Thứ bảy, Tháng mười 19
Shadow

Ông Võ Quang Huệ – người được Vingroup tín nhiệm “chọn mặt gửi vàng” cho dự án ô tô VinFast là ai?

Một nhà lãnh đạo thông hiểu tiêu chuẩn Đức, dạn dày kinh nghiệm với công nghiệp chế tạo và ô tô.

Võ Quang Huệ, vingroup, vinfast, nhà lãnh đạo, tiêu chuẩn Đức,

Thông tin được bàn tán sôi nổi nhất trong những ngày lễ vừa qua có lẽ không gì khác chính là sự kiện Vingroup khởi công nhà máy sản xuất ô tô VinFast. Bên cạnh những số liệu cơ bản về kế hoạch của dự án, một trong những thông tin đáng lưu tâm là việc Vingroup đã chiêu mộ được Tổng giám đốc của Robert Bosch Việt Nam – ông Võ Quang Huệ, về làm “tướng” cho dự án táo bạo này.

Thông tin xác nhận về việc về Vingroup cũng được chính ông Võ Quang Huệ xác nhận trên trang cá nhân “tôi cũng muốn nhân cơ hội này để thông báo cho bạn rằng tôi sẽ gia nhập VinGroup với tư cách là Phó Tổng Giám đốc ngành Ô tô, giám sát dự án VinFast này, bắt đầu cách đây vài ngày”.

Vậy “vị tướng” mới của VinFast là ai? Tại sao lại được Vingroup tín nhiệm chọn mặt gửi vàng vào dự án ô tô đầy táo bạo của mình?

Thông hiểu tiêu chuẩn Đức, dạn dày kinh nghiệm với ô tô

Ông Võ Quang Huệ sinh năm 1952 tại Quảng Nam. Ông sang Đức học từ năm 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen, rồi ở lại Đức làm việc tại Tập đoàn BMW từ năm 1980.

Năm 1993, sau 14 năm làm việc cho BMW, ông Huệ về Việt Nam với vai trò Trưởng đề án đưa BMW vào thị trường Việt Nam. Lúc đó ông cũng muốn ở lại quê hương, nhưng rồi ông nhận thấy thời cơ chưa chín muồi.

Sau đó, ông đảm nhiệm chức vụ Trưởng đại diện Tập đoàn BMW ở Ai Cập trong 6 năm trước khi trở về Việt Nam làm việc cho Bosch vào tháng 8/2006.

Nói về cơ duyên đến với Bosch, với ông Huệ là một sự tình cờ. Trên một chuyến bay “định mệnh” từ Ai Cập về Singapore năm 2006, khi đang làm Tổng đại diện của BMW tại Ai Cập, ông Huệ gặp người quản lý của Tập đoàn Robert Bosch, đang muốn mở rộng thị trường ở châu Á. Lời mời được phía Robert Bosch đưa ra và ông Huệ gật đầu.

Là người “mang” Robert Bosch, tập đoàn hàng đầu của Đức, vẫn được biết đến với thương hiệu nổi tiếng Bosch, về Việt Nam, ông Võ Quang Huệ chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam từ ngày 1/2/2008.

Nhà máy của Robert Bosch đặt ở Khu công nghiệp Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Để có được cơ ngơi này, ông Huệ phải dành cả năm trời để chuẩn bị và làm thủ tục cho việc thành lập Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, 100% vốn nước ngoài, với vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn 1 triệu USD. Và phải đến khi Công ty được thành lập, ông Võ Quang Huệ mới chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam.

Xem thêm  Báo quốc tế nói gì về xe VinFast sắp ra mắt?

Gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp chế tạo giúp ông Huệ vạch ra những bước đi tiếp theo cho Robert Bosch rất bài bản: xây dựng nhà máy chuyên sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục dùng trong hộp số tự động ô tô.

Ông Huệ lo làm thủ tục đầu tư đến xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh, đến tháng 5/2008, Robert Bosch nhận giấy chứng nhận đầu tư để mở nhà máy tại Đồng Nai. Vốn đầu tư ban đầu chỉ là 52 triệu EUR, nhưng rồi chỉ 1 năm sau đó, nâng lên thành 100 triệu EUR.

