc hoàn thành kế hoạch.
“Cái mà FPT rất ngạc nhiên về Vingroup là tốc độ xây dựng. Chúng tôi đến một tòa nhà của Vingroup mà chỉ một tuần nữa là khai trương, lúc đó rất bừa bộn và công việc không thể nào trong một tuần làm được cả. Nhưng một tuần sau là xong,” ông Bình kể.
Theo ông Trương Gia Bình, việc xây nhà “tốc độ cao” của Vingroup một phần do cách giao việc chi tiết của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Từng trò chuyện với người đứng đầu Vingroup, ông Trương Gia Bình cho biết:
“Ông Vượng giao một hợp đồng là không giao một tổng hợp đồng mà giao cho công việc của mỗi công nhân theo ngày: Thợ trát mỗi ngày được bao nhiêu mét vuông. Đến ngày ấy ra kiểm tra, nếu mà không được chừng đó mét vuông thì trừ thưởng.”
“Nói chung ký hợp đồng thì có lợi nhuận cao, nhưng nếu không làm đúng thời hạn thì lỗ,” ông Trương Gia Bình kể.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ tại hội thảo
Theo ông Bình, kế hoạch chi tiết là yếu tố quan trọng để làm nhanh việc lớn. Ông Bình kể về cách xây dựng kế hoạch của chính phủ Malaysia:
“Họ nghĩ ra một phương pháp gọi là Lab – phòng thí nghiệm. Thông thường, phòng thí nghiệm này làm việc từ 6 – 9 tuần. Trong 6 – 9 tuần, họ ra được 1m hồ sơ. Chi tiết đến mức mà mỗi người biết làm gì, khi nào, làm như thế nào trong tuần.”
Theo ông Bình, tại Việt Nam, ý tưởng lớn thì nhiều nhưng kế hoạch chi tiết để thực hiện thì không có, cứ làm từng bước từng bước. “Các đề án thất bại là do không có kế hoạch chi tiết. Mình cứ vẽ ra một bức tranh thật to, nhưng ngày mai mình không biết làm gì, thì chẳng bao giờ thành được.”
“Các đề án thất bại là do không có kế hoạch chi tiết.”
Có nội dung công việc chi tiết rồi thì phải có KPI chi tiết. “Chúng ta mà không có chỉ tiêu cụ thể, rất khó làm. Cứ phải mục đích rõ.
Bán hàng bán cho bao nhiêu khách hàng trong ngày, doanh số bao nhiêu, phải theo dõi được.” “Phải có những chỉ số thay đổi hàng tuần,” ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều người đã biết đến câu: “Good things take time” – Những điều tốt đẹp cần thời gian, nhưng theo phần trình bày của ông Trương Gia Bình về phương pháp BFR thì, “những việc lớn có thể làm rất nhanh, có kết quả ngay.”
Chủ tịch FPT cho biết phương pháp này được nghĩ ra khi trong giai đoạn khó khăn của chính phủ Malaysia, từng giúp nước này giải quyết nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường… Nhưng ông Bình nhận định BFR không chỉ áp dụng cho chính phủ, các vấn đề xã hội mà còn có thể áp dụng được trong doanh nghiệp với các mục tiêu thương mại.
Cụ thể 8 bước trong mô hình BFR mà ông Trương Gia Bình chia sẻ:
Để có thể hoàn thành mục tiêu lớn trong một thời gian ngắn, ngoài lập kế hoạch chi tiết, ông Bình còn nhấn mạnh vai trò của truyền thông – để kế hoạch lớn “đạt được một mức độ chia sẻ rộng rãi.” Ngoài ra, ông Bình đúc kết những yếu tố quan trọng trong phương pháp BFR: phải có khát vọng lớn và sự cam kết của người đứng đầu.
“Mật mã BFR – Bài học từ đất nước Malaysia” là hội thảo khởi đầu cho chuỗi hội thảo quản trị hàng tháng của FPT School of Business (FBA) dành cho học viên MBA, MiniMBA của FSB và các thành viên của Cộng đồng Doanh nhân FBiz. Hội thảo mang lại cơ hội gặp gỡ những người thầy lớn học, những bài học lớn cho các nhà quản trị doanh nghiệp Việt.
theo Trí thức trẻ