Chủ Nhật, Tháng mười một 17
Shadow

Pháp bị kiện lên tòa quốc tế vì ‘tội ác chống lại nhân loại’

Đơn kiện yêu cầu tất cả tổng thống Pháp còn sống phải chịu trách nhiệm vì những vụ thử nghiệm hạt nhân ở nam Thái Bình Dương.

pháp

Cựu lãnh đạo Polynesia Oscar Temaru (ngoài cùng bên trái) phát biểu trong lễ tượng niệm nạn nhân của những vụ thử nghiệm hạt nhân năm 2014. Ảnh: AFP.

“Nghĩa vụ và quyết tâm của chúng tôi khi kiện Pháp ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) vì những tội ác chống lại nhân loại mang ý nghĩa lớn lao”, Oscar Temaru, cựu lãnh đạo vùng Polynesia thuộc Pháp hôm 9/10 tuyên bố tại Liên Hợp Quốc, theo AFP.

Theo Temaru, đơn kiện đã được gửi đến trụ sở của ICC ở Hague, Hà Lan, tố cáo những “tội ác” của Pháp khi tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân ở nam Thái Bình Dương. “Vụ kiện nhằm mục đích buộc tất cả tổng thống Pháp còn sống phải chịu trách nhiệm về những vụ thử hạt nhân chống lại chúng tôi”, Temaru nói thêm.

Temaru cũng cáo buộc Pháp “phớt lờ” đề nghị trao trả độc lập cho Polynesia kể từ năm 2013 tại các hội nghị ở Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi nợ điều này với tất cả những người đã chết vì hậu quả của chủ nghĩa thực dân hạt nhân.”

Polynesia là một vùng lãnh thổ thuộc Pháp với dân số khoảng 290.000 người, nổi tiếng với đảo du lịch Tahiti. Tuy nhiên, đảo san hô Mururoa và Fangataufa của Polynesia là nơi Pháp từng tiến hành 193 thử nghiệm hạt nhân trong ba thập kỷ cho đến khi tổng thống lúc bấy giờ là Jacques Chirac chấm dứt chương trình hạt nhân vào những năm 1990.

Xem thêm  Nghi ngờ MH370 rơi trong rừng nhiệt đới ở Campuchia, chuyên gia Anh quyết tâm giải mã

pháp

Một vụ thử nghiệm hạt nhân của Pháp ở Polynesia tháng 10/1966. Ảnh: AFP.

Ngoài Polynesia, Pháp cũng tiến hành 17 thử nghiệm hạt nhân ở sa mạc Sahara, châu Phi với sự tham gia của 150.000 nhân viên quân sự và dân sự từ 1960 đến 1996. Hàng nghìn người sau đó đã gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chỉ khoảng 20 trong số 1.000 người nộp đơn kiện Pháp nhận được bồi thường.

Pháp từ lâu đã phủ nhận trách nhiệm về hậu quả sức khỏe và môi trường của những cuộc thử nghiệm vì lo ngại việc thừa nhận sẽ làm suy yếu chương trình hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Đến năm 2010, chính phủ Pháp mới thông qua đạo luật bồi thường cho những cựu binh và dân thường bị ung thư vì chương trình thử nghiệm hạt nhân.

Huyền Lê Vnexpress

Link gốc