“Robert Bosch lúc ấy muốn phát triển sang thị trường châu Á – Thái Bình Dương, với mục tiêu sản xuất dây đai truyền lực để xuất khẩu sang Nhật Bản, vì thế, họ có rất nhiều lựa chọn đối với các nước trong khu vực. Nhưng cuối cùng, quyết định đã được đưa ra: Việt Nam”, ông Huệ kể lại trên báo Đầu tư nhiều năm trước.

Người dựng nền móng

Trong những tháng ngày đầu tiên đầy những khó khăn và thử thách, ở vị trí CEO, ông Huệ phải làm sao để cả một guồng máy, từ những thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, đến hệ thống cán bộ, nhân viên trên văn phòng lẫn trong nhà máy… vận hành suôn sẻ.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 6 năm làm việc ở Robert Bosch Việt Nam, ông Huệ cho biết, đó có lẽ là thời điểm lô hàng đầu tiên xuất xưởng – khoảng giữa tháng 9/2008. “Cảm giác lúc ấy… sướng lắm, chỉ xuất khẩu được vài nghìn cái, nhưng đó là những sản phẩm dây đai truyền lực biến đổi ‘made in Vietnam’ đầu tiên”.

Để sản xuất sản phẩm này, toàn bộ hệ thống thiết bị, máy móc của nhà máy được trang bị công nghệ hiện đại nhất. Trên toàn cầu, hiện mới chỉ có Tập đoàn Robert Bosch sản xuất và cung cấp sản phẩm kỹ thuật cao này.

Đó là lúc Việt Nam có tên trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Robert Bosch. Sản phẩm của Robert Bosch tại Việt Nam chẳng thua kém chất lượng sản phẩm của Tập đoàn ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, được xuất khẩu sang Nhật Bản và có mặt trong các sản phẩm ô tô của các hãng sản xuất ô tô lừng danh thế giới.

Xem thêm  Ông Võ Quang Huệ về Vinfast, chiến tướng đầu tiên được ông Phạm Nhật Vượng “chiêu dụ”

“Điều khiến tôi mừng hơn cả, là Robert Bosch giờ được biết đến như một doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Hơn thế, còn hoạt động trong cả ba lĩnh vực: sản xuất, thương mại và nghiên cứu phần mềm”, ông Huệ tự hào.

Được miêu tả là người có dáng vẻ tất bật, chân chất, không giống CEO của một trong những công ty hàng đầu thế giới ở Việt Nam, khi được hỏi về mình, ông chỉ từ tốn cho rằng, bản thân “là người hết lòng vì công việc, kiên quyết theo đuổi những mục tiêu mình đề ra. Quan trọng là tinh thần lạc quan và ý chí tiến lên”.

Nhà máy của Robert Bosch tại Việt Nam, dù thành lập sau, nhưng đã rất nhanh chóng trở thành nhà máy hàng đầu của Tập đoàn ở khu vực Đông Nam Á. Sau 10 năm lãnh đạo Bosch Việt Nam, ông đã giúp Bosch trở thành một trong những công ty sản xuất linh kiện ô tô chất lượng thế giới lớn nhất Việt Nam.

Ngoài sản xuất, hiện tại Bosch còn mở rộng thêm 3 lĩnh vực khác: nghiên cứu – phát triển, kinh doanh và dịch vụ. Bên cạnh đó, Bosch đang vận hành 2 trung tâm: Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp; Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ ô tô tại TP HCM.

Giấc mơ phát triển quê hương

Với những thành tựu đã đã đạt được, việc rời Robert Bosch để trở thành người đứng đầu dự án VinFast của ông Huệ hẳn đã khiến doanh nghiệp Đức phải nuối tiếc, và chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp “lo lắng”.

Còn nhớ 5 năm trước, tại buổi phỏng vấn với tờ Đầu tư, ông Huệ từng lắc đầu quả quyết khi được hỏi về việc “có bao giờ nghĩ đến chuyện rời khỏi Robert Bosch”, ông lắc đầu quả quyết, bởi vẫn còn rất nhiều mục tiêu đang đeo đuổi: hoàn thành kế hoạch mở rộng đầu tư, phát triển trung tâm R&D… Ông quan niệm “cống hiến hết mình cho sự phát triển của Robert Bosch là quan trọng, nhưng quan trọng không kém, là sự phát triển của quê hương Việt Nam”.

Dự án ô tô VinFast sẽ là thách thức mới với người đàn ông gốc Quảng Nam ở tuổi ngoại lục tuần. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội lớn để tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ “phát triển quê hương Việt Nam” của Võ Quang Huệ.

 

Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp