Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Park Hang-seo: Từ người gánh tội quê nhà đến chức vô địch AFF Cup

Từng bị sa thải ê chề ở Hàn Quốc, thầy Park bây giờ trở thành biểu tượng chiến thắng của bóng đá Việt Nam với chức vô địch AFF Cup 2018.

Ngày 18/10/2002, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) tổ chức cuộc họp kéo dài bốn tiếng. Kết quả sau đó được đăng trên hàng loạt đầu báo lớn xứ kim chi với tiêu đề: “Park Hang-seo bị sa thải”.

Tám ngày trước đó, Hàn Quốc thua Iran trong loạt đá luân lưu ở bán kết Asiad (diễn ra ở thành phố Busan, Hàn Quốc). Lee Young-pyo – một trong những người hùng ở World Cup 2002 – sút đúng vào điểm nối xà ngang và cột dọc, đưa bóng bay lên trời. Trên ghế chỉ đạo, ông Park thất thần. Với đội tuyển vừa vào bán kết World Cup như Hàn Quốc, thành tích của đội trẻ cần phải tương xứng hoặc không kém quá xa. Đằng này, họ ngã ngựa ngay trước thềm chung kết. Đó hiển nhiên là một thất bại.

thầy Park

HLV Park chỉ giúp Olympic Hàn Quốc đoạt HC đồng tại Asiad 2002.

Quyết định của KFA đã được dự đoán từ trước. Có một kịch bản quen thuộc theo quan hệ nguyên nhân – kết quả trong bóng đá. Đó là nếu đội bóng không đạt kỳ vọng, HLV trưởng sẽ phải “giơ đầu chịu báng”. Nhưng, giới chuyên môn đã dự đoán tương lai màu xám với HLV Park ngay cả khi ông mới được KFA bổ nhiệm.

Park là trợ lý thân tín của HLV Guus Hiddink tại bán kết World Cup tháng bảy năm đó. Trên sân nhà, Hàn Quốc đi một mạch đến bán kết và bỏ lại những đối thủ mạnh như Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha. Thầy trò Hiddink chỉ dừng bước ở bán kết do thua Đức với tỷ số tối thiểu. Thành tích đó giúp Hiddink trở thành nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử thể thao Hàn Quốc, còn vai trò của trợ lý số một – Park – cũng không thể phủ nhận. Sau World Cup, Hiddink về Hà Lan dẫn dắt PSV Eindhoven theo giao kèo từ trước. Ông Park được nhấc lên vị trí HLV trưởng đội Olympic. KFA cam kết để Park dẫn dắt cho đến sau Olympic 2004 tại Athens.

Trong lễ ra mắt của Park, một bình luận viên nổi tiếng đã cất lời trên sóng toàn quốc: “Park sẽ không bao giờ trở thành Hiddink được, ngay cả nếu đoạt huy chương Olympic. Ông ấy giống như người gánh tội của Hiddink. Nhưng, không phải người Hàn Quốc nào cũng nhận ra”.

Chiến tích của Hàn Quốc tại World Cup truyền cảm hứng cho nhiều người, để lại dư vị đến tận hôm nay. Nhưng thành công được ví như “phép màu của Hiddink” bị trộn lẫn bởi những tiếng còi méo trên sân cỏ và bê bối sau hậu trường. Giới chuyên môn sớm nhận ra kỳ vọng người hâm mộ dành cho bóng đá Hàn Quốc bị thổi phồng. Hiddink ra đi trong vinh quang và bỏ lại bong bóng chỉ chực vỡ tung.

Park mang theo tấn áp lực vào Asiad. Lối đá phòng ngự phản công của Hàn Quốc tại World Cup được truyền tải ở Asiad, thông qua ông. Hàn Quốc chỉ thủng lưới hai bàn qua sáu trận tại giải, và sạch lưới ở vòng knock-out. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để ông giữ chiếc ghế HLV trưởng đầu tiên trong sự nghiệp. Từ vai trò người hùng ở World Cup, ông bị biến thành vật tế thần.

Xem thêm  Sống sót sau cháy rừng, chú chó ở California vẫn về nhà cũ chờ chủ

Mới vài tháng trước khi bị sa thải, Park còn được ví như thủ lĩnh ngầm của Hàn Quốc tại World Cup. Sau khi Hwang Sun-hong mở tỷ số ở trận ra quân gặp Ba Lan, anh chạy đến khu huấn luyện để ôm trợ lý Park, chứ không phải HLV trưởng Hiddink. Bản thân Hiddink sau trận cũng hôn liền mấy cái lên trán của Park để mừng thắng lợi. Cử chỉ tình cảm đó xuất hiện quá nhiều trên tivi khiến vợ ông Park – bà Choe Sang-ah – phát ghen. “Tôi cứ tưởng tôi là người duy nhất được phép hôn lên trán chồng”, bà hóm hỉnh nói.

Được xem như bộ não trong chiến tích của Hàn Quốc, nhưng ông Park không bao giờ thừa nhận. “Tôi không phải thủ lĩnh ngầm, và chưa thể sánh với Hiddink. Tôi chỉ thường mổ băng trận đấu ba lần để tìm ra yếu, nhược điểm của đội và chuẩn bị cho trận kế tiếp”, ông nói vào hè 2002. Nhưng đến khi thành công cùng bóng đá Việt Nam, ông lại coi trợ lý Lee Young-jin là bộ não.

thầy Park

Hiddink hôn lên trán trợ lý Park tại World Cup 2002.

Triết lý bóng đá và cung cách huấn luyện của HLV Park được định hình từ khi ông còn trẻ. Trước khi theo nghiệp quần đùi áo số, ông là sinh viên khoa giáo dục thể chất của đại học y tế Hanyang niên khóa 1977-1981. Học tập trong môi trường ngành y giúp ông chú trọng hơn đến yếu tố thể lực. Chàng cử nhân giáo dục thể chất cũng tỏ ra tâm lý trong việc xây dựng quan hệ thầy – trò.

Trong khi các HLV ngoại đều chê cầu thủ Việt Nam thể lực kém và cần cải thiện, Park chưa bao giờ nói như vậy. “Cầu thủ Việt Nam có một số đặc điểm không thua kém Hàn Quốc, đó là tốc độ, kỹ thuật và phần nào là thể lực”, ông nói trong phỏng vấn trực tuyến tại VnExpresstháng 1/2018. Nhà cầm quân 59 tuổi luôn đánh giá cao học trò, để giúp cầu thủ tự tin để phát huy tối đa khả năng. Quả thực, đội bóng nếu bị coi là yếu thể lực chắc chắn không thể đặt ra chiến thuật bùng nổ ở cuối trận như khi gặp Philippines ở bán kết lượt về AFF Cup.

Ông cũng khiêm tốn chối bỏ công lao giúp cải thiện thể lực cho tuyển Việt Nam. “Tôi chỉ khuyên họ uống sữa và ăn thêm đậu phụ, đồng thời có chế độ ăn uống hợp lý sau trận đấu”, ông bổ sung. Với ông Park, chất đạm đóng vai trò then chốt trong dinh dưỡng thể thao. Được bổ sung nhiều đạm sẽ giúp cơ bắp săn chắc hơn, tạo lợi thế trong môn thể thao đấu kháng mạnh như bóng đá. Khi còn là cầu thủ, ông Park chỉ cao 1m66 nhưng được đồng đội đặt biệt danh là “Akbari”. Đó là tên gọi dựa theo món ăn giàu đạm, với thịt bò nướng ăn kèm trứng ốp la. Họ hiểu rằng ông Park luôn có năng lượng để quần thảo trên sân cỏ.

Xem thêm  Nếu hôm nay U23 Việt Nam "bước hụt" trước UAE

Vị trí thi đấu của ông Park là tiền vệ trung tâm. Ông nổi bật với lối chơi đơn giản mà hiện đại, đó là chuyền bóng nhiều và nhanh. Tuyển Việt Nam đang mang dáng dấp của ông Park ngày nào. Các tiền vệ trung tâm không cần thể hình tốt, nhưng có ý chí chiến đấu và luân chuyển bóng ở tốc độ cao. Hùng Dũng, Đức Huy hay Quang Hải là mẫu tiền vệ điển hình với HLV Park.

thầy Park

Khi còn thi đấu, ông Park là tiền vệ nhỏ con nhưng giàu thể lực.

HLV Park và tuyển Việt Nam đã tạo nên sự hòa quyện tuyệt đối. Khi ông Park ra mắt người hâm mộ Việt Nam tháng 10/2017, không ai dám chắc tương lai của ông với đội tuyển sẽ có màu gì. Nhưng sau khi đưa đội U23 vào chung kết châu Á, đội Olympic vào bán kết Asiad và đội tuyển vô địch AFF Cup, ông Park đã trở thành ân nhân của bóng đá Việt Nam. “Phép màu Park Hang-seo” tác động ngược lại về Hàn Quốc. Các trận đấu của Việt Nam được chiếu trực tiếp trên đài SBS và mang lại tỷ suất người xem kỷ lục. HLV Park cũng trở thành nhân vật tiêu biểu trong năm của Hàn Quốc, theo bình chọn của Hiệp hội báo chí.

Tại AFF Cup 2018, Thái Lan với chiều cao trung bình đội hình xấp xỉ 1m80, nhưng phơi bày nhiều lỗ hổng về tư duy kỹ, chiến thuật. Malaysia có sức mạnh tinh thần nhưng chỉ biết tấn công biên và đua thể lực. Còn Việt Nam mỗi trận đấu luôn mang lại những bất ngờ sự gắn kết trong phòng ngự và đường nét trong phản công. Và “trong tay áo” ông Park luôn còn những ngón nghề mà tùy vào đối thủ, ông sẽ tung ra áp dụng. Đó là kinh nghiệm đúc kết được từ một nhà cầm quân gần 30 năm kinh nghiệm – nơi ông dẫn dắt nhiều đội bóng và thường thành công hơn với những đội nhiều tiềm năng, chứ không phải đội có số má.

thầy Park

HLV Park trở thành ân nhân của bóng đá Việt Nam mà ít ai ngờ tới. Ảnh: Đức Đồng.

“Tôi không hiểu sao bản thân là người được chọn của Việt Nam”, HLV Park từng nói. “Hàn Quốc đang có nhiều HLV trẻ tài năng hơn. Tuổi của tôi có lẽ nên tính đến giải nghệ. Nhưng, khao khát ra nước ngoài cầm quân vẫn như ngọn lửa hừng hực trong lòng tôi, và bây giờ điều đó đã thành hiện thực”.

Hôm nay, trong cuộc đời chinh chiến, ông đã có chức vô địch đầu tiên với một đội tuyển quốc gia. Đôi khi hạnh phúc thường đến bất ngờ, như chuyện tình giữa Ngài Park và bóng đá Việt Nam vậy.

Xuân Bình – theo VnExpress

Link